Khép chỗ này, bày chỗ khác
TP – Sau khi Tiền Phong có loạt bài phản ánh tình trạng hãng dược chiết khấu cho bác sĩ, với một số phòng mạch của các bác sỹ công tác tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, ngày 29-3, lãnh đạo trường và bệnh viện của trường này đã có buổi làm việc với PV Tiền Phong.
>> Đình chỉ công tác hai bác sĩ
Người bệnh chỉ mong BS đừng kê những loại thuốc có chiết khấu -Ảnh: Lê Nguyễn
Bệnh viện siết chặt việc kê toa
PGS – TS Phan Chiến Thắng – PGĐ Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM cho biết, ngay sau khi báo phản ánh, phía bệnh viện đã cho tạm ngưng công tác khám chữa bệnh, và cũng tạm ngưng công tác giảng dạy bên phía trường, đối với TS – BS Trương Bá Trung.
Đồng thời, cũng chấm dứt hợp đồng làm việc tại phòng khám gan với BS Đinh Dạ Lý Hương. “Quan điểm của chúng tôi là sai đến đâu xử lý đến đó, không bao che” – BS Thắng nói.
TS Nguyễn Hoàng Bắc – PGĐ Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM cũng cho rằng ngay trong ngày 17-3, khi báo Tiền Phong phản ánh vụ việc chiết khấu của hãng dược đối với các BS, bệnh viện đã yêu cầu hai BS Tiền Phong đề cập làm tường trình, đồng thời yêu cầu khoa Dược của bệnh viện kiểm tra lại toàn bộ thuốc, đặc biệt thuốc về điều trị gan.
“Chúng tôi đã xem lại các nhóm thuốc, xem thuốc nhập vào bệnh viện bao nhiêu, số lượng các bác sĩ kê toa… để đánh giá BS có lạm dụng kê toa không” – TS Bắc cho biết.
Theo TS Bắc, ba năm trở lại đây tất cả các loại thuốc được kê toa đều được vi tính hóa, hệ thống hóa. Tuy nhiên việc bệnh nhân khám với số lượng đông nên kiểm tra cũng khó khăn.
Sau khi rà soát, TS Bắc cho biết: “Hiện thuốc Peg-intron 50mcg không có trong danh mục thuốc của bệnh viện do ít sử dụng. Trong khi đó, thuốc Peg-intron 80mcg có nhập và các BS có kê toa”.
Thống kê từ ngày 29-3-2007 đến nay, tại Bệnh viện ĐH Y Dược, BS Bùi Hữu Hoàng khám cho 10.645 bệnh nhân, kê 90 lọ Peg-intron 80mcg; BS Đinh Dạ Lý Hương kê chỉ 13 lọ trong số 21.791 bệnh nhân đến khám; BS Trương Bá Trung khám cho 28.670 bệnh nhân và kê toa chỉ có 120 lọ.
“Bước đầu có thể nhận định, với số lượng lớn bệnh nhân như vậy nhưng việc kê toa thuốc đặc trị gan Peg-intron 80mcg là rất ít, các BS không lạm dụng trong việc kê toa. Tuy nhiên, chờ Hiệu trưởng kiêm Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM Võ Tấn Sơn công tác về, cùng làm việc để đánh giá lại quy trình xem có lạm dụng không” – TS Bắc nói.
Bác sỹ vẫn có chỗ vung tay
Một điều thật bất ngờ, trong suốt ba năm, một số BS ở phòng khám gan của Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM chỉ kê rất ít thuốc như vậy, trong khi đó theo tài liệu có được của Tiền Phong chỉ riêng trong tháng 7-2009, tại phòng mạch của BS Trung đã có 525 lọ thuốc Peg-intron 80mcg được đặt bán.
Tại phòng mạch của BS Đinh Dạ Lý Hương, cũng trong tháng này có số lượng đặt thuốc đặc trị gan lên 200 hộp.
Trước số liệu này, PV Tiền Phong đặt vấn đề: Phải chăng, do bị kiểm soát chặt chẽ ở bệnh viện, BS không dám lạm dụng, thay vào đó, họ câu bệnh nhân về phòng mạch tư và vung tay các loại thuốc đặc trị để hưởng chiết khấu? TS Nguyễn Hoàng Bắc ghi nhận ý kiến này và cho biết sẽ tiếp tục làm rõ.
Tuy nhiên, TS Bắc cũng cho biết: “Từ tháng 5-2005, bệnh viện đã có quy định không được chuyển, giới thiệu bệnh nhân đi cơ sở khác khi chưa có ý kiến của lãnh đạo hoặc giới thiệu thuốc cho bệnh nhân. Mới đây ngày 10-3, Hiệu trưởng kiêm Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM Võ Tấn Sơn cũng có văn bản nhắc lại việc này”.
TS Bắc cho rằng bệnh viện đã dùng nhiều biện pháp để quản lý hoạt động chuyên môn của các BS khi họ làm việc tại bệnh viện, còn việc kê toa để được hưởng chiết khấu từ phòng mạch tư thì phía bệnh viện khó quản lý được.
Tạm ngừng công tác một phó giáo sư
GS – TS Lê Quan Nghiệm – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TPHCM kiêm Trưởng khoa Dược trường này cho biết: Sáng 29-3, lãnh đạo trường đã tạm đình chỉ công tác đối với PGS – TS Nguyễn Đức Tuấn – giảng viên bộ môn Hóa kiểm nghiệm thuộc khoa Dược để viết bản tường trình về những thông tin mà Tiền Phong phản ánh (mặc dù là cán bộ cơ hữu của trường ĐH Y Dược TPHCM nhưng PGS – TS Nguyễn Đức Tuấn vẫn giữ trọng trách ở Cty Dược Shering – Plough với chức vụ Giám đốc makerting của hai loại thuốc Peg-intron 50mcg và Peg-intron 80mcg.