Khi nào bạn cần đi khám chuyên khoa Tâm thần kinh
KHI NÀO BẠN CẦN ĐI KHÁM CHUYÊN KHOA TÂM THẦN KINH
Nhiều người nghĩ rằng chỉ khi bị bệnh tâm thần “hâm hâm dở dở” mới cần khám chuyên khoa tâm thần kinh. Trên thực tế, tình trạng buồn bã hoặc lo lắng quá mức là biểu hiện của các vấn đề tâm thần cần được can thiệp bằng phương pháp điều trị như dùng thuốc hoặc liệu pháp tâm lý.
Bác sĩ tâm thần được đào tạo về tất cả các khía cạnh tâm thần, có kinh nghiệm trong trong quản lý và sử dụng thuốc để cung cấp sự hỗ trợ và hướng dẫn cho bệnh nhân. Nếu bạn đang bị rối loạn sức khỏe tâm thần thì việc gặp bác sĩ khoa tâm thần kinh để được trị liệu tâm lý và điều trị bằng thuốc (nếu cần) sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn.
Dưới đây là những trường hợp mà bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh:
Nội Dung Chính
1. Căng thẳng thường xuyên
Căng thẳng là phản ứng của cơ thể đối với các tình huống áp lực hoặc nguy hiểm. Về một khía cạnh nào đó, căng thẳng có lợi vì nó giúp bạn có thêm năng lượng và sự tập trung để giải quyết vấn đề. Nhưng nếu căng thẳng trở thành mạn tính, nó không chỉ tác động tiêu cực đến thể chất như đau đầu, gây ra các vấn đề tiêu hóa và giấc ngủ; mà còn gây ra một loạt các vấn đề về sức khỏe tâm thần, bao gồm rối loạn lo âu và trầm cảm.
Hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh nếu bạn thường xuyên căng thẳng và không thể thư giãn. Đặc biệt là khi bạn có cảm giác bị trầm cảm, hoảng loạn hoặc suy nghĩ đến việc tự tử.
2. Thường xuyên lo lắng và lo lắng thái quá
Trước những sự kiện quan trọng hoặc không thể biết trước kết quả, chúng ta thường cảm thấy lo lắng với biểu hiện tim đập nhanh, đổ mồ hôi. Tình trạng này hoàn toàn bình thường vì nó là một phản ứng của não bộ trước áp lực và nguy hiểm.
Nhưng nếu bạn đang lo lắng thái quá trước những sự kiện không đáng để lo lắng hoặc thường xuyên cảm thấy lo lắng mà không rõ lý do thì hãy cẩn thận. Những cơn lo lắng có thể đang trở thành chứng rối loạn lo âu mà bạn không thể nào kiểm soát được.
Hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần nếu bạn bị lo lắng quá mức trên một tháng và nó gây cản trở đáng kể cho cuộc sống hàng ngày của bạn.
3. Buồn bã và tuyệt vọng trong hầu hết thời gian
Buồn bã quá hai tuần là biểu hiện của trầm cảm
Một số người tin rằng trầm cảm chỉ là vấn đề về tâm lý và họ hoàn toàn có thể thoát khỏi nó bằng cách suy nghĩ tích cực lên. Nhưng thực tế, cảm giác buồn bã, bất lực hoặc tuyệt vọng có thể trở nên tồi tệ đến mức bạn muốn tự tử nếu không được điều trị. Cũng như các vấn đề sức khỏe tâm thần khác, khi bị trầm cảm bạn cần điều trị bằng thuốc kết hợp với các liệu pháp khác.
Nếu bạn cảm thấy buồn bã, chán nản hoặc tuyệt vọng liên tục trên hai tuần, hãy liên hệ với bác sĩ tâm thần để nói về tình trạng mà bạn đang gặp phải.
4. Những nỗi sợ vô lý
Sợ hãi là bản năng của con người khi gặp phải điều gì đó đáng sợ. Nhưng đôi khi bạn lại có những nỗi sợ gần như vô lý. Ví dụ bạn sợ một động vật nào đó, sợ hãi các tình huống gặp gỡ xã hội, sợ đi phương tiện giao thông công cộng hoặc sợ không gian hẹp. Những nỗi sợ này có thể xuất hiện mà không rõ lý do. Chúng khiến bạn bị ám ảnh với những biểu hiện như nhịp tim nhanh, hạ huyết áp, đổ mồ hôi, khó thở và thậm chí là ngất xỉu.
Có một số chứng rối loạn lo âu liên quan đến nỗi sợ như rối loạn lo âu xã hội, rối loạn ám ảnh khoảng trống, rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn hoảng sợ… Chứng rối loạn lo âu kéo dài có thể khiến bạn bị trở ngại tâm lý, hạn chế tiếp xúc với người khác, xa lánh xã hội và có thể dẫn đến một số vấn đề tâm thần khác, trường hợp xấu nhất là tự tự.
5. Chịu tác động của sự kiện đau khổ trong quá khứ hoặc gần đây
Một số sự kiện như bị tấn công hoặc lạm dụng thể chất, bị cưỡng hiếp, tai nạn, thiên tai, bạo lực gia đình… xảy ra trong quá khứ hoặc gần đây, có thể khiến bạn liên tục hồi tưởng, gặp ác mộng, có hành vi tránh né hoặc cảm thấy căng thẳng, đau khổ kéo dài. Nếu bạn không thể thoát khỏi những tác động của sự kiện đó, có thể bạn đang bị rối loạn stress sau sang chấn (PTSD). Tình trạng này có thể dẫn đến một số vấn đề khác như như trầm cảm, rối loạn lo âu, sử dụng rượu và ma túy, rối loạn ăn uống, thậm chí có suy nghĩ và hành động tự sát.
