KHÁM ĐỊNH KỲ MỐC PHÁT TRIỂN: 22 THÁNG – Mẹ và Sóc

19.10.2021 – Bác sĩ: I-an Maria – Family Medical Practice Hanoi – 11.30-12.30

Hôm nay Sóc nhỏ đến lịch khám định kỳ. Thông thường Sóc sẽ khám 6 tháng 1 lần từ khi sơ sinh đến giờ. Địa chỉ mà Sóc theo khám là Family Medical Practice Hanoi (298I Kim Mã, Ba Đình).

Ở mốc 4 và 10 tháng, Sóc đã đặt khám bác Collin, bác là người Pháp. Phí khám của bác Collin khoảng 2200k cho 40p khám vận động/khám ốm, và 3300k cho 60p khám vận động và dinh dưỡng tổng quát. Giá này chưa bao gồm các xét nghiệm nếu cần. Mình lựa chọn 2 mốc này khám bác Collin vì muốn theo dõi kĩ hơn tất cả sự phát triển của con và hỏi bác những gì mẹ thắc mắc, mặc dù phí khám của bác khá cao.

Ở mốc 16 tháng và 22 tháng, mình đặt bác Maria. Phí khám của bác là phí khám chung cho tất cả các bác sĩ Nhi khác (không chuyên sâu), sau khi áp dụng Thẻ sống khỏe là 690k.

Thẻ sống khỏe là một loại thẻ giảm giá chỉ dùng riêng tại FMP, phí giảm là 30% trên tổng giá. Thẻ dành riêng cho bệnh nhân có quốc tịch Việt Nam, để đăng kí mẹ chỉ cần nói với bên Phòng khám, các cô sẽ đăng ký giúp mẹ và không mất phí.

  • KHÔNG dùng song song với Bảo hiểm riêng của bé (Nếu mẹ muốn xuất hóa đơn đỏ về thanh toán bảo hiểm thì không dùng Thẻ sống khỏe được).
  • KHÔNG áp dụng cho khám bác Collin, khám dinh dưỡng, khám chuyên khoa.
  • KHÔNG chi trả những cơ sở vật chất tiêu hao như túi lấy nước tiểu của bé.

Khám định kỳ ở đây với các bé thường sẽ không có gói khám (bao gồm khám và xét nghiệm) như người lớn. Mà thường các bé sẽ được khám lâm sàng và sau đó nếu thấy có chỉ số gì bất thường, bác sĩ mới chỉ định xét nghiệm.

Để đặt lịch khám, các mẹ có thể đặt qua Hotline 024 38430748, nghe theo hướng dẫn. Khi nghe máy, các cô sẽ chào bằng tiếng Anh và nếu mẹ nói tiếng Việt thì các cô sẽ giao tiếp bằng tiếng Việt với mẹ. Hôm nay Sóc đặt giờ khám là 11h, nhưng mình đến trễ 1 chút nên đợi tới 11.30 thì bắt đầu vào khám.

Khi đến PK, mẹ sẽ báo lịch đặt với quầy lễ tân và chờ gọi tên vào kiểm tra. Sóc sẽ được kiểm tra chỉ số sơ bộ về chiều cao, cân nặng, vòng đầu, huyết áp. Khi đo cân nặng, các cô sẽ bảo mẹ cởi toàn bộ bỉm và bớt quần áo cho con, nên cân nặng cân rất chuẩn.

Sau khi kiểm tra xong thì bác Maria ra gọi cả nhà vào. Bác Maria nói tiếng Anh nên nếu mẹ cần phiên dịch viên thì bác sẽ nhờ phiên dịch vào dịch giúp mẹ. Sau đó bác hỏi mình là hôm nay đến khám vì lí do gì. Mình bảo chỉ là kiểm tra định kỳ thông thường và muốn làm XN máu cho con nếu cần. Khi mình nhắc tới xét nghiệm máu, bác có hỏi có nguyên do gì mà mẹ muốn làm không, hay chỉ là để an tâm thôi. Và bác cũng nói là bác sẽ khám trước, nếu không cần làm XN thì bác sẽ không chỉ định và không làm để đỡ chi phí. (Đây là điểm mình cực kỳ ưng ở FMP, các bác sĩ nói rất thẳng và thật, thậm chí các cô y tá cũng bảo XN ở đây đắt lắm, nếu không cần quá thì mẹ không cần làm đâu).

