Khát vọng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân
Mới đây, tại Hội nghị các nhà khoa học đóng góp ý kiến cho Tiểu ban Kinh tế – Xã hội của Đại hội XIII của Đảng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh quan điểm, định hướng, đột phá phát triển, nhiệm vụ, giải pháp trong 5 năm, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045 trên các lĩnh vực mà Chiến lược 10 năm đưa ra, đặc biệt là sự phát triển bền vững, mối quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường cũng như quốc phòng, an ninh của đất nước. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Hơn 50 năm qua, những nội dung trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng, Nhà nước và nhân dân thực hiện tốt, đặc biệt là những nội dung về phát triển kinh tế.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phác thảo một số vấn đề quan trọng của sự nghiệp đổi mới đất nước sau khi hòa bình, thống nhất.
Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, kinh tế Việt Nam đã khởi sắc, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao. Đặc biệt là sau thời kỳ Đổi Mới, nền kinh tế đất nước đã thực sự “thay da đổi thịt”, thay đổi hẳn về triết lý kinh doanh: chuyển từ sản xuất tiêu dùng theo kế hoạch sang tư duy sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường, kinh doanh kiếm lời.
Trong hơn 3 thập kỷ qua, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt tốc độc trung bình khoảng 6,6%/năm, bứt phá từ 4,4% giai đoạn 1986-1990 lên xấp xỉ 7% trong giai đoạn 5 năm trở lại đây. Quy mô nền kinh tế cũng “lớn lên” nhanh chóng, từ dưới 55 tỷ USD năm 1986 lên hơn 240 tỷ USD hiện nay. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ chỉ 86 USD năm 1988 lên mức gần 2.590 USD thời điểm hiện tại.
Đánh giá về thực trạng kinh tế – xã hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, gam màu sáng vẫn là phổ biến, chủ đạo mặc dù vẫn còn những đốm đen nguy hại, những nguy cơ, cần nhận diện và khắc phục. Lưu ý nguy cơ tụt hậu là hiện hữu nếu không tự vươn lên, không có khát vọng dân tộc để xây dựng đất nước, Thủ tướng tin tưởng: “Chúng ta sẽ vượt qua thách thức, những điểm ngăn trở để đưa đất nước phát triển hơn trong thời gian tới… Động lực phát triển nhanh và bền vững là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát huy giá trị con người Việt Nam…”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Tiếp tục xây dựng thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa trong đó có xây dựng thể chế làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Thể chế đó bao gồm cả phát triển bao trùm để không ai bị bỏ lại phía sau”.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng cần quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực xã hội, cần nhấn mạnh mục tiêu xã hội, con người trong tiến trình phát triể kinh tế. Sự ổn định xã hội phải đi liền với tăng tưởng kinh tế. Có ý kiến góp ý, cần có bộ chỉ số về phát triển xã hội. Đột phá dựa vào phát huy giá trị con người là điều rất có ý nghĩa.
GS. TS. Ngô Thắng Lợi – Trưởng Bộ môn Kinh tế Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, khẳng định, phát triển vì con người là mô hình được Đảng và Nhà nước lựa chọn trong quá trình theo đuổi nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Theo đó, yêu cầu đặt ra là: tăng trưởng kinh tế nhanh và hiệu quả cần phải gắn với việc nâng cao trình độ phát triển con người, bao gồm cả cơ hội và năng lực phát triển.
Trong thời gian qua, tăng trưởng kinh tế mặc dù vẫn có tác động ích cực đến phát triển con người, nhưng hiệu ứng tác động tích cực đang có xu hướng giảm dần, GS. Lợi đánh giá.
Từ đó, GS. TS. Ngô Thắng Lợi gợi ý một số giải pháp cần thiết để giải quyết vấn đề trên, nhằm hướng thành quả tăng trưởng kinh tế vào phát triển con người một cách hiệu quả nhất. Trong đó nhấn mạnh tới sự cần thiết phải xác định mục tiêu cuối cùng của phát triển nền kinh tế đất nước là vì tiến bộ xã hội, trước hết và quan trọng nhất là vì sự phát triển con người, nâng cao năng lực và cơ hội phát triển cho mọi thành viên trong xã hội. Tăng trưởng kinh tế thể hiện ở mức tăng thu nhập bình quân đầu người, phải luôn có tác động đồng thuận đến phát triển con người với hiệu ứng thuận ngày càng tăng lên. Thành quả tăng trưởng cần được quan tâm sử dụng nhiều hơn cho việc cải thiện các năng lực phi vật chất, tức là năng lực trí lực và thể lực thông qua việc quan tâm nhiều hơn đến giáo dục và y tế.
Vị chuyên gia này cho rằng, cần cải thiện các động lực tăng trưởng, một mặt tạo đà để có đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn, mặt khác có tác dụng điều chỉnh tích cực để kết quả tăng trưởng có tác động mạnh hơn đến cải thiện trình độ phát triển con người. Cùng với đó là thực hiện các chính sách tăng trưởng hài hoà, làm cho tất cả mọi tầng lớp dân cư (giầu và nghèo) trong xã hội (vùng động lực hay chậm phát triển) đều được thỏa sức tham gia vào công cuộc tăng trưởng kinh tế để hưởng lợi trực tiếp từ thành quả tăng trưởng. Đồng thời, thực hiện kịp thời việc phân phối lại thành quả tăng trưởng giữa các tầng lớp dân cư, giữa các vùng miền trong cả nước để tạo ra một động thái tích cực và công bằng về tiến bộ xã hội cho con người…
Nêu bật thành tựu kinh tế sau thời kỳ Đổi Mới, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Việt Nam đã từ một nước kém phát triển trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp với tốc độ tăng trưởng được cải thiện rõ rệt. Việt Nam cũng đã có bước chuyển đổi thành công sang kinh tế thị trường, hội nhập sâu vào kinh tế khu vực và quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát huy được nội lực và trở thành một nền kinh tế năng động.
Kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. (Ảnh minh hoạ)
Tuy nhiên, TS. Lê Đăng Doanh cũng thẳng thắn chỉ rõ: Kinh tế Việt Nam vẫn chưa phát huy được hết hiệu quả và tiềm năng, lợi thế… Việc cải cách thể chế còn chậm, do đó, nền kinh tế vẫn còn tồn tại nhiều rào cản như giấy phép con “hành” doanh nghiệp; nhiều thủ tục hành chính còn rườm rà; sự phiền hà, nhũng nhiễu, tình trạng tham nhũng vẫn còn phổ biến.
TS. Lê Đăng Doanh khuyến cáo, Việt Nam cần tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao hiệu quả năng suất lao động, đặc biệt phải chú ý đến chất lượng tăng trưởng, tăng trường bền vững và bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, sẵn sàng lắng nghe, đối thoại cởi mở, thẳng thắn về những vấn đề đặt ra của cộng đồng doanh nghiệp.
Chính phủ Việt Nam đã quyết tâm đổi mới toàn diện nền kinh tế theo hướng kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục theo đuổi chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững gắn với quyết liệt thực hiện các đột phá lớn, đẩy mạnh hơn nữa đổi mới và nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và phát triển đồng bộ các loại thị trường vốn, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm, thị trường bất động sản…
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đẩy nhanh hơn nữa tiến độ cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực, khu vực, ngành hàng sản xuất gắn với chú trọng thị trường đầu ra, phát triển đồng bộ cả thị trường nội địa và nước ngoài, nghiên cứu các giải pháp ứng phó chủ động, giảm tác động tiêu cực của tình hình thương mại thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay./.
VOV