Incentra – Cộng đồng người Việt tại Liên bang Nga
Sau cách mạng tháng Tám năm 1945 và chiến thắng thực dân Pháp vào năm 1954, đất nước ta bắt tay vào công cuộc tái thiết miền Bắc. Việt Nam đã cử các lớp học sinh, sinh viên sang Liên Xô học tập với mục tiêu tạo nguồn nhân lực để phục vụ đất nước. Giai đoạn này cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga chủ yếu là các sinh viên, lưu học sinh, nghiên cứu sinh.
Sau cách mạng tháng Tám năm 1945 và chiến thắng thực dân Pháp vào năm 1954, đất nước ta bắt tay vào công cuộc tái thiết miền Bắc. Việt Nam đã cử các lớp học sinh, sinh viên sang Liên Xô học tập với mục tiêu tạo nguồn nhân lực để phục vụ đất nước. Giai đoạn này cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga chủ yếu là các sinh viên, lưu học sinh, nghiên cứu sinh.
Từ năm 1991 đến nay, nước Nga (thời kỳ hậu Xô Viết) đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế thị trường, với chủ trương đa dạng hóa các thành phần kinh tế và cơ cấu, song chủ yếu tập trung phát triển công nghiệp và xuất khẩu nhiên liệu. Trong những năm gần đây, nền kinh tế Nga đã hướng nhiều hơn đến nhu cầu về các mặt hàng tiêu dùng trong nước và trong giai đoạn từ 2000-2007, lĩnh vực này đã có mức tăng trưởng trên 12%/năm. Số liệu này cho thấy sự lớn mạnh dần lên của thị trường nội địa, tuy nhiên cũng chỉ một phần nào đáp ứng được nhu cầu của người dân, đa số còn lại phải nhập khẩu từ bên ngoài. Chính nhân tố này đã làm cho nước Nga trở thành thị trường hấp dẫn đối với các loại hàng hóa của ngành công nghiệp nhẹ như quần áo, vải vóc, giầy dép và các loại hàng nông sản, thủy sản… Các mặt hàng này được nhập khẩu từ nhiều nước, trong đó có: Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ. Đây chính là nguyên nhân cơ bản giải thích tại sao dòng người từ các quốc gia trên không ngừng nhập cư vào lãnh thổ Liên bang Nga và tồn tại một loại hình kinh tế gọi là “kinh tế chợ”. Chính loại hình kinh tế chợ này đã tạo ra các cộng đồng người châu Á tại LB Nga trong suốt hơn hai thập kỷ qua và đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống kinh tế – xã hội của quốc gia này. Trong các cộng đồng này có cộng động người Việt Nam. Khi đã tạo được cơ sở vững chắc tại nước sở tại, đại đa số bà con cộng đồng đều thực hiện việc mở rộng hoạt động kinh doanh. Ngoài những người đang học tập, những người đã học tập, công tác và lao động hết hạn ở lại, còn có lực lượng người Việt Nam sang Nga làm ăn và du lịch, thăm thân ngày một gia tăng đã hình thành nên cộng đồng người Việt tại LB Nga.
Theo thông tin từ Ban công tác cộng đồng của Đại sứ quán, Hội doanh nghiệp Việt Nam và Hội người Việt tại Liên bang Nga, hiện có khoảng 80.000 người Việt đang sinh sống trên lãnh thổ Liên bang Nga và hơn 20% trong số đó sinh sống và làm việc tại thành phố Mátxcơva. Cộng đồng người Việt ở Liên bang Nga nói chung và Mátxcơva nói riêng chủ yếu sinh sống bằng nghề bán buôn, bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng, hàng công nghiệp nhẹ như giày dép, hàng may mặc và các loại hàng nông, thủy sản, hàng thủ công mỹ nghệ…
Hiện nay cộng đồng người Việt tại Liên bang Nga được chia thành các nhóm khác nhau theo đặc trưng về lĩnh vực hoạt động, sinh sống.
Nhóm 1: là những sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh đã học tại các trường đại học của Nga. Mặc dù có số lượng người không lớn nhưng đây chính là bộ phận thành công nhất trong cộng đồng người Việt Nam tại Nga.
Nhóm 2: là những người làm ăn, buôn bán tự do hoặc cung cấp các loại dịch vụ liên quan đến cộng động người Việt tại Nga (chiếm tới 75-80% cộng đồng). Đại đa số trong nhóm này đều kinh doanh các loại mặt hàng như hàng may mặc, giầy dép… tại các khu chợ ở những thành phố lớn. Hàng hóa nơi đây không chỉ bán cho người dân địa phương mà còn bán buôn và bán lẻ cho người dân từ các thành phố khác.
Nhóm 3: là những người đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất thực phẩm, hàng may mặc, giày dép hoặc kinh doanh nhà hàng…
Nhóm 4: là những người lao động và nhân viên làm trong các nhà máy, nhà xưởng, các nhà hàng, khách sạn do người Việt làm chủ.