Khám sơ bộ cho Sóc bao gồm: Nghe tim phổi, kiểm tra tai mũi họng và bác khen răng của Sóc đẹp quá. Sau đó em bé được thả đi chơi với bà ngoại, còn mẹ ở trong với bác sĩ.

Chỉ số: Cân nặng: 10.5, chiều cao: 83cm, vòng đầu 49.5cm.

Đánh giá chỉ số: Chiều cao phát triển theo đúng khung, cân nặng hơi nhỏ nhưng chỉ số vẫn đang tăng lên (Có một thời kỳ Sóc bị tụt chỉ số cân nặng khỏi khung nhưng bây giờ chỉ số đang tăng trở lại), vòng đầu to nhưng vẫn nằm ở khung.

Về vấn đề làm XN, bác có xem lại xét nghiệm (Máu, nước tiểu và CBC nhiễm khuẩn) vào ngày 22/9/2020 của Sóc tại FMP vì đợt đó Sóc sốt. Bác bảo lúc đó mọi chỉ số của con bình thường và hiện tại theo chỉ số tăng trưởng của con vẫn phát triển tốt theo nhịp nên bác sẽ không cho làm XN để đỡ phí.

Mình không hỏi những câu hỏi về vận động vì mình vẫn follow theo khung rồi; nên để tránh đỡ tốn thời gian, tất cả các câu hỏi chỉ tập trung vào vấn đề chăm sóc sức khỏe thôi.

C1. Rửa mũi có gây viêm tai giữa không?

Có thể có và có thể không. Nếu rửa mũi gây viêm tai giữa thì lý do chính vì mẹ rửa mũi sai cách, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất đó là mẹ dùng lực quá mạnh và có thể là con giãy dụa khiến cho phần nước mũi chảy sang phần tai giữa. Bởi vì kết cấu từ khoang mũi sang ống tai của trẻ con sẽ nằm ngang, trong khi của người lớn theo hướng dốc lên. Nên khi rửa mũi bé, nếu mẹ dùng lực quá mạnh sẽ khiến bé sợ, giãy dụa và nước chảy lên ống tai. Mẹ có thể xem thêm bài về rửa mũi tại đây.

Tư thế an toàn khi rửa cho bé đó là tư thế hướng mặt xuống dưới, nằm sấp trên đùi mẹ. Nếu bé sơ sinh thì sẽ nằm nghiêng nhưng con sẽ gối lên 1 cái khăn gấp lại để con ở tư thế hơi nghiêng đầu xuống dưới. Với các bé lớn, mẹ có thể để bé ngồi.

C2. Trên 2 tuổi bé uống sữa gì?

Ở độ tuổi trên 1, sữa không còn là ưu tiên dinh dưỡng hàng đầu nữa; mà thay vào đó, các bé sẽ tập trung ăn đa dạng thực phẩm để đảm bảo chất dinh dưỡng. Nếu mẹ vẫn muốn cho con uống sữa, thì sẽ có rất nhiều lựa chọn tùy theo nhu cầu của mẹ:

  • Sữa công thức: Sữa công thức giống như một bữa ăn bình thường với đầy đủ chất dinh dưỡng (các vitamin, khoáng chất). Tuy nhiên, bác Maria không khuyên nên uống SCT sau 2 tuổi vì khi bé đã đủ năng lượng và khoáng chất, bé sẽ không ăn cơm và thức ăn. Điều này không tốt cho sự phát triển lâu dài của bé.
  • Sữa tươi: Sữa tiệt trùng và thanh trùng khá giống nhau. Sữa tươi khác với SCT ở chỗ: SCT thì chứa nhiều macro minerals (những khoáng chất mà cơ thể cần với lượng lớn). Còn sữa tươi nguyên chất thì chứa micro minerals.

  • Skimmed milk: Sữa tách béo dành cho người không muốn tăng cân.
  • Full cream milk: Sữa giữ nguyên lượng béo cho người muốn tăng cân.

Đối với Sóc, bác Maria có bảo Sóc không cần uống sữa mà nên ăn đa dạng đồ ăn lên. Nếu mẹ vẫn muốn bổ sung cho con, mẹ có thể bổ sung sữa tươi hoặc full cream milk để tăng cân lên một chút cũng được. Lưu ý mua loại full cream milk nhưng ít đường.

C3. Bổ sung Vitamin D3 thế nào?

