Kể Lại Câu Chuyện Về Tính Trung Thực Lớp 4 – Dàn Ý Và Văn Mẫu
5/5 – (1 vote)
Dàn ý và những bài văn mẫu kể lại câu chuyện về tính trung thực lớp 4 đã được Trung tâm gia sư WElearn tổng hợp lại bên dưới. Phụ huynh và các em học sinh tham khảo nhé.
>>>> Xem thêm: Gia sư dạy kèm tại nhà lớp 4
Nội Dung Chính
1. Dàn ý đề bài: Kể lại câu chuyện về tính trung thực
1.1. Mở bài
Dẫn dắt vào câu chuyện sẽ kể
- Nội dung chính
- Hoàn cảnh xảy ra câu chuyện
- Câu chuyện xảy ra khi nào?
- Vì sao em biết được câu chuyện đó (tự mình chứng kiến hoặc được kể lại)
1.2. Thân bài
Kể chi tiết câu chuyện
- Mở đầu câu chuyện ra sao?
- Diễn biến như thế nào?
- Phần nào là quan trọng nhất của câu chuyện?
- Kết thúc của câu chuyện?
Bài học rút ra qua câu chuyện
- Sống trung thực
- Noi gương
1.3. Kết bài
- Nêu lên suy nghĩ của em về câu chuyện
- Cảm xúc khi thấy những tấm gương đó
- Bài học về đức tính trung thực cho bản thân
2. Bài làm mẫu đề bài: Kể lại câu chuyện về tính trung thực
Dưới đây là những bài văn mẫu kể chuyện về tính trung thực. Phụ huynh và các bạn học sinh tham khảo nhé.
2.1. Câu chuyện về tính trung thực thông qua chuyện cổ tích
Bài mẫu 1
Thuở xưa có một ông vua cao tuổi mà không có con cái nên muốn tìm người nối ngôi. Vua ra lệnh phát cho mỗi người dân một thúng thóc về gieo và giao hẹn: Ai thu được nhiều thóc nhất sẽ được truyền ngôi và ai không có thóc sẽ bị trừng phạt.
Ở làng nọ có chú bé tên là Chôm mồ côi cha mẹ. Cậu cũng đi nhận thóc về và cố chăm sóc mà không một hạt thóc nào nảy mầm. Đến vụ thu hoạch, mọi người chở thóc về kinh đô thu nộp cho nhà vua. Chôm lo lắng, đến trước vua quỳ tâu:
– Tâu bệ hạ! Con không làm sao cho thóc của người nảy mầm được.
Mọi người sững sờ trước lời thú tội của Chôm, phen này sẽ bị phạt nặng nhưng nhà vua đã đỡ chú bé dậy, ôn tồn nói:
– Trước khi phát thóc giống, ta đã cho luộc kĩ rồi. Lẽ nào chúng còn nảy mầm được sao? Những xe thóc đầy ắp kia đâu phải thu được từ thóc giống của ta.
Rồi nhà vua dõng dạc tuyên bố:
– Trung thực là đức tính quý nhất của con người. Ta sẽ truyền ngôi cho chú bé trung thực và dũng cảm này.
Câu chuyện đã nói lên chân lý muôn đời, trung thực là đức tính quý giá nhất của con người, không có nó, con người mất đi một nửa giá trị. Trong câu chuyện, tất cả những người dân trong đất nước đều thua cậu bé, bởi họ không dám công bố sự thật, họ sợ vua sẽ trừng phạt nên quên rằng sự thật mới là điều cần được tôn trọng hàng đầu. Với tất cả những ai luôn trung thực, họ sẽ nhận được những phần thưởng xứng đáng như cậu bé trong câu chuyện trên.
Bài mẫu 2
Ngày xửa ngày xưa có một bác thợ mộc tên là Gepetto. Bác sống một mình vì bác không có gia đình. Sau những ngày làm việc vất vả, bác rất thích làm những búp bê bé xinh bằng gỗ. Một đêm, có một bà tiên đến thưởng cho công việc nặng nề của bác và biến một bức tượng gỗ nhỏ thành một chú bé thật. Gepetto vô cùng vui sướng đặt tên cho nó là Pinocchio và cho chú bé theo học ở ngôi trường tốt nhất của làng. Than ôi! Pinocchio không hề thích đi học và nó bị hai đứa trẻ lang thang nó gặp trên đường đi học lôi kéo. Chẳng bao lâu nó bị người làm nghề múa rối bắt và bị giam trong một cái lồng.
