Khi con nói hỗn với cha mẹ
Khi con nói hỗn, cha mẹ cần uốn nắn ngay. Cha mẹ hãy nói với con một cách cương quyết và rõ ràng rằng mình không chấp nhận thái độ xấc xược. Nhưng đừng làm căng thẳng và chú ý là lên án sự xấc xược chứ không phải lên án con.
Chị Đặng Bích Nguyệt (Ninh Bình) cảm thấy rất buồn và thất vọng khi cậu con trai lớp 11 nói hỗn với mình. Việc con ương bướng, thỉnh thoảng có hành vi chống đối bố mẹ từ khi bước vào tuổi teen thì chị không có gì lạ. Chị hiểu, ở lứa tuổi này, con luôn muốn thể hiện chính kiến của mình. Nhưng việc con dùng từ bậy để cãi mẹ khiến chị thực sự sốc. Chị không thể tưởng tượng được con đã láo hỗn và vượt quá giới hạn như vậy. Chị lặng người đi vì không biết mình đã sai ở đâu mà lại bị con cư xử như vậy.
Trên diễn đàn dành cho các cha mẹ có con tuổi teen, nhiều cha mẹ chia sẻ câu chuyện về thái độ khó chấp nhận của con. Họ xin lời tư vấn từ các cha mẹ có kinh nghiệm. Một bà mẹ chia sẻ: “Tôi cảm thấy bất lực và không biết có dạy nổi cậu con trai lớp 7 không? Khi bị mẹ mắng, bị mẹ cấm đoán, con thách thức, thậm chí nói láo với mẹ. Chỉ cần mẹ nặng lời thì con sẵn sàng “ăn miếng trả miếng”. Tôi không biết làm gì với con, tôi trầm cảm đến mức chỉ nghĩ đến cái chết”.
Là người mẹ cũng từng trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn với cậu con trai bướng bỉnh, ương ngạnh ở tuổi dậy thì, chị Nguyễn Thanh Phương (Hà Nội) cho rằng, ở tình huống này, người mẹ cần nhìn lại mình. “Người mẹ cần xem bản thân mình có làm gì sai với con không? Mẹ đã dành đủ thời gian cho con chưa? Muốn con nói nhẹ nhàng, lễ phép, bản thân cha mẹ có nhẹ nhàng không? Mẹ thực sự đã dành những gì tốt nhất có thể cho con chưa? Nếu chưa, việc đầu tiên của người mẹ trong tình huống này là xin lỗi con. Mẹ hãy nói với con rằng: Những việc con làm ngày hôm nay là do mẹ đã chưa dành đủ thời gian cho con. Mẹ chưa hiểu con, con cũng chưa hiểu mẹ, nên 2 mẹ con đã có những lời nói và hành động xúc phạm nhau. Người mẹ hãy ôm con 1 cái thật chặt và hứa sẽ cùng con tìm giải pháp để cả 2 hiểu nhau hơn”.
Chị Nguyễn Thanh Phương phân tích, trẻ con nói và hành động như thế nào đều có nguyên nhân. Khi cả 2 mẹ con cùng tìm ra được nguyên nhân sẽ cùng tìm được giải pháp đúng. Con tuổi teen thích khẳng định bản thân. Vì vậy, người mẹ cần thấu hiểu cho con, tuyệt đối không đánh con, không nói những lời xúc phạm, không chụp mũ con. Với sự thấu hiểu và yêu thương, 2 mẹ con sẽ tìm ra giải pháp khắc phục tình hình hiện tại.
Theo các chuyên gia tâm lý, cha mẹ cần giữ thái độ bình tĩnh khi nói chuyện với con. Đối đáp, tranh luận với trẻ lúc con đang không kiểm soát được cảm xúc chỉ như “đổ thêm dầu vào lửa”. Cha mẹ đừng dồn con vào thế mà con không muốn. Hãy diễn đạt lại ý của cha mẹ bằng giọng điệu ôn hòa hơn. Hãy làm cho trẻ hiểu rằng cha mẹ luôn ở bên cạnh con, giúp con tháo gỡ những vướng mắc trong cuộc sống. Khi con nói hỗn, cha mẹ cần uốn nắn ngay. Cha mẹ hãy nói với con một cách cương quyết và rõ ràng rằng mình không chấp nhận thái độ xấc xược. Nhưng đừng làm căng thẳng và chú ý là lên án sự xấc xược chứ không phải lên án con. Trẻ cũng có thể nổi giận khi chúng cảm thấy thất vọng và bị lãng quên. Cảm xúc này thường qua mau nếu chúng nhận được sự quan tâm đúng mực của cha mẹ và người thân.
Cha mẹ đừng ngại xin lỗi con nếu cha mẹ cảm thấy mình vừa có những lời nói mất kiểm soát. Đó là cách duy nhất cha mẹ thể hiện rằng mình vẫn tôn trọng con trong lúc này. Đồng thời, cha mẹ hãy cảnh báo trẻ, những lời nói hỗn là không thể chấp nhận được đối với đạo làm con.