Khám phá từ A đến Z vai trò, công việc nhân viên tư vấn tín dụng | CareerBuilder.vn

Khám phá từ A đến Z vai trò, công việc nhân viên tư vấn tín dụng

Xem thêm cơ hội tìm việc làm mới tại CareerBuilder:

 

Nhân viên tư vấn tín dụng là một vị trí công việc rất quan trọng tại các ngân hàng. Nhiệm vụ chính của họ là tư vấn làm thẻ tín dụng và thẩm định các nhu cầu về vay vốn cho khách hàng. Hiện tại, công việc này nhận được khá nhiều sự quan tâm của các ứng viên. Tuy nhiên, khi ứng tuyển vào vị trí nhân viên tín dụng, bên cạnh những nghiệp vụ cần thiết, ứng viên cần tìm hiểu thêm về những rủi ro có thể gặp phải trong quá trình làm việc. Bài viết sau đây của CareerBuilder sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về công việc của một nhân viên tư vấn tín dụng.

Nhân viên tư vấn tín dụng là ai?

Trước tiên, cần hiểu tín dụng nghĩa là gì. Đây là khái niệm thể hiện mối quan hệ giữa vay và cho vay. Trong đó, người vay có thể là cá nhân, doanh nghiệp hoặc tổ chức, còn bên cho vay là ngân hàng hay một tổ chức tài chính tín dụng nào đó. Có 2 hình thức tín dụng phổ biến hiện nay, đó là:

Tín dụng cá nhân: Ngân hàng hỗ trợ cho khách hàng là cá nhân vay vốn để kinh doanh, mua xe, mua nhà, du học,…

Tín dụng doanh nghiệp: Ngân hàng hỗ trợ cho khách hàng là doanh nghiệp vay vốn để mở rộng đầu tư sản xuất, đầu tư trang thiết bị, thanh toán công nợ,…

Theo đó, nhân viên tư vấn tín dụng (Credit Officer) là người đảm nhận các công việc có liên quan đến hoạt động tín dụng. Vị trí này còn được gọi với một số danh xưng khác như: nhân viên tư vấn cho vay, nhân viên tài chính ngân hàng, chuyên viên thẩm định tín dụng,… Nhiệm vụ chính của họ là tư vấn các sản phẩm tín dụng và thẩm định nhu cầu vay vốn của khách hàng. Có thể nói, đây là vị trí công việc quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển của mỗi ngân hàng.


Nhân viên tư vấn tín dụng là ai?

Mô tả chi tiết công việc của nhân viên tư vấn tín dụng

Cụ thể, công việc của nhân viên tư vấn tín dụng là làm gì? Dưới đây là mô tả chi tiết công việc mà nhân viên tư vấn tín đảm nhận.

Tìm kiếm nguồn khách hàng tiềm năng

Đây là một trong những công việc quan trọng nhất nhằm tăng doanh số của nhân viên tư vấn tín dụng. Họ có trách nhiệm tìm kiếm nguồn khách hàng mới, khoanh vùng những khách hàng tiềm năng, có nhu cầu sử dụng sản phẩm/dịch vụ tại ngân hàng. Khi đó, nhân viên tư vấn tín dụng sẽ có nhiệm vụ tư vấn cho khách sản phẩm vay hoặc các dịch vụ như gửi tiền tiết kiệm, gửi tiền thanh toán và rất nhiều tiện ích khác của ngân hàng.

Tư vấn, giải đáp mọi thắc mắc cho khách hàng

Với những dữ liệu đã có về khách hàng, nhân viên tư vấn tín dụng sẽ làm việc trực tiếp với khách, đưa ra sự tư vấn về giải pháp phù hợp, tận tình giải đáp những thắc mắc về sản phẩm/dịch vụ, giúp khách hàng nắm bắt tường tận.

Vì quá trình tư vấn tư vấn khách hàng đòi hỏi khả năng thuyết phục khéo léo nên ứng viên làm ở vị trí này cần thành thạo kỹ năng giao tiếp. Thông qua quá trình tư vấn, nhân viên còn phải khéo léo tạo thiện cảm để khách hàng tin tưởng và quyết định sử dụng dịch vụ.


