Kể chuyện mo Mường
Từ đời sống tâm linh
– Triển lãm “Mo Mường” diễn ra cuối tháng 4 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, với 30 bức tranh và 2 tác phẩm sắp đặt đã hé lộ một phần đời sống tâm linh quan trọng của đồng bào dân tộc Mường. Bộ tranh đã ra đời như thế nào?
– Tôi sinh ra và lớn lên ở Thạch Thành, một huyện miền núi xứ Thanh, là người dân tộc Mường, cho nên văn hóa Mường ngấm vào tôi từ lời ăn tiếng nói, từ những bài hát ru của bà, từ những lần thắp hương tổ tiên, từ những lần đám ma, làm vía, dựng nhà, từ lời Mường cổ của các thầy mo khi hành lễ… Cho đến một ngày, vô tình tôi biết được gia đình mình cũng làm mo suốt bao nhiêu đời cho đến khi cụ tôi qua đời năm 1954. Các học trò của học trò của cụ vẫn truyền đời cho đến tận bây giờ và giúp đỡ gia đình tôi trong những công việc cần thiết.
Tôi không phải là người được lựa chọn theo phần dương và phần âm, nên tôi dành thời gian cho mo Mường theo cách hiểu của tôi và chuyển hóa mọi hình tượng theo ngôn ngữ tạo hình của riêng tôi, nhịp điệu và màu sắc bay nhảy theo cách mà tôi mong muốn.
– Anh đã làm thế nào để nêu bật được nét độc đáo của thực hành mo Mường?
– Các tác phẩm đều dựa trên những câu chuyện, hành động trong nghi lễ mo Mường, như chuyện một thầy cúng truyền nghề cho một thầy cúng khác, hoặc nghi thức nhận học trò, lễ cắt dây âm… Lựa chọn vẽ về những khoảnh khắc đó, tôi lại kết hợp với những liên tưởng riêng. Chẳng hạn một tác phẩm sắp đặt (các tác phẩm đều không đề tên) tái hiện nghi thức tang ma, nhưng chi tiết xung quanh nhằm diễn tả sự kết nối với một chiều không gian khác, nơi mà đằng sau cái chết vẫn còn sự sống khác, hy vọng khác.
Một tác phẩm diễn tả nghi thức làm lễ của thầy mo của họa sĩ Bùi Hoàng Dương
Là văn hóa, không phải mê tín
– Có ý kiến thắc mắc, tại sao mãi đến khi thành công với bộ tranh “Long Khuyển” (2017) dựa trên những nghiên cứu về tổ tiên và câu chuyện thần thoại người Dao, rồi bộ những lá bài Tarot trong “Hành trình Tarot của Dương” (2019 – 2020), anh mới tìm về nét văn hóa gần gũi với mình – văn hóa Mường?
– Thực ra, tôi đã có ý định làm bộ tranh từ rất lâu rồi, nhưng về mo Mường quả thực tôi chưa biết nhiều. Phải đến sau khi bà nội tôi mất, tôi mới lắng lại và quan sát các thầy mo, thầy cúng làm lễ cho bà tỉ mỉ đến thế. Bấy giờ, trong tôi như vỡ lẽ ra những điều mà trước nay không để ý. Thầy mo là người dẫn dắt đời sống tâm linh của dân tộc Mường, hướng con người đến cái tốt, cái đẹp. Những bài văn khấn đều là lời tổ tiên dặn dò con cháu đời sau. Ngay câu chuyện truyền nghề thôi cũng đầy ý nghĩa. Một thầy mo, thầy cúng truyền cho một đệ tử chỉ có 2 ngày trong năm là 30 và mồng 1 Tết. Trò đến nhà thầy, thầy cầm cổ tay hoặc đặt tay lên vai trò, dạy trò những câu chú. Thời khắc đó giao hòa giữa trời đất, âm dương, chuyển tiếp năm cũ năm mới, thời khắc đó người ta phải chấp nhận hy sinh cái riêng để phục vụ cộng đồng. Đó là một trong rất nhiều câu chuyện mà có lẽ tôi sẽ không bao giờ biết được ý nghĩa, cho đến khi tới gặp các thầy mo trong làng mà hầu hết họ là truyền nhân của cụ tôi.
– Triển lãm “Mo Mường” muốn nói lên giá trị văn hóa độc đáo của người Mường, và nhấn mạnh thực hành mo Mường không phải mê tín dị đoan. Anh thấy các tác phẩm của mình đã thực hiện được sứ mệnh ấy chăng?
– Thực tế, vẫn còn nhiều người chưa hiểu nên coi mo Mường là một kiểu mê tín dị đoan, làm phép, bùa chài. Văn hóa mo Mường đang có nguy cơ mai một trong chính cộng đồng, bởi các gia đình bắt đầu không chọn cách chôn cất truyền thống mà hỏa thiêu, ảnh hưởng đến việc thực hiện nghi lễ bài bản của thầy mo, thầy cúng. Rồi rất nhiều người trẻ Mường không biết, không quan tâm đến văn hóa này. Cũng thật khó nói phải làm cách nào và mọi việc rồi sẽ đi đến đâu. Cho nên, nếu túi khót, dao, quạt, chuông đều là những thứ binh khí không thể thiếu của những ông mo, thì tôi chỉ có sơn, toan và các vật liệu khác để gìn giữ và mở ra một nhánh mới trong quá trình lao động của mình.
– Nhánh mới trong quá trình lao động mà anh nói ấy là gì?
– Tôi hạnh phúc khi đã ra đời một bộ tranh cũng chỉ là hạt cát trong biển mà giá trị mo Mường để lại, với khoảng 44.000 câu chữ, 23 ngày mo liên tục và 114 roóng (chương). Rõ ràng, mo Mường là đề tài rất rộng. Ở đây, tôi mới chỉ kể được một phần bé nhỏ, chạm đến một trong vô số nghi lễ của văn hóa Mường mà tôi chưa kịp khai thác.
Tôi có lợi thế khi là một người Mường, và gia đình tôi từng có truyền thống làm mo. Nhưng muốn đi tiếp, đi xa hơn trong thực hành nghệ thuật lan tỏa chất văn hóa này, chỉ đọc và nghe kể thôi chưa đủ. Có lẽ, tôi phải sống gần cộng đồng hơn, quan sát và cảm nhận về nó, bằng cả con người mình!
– Xin cảm ơn anh!