Kem chống nắng: Tất tần tật những điều cần biết – YouMed
Kem chống nắng là sản phẩm chăm sóc da hầu như không thể thiếu trong túi đồ của chị em phụ nữ, đặc biệt là ở các nước nắng gắt như Việt Nam. Vậy bạn hiểu gì về sản phẩm này và sản phẩm này có đáng quan trọng như vậy? Sau đây hãy cùng Bác sĩ chuyên khoa Da liễu Nguyễn Thị Thảo tìm hiểu tất tần tật những điều bạn cần biết về kem chống nắng nhé!
Kem chống nắng là gì?
Kem chống nắng là một loại sản phẩm giúp ngăn ngừa các tác hại của ánh nắng mặt trời. Bởi nó có tác dụng hấp thụ hoặc phản xạ một số bức xạ tử ngoại (UV) của mặt trời. Tia UV chia theo bước sóng gồm 3 loại: UVA, UVB, UVC. Trong đó UVC đã bị bầu khí quyển chặn lại nên các sản phẩm chống nắng chủ yếu ngăn UVA và UVB.
Tại sao phải sử dụng kem chống nắng?
Bên cạnh những tác động tích cực cho xương, răng, ánh nắng mặt trời có những tác hại nhất định. Đối với tính thẩm mỹ, nó gây cháy nắng, sạm da, lão hoá sớm, da đồi mồi,… Nghiêm trọng hơn đối với sức khỏe, ánh nắng mặt trời có thể gây bỏng nắng.
Kem chống nắng giống như một lớp màng bảo vệ da khỏi các bức xạ gây hại. Do đó nó có thể làm giảm và ngăn ngừa lão hóa da, các vết nám và tàn nhang. Ngoài ra một số loại sản phẩm có thêm tính năng dưỡng ẩm, nâng tông da thích hợp dùng chung với bộ trang điểm. Vì thế, sản phẩm chống nắng là cần thiết vừa để bảo vệ vừa để chăm sóc, làm đẹp da.
Đối với một số trường hợp sử dụng các thuốc hoặc sản phẩm gây nhạy cảm ánh sáng; những bệnh nhân bị bỏng hay đang mọc da non thì da càng dễ tổn thương bởi UV. Do đó, ở những người này cũng cần sử dụng các sản phẩm chống nắng theo khuyến nghị của bác sĩ.
Khi nào nên sử dụng kem chống nắng?
Ánh sáng ban ngày luôn có tia cực tím mà mắt thường không nhìn thấy. Các tia này có khả năng đám xuyên tốt, dễ dàng xuyên qua bóng cây, tường hay quần áo, có thể khiến ung thư da. Do đó, ngay cả khi ở trong bóng râm thì các tia UV này vẫn gây ảnh hưởng đến da. Vì thế bạn nên dùng kem chống nắng vào ban ngày cho dù vào bất kỳ thời tiết nào.
Ngoài ra, với những bạn thường xuyên tiếp xúc với các thiết bị điện tử, máy cũng cần lưu ý. Những tia bức xạ từ máy tính cũng gây hại cho da với cơ chế tương tự. Vì thế cho dù chỉ ngồi trong văn phòng cách nắng thì da bạn cũng cần được bảo vệ. Thời gian chống nắng của mỗi sản phẩm là khác nhau nên bạn cần lưu ý bôi lại khi cần.
Các thông số trên kem chống nắng cần biết
Khả năng tác dụng của kem chống nắng thường được đánh giá dựa trên 2 chỉ số SPF và PA.
Nội Dung Chính
Chỉ số SPF (sun protection factor)
Đây là chỉ số đánh giá thời gian còn tác dụng chống tia UV của sản phẩm. Một cách ước lượng có thể mô tả như sau: sản phẩm có SPF 30 sẽ bảo vệ da lâu hơn gấp 30 lần so với da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời mà không được bảo vệ. Tương tự, SPF 50 sẽ lâu hơn 50 lần.
Cụ thể hơn, theo định mức quốc tế, 1 SPF tương ứng khoảng 10 – 15 phút tác dụng chống nắng. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố môi trường mà thực tế thời gian chỉ bằng khoảng 50 – 60% lý thuyết. Nên nếu sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF 30 thì thời gian chống nắng chỉ còn khoảng 200 phút.
