Kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2021

Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc xác định đây là chủ trương, nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng cường và nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của các cấp ủy đảng, năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Vì vậy, tỉnh đã tập trung quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở thống nhất nhận thức và thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 39-NQ/TW và các chỉ đạo của Ban Bí thư, Bộ Chính trị.

Ảnh minh họa: Trí Đức

Công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU của tỉnh Vĩnh Phúc

Để thể hiện quyết tâm chính trị cao đối với nhiệm vụ về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức một cách có hệ thống, có lộ trình và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, sau một thời gian tuyên truyền, phổ biến và khảo sát đánh giá thực trạng của cả hệ thống các cơ quan từ tỉnh đến cơ sở, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Đề án số 01-ĐA/TU ngày 30/11/2016 về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2021 (sau đây gọi tắt là Đề án số 01). Mục tiêu của Đề án số 01 tập trung vào bốn nội dung chính là: sắp xếp tổ chức bộ máy; tinh giản biên chế; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tiết kiệm chi ngân sách.

Ngay sau khi Đề án số 01 được ban hành, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã xác định công tác tuyên truyền, quán triệt mục đích, ý nghĩa của Đề án là khâu đặc biệt quan trọng để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong toàn hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bởi đây là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp. Vì vậy, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên tuyên truyền, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; các chương trình, đề án của Tỉnh ủy và UBND tỉnh đến các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý.

Kết quả triển khai cho thấy, 100% cơ quan, đơn vị và các địa phương trong tỉnh đã nghiêm túc tổ chức thực hiện, bằng nhiều hình thức như hội nghị, tọa đàm, phổ biến tại các buổi sinh hoạt chi bộ, họp cơ quan… Các cơ quan thông tin truyền thông của tỉnh như: Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin – giao tiếp điện tử tỉnh, một số báo, tạp chí chuyên ngành của Trung ương cũng đã có những chuyên đề tuyên truyền về chủ trương của tỉnh trong công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của tỉnh và tạo được sự lan tỏa, đồng thuận và thống nhất cao của các cơ quan trong hệ thống chính trị của tỉnh.

Những kết quả đạt được sau 05 năm triển khai, thực hiện Đề án số 01

Sau 05 năm triển khai thực hiện Đề án số 01, các nhiệm vụ của Đề án được đánh giá hoàn thành tốt và đạt mục tiêu đề ra, cụ thể ở một số nội dung chính sau:

Về sắp xếp tổ chức bộ máy

Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, đoàn thể, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp theo Đề án số 01 đã được thực hiện rất bài bản, thận trọng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và đạt mục tiêu tinh gọn, bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Các cơ quan, đơn vị có tính chất tương đồng được sáp nhập, giảm đầu mối. Sắp xếp, kiện toàn phải đảm bảo nguyên tắc cùng nhóm chức năng, nhiệm vụ chỉ giao một tổ chức, đơn vị thực hiện; phù hợp với các điều kiện về kinh tế – xã hội theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tránh làm phân tán, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, làm khó khăn trong phối hợp quản lý. Mạng lưới các đơn vị sự nghiệp y tế, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp và phát triển nông thôn, văn hóa, thể thao và du lịch và các đơn vị sự nghiệp khác được quy hoạch, sắp xếp lại đảm bảo khoa học, hiệu quả. Rà soát, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong từng đơn vị theo hướng tinh gọn, giảm mạnh đầu mối, bỏ cấp trung gian, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiêu chuẩn, chuẩn mực quản trị quốc tế.

Tính đến nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 21 cơ quan chuyên môn, 13 chi cục và tương đương chi cục với 268 phòng chuyên môn (trong đó có 128 phòng chuyên môn thuộc các sở, ngành; 40 phòng chuyên môn thuộc các chi cục trực thuộc sở, ngành; 100 cơ quan chuyên môn cấp huyện) và 770 đơn vị sự nghiệp. So với thời điểm ngày 30/4/2015, toàn tỉnh đã giảm 194 đầu mối, trong đó có 83 phòng quản lý nhà nước và tương đương và 111 đơn vị sự nghiệp.

Các tổ chức Hội được UBND tỉnh quyết định ủy quyền cho một số cơ quan, đơn vị quản lý 16 tổ chức hội cấp tỉnh; đồng thời hướng dẫn UBND cấp huyện ủy quyền cho phòng chuyên môn, tổ chức cấp huyện quản lý đối với 08 tổ chức hội cấp huyện.