Pinocchio hối tiếc cuộc sống được đi học, nó cầu xin bà tiên đến cứu. Bà tiên xuất hiện yêu cầu nó kể lại toàn bộ sự thật, nhưng Pinocchio vẫn nói dối và cậu bé hoảng sợ nhận thấy mũi của nó cứ dần dần dài ra khi nó vẫn tiếp tục nói dối. Sau đó, khi bà tiện nghi hình phạt như vậy là quá đủ nên đã đưa cái mũi Pinocchio về hình dạng bình thường, cứu nó ra khỏi lồng và cho nó biết rằng bác Gepetto vì quá buồn phiền về sự mất tích của nó đã bỏ nhà ra đi.
Bác Gepetto đã bị một con cá voi khổng lồ nuốt vào trong bụng. Pinocchio nhận ra những lỗi lầm nó đã gây ra và quyết định đi cứu bác, nó lặn xuống biển. Nó chui vào bụng cá voi, ở đó nó gặp lại bác Gepetto. Họ cùng đốt một ngọn lửa to trong bụng cá voi. Quá đau đớn, con cá voi đã phải thả tất cả ra và thế là hai người bạn của chúng ta được giải thoát.
Trở về nhà, bác Gepetto lại bắt tay vào việc, còn Pinocchio từ đó tỏ ra là một đứa bé rất ngoan ngoãn.
Câu chuyện về chú người gỗ Pinochio
Pinocchio là một cậu bé người gỗ, nếu như nói dối thì chiếc mũi sẽ bị dài ra. Câu chuyện được viết nhằm phê phán những đứa trẻ hư nói dối cha mẹ cũng như người lớn. Đồng thời cảnh báo hậu quả khôn lường nếu nói dối người khác, chúng ta sẽ bị trừng phạt bởi những tật xấu ấy.
Bài mẫu 3
Xưa kia có hai người bạn chơi với nhau rất thân, hiềm vì một người thì giàu, còn một người nghèo. Người bạn giàu có cái tên là Đại Phú, còn người nghèo tên là Chí Quân.
Vợ chồng Đại Phú thấy bạn nghèo thì có ý muốn giúp đỡ vốn liếng để làm ăn. Chí Quân lòng dạ ngay thẳng ngại rằng lấy tiền của bạn đem về, rủi làm ăn thất bát thì lấy đâu mà trả cho bạn. Vì vậy nên từ chối việc giúp đỡ của bạn.
Nhà Đại Phú chẳng thiếu gì của quý, nhưng lại muốn có thêm của lạ nên hôm nọ lấy năm nén vàng đưa cho một người thợ bạc đặt làm con rùa vàng. Ngày kia, Chí Quân đến thăm bạn, Đại Phú liền đem con rùa vàng ra khoe. Chí Quân xem rồi để trong một cái đĩa, đoạn cùng bạn uống rượu đến say khướt nằm ngủ quên.
Lúc bấy giờ, con trai của Đại Phú đi học ở xa về, thấy con rùa vàng lấy đem đi chơi. Đến chừng Chí Quân ra về được một lát, Đại Phú mới sực nhớ tới con rùa vàng, hỏi vợ thì vợ nói không có lấy cất. Đại Phú lấy làm bối rối, chẳng lẽ nghi cho người bạn tốt của mình ăn cắp con rùa vàng?
Ngày sau, Đại Phú đến nhà Chí Quân chơi, nhân tiếc con rùa vàng có hỏi bạn rằng:
– Này anh, hôm trước anh có lấy con rùa vàng của tôi đem về để cho chị coi không?
Nghe vậy Chí Quân nghĩ thầm rằng: Có lẽ bạn ta nghi ta ăn cắp con rùa vàng chăng? Nhưng chẳng lẽ bảo là không lấy thì chi cho khỏi phật lòng bạn mình, nên đành nhận là có lấy.
Đại Phú mới bảo ban: – Thôi được, anh cứ giữ con rùa vàng mà chơi. Tôi xin biếu anh.
