Khao khát phim Việt về ngành Y nhiều hơn
Tính đến mùa xuân 2023 này, kể từ ngày 27/2/1955, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Hội nghị cán bộ ngành Y tế và được chọn là Ngày Thầy thuốc Việt Nam, ngành Y tế nước ta đã qua rất nhiều năm trưởng thành với nhiều tấm gương hy sinh thầm lặng, làm nên nhiều điều thần kỳ trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng và đóng góp nhiều công trình khoa học có giá trị quốc tế…
Ngành Y tế nước ta có thật nhiều thành tựu cả trong chiến tranh và hòa bình, nhưng có lẽ là một chuyên ngành đặc thù riêng biệt, nên với nghệ thuật nói chung là đề tài khó, rất ít tác phẩm. Đặc biệt phim về ngành Y, cả tài liệu, truyền hình, điện ảnh quá khiêm tốn, số lượng đếm chưa hết hai bàn tay. Trong khi đó, phim của các quốc gia khu vực về đề tài ngành Y khá nhiều, thậm chí có những phim theo dòng thời sự rất “nóng”, hút khán giả, với các chủ đề đa dạng.
Chỉ mới có 10 phim truyền hình Việt về ngành Y
Phim Việt về ngành Y không nhiều, đặc biệt là phim sản xuất từ 20 năm trở lại đây chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng khá đa dạng, đã đề cập đến khía cạnh chân thực nhất về lối sống, tư tưởng, y đức cũng như một số chuyên môn của những người được mệnh danh “Lương y như từ mẫu”.
Lời thề Hyppocrate, 10 tập, sản xuất năm 2001, đạo diễn Phạm Thanh Phong, mở đầu cho loạt phim truyện về đề tài ngành Y của Việt Nam. Phim xoay quanh việc mỗi sinh viên ngành Y trước khi ra trường đều phải tuyên thệ lời thề danh dự Hyppocrate, lời thề y đức. Và không phải ai cũng giữ được lời thề trọn con đường hành nghề, đã có không ít những bác sĩ đi ngược lại y đức…
Blouse trắng, 70 tập, biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn, đạo diễn Mỹ Hà, đề cập tác động xã hội đối với ngành Y, khi manh nha kinh tế thị trường, còn là những lát cắt về phẩm cách của các bác sĩ, người giữ được y đức, người tham vọng quyền lực và tiền bạc… mà đánh mất nhân cách.
Gia tài bác sĩ, 40 tập, đạo diễn Nguyễn Cao Minh khắc họa cuộc sống và tâm huyết của các bác sĩ dành cho bệnh nhân, là sự tận tâm để có thể cứu sống, đem lại niềm vui cho những mảnh đời bất hạnh, là những câu chuyện ở bệnh viện và vấn đề y đức.
Ký ức mong manh, sản xuất tháng 9/2009, dài 45 tập, kịch bản của Nguyễn Quang Lập và nhóm Lưỡng Hà Song Thủy, đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo. Thông qua những nhân vật và các mối quan hệ để phản ánh một thực trạng tha hóa trong ngành Y, lương tâm, trách nhiệm, mờ mắt vì danh lợi, sẵn sàng chà đạp lên tình cảm, danh dự, đạo lý.
Năm 2010, một loạt phim về ngành Y được sản xuất: Thẩm mỹ viện, 40 tập, đạo diễn Đinh Đức Liêm, đề cập đến lĩnh vực thẩm mỹ viện. Nơi tình yêu bắt đầu, 30 tập, đạo diễn Hồ Ngọc Xum, khai thác vai trò người bác sĩ với những tấm lòng nhân ái thiện nguyện giúp đỡ nhiều bệnh nhân. Anh em nhà bác sĩ phiên bản Việt, remake phim Hàn Quốc, chuyển thể kịch bản Trần Nhã Thụy, đạo diễn Minh Cao, khắc họa hình ảnh người tốt dám xả thân cứu người, gương hy sinh lặng thầm trong nghề Y và nhắn gửi thông điệp hãy nghĩ tích cực, lạc quan hơn về người thầy thuốc. Lời thề danh dự, 30 tập, đạo diễn Võ Việt Hùng là những câu chuyện trong bệnh viện. Thầy thuốc không chỉ đối diện với bệnh nhân, hồ sơ bệnh án mà còn đối diện với đồng nghiệp và bản thân trong cuộc “chiến đấu” sinh tử.
