Khai thác tốt thị trường nhờ kết hợp thương mại điện tử
Chủ động tìm kiếm khách hàng Trung Quốc
Ngay sau khi, sầu riêng Việt Nam nhận được “visa” xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đã xây dựng và phát hành Cẩm nang Hướng dẫn xuất khẩu rau quả chính ngạch sang thị trường này.
Bộ tài liệu 80 trang là một hợp phần trong Đề án của Chính phủ về thúc đẩy, chuyển đổi hoạt động xuất khẩu qua biên giới sang hình thức chính ngạch. Cẩm nang cung cấp các thông tin cần thiết cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và người sản xuất tham gia vào chuỗi sản xuất, xuất khẩu rau quả nói riêng và nông sản nói chung sang thị trường Trung Quốc.
Ngoài thông tin cơ bản về tiêu chuẩn hàng hóa, bao bì đóng gói, giao dịch và ký kết hợp đồng, điều kiện giao hàng, phương thức thanh toán…, cẩm nang hướng dẫn khá chi tiết về việc phải bắt đầu từ đâu và dựa vào những nguồn nào để tìm kiếm khách hàng Trung Quốc.
Cẩm nang Hướng dẫn xuất khẩu rau quả chính ngạch sang Trung Quốc cung cấp thông tin chi tiết về tiêu chuẩn hàng hóa, bao bì đóng gói, giao dịch và ký kết hợp đồng, điều kiện giao hàng, phương thức thanh toán… Ảnh: Tùng Đinh.
Theo đó, Bộ Công thương giới thiệu công cụ Trademap của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) là một trong những kênh tìm kiếm khách hàng miễn phí và đơn giản nhất mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng để tìm kiếm đối tác Trung Quốc. Tuy nhiên, nhược điểm của cách này là không có sự tương tác với nhà nhập khẩu; có khả năng nhà nhập khẩu không có nhu cầu, không phản hồi thông tin.
Ngoài ra, các doanh nghiệp, hợp tác xã cần tham dự các Hội chợ triển lãm quốc tế, tham gia Đoàn công tác xúc tiến thương mại do các tổ chức, cơ quan nhà nước, Hiệp hội ngành hàng tổ chức. Đây là cơ hội để các bên mua – bán gặp gỡ, trao đổi trực tiếp, cùng thống nhất cách thức liên hệ, đàm phán hợp đồng…
Theo như hướng dẫn của Bộ Công thương, sau khi tiếp xúc, gặp gỡ, để đi đến đàm phán giao thương, doanh nghiệp có thể sử dụng một số phương pháp để xác minh thông tin và đánh giá độ tin cậy của doanh nghiệp đối tác để tránh những rủi ro không đáng có như xác minh thực lực và uy tín của các doanh nghiệp Trung Quốc bằng cách truy cập vào website xác minh thông tin doanh nghiệp Trung Quốc (National Enterprises Credit Information Publicity System): http://www.gsxt.gov.cn/index.html.
Trong trường hợp đối tác Trung Quốc là đối tác lần đầu tiếp xúc qua hội chợ, triển lãm hoặc qua các kênh hội thảo, diễn đàn… thì cần đề nghị đối tác cung cấp giấy phép kinh doanh do Cục Quản lý hành chính công thương tại tỉnh/thành phố Trung Quốc mà doanh nghiệp đó có trụ sở cấp cho đối tác. Bộ Công thương khuyến cáo các doanh nghiệp về việc “tuyệt đối không tin vào giấy phép kinh doanh mà trên đó có in hàng chữ “Chỉ có giá trị tham khảo”. Doanh nghiệp cũng có thể thông qua hệ thống thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc để tìm hiểu những thông tin cơ bản của đối tác.
Khai thác tốt thị trường nhờ hợp tác với các sàn giao dịch TMĐT
Trên thực tế, một số loại nông sản, trái cây Việt Nam đã có thể tiếp cận thành công và chiếm thị phần khá cao tại Trung Quốc. Mặc dù vậy, doanh nghiệp xuất khẩu vẫn cần chú trọng công tác nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu nhằm giữ vững thị phần và nâng cao giá trị gia tăng. Một trong những cách giúp tăng cường hiện diện của thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường Trung Quốc đó là tận dụng các website về thương mại điện tử (TMĐT), các trang công cụ tìm kiếm phổ biến trên thế giới và tại Trung Quốc.