Đại Phú về rồi, vợ chồng Chí Quân lấy làm lo lắng, làm sao có con rùa vàng để trả cho bạn. Vợ chồng bàn nhau bán nhà bán cửa cho ông Phú và xin làm người hầu hạ để có đủ tiền làm con rùa vàng trả cho bạn.
Truyện cổ tích Con rùa vàng – Văn mẫu về tính trung thực
Ông Phú biết chuyện lấy làm động tâm, mới gọi người thợ bạc đến làm một con rùa vàng khác, trao cho vợ chồng Chí Quân đem về trả bạn và cũng không nhận vợ chồng Chí Quân làm người hầu hạ, mà chỉ cho ở nhờ.
Được ít lâu, người con trai của Đại Phú trở về nhà có đem theo con rùa vàng đã lấy độ trước, trả cho cha mẹ và nói: – Hôm nọ, con về nhà thình lình thấy con rùa vàng để trong đĩa nên con lấy cất đây, nếu gặp phải kẻ gian thì mất luôn rồi. Vậy con xin trả lại.
Thấy vậy, vợ chồng Đại Phú vô cùng ngạc nhiên. Rùa vàng con mình lấy đem đi chơi, rùa vàng nào bạn đem trả? Mới nghĩ ra, có lẽ người bạn nghèo sợ mình phiền trách nên làm con rùa khác để thế.
Bấy giờ Đại Phú mới đem con rùa vàng đến nhà Chí Quân để trả lại và xin lỗi bạn. Nhưng nhà đã bán rồi, vợ chồng bạn lại ở nhờ trong nhà ông Phú. Lập tức Đại Phú đến gặp ông Phú trao trả con rùa và xin đưa vợ chồng bạn về. Ông Phú từ chối như vầy:
– Anh có mượn rùa của tôi đâu mà trả? Còn vợ chồng Chí Quân tôi có bắt buộc gì đâu mà lãnh về? Còn Chí Quân nhận mình mắc nợ ông Phú nên không chịu về.
Câu chuyện trở thành rắc rối, cả ba mới đưa nhau đến cửa công để nhờ phân xử.
Lẽ tự nhiên quan trên không biết xử làm sao đối với ba người ngay thật và tốt bụng.
Câu chuyện không chỉ đề cao tính thật thà của con người, thà nhận phần xấu về mình còn hơn phải nói dối. Người bạn nghèo trong câu chuyện có thể thẳng thừng nói rằng mình không lấy rùa vàng nhưng đã không làm như thế. Trong cuộc sống, đối xử với nhau bằng tấm lòng chân thành, bằng sự thấu hiểu thì thành quả nhận được bao giờ cũng xứng đáng.
Bài mẫu 4
Mỗi tối trước khi đi ngủ, em đều may mắn được bà kể cho nghe những câu chuyện hay. Nào là câu chuyện cổ tích, chuyện cuộc sống hàng ngày xung quanh em. Nhưng có một lần em ấn tượng nhất, đó là khi bà kể chuyện về Những hạt thóc giống. Câu chuyện là một ví dụ tiêu biểu để kể về tính trung thực đáng quý.
Có một ông vua, đã cao tuổi nhưng lại không có con để nhường ngôi. Vua mong muốn tìm một người đủ tài đức để trao lại ngôi vua của mình để cai trị đất nước. Thế là ông Vua đã quyết định giao cho dân mỗi người một đấu thóc. Vua ra lệnh: “Ai nộp được nhiều thóc nhất sẽ được truyền ngôi báu; ai không có thóc nộp sẽ bị trừng phạt!”.
Thời gian thấm thoát trôi, vụ mùa cũng đến, mọi người thi nhau chở thóc lúa về kinh thành, duy chỉ có một cậu bé đến tay không. Cậu bé kính cẩn quỳ xuống trước mặt vua và tâu xin nhận tội vì thóc mà vua ban cậu gieo không thành.
Mọi người chỉ trỏ bàn tán tại sao cậu bé lại ngu ngốc như thế. Chỉ có vua là cười và nói rằng: “Thóc phát ra đã bị luộc cả rồi, làm sao mà gieo thành mạ được. Những gánh thóc, xe thóc kia đâu phải thu được từ thóc giống của ta!…”.
Cuối cùng, cậu bé đã được nhường lại ngôi vua nhờ lòng trung thực và sự gan dạ đáng quý của mình.
