KINH NGHIỆM TÌM VIỆC LÀM THÊM Ở NHẬT
Nội Dung Chính
I. Quy định làm thêm của du học sinh Nhật Bản
Trước hết, bạn cần phải có chứng nhận là được phép đi thêm nhé. Để xin được chứng nhận này, trước hết bạn phải in mẫu đơn xin phép làm thêm. Sau đó, bạn mang đến cục quản lý xuất nhập cảnh cùng với giấy chứng nhận sinh viên và thẻ ngoại kiều nhé. Bạn không mất phí để xin giấy chứng nhận này, và thường bạn sẽ phải đợi 2 tuần.
Theo quy định của chính phủ Nhật Bản, du học sinh được làm thêm 28 tiếng/tuần. Tuy nhiên, trong kì nghỉ bạn có thể làm 40 tiếng/ tuần. Để có thể tăng giờ làm trong kì nghỉ, bạn cần phải đến trường xin giấy xác nhận thời gian.
Hiện tại, mức lương tối thiểu một giờ làm thêm ở Nhật là 901 yên/giờ. Tuy nhiên, tùy từng khu vực và tính chất công việc mà lương sẽ khác nhau các bạn nhé. Ví dụ như, lương theo giờ ở Tokyo sẽ cao hơn ở Nagoya hay Okinawa. Lương làm ca đêm thông thường sẽ cao hơn lương làm ban ngày…
Mẫu đơn xin phép làm thêm
II. Những công việc làm thêm ở Nhật
1. Nhà hàng
Đây có lẽ là công việc phổ biến nhất đối với các du học sinh quốc tế. Làm ở nhà hàng có rất nhiều vị trí, phù hợp cho bạn tiếng Nhật còn kém và bạn đã vững tiếng. Trong nhà hàng sẽ chia làm 2 bộ phận: キッチン (kitchen, nhà bếp) và ホール (hall, ngoài sảnh).
– Với những bạn còn yếu tiếng Nhật, bạn có thể làm việc bên trong bếp. Công việc bao gồm chuẩn bị món ăn và rửa bát. Tùy thuộc vào từng loại nhà hàng mà họ đòi hỏi mức độ nấu nướng khác nhau. Tuy nhiên, phần lớn các nhà hàng sẽ là những chuỗi ăn nhanh như Mc Donald, Wendy,… Vậy nên, đồ ăn sẽ là đồ sẵn, và khâu chuẩn bị không quá phức tạp.
– Để có thể làm nhân viên ngoài sảnh, bạn cần có đủ vốn tiếng Nhật để giao tiếp với khách hàng. Việc chính của nhân viên ngoài sảnh là chào đón, giải đáp thắc mắc của khách, tính tiền và lau dọn bên ngoài. Nhìn chung, việc ngoài sảnh sẽ nhàn hơn và giúp bạn có cơ hội giao tiếp nhiều hơn.
2. Cửa hàng tiện lợi
Ở nhật, cửa hàng tiện lợi (コンビニ, combini) có ở khắp mọi nẻo đường. Do vậy, nhu cầu tuyển nhân viên của họ rất cao. Để làm ở combini, bạn cần phải có vốn tiếng Nhật đủ giao tiếp và sự linh hoạt. Bạn phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ, như lấy và xếp đồ lên giá, và phải học cách tiếp và trả tiền khách. Ngoài ra, vì ở combini có rất nhiều dịch vụ như trả hóa đơn, mua các loại vé, từ vé xe bus, vé tàu đến vé concert âm nhạc, vé đi khu vui chơi. Thậm chí có cả dịch vụ chuyển và nhận đồ. Điều này đòi hỏi nhân viên phải thích ứng nhanh với các dịch vụ để có thể làm việc một cách chuyên nghiệp nhất.
Ngoài ra, vì combini ở Nhật mở cửa 24/7, bạn có thể đăng ký làm ca đêm với mức lương cao hơn bình thường. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý nếu có nhận ca này thì chỉ nhận vào cuối tuần, tránh ảnh hưởng đến việc học tập.
3. Siêu thị
Nhìn chung, làm ở siêu thị có khá nhiều nét tương đồng với làm việc ở combini. Tuy nhiên, nhân viên siêu thị thường sẽ chỉ chịu trách nghiệm một mảng nhất định, thay vì “ôm đồm” nhiều việc như ở combini. Nhân viên sẽ có nhiệm vụ dỡ đồ và xếp đồ lên các giá và thanh toán. Tuy nhiên, trong siêu thị cũng phải chuẩn bị thịt, cá và đồ ăn sẵn, thường được làm ở phía bên trong. Những nhân viên làm khu vực ấy, giống như nhân viên trong bếp của các nhà hàng, không đòi hỏi quá nhiều về tiếng Nhật.
