JETRO: 55% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng
Đây là tỷ lệ cao nhất trong các nước ASEAN, theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO).
Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ngày 17/9, ông Nakajima Takeo – Trưởng đại diện JETRO Hà Nội nhấn mạnh các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm và đang có tăng trưởng đầu tư ấn tượng tại Việt Nam.
Trước bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp phải nhiều thách thức về địa chính trị, dòng vốn FDI của Nhật Bản trên thế giới chỉ tăng trưởng 3% vào năm 2021 và sau đó giảm phân nửa trong nửa đầu năm 2022.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là đối tác hàng đầu về đầu tư của Nhật Bản khi dòng vốn này tăng hơn 59% vào năm 2021 và tăng tiếp 45% trong đầu năm 2022.
“Khảo sát của JETRO cho thấy 55% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng hoạt động. Đây là con số cao nhất trong các nước ASEAN”, ông Nakajima Takeo tiết lộ.
Một cuộc khảo sát khác được thực hiện với hơn 1.700 công ty mẹ của các doanh nghiệp Nhật Bản cho thấy Việt Nam xếp thứ 2 trong hạng mục câu trả lời “là nơi mà các quốc gia muốn mở rộng đầu tư” bên cạnh Mỹ.
Ông Nakajima Takeo tiết lộ các doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Tại Việt Nam, JETRO nhận thấy ngày càng nhiều hơn các nhà quản lý, giám đốc và giám đốc điều hành của các công ty Nhật Bản là người Việt Nam.
Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đẩy mạnh tìm kiếm các đối tác địa phương, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, đẩy mạnh các công cụ số để giải quyết vấn đề thiếu nhân công và chi phí tăng cao…
Dòng vốn FDI từ Nhật Bản còn có kế hoạch tập trung nhiều hơn vào sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng tại Việt Nam, thay vì tại Nhật Bản, Trung Quốc và các nước láng giềng ASEAN.
Tuy nhiên, khối doanh nghiệp nước ngoài này cũng gặp nhiều thách thức như phải cắt giảm kế hoạch đầu tư do tình trạng thiếu công nhân.
“Do đó, sẽ rất hữu ích nếu chính quyền địa phương khuyến khích đào tạo công nhân và cung cấp chỗ ở, phương tiện đi lại”, ông Nakajima Takeo đề nghị.
Tiếp đến là sự bất ổn về năng lượng khi nguồn cung cấp điện thiếu ổn định sẽ không bảo đảm chắc chắn trong sản xuất. Bởi, nguồn cung cấp điện năng càng trở nên quan trọng hơn đối với hoạt động sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng.
Đại diện JETRO cho rằng chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo cũng rất quan trọng. Các doanh nghiệp đang rất cần những trung tâm về logistic cũng như các trung tâm dữ liệu.