Qua câu chuyện về Những hạt thóc giống, em cảm thấy rất ngưỡng mộ sự trung thực của cậu bé. Cậu sẵn sàng dũng cảm nói ra sự thật, không ngại nguy hiểm, không ngại khó khăn. Cậu dám thừa nhận những lỗi lầm về mình. Bà còn nhắc nhở em rằng, cho đến cùng lòng trung thực sẽ chiến thắng.
2.2. Câu chuyện về tính trung thực thông qua cuộc sống hằng ngày
Bài mẫu 1
“5 giờ chiều, sau tiếng chuông tan sở vang lên, mọi người hối hả ra về. Tối nay, tôi chưa có kế hoạch gì nên cứ thủng thẳng mà đi, chẳng vội gì. Tôi rất thích thả bộ một chút, ngắm phố phường tấp nập người xuôi ngược. Nắng đã nhạt, gió vờn nhẹ trên lá cây, chỉ có con đường bận rộn. Tôi đang mơ màng thì chợt có một tiếng chào hàng cất lên sát bên “Chú ơi, chú mua giùm con đi chú”.
Trông sang, một bé gái chừng 10 – 12 tuổi, đầu đội một cái rá bên trong có 2 củ khoai luộc, mặt mũi lem nhem mồ hôi, giọng thảng thốt “Chú mua giùm con với, không về dượng con đánh chết”.
Tôi nhìn đứa bé, mắt nó đỏ hoe, tội nghiệp thật. “Bao nhiêu cháu?” – Tôi hỏi nhỏ.
“Năm ngàn chú ạ, chú mua giùm con nha chú” – cả giọng nói, cả ánh mắt của nó như lóe lên niềm hy vọng. Tôi cầm 2 củ khoai rồi đưa cho nó tờ 50 ngàn đồng và bảo “Chú cho con này, mau về đi”.
Con bé buồn bã nói “Con không có tiền thối và cũng không dám nhận tiền của chú vì về nhà dượng con kiểm tra thấy thừa tiền ra lại cho là những ngày trước con đã giấu tiền đi sẽ đánh con đau lắm”.
“Thì con cất riêng 45 ngàn đi” – tôi bày vẽ cho nó.
“Không được đâu chú ạ, tính con trung thực, có thế nào nói thế đó, còn dượng con thì không tin đâu” – con bé mở tròn đôi mắt nhìn tôi.
Đến lượt tôi bối rối, nước mắt chực trào ra, đưa cho nó 5 ngàn đồng rồi bước đi. Tôi cầu mong và tin rằng “Đứa bé này rồi sẽ có một cuộc đời hạnh phúc bởi lòng trung thực của nó”.
Bài học cuộc sống:
Chỉ là 1 cô bé bán khoai nhưng tấm lòng trung thực, thật thà luôn có ý thức giữ gìn phẩm chất đạo đức đáng tự hào của mình. Thì đến cuối cùng, “Đứa bé này rồi sẽ có một cuộc đời hạnh phúc bởi lòng trung thực của nó” như cách mà người đàn ông tốt bụng trong câu chuyện đã nói.
Bài mẫu 2
Trong buổi chào cờ đầu tuần vừa qua, bạn Hoa của lớp 3B đã được tuyên dương trước toàn trường bởi đức tính trung thực của mình thể hiện qua hành động “nhặt được của rơi, trả người đánh mất” của bạn.
Theo như lời của thầy hiệu trưởng kể lại thì ngày thứ Năm của tuần trước, lớp 3B tan học sớm hơn các lớp khác. Và trên đường đi học về, bạn Hoa đã nhặt được một chiếc hộp mà thường được dùng để đựng đồ ở các tiệm vàng bạc, ban đầu bạn chỉ có ý định nhặt chiếc hộp để làm đồ chơi nhưng khi nhặt lên bạn phát hiện ra trong đó có một chiếc dây chuyền. Vì lúc đó đã khá trưa nên bạn mang chiếc hộp đó về nhà và đến buổi chiều bố Hoa đèo Hoa ra cơ quan công an huyện để nhờ các chú công an tìm giúp người đánh mất. Các chú đều khen Hoa thật thà và trung thực, tin tức nhanh chóng được thông báo và chỉ một ngày sau người đánh rơi chiếc hộp đó đã tìm đến cơ quan công an để nhận lại đồ của mình.