Nhân viên tín dụng chịu trách nhiệm các công việc liên quan đến tín dụng tại ngân hàng

Thực hiện thẩm định thông tin khách hàng

Vay vốn không phải là điều dễ dàng mà phải trải qua quá trình thẩm định. Vì vậy, đây là bước cực kỳ quan trọng và đòi hỏi nhân viên tư vấn tín dụng phải có kỹ năng tốt ở khâu thẩm định này.

Với những khách hàng có nhu cầu vay vốn thì nhân viên tư vấn tín dụng sẽ thẩm định khách hàng dựa vào một số tiêu chí như: độ uy tín, năng lực kinh doanh, quy mô hoạt động kinh doanh, tình hình kinh doanh, khả năng tài chính,… Ngoài ra, thẩm định cũng bao gồm kiểm tra, xác nhận thông tin cá nhân của bên đi vay để tránh trường hợp giả mạo.

Sau quá trình thẩm định, nhân viên tín dụng sẽ có nhiệm vụ lập tờ trình theo quy trình của ngân hàng và thẩm định báo cáo trình các cấp xét duyệt cho vay hoặc từ chối cho vay.

Hỗ trợ khách hàng thực hiện những thủ tục liên quan đến tín dụng

Sau khi hoàn tất quá trình thẩm định, nhân viên tư vấn tín dụng sẽ tiến hành hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ vay vốn của ngân hàng. Trước tiên là soạn thảo hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp và các văn bản liên quan. Tiếp đến, thu thập giấy tờ, lập hồ sơ đầy đủ theo đúng quy trình. Cuối cùng, đừng quên kiểm tra, nhắc nhở khách hàng ký kết các điều khoản cần thiết.


Nhân viên tín dụng thường xuyên làm việc trực tiếp với khách hàng

Kiểm tra tình trạng sử dụng vốn vay của khách hàng

Với những trường hợp khách hàng vay vốn, nhân viên tư vấn tín dụng có nhiệm vụ kiểm tra tình trạng sử dụng vốn vay theo quy định ngân hàng. Đồng thời theo dõi việc trả nợ gốc và lãi vay của khách theo hợp đồng giữa bên ngân hàng và bên vay.

Nhân viên tín dụng cần báo cáo định kỳ, đồng thời báo cáo ngay khi có sự cố với ngân hàng để tìm ra hướng giải quyết.

Tất toán hợp đồng theo đúng quy định

Sau khi khách hàng đã thanh toán hết nợ, bao gồm cả nợ gốc và lãi thì nhân viên tư vấn tín dụng sẽ tiến hành tất toán hợp đồng theo đúng quy định. Nhiệm vụ quan trọng nhất đó là giải chấp tài sản thế chấp, xóa bỏ đăng ký giao dịch, đảm bảo quá trình tất toán nhanh chóng.

Phân loại nhân viên tín dụng ngân hàng

Bộ phận tín dụng ngân hàng được phân loại như sau:

Nhân viên hỗ trợ tín dụng

Nhân viên hỗ trợ tín dụng có nhiệm vụ hỗ trợ, giúp đỡ các chuyên viên trong nghiệp vụ cho vay của ngân hàng. Cụ thể, bộ phận này sẽ đảm bảo các hoạt động tín dụng diễn ra suôn sẻ, thuận lợi, tránh được những rủi ro, đồng thời nâng cao hiệu quả, chất lượng tín dụng.


Phân loại nhân viên tín dụng ngân hàng

Chuyên viên quan hệ khách hàng

Đây là người trực tiếp làm việc và trao đổi với khách hàng. Nhiệm vụ của họ là tìm kiếm khách hàng tiềm năng và thuyết phục họ sử dụng các sản phẩm/dịch vụ của ngân hàng. Đồng thời, chuyên viên quan hệ khách hàng cũng cần chủ động duy trì mối quan hệ tín dụng với cá nhân, doanh nghiệp, làm hồ sơ thủ tục thẩm định,… nhằm xem xét khả năng sử dụng dịch vụ của khách hàng.

