Khán giả thắc mắc kết phim ‘Ròm’

Nhiều người xem cho rằng số phận cậu bé cò đề trong phim “Ròm” bị bỏ lửng, mâu thuẫn giữa các nhân vật chưa giải quyết triệt để.

*Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim

Chiếu ngày 25/9, Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy đang là tác phẩm Việt tạo sức hút nhất trên màn ảnh rộng. Theo CJ Việt Nam – đơn vị phát hành, phim thu về 30 tỷ đồng sau ba ngày cuối tuần công chiếu với hơn 400 nghìn lượt khán giả. Tác phẩm thành công bước đầu về mặt doanh thu, song cũng tạo tranh cãi lớn trên mạng xã hội ở nội dung, nhất là đoạn kết.

Trailer 'Ròm'

 

 

Trailer ‘Ròm’

Trailer phim “Ròm”. Video: CJ.

Câu chuyện tìm lại cha mẹ của Ròm bị bỏ lửng. Trong phân đoạn cuối phim, Ròm (Trần Anh Khoa đóng) chạy theo Phúc (Anh Tú Wilson) giành lại bọc tiền cậu vốn dùng để tìm người thân. Cả hai vật lộn trên đường ray, chạy trên những cây cầu vượt đến khi mỏi nhừ. Phim khép lại bằng đoạn after-credit (cảnh thường xuất hiện sau thông tin đoàn phim) Ròm bước lên một chiếc xe khách.

Ròm vốn là một đứa trẻ bị cha mẹ bỏ mặc trên vỉa hè vì nghèo túng. Trong một lần tư vấn số đề giúp một phụ nữ trúng, Ròm được người dân ở khu chung cũ cho ở nhờ, từ đó hành “nghề” cò đề. Mỗi lần được thưởng, Ròm tích góp những đồng tiền lẻ, hy vọng sớm đủ vốn lên đường tìm gia đình.

Trần Anh Khoa - vai Ròm (phải) và Anh Tú Wilson - vai Phúc - hai đối thủ làm nghề cò đề trong phim. Ảnh: Hồng Ngân.

Trần Anh Khoa – vai Ròm (phải) và Anh Tú Wilson – vai Phúc – hai đối thủ làm nghề “cò” đề trong phim. Ảnh: Hồng Ngân.

Trên VnExpress, độc giả Nguyễn Minh viết: “Mình thấy phim không có nội dung rõ rệt với một cái kết bế tắc. Lúc rạp bật đèn, cả rạp vẫn ngồi đó như mình, không hiểu là phim đã kết thúc chưa”. Khán giả Tuấn Nguyễn đồng tình: “Mình đi xem cùng nhóm bạn, ra về vẫn cãi nhau về cái kết vì còn quá nhiều tình tiết bị bỏ ngỏ. Giá như đạo diễn có cách kể chuyện rõ ràng”.

Bên cạnh nạn lô đề, câu chuyện về giải tỏa chung cư cũ cũng được quan tâm. Nhiều người dân trong khu dân cư là nạn nhân của đường dây cho vay nặng lãi, đằng sau đó là âm mưu chiếm dụng mặt bằng của một nhóm người. Tuy vậy, tuyến truyện này còn bị cho là sơ sài. Vai phản diện của rapper Wowy là một dân anh chị chuyên cho vai nặng lãi. Trong cảnh gã cho Ròm tiền với điều kiện cậu phóng hỏa khu chung cư, động cơ của nhân vật này còn mù mờ. Nhiều người xem thắc mắc: Nếu chỉ muốn dằn mặt mọi người, vì sao phải đốt tòa nhà?

Nhân vật của diễn viên Hải Triều – nằm trong nhóm người lạ mặt ở đầu phim – chỉ xuất hiện thoáng qua, không đóng vai trò rõ rệt trong phim. Khi Ròm đang tưới xăng khu chung cư, một người lén quay lại hành vi của cậu bằng điện thoại. Cảnh này sau đó không được lý giải, khiến nhiều khán giả thắc mắc liệu đây có phải là tình tiết thừa. “Đến cuối phim vẫn không hiểu vì sao khu chung cư lại bị đốt cháy, đồng thời số phận của những con người ở đó sẽ đi về đâu”, khán giả Thi Lê nói.