4. Làm trong các xưởng sản xuất
Đây cũng là một công việc rất phổ biến đối với các bạn khi mới sang Nhật và hầu như không nói được tiếng Nhật. Có rất nhiều xưởng thiếu nhân công, với nhiều mặt hàng khác nhau, như cơm hộp bento, hoa quả, rau, báo… Công việc ở xưởng nhìn chung không quá vất vả, nhưng dễ gây nhàm chán vì phải lặp đi lặp lại một công việc.
5. Phát báo
Công việc này dù lương cao nhưng lại rất vất vả và tốn thời gian cho du học sinh. Vì thời gian giao báo là đêm và sáng sớm những ngày trong tuần, việc du học sinh có thể đảm bảo được việc học hành là rất khó. Các bạn nên lưu ý sắp xếp thời gian hợp lý nếu quyết định làm việc này.
6. Công việc văn phòng
Ngoài ra, đối với những bạn vững tiếng Nhật, các bạn có thể tìm những công việc làm thêm ở các văn phòng nhé. Phổ biến nhất là các trung tâm hỗ trợ người nước ngoài, nơi họ rất cần những người nói được nhiều ngôn ngữ. Ngoài ra, trung tâm các thành phố lớn ở Nhật có rất nhiều văn phòng chuyển tiền nhằm phục vụ khách du lịch. Họ cũng rất cần người nước ngoài làm giao dịch viên cho họ. Ngoài việc làm thêm, bạn có thể thực tập ở các công ty có liên quan đến chuyên ngành của bạn nhé.
III. Tìm việc làm thêm ở Nhật ở đâu?
1. Các trang đăng việc làm thêm
Mynavi Baito, Townwork, Baitoru, Gaijinpot… là một vài ứng dụng tìm việc làm thêm tại Nhật. Cách sử dụng các trang này khá đơn giản. Các bạn chỉ cần nêu rõ khu vực bạn muốn làm việc và công việc bạn muốn tìm là những kết quả phù hợp sẽ hiện ra.
2. Qua người giới thiệu
Bạn hãy chịu khó hỏi han bạn bè hay các anh chị đi trước. Mặc dù không có nhiều lựa chọn cho bạn, nhưng bù lại xác suất được nhận sẽ cao hơn nhiều. Người Nhật rất coi trọng những người mà nhân viên của họ đề xuất. Vậy nên đừng bỏ lỡ cơ hội được giới thiệu nhé. Thông thường, sau khi bạn được nhận và làm qua thời gian thử việc, người giới thiệu bạn sẽ nhận được một khoảng tiền môi giới. Số tiền đó gọi là 紹介料 (shyokairyou, tiền giới thiệu). Vậy nên, chỉ cần bạn thể hiện là người chăm chỉ thì không ai từ chối giới thiệu bạn đâu.
3. Qua những tờ báo việc làm miễn phí
Những tờ báo miễn phí (フリーペーパー, free paper) thường được bày ở ga tàu điện, các combini, siêu thị và khuôn viên trường bạn. Trong đó là thông tin việc làm thêm mà bạn có thể tham khảo và liên hệ. Báo thường được phát hành vào thứ 2 và thứ 5, bạn nên lấy sớm và gọi ngay nhé. Lý do là vì, bạn muốn được cân nhắc đầu tiên trong số những người ứng tuyển mà!
4. Quan sát xung quanh
Cách cuối cùng mặc dù truyền thống nhưng lại hiệu quả. Hãy để ý những cửa hàng xung quanh địa điểm bạn muốn làm việc xem họ có cần tuyển không. Với cách làm này, bạn có thể chắc chắn về vị trí và công việc bạn sẽ làm. Sau khi quyết định xin việc, bạn hãy tìm số điện thoại của họ và gọi thay vì xông thẳng vào đó đề nghị. Cách làm ấy khá là thô lỗ và không đúng với quy trình tuyển dụng, các bạn lưu ý nhé!
IV. Tổng kết
Làm thêm là một cách hay để bạn có thể kiếm thêm thu nhập chi trả cho sinh hoạt phí, cũng như học hỏi và phát triển thêm. Tuy nhiên, cần phải sắp xếp hợp lý để thời gian làm thêm không gây ảnh hưởng đến việc học bạn nhé.