Khám miễn phí cho 2.000 trường hợp vô sinh, hiếm muộn
(HNMO) – Chiều 24-7, bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) cho biết, tỷ lệ các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn đang có xu hướng gia tăng.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, nguyên nhân do nữ thường chiếm khoảng 30% số trường hợp vô sinh, nguyên nhân do nam chiếm khoảng 30%-40% và 20% trong số trường hợp vô sinh có nguyên nhân từ cả hai vợ chồng. Tuy nhiên, có khoảng 10%-15% trường hợp không tìm thấy nguyên nhân gây hiếm muộn.
Bác sĩ Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tư vấn cho bệnh nhân.
Cũng theo bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, với người vợ, nguyên nhân hay gặp nhất là tắc 2 vòi tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang, bất thường tử cung, lạc nội mạc tử cung. Còn với người chồng, vô sinh thường do có sự bất thường về số lượng, chất lượng tinh trùng… Điều đáng mừng là y học hiện đại ngày nay đã có nhiều phương pháp có thể giúp điều trị cho những người hiếm muộn. Chỉ cần các cặp vợ chồng hiếm muộn nhận thức sớm tình trạng của mình, đi khám sớm và chia sẻ cởi mở với bác sĩ thì khả năng điều trị thành công là rất cao. Hiện nay, tỷ lệ thành công của các cặp vợ chồng điều trị hiếm muộn nhờ phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) đạt 31%; tỷ lệ có thai trong chuyển phôi tươi đạt 42% và với phương pháp chuyển phôi đông lạnh là 63%…
Được biết, từ ngày 5-8 đến 19-8, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội sẽ tổ chức chương trình “Tuần lễ vàng-Ươm mầm hạnh phúc 2017” với chủ đề “Kết nối yêu thương, ươm mầm hạnh phúc” hướng đến mục tiêu chung tay cùng cộng đồng nâng cao nhận thức của các cặp vợ chồng về vô sinh – hiếm muộn, đồng thời hỗ trợ kinh phí, góp phần giảm nhẹ gánh nặng kinh tế cho các cặp vợ chồng trong hành trình tìm kiếm đứa con thân yêu. Trong suốt thời gian diễn ra chương trình, bệnh viện dành tặng 2.000 suất tư vấn, khám, siêu âm miễn phí cho các trường hợp bị vô sinh, hiếm muộn.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội khuyến cáo, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản, quan hệ thường xuyên (3-4 lần/tuần) không dùng biện pháp tránh thai trong vòng 1 năm (hoặc 6 tháng nếu người nữ trên 35 tuổi) mà chưa có thai thì có thể nghĩ đến khả năng bị vô sinh.