Những rủi ro khi làm việc ở vị trí nhân viên tư vấn tín dụng

Nhân viên tư vấn tín dụng là một ngành nghề khá hot hiện nay và được nhiều bạn trẻ theo đuổi. Tuy nhiên, đây cũng là một vị trí công việc phải đối mặt với khá nhiều rủi ro.

Áp lực công việc

Nhiệm vụ của mỗi nhân viên tư vấn tín dụng không chỉ là quản trị, theo dõi dòng tiền của một doanh nghiệp mà phải theo dõi đến 5 – 10 doanh nghiệp cùng lúc. Vì vậy, khối lượng công việc rất lớn và khó thể nào tránh khỏi những sai sót không đáng có, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quy trình thanh toán giao dịch.

Bên cạnh đó, áp lực về chỉ tiêu của nhân viên tín dụng cũng khá cao nên cần phải có kỹ năng đối mặt và vượt qua áp lực. Nếu quy trình thanh toán giao dịch phát sinh bát kỳ vấn đề nào đó thì nhân viên tín dụng sẽ là người chịu trách nhiệm hoàn toàn.


Áp lực và rủi ro khi làm việc ở vị trí nhân viên tín dụng

Rủi ro khi làm việc với các doanh nghiệp

Nhân viên tư vấn tín dụng thường phải đối mặt với nhiều rủi ro, kể cả từ những khoản vay nhỏ nhất. Nhiều trường hợp không may, họ gặp phải những người mua với các chiêu trò lừa đảo phức tạp như làm giả hồ sơ thế chấp ngân hàng, làm giả báo cáo giải trình kinh tế tài chính, xây dựng công ty “ma” để lấy thông tin giả mạo,… Tất cả những điều này đều sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng với bên cho vay và nhân viên tín dụng sẽ phải chịu trách nhiệm. 

Nhân viên tư vấn tín dụng cần trang bị những kỹ năng gì?

Để làm tốt vai trò của nhân viên tư vấn tín dụng, bạn cần trang bị những kỹ năng quan trọng sau đây:

– Kỹ năng giao tiếp: Vì phải thường xuyên làm việc với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau nên nhân viên tín dụng cần có kỹ năng giao tiếp tốt để có thể thuyết phục và làm hài lòng khách hàng.
– Năng động và có tính chủ động cao: Tính chất công việc của nhân viên tư vấn tín dụng là phải thường xuyên ra ngoài để gặp mặt khách hàng. Vì vậy, họ phải linh hoạt và nhanh nhạy xử lý mọi tình huống phát sinh trong quá trình làm việc.
– Tính cẩn trọng: Công việc ngân hàng liên quan mật thiết các vấn đề về tiền. Nếu không cẩn trọng rất dễ xảy ra những sai sót, nhầm lẫn và để lại những hậu quả khó lường.


Những kỹ năng quan trọng mà nhân viên tư vấn tín dụng cần có

Lương nhân viên tư vấn tín dụng

Nhân viên tư vấn tín dụng là một trong những công việc có mức thu nhập tương đối ổn định trên thị trường lao động. Theo khảo sát của CareerBuilder, mức lương trung bình của nhân viên tín dụng khi đạt chỉ tiêu công việc cơ bản thường dao động từ 10 – 20 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, lương nhân viên tư vấn tín dụng thường phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất chính là KPI công việc. Càng hoàn thành chỉ tiêu sớm thì mức thưởng càng cao. Ngoài ra, trước khi “apply” công việc này, bạn cũng nên tìm hiểu về cơ chế lương thưởng của từng ngân hàng để nắm rõ về mức thu nhập cụ thể hơn. 

Hy vọng với những chia sẻ của CareerBuilder, bạn đã hiểu nhân viên tư vấn tín dụng là gì. Nếu bạn muốn thử sức với vị trí công việc này thì hãy truy cập ngay Careerbuilder.vn để tìm kiếm việc làm nhân viên tư vấn tín dụng phù hợp nhé!

  CareerBuilder