Chân trời trắng, sản xuất năm 2012, 38 tập, dựa trên cuốn tiểu thuyết “Màu trắng không im lặng” của bác sĩ Phan Cao Toại, do đạo diễn Phạm Gia Phương và Nguyễn Đức Hiếu chuyển thể, khai thác những mảng sáng và tối trong ngành Y, đề cao sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của những người thầy thuốc.
Năm 2018, một phim remake khác của Hàn Quốc Hậu duệ mặt trời phiên bản Việt sản xuất và phát sóng. Đây là một bộ phim truyền cảm hứng về những người trẻ sống chiến đấu vì lý tưởng và tình yêu quê hương đất nước. Trong phim có đề cập đến tinh thần phục vụ, cống hiến, không từ gian nan, vượt qua mọi thử thách, khó khăn của các bác sĩ.
Poster phim Bác sĩ hạnh phúc.
Và rất ít phim điện ảnh
Phim điện ảnh Việt về đề tài ngành Y rất hiếm. Bao năm nay, hầu như không thấy. Có thể do đặc thù ngành mà không chỉ đề tài khó, lại kén khán giả, chi phí đầu tư lại cao, phim trường phức tạp. Cho tới nay , chỉ có 2 phim, mà chất lượng cũng khá khiêm tốn, độ lan tỏa cũng không cao. Mùa sen – 2003, đạo diễn Võ Tấn Bình, (Giải thưởng Bông sen Vàng và giải Đạo diễn xuất sắc dành cho thể loại phim video tại Liên hoan phim Việt Nam (LHPVN) lần thứ 14 năm 2004), kể về 2 sinh viên trường y quê gốc miền Tây Nam Bộ và việc tự nguyện về vùng sâu, vùng xa chăm lo sức khỏe cộng đồng. Mãi cho tới năm 2017, mới có phim Giấc mơ Mỹ, đạo diễn Davina Hồng Ngân, đề cập đến đam mê, hoài bão và tâm huyết của các y, bác sĩ. Sau gần 15 năm mới có phim điện ảnh thứ 2 về ngành Y, nhưng Giấc mơ Mỹ đã không tạo được sự bùng nổ rạp chiếu, ngược lại còn bị cho là “phim thảm họa”.
Phim tài liệu quá khiêm tốn số lượng
Dòng phim tài liệu về ngành Y khá khiêm tốn số lượng: Cuộc hội ngộ sau 30 năm, Giọt máu cho đi một cuộc đời ở lại, Y tế huyện Bình Lục, Tiêu diệt bệnh sốt rét, Những người thầy tận tâm, Ứng dụng công nghệ ECMO tại Việt Nam, Thầy mo làm y tế, Hiểm nguy bệnh đái tháo đường, Quỳnh Lưu bảo vệ sức khỏe, Giáo sư Tôn Thất Tùng – Người thầy tôn kính…
Cuộc hội ngộ sau 30 năm – 1995, đạo diễn Lê Mạnh Thích, về cuộc đời o du kích Nguyễn Thị Kim Lai, người đã bắt sống phi công Mỹ năm 1965 tại Hà Tĩnh. Sau ngày hòa bình, bà trở thành một y tá tận tụy vơi công việc. Giọt máu cho đi một cuộc đời ở lại – 2014, đạo diễn Hoàng Hà Lê, đề cao nghĩa cử tốt đẹp của những người sẵn sàng hiến máu nhân đạo giúp hàng triệu người qua khỏi những giây phút hiểm nghèo để hồi sinh. Ứng dụng công nghệ ECMO tại Việt Nam – 2014, đạo diễn Dương Ngọc Hòa – Trịnh Quang Tùng, đề cập đến quá trình tìm hiểu, học hỏi, triển khai ứng dụng công nghệ tim và phổi nhân tạo của tập thể giáo sư, bác sĩ, y tá, điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai, cứu sống những bệnh nhân nặng, đã chết lâm sàng. Giọt máu cho đi một cuộc đời ở lại – 2014, đạo diễn Hoàng Hà Lê, đề cao nghĩa cử tốt đẹp của những người sẵn sàng hiến máu nhân đạo giúp hàng triệu người qua khỏi những giây phút hiểm nghèo để hồi sinh. Giáo sư Tôn Thất Tùng – Người thầy tôn kính, 2016, đạo diễn Đào Đức Thanh, kể về GS. Tôn Thất Tùng – người thầy thuốc đã làm nhân loại kinh ngạc bởi những phát minh mới mẻ về lĩnh vực phẫu thuật gan khi chỉ mới 27 tuổi, và học trò của ông rất nhiều người là giáo sư đáng kính của ngành Y tế Việt Nam.