Nhiều người chọn sản phẩm có SPF rất cao để thời gian bảo vệ da khỏi UV kéo dài hơn. Tuy nhiên, SPF cao hơn có xu hướng dính hơn. Kem lưu trên da quá lâu, cùng với chất tiết, dịch mồ hôi tạo ra các phản ứng hóa học. Vì thế mà các gốc tự do sinh ra làm cho da lão hóa, tổn thương. Nên hãy cân nhắc chỉ sử dụng sản phẩm có SPF cao khi phải ra nắng trong thời gian dài.
Chỉ số PA (protection factor of UVA)
Đây là chỉ số nói lên khả năng bảo vệ da khỏi tia UVA của sản phẩm. PA+ có hiệu quả chống tia UVA 40-50%, PA++ khoảng 60-70% và PA+++ có hiệu quả cao nhất trên 90%.
Kem chống nắng phổ rộng
Phổ rộng trên kem chống nắng có nghĩa là sản phẩm có thể ngăn được cả tia UVA và UVB. Hầu hết tất cả các loại sản phẩm chống nắng đều có khả năng ngăn chặn tia UVB. Nhưng khả năng ngăn tia UVA không phải sản phẩm nào cũng có. Bạn nên chọn các sản phẩm có phổ rộng để bảo vệ da tốt nhất.
Phân loại kem chống nắng
Kem chống nắng vật lý (sunblock)
- Cơ chế: kem chống nắng vật lý che phủ trên bề mặt da tạo thành một lớp rào cản vật lý phản xạ và phân tán tia UV ra khỏi cơ thể.
- Thành phần: oxit kẽm hoặc titanium dioxide
- Ưu điểm: dùng cho những ai có da nhạy cảm; tạo một lớp dày trước da nên khả năng che phủ lâu và bảo vệ da tốt hơn.
- Nhược điểm: Kem để lại một lớp mờ đục khi bôi lên da
Kem chống nắng hóa học (sunscreen)
Cơ chế: hấp thụ, thẩm thấu và chuyển hoá tia UV thành tia có năng lượng thấp hơn, an toàn hơn, trước khi chúng làm tổn thương lớp hạ bì.
Thành phần: avobenzone, sulisobenzone, oxybenzone và acid para-aminobenzoic (PABA).
Ưu điểm: kết cấu mỏng, nhẹ, không màu, không mùi và khô ráo và ít nhìn thấy trên da hơn.
Nhược điểm: có thể gây dị ứng ở một số người da nhạy cảm; muốn kem có hiệu quả phải bôi trước khi ra nắng trước 30 phút.
Xem thêm: Phân loại các loại kem chống nắng hiện nay
Lưu ý khi dùng kem chống nắng
- Để da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trước 9 giờ trung bình 5 – 30 phút mỗi tuần 2 đến 3 lần. Bởi các sản phẩm chống nắng đồng thời cũng ngăn cản tác dụng tổng hợp vitamin D của da. Sẽ là vấn đề đối với trẻ em đang phát triển nếu sử dụng sản phẩm này quá thường xuyên.
- Không nên dùng kem chống nắng kết hợp với bôi các loại thuốc ngoài da.
- Nên chọn sản phẩm có các chỉ số SPF, PA phù hợp với nhu cầu. Nên dùng sản phẩm có SPF trên 30 khi có nhu cầu ra ngoài.
- Bôi trước khi ra ngoài 30 phút để kịp có tác dụng.
- Nên thử một lượng nhỏ trên da tay trước để kiểm tra có kích ứng với sản phẩm không. Nếu thấy mẩn đỏ thì phải rửa ngay với nước sạch và dừng sử dụng.
- Dùng một lượng vừa đủ và bao phủ hết bề mặt da cần chống nắng.
- Thoa lại khi hết thời gian tác dụng.
- Cần chú ý bảo quản sản phẩm đúng yêu cầu của nhà sản xuất để có hiệu quả chống nắng tốt nhất.
Xem thêm: Cách chọn kem chống nắng phù hợp nhất với bạn
Với một nước có tỷ lệ UV cao như nước ta thì kem chống nắng là vật phẩm rất cần thiết trước khi đi ra ngoài. Để lựa chọn được sản phẩm chống nắng phù hợp bạn nên quan tâm đến các chỉ số ghi trên bao bì. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu thêm về một sản phẩm chăm sóc da đang phổ biến hiện nay.