Nhiều phản hồi nhận định người nghèo trong phim bị ám ảnh bởi số đề. Ông Khắc (Mai Trần) nằm ngủ trong quan tài để tìm số may mắn sau cái chết của vợ và con gái. Một phụ nữ (Thanh Tú đóng) suốt ngày thờ cúng để xin số, mặc cho chồng chì chiết, xã hội đen đe dọa. Hai đứa trẻ – Ròm và Phúc – phải chèo bè qua sông, tranh nhau để được ghi đề. Khán giả Nguyễn Minh nói: “Phim hơi cường điệu hóa. Tôi lớn lên từ khu nhà nghèo nhưng chưa từng thấy một nơi nào mà cả khu đều mê đề như vậy. Những đứa trẻ làm cò đề không đến mức khốc liệt như trong phim”.

Đạo diễn Trần Thanh Huy cho biết anh không làm phim tài liệu mà xây dựng phim truyện qua góc nhìn, trải nghiệm của anh về cuộc sống. Từ bé, đạo diễn từng theo nhiều đứa trẻ bán vé dò ở các khu chợ, thấm thía phần nào nỗi cực nhọc của của nghề “cò” đề và nạn mê cờ bạc của nhiều người lao động nghèo.

Rapper Wowy đóng vai phản diện chính - một đại ca giang hồ trong Ròm. Ảnh: Hồng Ngân.

Rapper Wowy đóng vai phản diện chính – một đại ca giang hồ trong “Ròm”. Ảnh: Hồng Ngân.

Ngược lại, nhiều người xem thấy thỏa mãn với Ròm. Khán giả Zen đánh giá cái kết phim nhiều sáng tạo. “Với phim bình thường, ai cũng nghĩ phải có một kết thúc hạnh phúc hay điều gì đó tương tự. Ròm kết mà như không kết, bởi phần lớn trẻ em lang thang ngoài kia còn phải đối mặt cuộc sống như trong phim, không thể thoát khỏi vòng xoáy, cũng như cách Ròm mải miết chạy”. Anh Poly – một người chuyên làm truyền thông phim điện ảnh – tâm đắc với đoạn kết. Từng xem nhiều tác phẩm dự các liên hoan phim, anh đánh giá Ròm giống Cha và con và… – phim của đạo diễn Phan Đăng Di năm 2015 – ở kết thúc lửng lơ. “Ròm không phải là dạng phim có mở – đóng rõ rệt. Tác phẩm không có câu chuyện cụ thể, chỉ là một lát cắt về cuộc sống, tường thuật đúng như hiện thực xã hội”, anh nói.

>> Đạo diễn phim Ròm: “Tôi sợ lời tung hô”

Trước những ý kiến cho rằng nội dung Ròm bị ảnh hưởng nhiều sau khâu kiểm duyệt, đạo diễn Trần Thanh Huy cho biết nội dung trọng tâm của phim vẫn giữ được khi ra rạp. Sau khi cắt một số cảnh, đạo diễn bổ sung vài phân đoạn mới ở cuối phim, do đó tác phẩm vẫn giữ thời lượng 79 phút như bản dự thi Liên hoan phim Busan 2019.

Đạo diễn nói: “Kết thúc phim gây tranh cãi một phần nằm trong dụng ý, bởi đó là cách tôi kể chuyện. Tôi muốn nhân vật của mình chân thật như bước vào phim từ đời thực. Mỗi nhân vật phụ có thể đến với nhân vật chính bất ngờ và ra đi đột ngột, nhưng vai trò của họ không ảnh hưởng lớn đến nhịp điệu của phim”, anh nói.

Nhạc phim 'Ròm' gây chú ý

 

 

Nhạc phim ‘Ròm’ gây chú ý

“Chạy” – Wowy sáng tác và trình bày – nhạc phim “Ròm”. Video: CJ.

Mai Nhật