Các đơn vị hành chính cấp xã thực hiện theo Nghị quyết số 868/NQ-UBTVQH14 ngày 10/01/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đến tháng 3/2020 đã hoàn thành việc sáp nhập xã Tân Cương và xã Phú Thịnh thành xã Tân Phú thuộc huyện Vĩnh Tường trước thời hạn. Hiện nay, toàn tỉnh có 136 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 01 xã). Đồng thời, đã sáp nhập 272 thôn, tổ dân phố, hiện toàn tỉnh còn 1.237 thôn, tổ dân phố, giảm 142 thôn, tổ dân phố.

Sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan từ tỉnh đến cơ sở, số lượng đầu mối các đơn vị đã giảm đáng kểnhưng tổ chức bộ máy vẫn hoạt động ổn định, không gây xáo trộn làm ảnh hưởng đến tình hình chính trị và phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Nhiệm vụ này được coi là thành công nổi bật trong thực hiện, triển khai Đề án số 01 của tỉnh Vĩnh Phúc.

Về tinh giản biên chế

Thực hiện các biện pháp của Đề án số 01 và các nghị định của Chính phủ về tinh giản biên chế, HĐND tỉnh đã ban hành 03 nghị quyết (Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐND ngày 24/10/2017, Nghị quyết số 37/2018/NQ-HĐND ngày 18/12/2018 về việc hỗ trợ công chức, viên chức, lao động hợp đồng thôi việc theo nguyện vọng và Nghị quyết số 22/2017/NQ-HĐND ngày 17/7/2017 về việc bố trí cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố). Qua hơn 02 năm thực hiện, có hơn 1.600 người thôi việc và được hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh và giảm 11.473 người hoạt động không chuyên trách (2.561 người ở cấp xã, 8.912 người ở thôn, tổ dân phố).

Việc thực hiện Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐND và Nghị quyết số 37/2018/NQ-HĐND của tỉnh Vĩnh Phúc đã giải quyết tốt chính sách, tạo được sự ủng hộ tích cực cho cán bộ, công chức, viên chức chịu ảnh hưởng, tác động trực tiếp từ việc sắp xếp tổ chức bộ máy, quan tâm đến quyền lợi, tâm tư, tình cảm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khi thôi việc. Các nghị quyết này góp phần không nhỏ vào kết quả tinh giản biên chế của tỉnh Vĩnh Phúc trong giai đoạn vừa qua.

Bên cạnh đó, Tỉnh ủy và UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện đồng thời nhiều giải pháp quyết liệt về tinh giản biên chế như: cắt giảm chỉ tiêu biên chế giao ngay từ đầu năm; tuyển dụng trong phạm vi số biên chế được giao và thay thế không quá 50% số biên chế giảm được trong năm; các đơn vị chưa thực hiện đạt chỉ tiêu tinh giản biên chế thì không tổ chức tuyển dụng; rà soát, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo vị trí việc làm; các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế hàng năm để làm cơ sở triển khai thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình.

Đã thực hiện nhất thể hóa chức danh Trưởng ban Ban Tổ chức huyện ủy với Trưởng phòng Phòng Nội vụ tại 02 huyện; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra huyện ủy đồng thời là Chánh Thanh tra huyện tại 01 huyện. Đã bố trí kiêm nhiệm nhân viên trường học và sắp xếp đội ngũ nhân viên trường học do sáp nhập một số trường. Điều chuyển 136 nhân nhân viên y tế trường học (trừ khối mầm non, tiểu học) sang ngành y tế quản lý. Bố trí cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách cấp xã để giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Việc bố trí một người kiêm nhiệm nhiều công việc đã giúp thu nhập của người hoạt động không chuyên trách tăng lên, thu hút được nhiều người có phẩm chất, năng lực và chuyên môn nghiệp vụ cao tham gia công tác; vì vậy chất lượng, hiệu quả công tác của những người hoạt động không chuyên trách tăng lên rất nhiều so với trước đó.

Tính đến năm 2021, toàn tỉnh đã cắt giảm 2.796 chỉ tiêu so với chỉ tiêu biên chế giao năm 2015, đã hoàn thành mục tiêu giảm 10% theo yêu cầu tại Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và mục tiêu Đề án số 01 đề ra.

