Khám phá làng nghề làm nón lá nổi tiếng bậc nhất tại Hà Thành

(CLO) Cách trung tâm Hà Nội gần 30km, làng Chuông thuộc xã Phương Chung, huyện Thanh Oai, Hà Nội nổi tiếng khắp cả nước với nghề làm nón lá truyền thống từ hàng trăm năm nay. Ngôi làng nhỏ với diện tích khoảng 481,44 ha vẫn còn lưu giữ hồn quê mang đậm nét văn hóa của vùng nông thôn Đồng bằng Bắc Bộ.

Ngôi làng nhỏ mang linh hồn nón lá Việt Nam

Theo vị trí địa lí, làng Chuông vốn nổi tiếng với nghề làm nón lá là một ngôi làng nhỏ nằm cạnh sông Đáy, cách thủ đô Hà Nội gần 30km. Nơi đây được người dân trong vùng và trên khắp cả nước biết đến là miền quê đậm chất Bắc Bộ khi còn lưu giữ nhiều nét văn hóa của người Việt. 

Với lịch sử hàng trăm năm từng trải qua nhiều gia đoạn biến động lịch sử, làng Chuông ghi dấu với nhiều di tích lịch sử như đền – đình – chùa… và có nhiều hộ gia đình làm nghề truyền thống. Theo tìm hiểu, chúng tôi tìm đến gia đình nghệ nhân làm nón Nguyễn Thị Lý (62 tuổi) với hơn 40 năm học nghề, giữ nghề làm nón lá truyền thống. 

kham pha lang nghe lam non la noi tieng bac nhat tai ha thanh hinh 1

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lý (62 tuổi) với hơn 40 năm học nghề, giữ nghề làm nón lá truyền thống đang cặm cụi bên đứa con tinh thần của mình – Ảnh: Đình Trung

Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Lý cho biết: “Theo lịch sử nghề nón lá tại làng Chuông thì hiện đã có trên 100 năm và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đến hiện tại tôi cũng làm nghề này hơn 40 năm, và hiện tại làng Chuông chỉ còn vài chục hộ gia đình còn lưu giữ nghề truyền thống này”.

Bà Lý tâm sự, trước kia khi bà Lý 17 tuổi đã biết làm nón lá, tự nhìn cha ông ngày xưa và học mót, dần dần thành quen nghề và thành thạo với nghề nón lá.

“Lúc mới làm nón lá khó nhất là khâu xếp lá và căng dây vòm. Tôi vừa tự học và được cha ông chỉ bảo nên học cũng nhanh, chưa tới một tuần đã thạo nghề và có thể tự làm được”, bà Lý cho biết.

Ở hiện tại, làng Chuông có gần 4 nghìn nhà thì phần lớn các hộ dân nơi đây đều biết làm nón lá. Tuy nhiên, hiện cũng chỉ còn khoảng vài chục hộ gia đình còn giữ nghề làm nón lá truyền thống. Bà Lý cho biết: “Mỗi xóm có khoảng 10 hộ làm, xong cộng lại cả làng cũng có vài chục hộ còn giữ nghề. Hầu hết giới trẻ bây giờ đều chuyển sang kinh doanh, song một vài hộ gia đình có người già vẫn túc tắc làm thêm nón lá để bán kiếm thêm khoản chi tiêu, sinh hoạt…”.

Chiếc nón lá làng Chuông ở hiện tại không có nhiều biến đổi so với trước kia. Tuy nhiên, người dân nơi đây vẫn liên tục theo dõi theo dõi, cập nhật mẫu mã sao cho phù hợp với thời cuộc. Theo tìm hiểu, vào thế kỷ XX thì nón ba vòng được sản xuất khá nhiều ở làng Chuông. Nhưng từ năm 1940, làng chỉ làm duy nhất một loại là loại nón lá.

Chia sẻ về quy trình làm nón lá, bà Lý cho biết, mỗi chiếc nón lá được sản xuất ra phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Đầu tiên là khâu mua lá cọ (thường là lá non và già) về dẽ ra thành từng lá mỏng. Tiếp theo người thợ phải đi mua mo ở chợ và vành nón ở làng trên. Mỗi chiếc nón đều có 16 vành, vài trăm lá nhỏ và đều làm dựa theo chiếc khuôn làm sẵn. Tiếp theo là cho từng lớp lá vào bên trên chiếc khuôn nón, từng lớp lá xếp lên nhau thành từng tầng dày và dần dần thành một mái vòm nón. Sau công đoạn làm vòm nón thì đến công đoạn khâu chỉ, quai đeo và trang trí họa tiết cho nón…”

Video nghệ nhân Nguyễn Thị Lý làm nón lá truyền thống 

X

Bà Lý cho biết, khâu trang trí họa tiết và làm quai nón là khâu quan trọng, dành nhiều thời gian nhất, có khi mất cả ngày để khâu chỉ cước cho chiếc nón. Vì vậy, trung bình một ngày người nghệ nhân chỉ làm thủ công tối đa từ một đến hai chiếc nón. Hay theo cách nói của bà Lý là nón xấu mỗi ngày chỉ làm tối đa được hai chiếc. “Khi thành phẩm thì giá thành mỗi chiếc nón giao động từ 60.000 đồng đến 120.000 đồng, và đắt nhất là 150.000 đồng”, bà Lý tâm sự. 

Chia sẻ với phóng viên, người dân làng Chuông cho biết tuy ở hiện tại còn ít gia đình giữ nghề làm nón lá, đa số là người trung tuổi và người già. Tuy nhiên, những người phụ nữ ở làng Chuông bằng sự khéo léo của mình đã tạo ra những chiếc nón lá vô cùng xinh xắn, mang linh hồn của người Việt. Bởi vậy, hầu hết những sản phẩm nón do người dân nơi đây làm ra đều rất đắt hàng, làm một bán 10 cũng không hết. 

Chính sự phong phú đa dạng về mẫu mã cùng chất lượng tốt nên nón lá tại làng Chuông không chỉ đến được với các nước Đông Nam Á như Trung Quốc, Nhật Bản mà còn xuất sang các nước ở phương Tây, châu Âu như Anh, Pháp, Đức… và có mặt trong những siêu thị lớn trên thế giới. 

Biến cố thời cuộc với nghề làm nón lá

Sự đa dạng về mẫu mã, cùng chất lượng sản phẩm tốt, nhưng yếu tố quyết định đến sự nổi tiếng của làng Chuông với nghề truyền thống làm nón lá là sự tận tâm, tận huyết với nghề và chỉn chu, thiên về chất lượng đối với mỗi sản phẩm của mỗi người dân nơi đây. Tuy nhiên, để giữ được nghề làm nón lá đến thời điểm hiện tại thì người dân làng Chuông từng trải qua thời kỳ biến động.

Chia sẻ về thời kỳ khó khăn ấy, bà Lý cho biết: “Cách đây khoảng 30 năm trước, khi ấy hầu hết người dân làng Chuông đều làm nón lá, vì sản phẩm nón lá làm ra hàng ngày nhiều nên từng có thời điểm bị tồn kho, ế ẩm nên từng có thời điểm bà muốn bỏ nghề. Song nghĩ lại vì là nghề truyền thống “Cha truyền con nối” nên bà Lý mới giữ nghề cho đến hiện tại. 

kham pha lang nghe lam non la noi tieng bac nhat tai ha thanh hinh 2

Chiếc nón lá trong quá trình đan dưới bàn tay của nghệ nhân Nguyễn Thị Lý – Ảnh: Đình Trung

kham pha lang nghe lam non la noi tieng bac nhat tai ha thanh hinh 3

Vành nón sau khi hoàn thiện – Ảnh: Đình Trung

kham pha lang nghe lam non la noi tieng bac nhat tai ha thanh hinh 4

Chiếc nón lá non sau khi thành phẩm – Ảnh: Đình Trung

kham pha lang nghe lam non la noi tieng bac nhat tai ha thanh hinh 5

Chiếc nón lá già sau khi thành phẩm – Ảnh: Đình Trung

kham pha lang nghe lam non la noi tieng bac nhat tai ha thanh hinh 6

Hai mẫu nón lá (non có màu trắng, già có màu vàng) sau khi thành phẩm sẽ được nghệ nhân làng Chuông giao theo đơn đặt hàng của khách trong và ngoài nước – Ảnh: Đình Trung

Bà Lý tâm sự, gia đình bà hầu hết các con đều biết làm nón lá nhưng do công việc bận nên chỉ cuối tuần mới có thời gian ngồi đan nón cùng bà. Bà Lý cũng rất vui khi thế hệ sau giữ được nghề làm nón lá truyền thống, bà chỉ mong là nghề làm nón lá mãi không bị mai một, thất truyền. 

“Dù có làm nghề kinh doanh hay làm bất kể nghề gì khác nhưng tôi chỉ mong rằng thế hệ con cháu sau này cố giữ lấy nghề truyền thống làm nón lá. Tuy nghề này không đem lại nhiều về kinh tế, nhưng làm nghề này lúc nào cũng có tiền, cứ làm ra nón là có tiền…”, bà Lý khẳng định.

Hiện tại, làng Chuông vẫn tấp nập khách thập phương ra vào. Khách đến đây không chỉ đặt hàng mà còn muốn tham quan, tận mắt được trông thấy người nghệ nhân khâu nón. Trong khuôn viên của từng gia đình, những cụ già, em nhỏ cặm cụi ngồi trong nhà hay dưới bóng mát của tán cây khâu từng chiếc nón.

Vào hàng tháng, làng Chuông lại họp chợ tới 6 lần (vào các ngày 4, 10, 14, 20, 24, 30 Âm lịch). Các phiên chợ nón lá được mở ra mang lại không khí đậm đà bản sắc văn hóa, nét đẹp của làng quê Việt Nam. 

Trung Nguyễn