Trên 2 tuổi, em bé không cần bổ sung D3 hàng ngày nữa. Nếu mẹ vẫn muốn thì có thể bổ sung D3 liều cao 3 tháng một lần nếu con không đi chơi dưới ánh nắng nhiều. Tất cả các loại D3 đều như nhau, loại nào cũng được nhưng quan trọng là đúng liều. Không cần thiết phải bổ sung D3K2 vì K2 đã có lượng rất nhiều trong đồ ăn và ruột của con rồi. Đọc thêm về D3K2 tại đây.

C4. Sữa công thức có gây táo bón không?

Có. Đối với bé trên 6 tháng, khi con dùng SCT và bị táo bón, nghĩa là con cần thêm lượng nước và mẹ bổ sung nước sau khi uống sữa cho con. Dưới 6 tháng tuổi, mẹ nên đổi sang sữa khác.

C5. Rụng tóc vành khăn có phải do thiếu Canxi không?

Không. Mặc dù thiếu canxi đúng là 1 lí do gây rụng tóc. Nhưng với trẻ nhỏ, rụng tóc vành khăn chỉ đơn giản do bé nằm và ma sát với gối nhiều nên tóc rụng theo. Đây là tình trạng vật lý bình thường. Đối với bé lớn (khoảng 15m), nếu bé vẫn rụng tóc nhiều thì mẹ nên cho đi làm xét nghiệm máu để kiểm tra với bác sĩ.

C6. Kem đánh răng dùng cho trẻ 2T trở lên là gì?

Sóc đang dùng KĐR hữu cơ chuối dừa của Radius và bác Maria bảo loại này vẫn dùng tiếp tục được.

TRẺ EM] Kem Đánh Răng Hữu Cơ Trẻ Em Vị Chuối Dừa Radius - Organic Coconut  Banana Toothpaste, 85g | Shopee Việt Nam

C7. Tẩy giun cho bé trên 2 tuổi?

Dưới 2 tuổi, các bé không tẩy giun. Vì lúc này bé vẫn đang ăn dặm, nên chưa cần tẩy. Trên 2 tuổi mẹ nên tẩy giun cho cả nhà 1 năm 2 lần. Loại tẩy giun của trẻ con và người lớn là như nhau.

C8. Bệnh miễn nhiễm có xuất hiện ở trẻ không?

Bệnh miễn nhiễm (Bệnh tự miễn) từ để chỉ các bệnh sinh ra do sự rối loạn xảy ra tại Hệ miễn dịch trong cơ thể con người có chức năng bảo vệ, chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn và bệnh tật. Lúc đó hệ miễn dịch lại xem chính các tế bào nào đó của cơ thể là các kháng nguyên lạ nên quay ra tấn công chúng. (Kiểu như đá bóng vào chính sân nhà mình đó ạ)

Bệnh miễn nhiễm có thể xuất hiện theo gen, bẩm sinh hoặc mắc khi mình lớn. Không có cách để phát hiện ra bệnh miễn nhiễm trừ khi người bệnh bắt đầu có dấu hiệu và đi kiểm tra.

C9. Chân không thể tự ấm vào mùa đông?

Sóc và mình gặp một tình trạng là cơ thể không thể tự làm ấm khu vực tay chân vào mùa đông. Nguyên nhân theo bác Maria nói là do não bộ nhận được tín hiệu lạnh và đang huy động hồng cầu và các kháng thể đi bảo vệ và làm ấm những bộ phận quan trọng của cơ thể như đầu, ngực, tim, bụng. Do vậy, não bộ coi tay và chân là bộ phận quan trọng hơn. Do vậy, khi lạnh, nên làm ấm khu vực ngực bụng lưng trước, việc này sẽ diễn ra khá lâu, và có thể 2 tiếng sau khi cơ thể thấy ổn, cơ thể sẽ truyền tín hiệu lại cho não bộ và lúc đó cơ thể mới làm ấm tay và chân. Nên dù có 2 tiếng không ấm cũng không phải quá lo.

C10. Trẻ bỗng dưng không muốn ăn?

Nếu trẻ vẫn chơi và hoạt động mọi thứ bình thường thì không đáng lo.

C11. Trẻ thức khuy và từ chối đi ngủ?