Người đánh rơi là một bác đã khá nhiều tuổi, chiếc dây chuyền là món quà mà bác mua để dành tặng cho cô con gái sắp cưới của bác nhưng bác không cẩn thận nên đã để rơi, tìm lại được chiếc dây chuyền bác rất vui và xin các chú công an số điện thoại và địa chỉ của gia đình bạn Hoa để cảm ơn, bác tìm đến nhà và gửi Hoa một ít tiền để cảm ơn bạn nhưng bạn không nhận không phải vì số tiền mà bác đưa ít mà bạn nói đây là việc cần phải làm của mỗi người.
Và cuối cùng bác đã tìm đến tận trường của Hoa học thông báo cho thầy cô để khen thưởng Hoa về việc làm của mình. Trong buổi chào cờ, Hoa đã được thầy hiệu trưởng tặng giấy khen vì đức tính thật thà, trung thực của bạn ấy, thầy còn nhấn mạnh đây chính là một tấm gương sáng để các bạn học sinh trong trường học tập và noi theo.
Việc làm của bạn thực sự là một việc làm rất ý nghĩa, thể hiện đức tính trung thực của cá nhân Hoa nói riêng và của cả dân tộc Việt Nam nói chung. Chúng ta nên học tập sự thật thà đó để trở thành một học sinh tiêu biểu làm đúng theo điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng “khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.
Bài mẫu 3
Bác Hồ đã từng dạy các cháu nhi đồng “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Cậu bé đánh giày bên hè phố kia quả thực là cháu ngoan của Bác. Bởi cậu đã rất thật thà.
Hôm nay, cậu lại xách đồ nghề của mình đi làm. Cậu bé chừng sáu, bảy tuổi, chắc sống ngay khu này. Trời lạnh, nhưng cậu chỉ mặc một chiếc áo len đã sờn màu, mỏng dính. Đôi chân đi đôi dép lê màu đen, ố vàng những vết đất. Chắc cơn mưa phùn tối qua làm đường trơn bẩn nên đôi chân cậu cũng vấy bẩn theo. Cậu bước vào một sảnh của quán cà phê. Lần lượt tới từng bàn và hỏi những vị khách ngồi đó có đánh giày không. Một vài vị khách lắc đầu. Bước tới bàn ở góc, cậu bé bị vị khách quát lớn “Đi ra chỗ khác cho người ta làm việc”. Cậu cúi mặt bỏ đi. Rồi ngay sau đó, vị khách lại gọi cậu bé lại. Cởi đôi giày đen của mình cho cậu bé lau lau, chùi chùi.
Bác Hồ dạy thiếu nhi về “Khiêm tốn – thật thà – dũng cảm”
Khi vị khách đi ra bãi đỗ xe, cậu bé kia chạy nhanh theo và hình như gọi gì đó. Nhưng vị khách đã lên xe và phóng đi. Tới ngã tư đèn đỏ, vị khách đỗ xe dừng đến ngay bên vệ đường. Nhìn qua gương, anh thấy cậu bé đang chạy đuổi theo. Anh liền tấp xe lên vỉa hè. Cậu bé chạy nhanh tới, thở hổn hển và nói:
– Chú ơi! Chú trả tiền nhầm ạ.
Vị khách ngạc nhiên nhìn cậu.
– Chú đánh giày hết hai mươi ngàn đồng, chú đưa nhầm cháu thành năm trăm ngàn đồng rồi ạ. – Vừa nói, cậu bé vừa xòe tờ tiền ra đưa lại cho vị khách.
Vị khách mỉm cười, nhìn xung quanh và nói: “Cháu có thích ăn bánh không?” Cậu nhìn vị khách với đôi mắt ngơ ngác khó hiểu. Vị khách tiếp lời: “Chú sẽ tặng cháu một chiếc bánh thật ngon.”
Cậu bé cầm chiếc bánh mừng rỡ. Có lẽ, đó là khuôn mặt hạnh phúc của một cậu bé nghèo khổ nhưng thật thà. Cậu lại tiếp tục đi quanh phố để chăm chỉ làm công việc của mình.