Hơn 15 năm sau đại dịch SARS, mới có phim Cuộc chiến chống đại dịch SARS, đạo diễn Ngọc Ánh, Ban Khoa giáo Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất, nói về sự hy sinh thầm lặng của các bác sĩ Việt Nam và quốc tế trong việc chống lại thành công đại dịch SARS, góp phần đẩy lui thảm họa trên toàn cầu. Phim đoạt Giải Bông sen Bạc LHPVN 21- 2019.
Đại dịch COVID-19 như một trận cuồng phong càn quét toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, đặc biệt 150 ngày “đỉnh” dịch ở TP. Hồ Chí Minh từ tháng 5-9/2021. Phim tài liệu Ranh giới – đạo diễn truyền hình Tạ Quỳnh Tư, phát sóng trong khung giờ “vàng” VTV1 ngày 8/9/2021, xoay quanh công việc của các bác sĩ trong việc chữa trị những sản phụ bị nhiễm COVID-19 ở tâm dịch TP. Hồ Chí Minh. Phim phi hư cấu, không lời bình, bám theo sự kiện, câu chuyện, nhân vật, phim “mở” cánh cửa cách ly điều trị các sản phụ F0; “mở” cửa phòng mổ, phòng cấp cứu, ghi lại những khoảnh khắc cận sinh cận tử của bệnh nhân và cả các nhân viên y tế. Có thể xem đây là một phim tài liệu thời sự thành công về ngành Y nước ta.
Khát khao nhiều phim về ngành Y Việt Nam hơn nữa
Lịch sử ngành Y Việt Nam, không chỉ từ năm 1955, mà cả ngàn năm trước cùng các danh y lẫy lừng như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông…Ngày nay là bao thành tựu y học, bao “lương y từ mẫu” của ngành Y Việt Nam, nhưng các phim về ngành Y chưa tôn vinh xứng tầm. Vẫn còn thiếu vắng rất nhiều chủ đề về sự tận tụy, sự hy sinh của các y bác sĩ ngày đêm chăm lo sức khỏe, cúu chữa bệnh nhân. Vẫn còn thiếu vắng những phim đề cập đến những thành tựu y học của Việt Nam. Vẫn còn thiếu phim dựng lại truyền thống ngành quân y Việt Nam trong chiến tranh với bao tấm gương hy sinh…
Xuân Quý Mão – 2023 này, một phim về ngành Y Việt Nam mang tên Bác sĩ hạnh phúc – đạo diễn Danny Đỗ sẽ lên sóng truyền hình. Phim mang chủ đề nhân ái và hàn gắn, được remake lại từ phim “Good Doctor” của Hàn Quốc. Phiên bản Việt hướng đến tri ân những “anh hùng” – là y bác sĩ, điều dưỡng…, đã “chiến đấu” hết mình trong đại dịch COVID – 19 với với tinh thần “Chọn yêu thương, chọn hạnh phúc”. Phim là những trải nghiệm chân thật về chuyên môn của bác sĩ.
Hy vọng phim sẽ là khởi đầu cho những cảm hứng làm phim về ngành Y của các nhà sản xuất phim Việt trong năm 2023, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam.