Khám phá Thăng Long tứ trấn: Bài 2 – Độc đáo đền thờ thần bảo hộ của kinh thành Thăng Long
“Thần bảo hộ” của kinh thành Thăng Long
Đền Bạch Mã là ngôi đền cổ có từ thế kỷ thứ IX khi nước ta đang bị nhà Đường phương Bắc đô hộ (792 – 906) được xây dựng trên đất phường Hà Khẩu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức xưa. Đền Bạch Mã hiện nằm tại số 76 phố Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Đền thờ thần Long Đỗ (hiệu Quảng Lợi Bạch Mã đại vương), vị thần bảo hộ kinh thành Thăng Long, trấn giữ phía Đông (thành hoàng Hà Nội), là vị thần được người dân Thăng Long xưa và Hà Nội nay tôn kính. Trong dân gian vẫn còn lưu truyền nhiều sự tích về thần Long Đỗ gắn chặt với các sự kiện lớn của đất Thăng Long. Chính vì thế ngài còn được coi là Thành hoàng của kinh đô Thăng Long.
Một trong những sự tích ly kỳ nhất về thần Long Đỗ được dân gian truyền tụng là việc phá trấn yểm của Cao Biền. Cuối thời nhà Đường, dưới sự áp bức của thế lực phong kiến phương Bắc, nhân dân ta đã nổi dậy đấu tranh, thể hiện tinh thần yêu nước quật cường với hàng loạt các cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng, Mai Thúc Loan….
Mặc dù các cuộc khởi nghĩa đều bị đàn áp dã man nhưng đã góp phần làm lung lay nền đô hộ của giặc phương Bắc. Trong bối cảnh đó, Cao Biền được triều Đường cử sang làm tiết độ sứ cai trị dân ta vào năm 866 (tức năm Bính Tuất, theo Đại Việt sử ký toàn thư).
Dân gian truyền rằng Cao Biền là thầy phù thủy cao tay cho nên sau khi nhậm chức tiết độ sứ thì đã cưỡi chim thần đi khắp nước Việt để xem xét phúc địa. Nếu thấy chỗ nào có “long mạch” thì Cao Biền sẽ dùng tà phép trấn yểm hết để dân Nam suốt đời không phát triển được, chịu sự thống trị của phương Bắc: trồng cây trấn yểm, đào phá long mạch…
Có giai thoại kể rằng, năm 866, sau khi đắp xong thành Đại La, Cao Biền ra dạo chơi ở cổng Đông thì gặp một trận gió to, mây mù, xuất hiện một người cao lớn mặc áo gấm cưỡi rồng ẩn hiện. Ngay lập tức, y nảy sinh ý định trấn yểm bằng việc cho đem vàng và đồng đúc thành tượng theo dáng hình vị thần rồi dùng bùa trấn yểm.
Đêm đó, Cao Biền nằm mơ thấy vị thần nói rằng: “Ta là thần Long Đỗ, tinh anh của khí thiêng sông núi nơi đây việc gì mà phải trấn yểm”. Đến hôm sau, y sai người đi xem những chỗ đã trấn yểm thì đã thấy tan nát hết. Sợ hãi trước sức mạnh của thần thánh, Cao Biền vội lập đền thờ thần trong thành.
Cũng có một tích khác liên quan đến thần Long Đỗ là vào năm 1010, khi vua Lý Thái Tổ rời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Thăng Long, nhà vua cho người dân xây thành đến đâu thì thành đều sụt lún khiến nhà vua rất muộn phiền.
Nghe tiếng thần Long Đỗ linh thiêng, nhà vua đã đến cầu khấn. Đêm ấy, nhà vua nằm mơ thần Long Đỗ báo mộng nếu thấy con ngựa trắng từ đền chạy ra thì cho người đo đạc theo bước chân ngựa mà xây thành.
Quả nhiên, theo lời chỉ dẫn của thần, nhà vua đã xây thành không bị đổ xuống. Từ đấy, đền có tên là đền Bạch Mã .Để nhớ ơn đến công lao của thần, vua Lý đã truy phong cho ngài là Quốc đô Thành hoàng Đại vương và đến nhà Trần, gia phong Ngài là Bảo quốc Trấn linh Định bang Quốc đô Thành hoàng Đại vương.
Ngôi đền thiêng giữa lòng phố cổ
Đền Bạch Mã quay mặt về phía Đông Nam, được tôn tạo sửa chữa nhiều lần, cuối thế kỷ XVII được nâng cao nền và mở rộng, năm 1781, chúa Trịnh Sâm trùng tu thêm tráng lệ lại cho ba giáp quanh đền là Bắc Thượng, Bắc Hạ, Mật Thái của phường Hà Khẩu làm “tạo lệ” trông nom thờ cúng, được miễn sưu sai tạp dịch.
Năm 1839, xây văn chỉ ở bên trái, dựng phương đình tám mái ở trước tòa đại bái, có mái vòm hình “mai cua” độc đáo nối phương đình với các nhà kiến trúc kiểu chữ Tam tạo không gian thoáng đãng.
Kiến trúc còn lại ngày nay của ngôi đền chủ yếu theo lối kiến trúc của nhà Nguyễn vào thế kỷ XIX. Trong đền có bức hoành phi ghi 4 chữ “Đông trấn chính từ” (đền chính trấn giữ phía Đông) và nhiều đồ tế tự tinh xảo, có bộ bát bảo sơn son thiếp vàng, đôi hạc cao, hai tượng phỗng đá đứng sinh động và quý nhất là tượng thần ngựa trắng bằng đồng có từ thế kỷ XIX.
Đền còn lưu giữ 15 bia đá, văn bia nói về sự tích thần Long Đỗ, các nghi thức cúng tế, các lần trùng tu tôn tạo cùng nhiều sắc phong của các triều vua. Kiến trúc của đền Bạch Mã hiện nay được xây dựng từ thế kỷ IX, mang vẻ đẹp cổ kính, trang nghiêm với nền tường vàng, cánh cửa làm bằng gỗ giữa lòng phố cổ nhộn nhịp.
Điểm đặc biệt của đền là có sự liên kết từ nghi môn với hậu cung, phương đình nối giữa nghi môn với tiền tế để tránh mưa nắng. Hệ thống cột gỗ lim lớn, bộ đỡ mái đều được làm theo đúng kiểu “giá chiêng chồng rường con nhị” với nét chạm khắc tỉ mỉ, khỏe khoắn…
Nhà đại bái đền Bạch Mã đặt áng thờ chế tác tinh xảo và chạm khắc chi tiết rồng phương sơn son thếp vàng, các chi tiết đầu rồng, hoành phi, câu đối không chỉ thếp vàng rực rỡ mà còn tinh xảo, sống động.
Di tích vẫn còn giữ được nhiều di vật có giá trị, tiêu biểu là các bia đá ghi sự tích của đền, của thần, các đạo sắc phong thần có niên đại trải dài từ thời Lê đến thời Nguyễn. Đặc biệt, trong ngôi đền còn tồn tại giếng ngọc linh thiêng với phần thành giếng mới được làm bằng đá xanh, giếng sâu khoảng 5m.
Giếng là nét rất đặc trưng cho cuộc sống của người dân Việt Nam từ xưa để lấy nước để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Có nhiều câu chuyện xoay quanh giếng cổ được vị thủ từ tại đền chia sẻ như việc người dân đi tìm mạch nước, khôi phục lại giếng ngọc trong ngôi đền cổ trấn Đông thành Thăng Long. Trước đây, giếng bị che lấp đi để người dân ở, lấy sân bán hàng. Năm 2010, thời gian thủ đô kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, giếng ngọc được tìm thấy.
Mặc dù trải qua nhiều đợt trùng tu nhưng ngôi đền vẫn giữ được cảnh quan uy nghiêm và những dấu tích cổ hiếm thấy cùng với các nghi thức lễ hội của đền được tổ chức vào ngày 12 và ngày 13 tháng Hai âm lịch hàng năm.
Nằm trong khu phố cổ Hà Nội, với những giá trị lịch sử văn hóa – kiến trúc nghệ thuật và sự quan tâm của chính quyền, người dân thủ đô và khách du lịch trong, ngoài nước, đền Bạch Mã không những là một di tích tiêu biểu của khu phố cổ mà vẫn giữ nguyên giá trị là một trong “tứ trấn” của Thăng Long – Hà Nội.
Ngày 18/1/2022, “Thăng Long tứ trấn” gồm bốn di tích tiêu biểu, trấn giữ bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc của kinh thành Thăng Long xưa, trong đó có đền Bạch Mã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Bài liên quan
Khám phá “Thăng Long tứ trấn”: Bài 1 – Huyền tích đền Quán Thánh
Những ngôi đền người dân Hà Nội đi lễ cầu may đầu năm
Đền Quán Thánh – Ngôi đền linh thiêng bậc nhất Thủ đô Hà Nội
Câu chuyện kỳ bí về ‘Thần Bạch xà’ ở Đền Trần
Hồng Ngọc