Bài mẫu 4
Tuần trước, trường em phát động phong trào thi đua học tập và làm theo Năm điều Bác Hồ dạy. Em đã làm được một việc tốt là nhặt được của rơi, trả lại cho người đánh mất.
Trưa thứ năm, trên đường đi học về, qua quãng đường vắng, em nhìn thấy một túi xách nhỏ màu đen nằm ngay giữa đường. Em nhặt lên rồi vừa đi chầm chậm, vừa đưa mắt tìm kiếm chủ nhân của nó..
Một lúc lâu sau, vẫn không thấy ai. Em đoán người đánh rơi chiếc túi đã đi xa hoặc không biết là mình đánh rơi. Mà nếu biết, chắc giờ này họ đang loay hoay tìm trên những đoạn đường đã qua. Người ấy là ai nhỉ? Một bác cán bộ hay một chú công nhân, một anh bộ đội? Trong chiếc túi ấy đựng những gì? Thế nào lại chẳng có tài liệu, giấy tờ hay tiền bạc? Bao câu hỏi cứ dồn dập hiện lên trong óc em. Em đưa mắt nhìn quanh lần nữa. Những người chạy xe máy hay xe đạp trên đường không một ai chú ý tới em đang ngơ ngác với chiếc cặp trên vai và chiếc túi lạ trên tay.
Em nghĩ ngợi, phân vân mãi: Trả hay không trả? Nếu mình không trả, có ai biết đâu mà trách? Có tiền, mình sẽ mua truyện tranh này, mua áo quần mới này và mua những đồ chơi mà mình ao ước từ lâu. Tưởng tượng đến lúc ấy, em thích lắm, bước chân như nhanh hơn, nhẹ nhàng hơn. Bỗng dưng, tiếng thầy Hiệu trưởng trong buổi lễ phát động như văng vẳng đâu đây: “Các em hãy ghi nhớ Năm điều Bác Hồ dạy, cố gắng học tập tốt, tu dưỡng tốt để trở thành con ngoan, trò giỏi…”.
Không! Không nên tham của người khác! Phải trả lại thôi!
Chủ nhân chiếc túi xách này sẽ mừng biết bao nếu tìm lại được nó. Nhưng biết ai là người đánh rơi mà trả? Tốt nhất là đem nộp cho các chú công an.
Giữa trưa, trụ sở công an phường vắng vẻ, chỉ có một chú trực ban. Thấy em ngập ngừng ở cửa, chú vồn vã hỏi:
– Có chuyện chi đó cháu?
– Dạ thưa chú, cháu nhặt được cái túi xách này. Cháu đem nộp, nhờ chú trả lại cho người mất ạ!
Nhặt được của rơi, trả lại cho người mất – Tấm gương về tính trung thực
Đỡ chiếc túi từ tay em, chú tươi cười xoa đầu em rồi bảo:
– Cháu ngoan lắm, không tham của rơi! Chú cháu mình xem trong này có những gì để còn ghi vào biên bản nhé!
Rồi chú lấy ra một xấp giấy tờ chủ quyền nhà, chủ quyền xe và hơn hai triệu tiền mặt. Chú ghi rõ từng thứ vào biên bản rồi yêu cầu em ghi tên và địa chỉ xuống phía dưới.
Sáng thứ hai tuần sau, em được thầy Hiệu trưởng và cô Tổng phụ trách Đội tuyên dương trong tiết chào cờ. Tiếng vỗ tay nồng nhiệt của toàn trường khiến em vô cùng xúc động. Buổi tối, gia đình em tiếp một người khách lạ.
Đó chính là chủ nhân của chiếc túi. Bác cảm ơn em mãi và tặng em một trăm ngàn để mua sách vở hoặc đồ chơi nhưng em nhẹ nhàng từ chối.
Ba mẹ em rất mừng vì em biết làm điều tốt. Lời khen chân thành của mọi người đối với em là phần thưởng quý giá nhất. Nhớ lại chuyện ấy, giờ đây em vẫn thấy vui.
Như vậy, với dàn ý và bài văn mẫu đề bài kể lại câu chuyện về tính trung thực lớp 4, mong các bạn học sinh học tốt môn tiếng Việt hơn. Chúc các bạn thành công!
Xem thêm dàn ý và các bài văn mẫu khác