Về đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Tỉnh ủy và UBND tỉnh Vĩnh Phúc thường xuyên chỉ đạo người đứng đầu các sở, ngành, UBND cấp huyện nâng cao trách nhiệm trong quản lý, sử dụng biên chế và chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh về quản lý và sử dụng biên chế trong phạm vi chỉ tiêu biên chế được giao; bảo đảm thống nhất giữa quản lý biên chế với tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức theo tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị; thực hiện cơ cấu lại vị trí việc làm theo chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo hợp lý về chuyên môn, chức danh nghề nghiệp, sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ xác định số dôi dư, không phù hợp để giải quyết thôi việc, tinh giản biên chế. Các cơ quan thuộc tỉnh không ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn nghiệp vụ, không sử dụng ngân sách nhà nước để ký hợp đồng lao động (chỉ thực hiện đối với các đơn vị sự nghiệp còn chỉ tiêu biên chế được giao nhưng chưa tuyển dụng hoặc đơn vị sự nghiệp tự chủ về kinh phí). 

Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng quản lý hành chính, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức được quan tâm, góp phần chuẩn hóa và nâng cao chất lượng. Đến nay, có 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt chuẩn về trình độ đào tạo theo quy định; toàn tỉnh có 86 tiến sĩ và tương đương, 2.975 thạc sĩ và tương đương, 16.954 đại học; tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn là 100%; chỉ số nhân lực ngành y tế đạt 35,1 cán bộ y tế/vạn dân. 

Công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được chú trọng thay đổi, cải tiến ngay từ khâu tuyển dụng. Việc tuyển dụng công chức (kể cả công chức cấp xã) và viên chức đều được thực hiện thống nhất bằng hình thức thi tuyển, chú trọng tuyển dụng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và theo vị trí việc làm nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ. Công tác bổ nhiệm cán bộ gắn với quy hoạch, tiêu chuẩn chức danh, số lượng cấp phó. Đặc biệt, Vĩnh Phúc là một trong 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện thí điểm thi tuyển để bổ nhiệm 07 lãnh đạo cấp phòng.

Công tác đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức được tỉnh xác định là khâu tiền đề, quyết định trong công tác cán bộ, vì vậy tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chú trọng công tác đánh giá, xếp loại theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa XII theo hướng phân cấp quản lý gắn với chất lượng, kết quả thực hiện nhiệm vụ theo tiêu chí cụ thể, trong đó mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không quá 20% tổng số cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị. Gắn việc đánh giá cán bộ với đánh giá đảng viên hàng năm và kiểm điểm theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 (khóa XI và khóa XII)… Do đó, đã từng bước cải tiến quy trình và nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ, tỷ lệ cán bộ hoàn thành xuất sắc đã giảm nhiều, từng bước đi vào thực chất, đáp ứng yêu cầu cao hơn đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Về đổi mới cơ chế quản lý tài chính

Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã thực hiện đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách thông qua việc ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp tỉnh, huyện, xã và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương theo hướng tiết kiệm và tích cực hơn. Đối với các cơ quan hành chính, thực hiện khoán kinh phí chi hành chính, theo định mức phân bổ của HĐND tỉnh, toàn bộ các cơ quan đều xây dựng được quy chế chi tiêu nội bộ để quy định các nội dung và mức chi phù hợp với từng cơ quan, nhiều đơn vị đã tiết kiệm được kinh phí khoán để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức.