Có thể lấy Alibaba, một trong những sàn thương mại trực tuyến tích hợp quốc tế lớn nhất Trung Quốc làm ví dụ. Với mô hình kinh doanh B2B (Business to Business), các doanh nghiệp có thể tìm thấy thông tin về hàng hóa và công ty cung cấp mình cần, không cần gặp mặt trực tiếp mà cũng có thể tìm được nhà cung cấp giá rẻ. Hình thức này giúp tiết kiệm thời gian và chi phí kết nối doanh nghiệp.
Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu trái cây Chánh Thu. Ảnh: Minh Đảm.
Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu trái cây Chánh Thu (Công ty Chánh Thu) nhận định tham gia vào sàn giao dịch thương mại điện tử có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhiều chi phí đi hội chợ, kết nối trực tiếp.
“Đối với Chánh Thu, các đối tác thương mại bên Trung Quốc hầu hết đều là truyền thống, đã giao dịch từ lâu nay. Nhưng công ty vẫn tham gia sàn TMĐT như một phân khúc để mở rộng tệp khách hàng của mình, tìm kiếm các đối tác lẻ. Tham gia sàn TMĐT nhìn chung có thể giúp tiếp kiệm nhiều chi phí kết nối cho các doanh nghiệp song cũng cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, lãnh sự quán… để xác định tính uy tín và tin cậy của đối tác bên Trung Quốc”, bà Vy chia sẻ.
Phải khẳng định lại là để duy trì mối quan hệ xuất khẩu thương mại và gắn kết lâu dài, mở ra cơ hội xuất khẩu thêm các mặt hàng sang thị trường 1,4 tỷ dân, uy tín của doanh nghiệp và khả năng đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, bảo quản của doanh nghiệp là điều quan trọng tiên quyết.
Xuất khẩu nông sản qua kênh trực tuyến rất phù hợp với xu hướng xuất khẩu hiện nay, đặc biệt với thị trường Trung Quốc: Ảnh minh họa.
Thông tin công bố tại một hội thảo chuyên đề về thị trường nông sản và đồ uống gần đây tại TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện khoảng 2.000 doanh nghiệp Việt Nam tham gia trên sàn Alibaba.com, trong đó gần 40% liên quan đến nông sản. Đây cũng là nhóm hàng đang có tốc độ tăng trưởng tìm kiếm nhu cầu cao gấp ba lần tốc độ tăng nguồn cung.
Theo nghiên cứu dữ liệu riêng của Alibaba.com, từ tháng 1/2021 – 1/2022, ngành hàng nông nghiệp và thực phẩm có chỉ số cơ hội kinh doanh tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Hơn nữa, tốc độ tăng nhu cầu của các nhóm hàng này lớn gấp ba lần tốc độ tăng nguồn cung. Đặc biệt, lưu lượng người mua đối với các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức 50%. Những thông tin trên cho thấy, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam đang có cơ hội rõ ràng để kết nối với các khách hàng quốc tế và xuất khẩu sang các thị trường mới.
Ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản – cũng cho rằng xuất khẩu nông sản qua kênh trực tuyến rất phù hợp với xu hướng xuất khẩu hiện nay, đặc biệt với thị trường Trung Quốc đang có sự dịch chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch. “Thông qua kênh thương mại điện tử, các nhà cung cấp Việt Nam có thể tiếp cận đến khách hàng toàn thế giới, trong đó có thị trường Trung Quốc. Đây là thị trường lớn, đòi hỏi tính chính ngạch ngày càng cao”, ông Toản chia sẻ.
Trung Quốc là một trong số ít thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới, với kim ngạch nhập khẩu hàng năm 4 tỷ USD. Sau khi Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc được ký kết vào ngày 11/7 vừa qua, trái sầu riêng của Việt Nam sẽ được nhập khẩu qua tất cả các cửa khẩu của Trung Quốc được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu trái cây.