Vì vậy, nếu những tác động của sự kiện sang chấn kéo dài quá một tháng, bạn hãy đến gặp bác sĩ tâm thần kinh để được điều trị.
6. Dễ dàng cáu kỉnh, tức giận
Căng thẳng thường xuyên có thể là nguyên nhân dẫn đến cáu kỉnh và tức giận. Tuy nhiên, nếu mọi người xung quanh phản ánh rằng bạn đang trở nên dễ dàng tức giận một cách vô lý, thậm chí là có hành vi gây hấn, bạo lực thì có thể bạn đang gặp một vấn đề tâm lý nào đó. Những cơn cáu kỉnh, tức giận bộc phát thường xuyên có thể gây rạn nứt các mối quan hệ với người thân, bạn bè, đồng nghiệp hay đối tác.
Nếu bạn không tìm được nguyên nhân cho những cơn tức giận xảy ra thường xuyên của mình, hãy đến gặp bác sĩ tâm thần kinh để được hỗ trợ.
7. Nghiện thuốc lá, rượu bia hoặc các chất gây nghiện khác
Nghiện ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần
Một số người xem thuốc lá là điều không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Một số khác nghiện rượu hoặc ma túy thì sử dụng các chất này một cách cưỡng bách hoặc ám ảnh mà không màng đến hậu quả. Theo thời gian những cơn nghiện sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống. Chúng có thể gây hậu quả về thể chất như bệnh tim, HIV/AIDS, tổn thương thần kinh; hậu quả về tâm lý như lo lắng, căng thẳng và trầm cảm; hậu quả về xã hội như rạn nứt các mối quan hệ hoặc bất chấp pháp luật làm ra hành vi phạm pháp; hậu quả về kinh tế như phá sản và nợ nần.
Nếu bạn hoặc người thân đang gặp rắc rối trong việc cai nghiện một chất nào đó, hãy đến gặp bác sĩ tâm thần để được hướng dẫn cai nghiện và điều trị một số hậu quả kèm theo như rối loạn cảm xúc, mất ngủ, trầm cảm.
8. Ám ảnh về ăn uống
Nếu bạn đang bị ám ảnh quá mức về việc tăng hoặc giảm cân, chán ăn, nhịn ăn hoặc ăn một cách vô độ, sau đó sử dụng các biện pháp như tập thể dục quá mức, cố gắng nôn mửa hoặc uống thuốc xổ để làm dịu đi cảm giác tội lỗi, có thể bạn đang bị chứng rối loạn ăn uống.
Đây là một vấn đề tâm thần phức tạp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Nếu bạn bị rối loạn ăn uống, bạn có khả năng sẽ bị trầm cảm hoặc rối loạn lo âu. Vì vậy, hãy đến gặp bác sĩ tâm thần kinh ngay nếu bạn đang bị ám ảnh quá mức về chế độ ăn của mình.
9. Có suy nghĩ tự tử
Nếu bạn bị ám ảnh rằng cái chết sẽ giải thoát cho chính bạn và người thân, hoặc gặp ảo giác về một điều gì đó thôi thúc bạn tự tử, hãy đến gặp bác sĩ tâm thần kinh ngay để được hỗ trợ.
Việc phát hiện ra các trường hợp có ý định tự tử phụ thuộc nhiều vào người thân, bởi bản thân người bệnh rất ít khi nhận ra vấn đề mà họ đang gặp phải. Nếu người thân của bạn trở nên trầm lặng, thường xuyên nói những lời tiêu cực, nói về cái chết, dặn dò như lời trăn trối… thì hãy ở bên họ và liên hệ bác sĩ tâm thần kinh để nhận được sự giúp đỡ.
Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2017, Việt Nam có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến liên quan tới stress, 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. Trường hợp tự tử xảy ra nhiều nhất là ở những người trầm cảm nặng.
Thế nhưng, một số người chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm của các bệnh lý tâm thần và thường chủ quan, chỉ xem đó là điều có thể thay đổi được bằng cách thay đổi suy nghĩ. Thậm chí đổ lỗi cho người bệnh là “yếu đuối”, “vô dụng”. Điều đó có thể dẫn đến nhiều trường hợp tự tử thương tâm. Vì vậy chúng ta cần có cái nhìn đúng đắn và nghiêm túc hơn về các rối loạn sức khỏe tâm thần.
Dưới đây là những biểu hiện thường gặp của các rối loạn sức khỏe tâm thần mà bạn cần lưu ý:
– Thường xuyên cảm thấy buồn bã, tức giận, sợ hãi, căng thẳng hoặc lo lắng;
– Thường xuyên bộc phát cảm xúc hoặc thay đổi tâm trạng;
– Nhầm lẫn hoặc mất trí nhớ không giải thích được;
– Xuất hiện ảo giác hoặc ảo tưởng, hoang tưởng;
– Sợ hãi hoặc lo lắng dữ dội về một thay đổi nào đó trong cơ thể: tăng cân, đau bụng, rụng tóc…;
– Có sự thay đổi đáng kể trong chế độ ăn uống hoặc giấc ngủ;
– Khó tập trung và khó đưa ra quyết định;
– Không có khả năng ứng phó với các hoạt động hàng ngày;
– Xa lánh các hoạt động xã hội hoặc các mối quan hệ;
– Có ý nghĩ làm tổn thương bản thân hoặc người khác;
– Suy nghĩ về cái chết hoặc cố gắng tự tử.
BS CK II Trần Minh Khuyên