Khủng hoảng lên 2 khiến trẻ coi việc đi ngủ là một hoạt động ít quan trọng hơn. Nên trẻ thường có xu hướng mải chơi. Việc duy nhất mẹ có thể làm là kiên trì giữ một thói quen trước giờ ngủ. Ví dụ như đánh răng, thay đồ, đọc truyện, giảm dần ánh sáng trong phòng (Vì Sóc cực kỳ ghét việc tắt đèn đột ngột).

C12. Trẻ không chịu dùng bô?

Sóc đã từng từ chối bô dù mẹ có đọc sách, có thay đổi địa điểm, có khích lệ, Sóc vẫn nhất quyết không chịu ngồi và vẫn dùng bỉm. Bác Maria bảo điều đó là hoàn toàn bình thường. Nếu muốn tập bô, hãy cố gắng để con làm quen với bô trước, chẳng hạn như dán stickers lên đó hoặc trang trí khu vệ sinh khiến bé thích thú. Sau đó hãy bắt đầu bằng việc đi nặng (poo poo).

Có lúc Sóc buồn đi nặng và khi cho vào bô, Sóc không đi nữa. Bác Maria bảo đó là chuyện bình thường, mẹ chỉ cần kiên trì thôi.

C13. Loại men vi sinh nào tốt và men vi sinh có cần không?

Với những bé khỏe mạnh bình thường thì không cần. Các loại men vi sinh đều như nhau, không có loại nào tốt hơn cả.

C14. Bé vẽ và đọc sách dưới ánh đèn phòng có sao không?

Không. Miễn không quá tối. Nếu mẹ lo lắng thì lắp thêm đèn học cho con cũng được.

C15. Thi thoảng Sóc xoa bụng và mặt hơi khó chịu, nhưng biểu hiện đó trôi qua rất nhanh. Điều này có vấn đề gì không?

Không.

C16. Thỉnh thoảng Sóc dụi mắt (Sóc bị co rút mí mắt phải thể nhẹ). Co rút mí mắt có phải nguyên nhân không?

Không. Mẹ chú ý giữ tay con sạch khi con dụi mắt là được.

C17. Lượng muối mà Sóc có thể ăn sau năm 2T?

Có thể gần như người lớn nhưng nên ít hơn.

C18. Bé bị tiêu chảy?

Dựa vào số lần đi ngoài (so với thông thường của bé) và tình trạng lỏng của phân. Ví dụ bé thường ngày đi 2 lần. Nhưng nếu bỗng nhiên đi 4-5 lần lỏng và dấu hiệu tăng lên thì mẹ cần điều chỉnh chế độ ăn và tăng lượng nước uống (bù nước). Nếu bé sốt, quấy khóc, tiêu chảy kéo dài gần 1 tuần, thì mẹ cho con đi gặp bác sĩ.

C19. Loại kem dưỡng ẩm nào tốt?

Tùy vào da của bé: da rất khô, da thường hay da dầu. Bác bảo loại nào cũng được.

C20. Bé 18m, có dấu hiệu táo bón (2 ngày 1 lần và phân cứng) thì mẹ nên làm gì?

Uống nhiều nước và ăn nhiều loại thực phẩm khiến poop mềm hơn (quả bơ, dầu ô liu,..). Tránh ăn: Chuối, táo, dưa lê. Không cần dùng loại thuốc gì vì bé vẫn tự poo poo được.

C21. Lượng nước tối thiểu cho bé 12.5kg không bao gồm nước từ rau củ quả?

Không có 1 con số cụ thể, nhưng nếu mẹ muốn biết thì ước tính khoảng 500ml. Điều quan trọng là mẹ dựa vào tình trạng nước tiểu của con để điều chỉnh lượng nước.

C22. Có cần trữ các loại thuốc dạng siro trong tủ lạnh không?

Nếu là loại tra mắt: Sau khi hết đợt sử dụng do bác sĩ chỉ định, phải bỏ đi.

Nếu là loại hạ sốt siro, để trong tủ lạnh sau khi mở nắp hoặc không, tuy nhiên không để quá 3 tháng.

Nếu là loại khác như D3,… trên hướng dẫn bảo quản mỗi lọ sẽ ghi nhiệt độ thích hợp theo từng hãng riêng.

CÁC MỐC KHÁM KHÁC:

4 tháng: https://mevasoc.com/kham-dinh-ky-moc-4m-cua-soc/

10 tháng: https://mevasoc.com/kham-dinh-ky-moc-phat-trien-soc-10m/

14 tháng: https://mevasoc.com/kham-dinh-ky-moc-14-thang/