Đối với lĩnh vực y tế sử dụng nguồn kinh phí khám, chữa bệnh thông qua giá dịch vụ khám, chữa bệnh cho người dân do bảo hiểm y tế và người khám, chữa bệnh chi trả. Đối với lĩnh vực giáo dục có thu học phí thì tỉ lệ chi khác giai đoạn 2017-2020 là 18% (giảm 2%); đối với định mức phân bổ chi hoạt động các Hội đặc thù cấp tỉnh giai đoạn 2017-2020 được tính bằng 70% (giảm 30%) so với biên chế của cơ quan hành chính cấp tỉnh và được tính bằng 50% (giảm 50%) so với biên chế của cơ quan hành chính cùng cấp; thực hiện giao tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, số đơn vị sự nghiệp tự chủ toàn bộ chi thường xuyên và chi đầu tư đã tăng lên đáng kể (tăng 44 đơn vị), số đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên giảm đi (giảm 152 đơn vị, trong đó có bao gồm giảm do sáp nhập đơn vị), góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Tỉnh Vĩnh Phúc cũng thực hiện quyết liệt một số biện pháp như: đổi mới phương thức mua sắm trực tiếp sang phương thức mua sắm tập trung; ban hành tiêu chuẩn, định mức, số lượng tài sản chuyên dùng; thực hiện cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công; tăng cường công khai dự toán, quyết toán ngân sách; thực hiện quản lý ngân sách trên hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc TABMIS (hệ thống thông tin dữ liệu tập trung). Qua thực hiện các giải pháp đổi mới cơ chế quản lý đã tiết kiệm được tổng kinh phí là 239 tỷ đồng, trong đó giảm chi cho lĩnh vực giáo dục là 61 tỷ đồng; giảm chi do thực hiện sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế khối nhà nước là 17,4 tỷ đồng; giảm chi do thực hiện sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế khối sự nghiệp là 160.6 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án số 01 còn gặp khó khăn, vướng mắc như: một số nhiệm vụ mang tính chất đột phá, thực hiện thí điểm nên khi triển khai còn lúng túng, vướng mắc do chưa có các quy định cụ thể của Trung ương và kinh nghiệm thực tiễn. Việc cổ phần hóa, chuyển đổi mô hình hoạt động, xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm. Thiếu cơ chế, chính sách trong chuyển đổi mô hình hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập ra ngoài công lập; việc sắp xếp các tổ chức Hội có tính chất đặc thù còn gặp nhiều khó khăn do thiếu căn cứ pháp lý và chưa có sự đồng thuận cao của các Trung ương Hội. Biên chế công chức của tỉnh được giao còn thấp, chưa đáp ứng đủ nhu cầu, nên việc thực hiện tinh giản biên chế bằng 10% biên chế giao là rất khó khăn trong khi vẫn phải hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, do dân số tăng cơ học trong những năm gần đây, nên tình trạng thiếu giáo viên trở nên trầm trọng trong khi vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế.  

Một số nhiệm vụ trọng tâm về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế giai đoạn tiếp theo của tỉnh Vĩnh Phúc

Để tiếp tục thực hiện tốt việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước trên địa bàn tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ cơ bản sau:

Một là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước gắn với trách nhiệm người đứng đầu về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý.

Hai là, tiếp tục sắp xếp cơ cấu tổ chức các phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, cấp huyện theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP; Nghị định số 108/2020/NĐ-CP, Nghị định số 120/2020/NĐ-CP và phù hợp thực tiễn của tỉnh. Đẩy mạnh thực hiện việc cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp, giao tự chủ kinh phí hoạt động đối với đơn vị sự nghiệp công lập có thu hoặc tăng mức độ tự chủ đã giao để giảm chi từ ngân sách nhà nước theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Ba là, kiên trì giữ ổn định và thực hiện tinh giản biên chế, giảm số lượng phải gắn với việc cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong quản lý, sử dụng, tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật, miễn nhiệm, thôi việc, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng trong công tác cán bộ. Quan tâm phát triển đồng bộ nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trẻ có triển vọng để tạo nguồn kế cận.

Bốn là, thực hiện một số giải pháp đột phá về công tác cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, đảm bảo về số lượng, cơ cấu, chất lượng, trình độ, năng lực, phẩm chất, kỹ năng, phương pháp công tác. Hoàn thiện đồng bộ, đầy đủ, thống nhất hệ thống các quy định, quy chế, quy trình công tác cán bộ đảm bảo khoa học, khách quan, dân chủ, minh bạch, chặt chẽ. Thực hiện tốt công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp của tỉnh bảo đảm tính kế thừa, liên tục, phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có tư duy khoa học, dám đổi mới, có phương pháp, kỹ năng, phong cách làm việc hiện đại, chuyên nghiệp; được bố trí đúng vị trí việc làm, khung năng lực, tiêu chuẩn chức danh cán bộ.

Những kết quả rất quan trọng đạt được trong triển khai thực hiện Đề án số 01 nêu trên đã khẳng định quyết tâm cải cách mạnh mẽ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các cấp, các ngành của tỉnh Vĩnh Phúc trong sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đồng thời từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị của tỉnh, tạo tiền đề thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới./.

 

Nguyễn Phú Sơn – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc

 

Tạp chí Tổ chức nhà nước số 9/2021

Theo: https://tcnn.vn/