Nhóm 5: là những người đang học tập tại các cơ sở giáo dục của Nga theo diện học bổng hoặc tự túc (khoảng 5000 người).
Đặc điểm chung của cộng đồng người Việt tại Nga là ngoài những người đã công tác, học tập tại Nga, đa số công nhân lao động trong nhà máy, bà con kinh doanh, buôn bán tự do, người dân đi du lịch, thăm thân trình độ tiếng Nga chưa đủ khả năng để có thể hòa nhập với đời sống của người bản địa. Hơn nữa, tại những khu của người Việt Nam, luôn có các hàng hóa, dịch vụ của người Việt đi kèm như lương thực, thực phẩm từ Việt Nam mang sang, các mặt hàng tiêu dùng, các loại hình dịch vụ, giải trí và các loại tạp hóa khác. Đặc biệt, do truyền thống tốt đẹp của người Việt là “tương thân tương ái”, “tắt lửa, tối đèn có nhau” nên khi có những chuyện bất trắc xảy ra, bà con cộng đồng luôn có sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Điều này tạo ra một tâm lý chung là bà con cộng đồng thường sống tập trung thành các khu. Do đặc thù về điền kiện làm ăn và sinh sống nên nhu cầu về chỗ ở của bà con cộng đồng tại Mátxcơva là rất lớn.
Trong khi đó, vài năm trở lại đây nước Nga ban hành chính sách siết chặt quản lý dòng người nhập cư vào Liên bang Nga nói chung và vào thành phố Mátxcơva nói riêng, nên việc làm thủ tục đăng ký hộ khẩu cho bà con cộng đồng càng khó khăn hơn. Mặc dù cũng đã có một số tổ chức, cá nhân người Việt đứng ra làm trung gian hoặc bằng nhiều cách khác nhau như: đăng ký hộ khẩu cho bà con thông qua những công ty lập ra chỉ để xin định mức (quota) quyền lao động, đóng hộ khẩu mà không có bất kỳ một hoạt động kinh doanh hợp pháp nào, không đóng thuế cho Nhà nước Nga nên có thể nói, ngay bản thân những người đã có hộ khẩu và quyền lao động khi kinh doanh ngoài chợ vẫn là bất hợp pháp.
Sự kiện đóng cửa chợ Vòm vào tháng 6/2009 và mới đây nhất là chợ Emeral và Luznhiky đã gây nhiều xáo trộn đối với hoạt động buôn bán của cộng đồng người Việt tại Mátxcơva. Sau sự kiện này, hàng loạt chợ khác trên địa bàn thành phố mọc lên để phục vụ các hoạt động kinh doanh, buôn bán. Tuy nhiên, đa số những chợ này có điều kiện hạ tầng, an ninh, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh kém dẫn tới tình trạng bị giải tỏa hoặc có thể giải tỏa. Một số khu chợ có điều kiện tốt về an ninh và cơ sở vật chất thì giá thuê lại cao mà cung vẫn không đủ cầu. Do đó, nguyện vọng bức thiết của cộng đồng người Việt tại LB Nga là: có chỗ bán hàng ổn định, không phải trả giá cao; được đăng ký sinh sống và làm việc hợp pháp; có chỗ ở ổn định và an toàn; được sinh sống và làm ăn trong môi trường có nhiều người Việt.
Về chủ trương đối với loại hình bán buôn, bán lẻ, Chính phủ thành phố Mátxcơva không khuyến khích các loại hình “trung tâm thương mại” kiểu như các chợ mà người Việt Nam đang buôn bán làm ảnh hưởng đến mỹ quan và an ninh trật tự của thủ đô. Thành phố sẽ dần loại bỏ hình thức kinh doanh bán lẻ ngoài chợ, chuyển tới kinh doanh trong các trung tâm thương mại, với hình thức đầu tư quy mô, hiện đại, văn minh xứng đáng với tầm vóc của thủ đô Mátxcơva. Theo mô hình phát triển tổng thể các trung tâm thương mại và siêu thị đến năm 2020 do Chính phủ thành phố Mátxcơva phê duyệt thì thành phố cần phải tổ chức, xây dựng thêm khoảng gần 300 trung tâm thương mại lớn nữa trên địa bàn với tổng diện tích khoảng 6,3 triệu m2.
Theo ông Meshkov Anatoly Ivanovich, Tổng Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế thành phố Mátxcơva, Trung tâm Văn hóa, Thương mại Hà Nội – Mátxcơva sẽ là khu trung tâm thương mại và giao dịch lớn có diện tích hơn100.000m2 nằm tại một trong những khu sầm uất nhất của thành phố Mátxcơva; Ông cũng cho rằng việc xây dựng Dự án là rất quan trọng bởi không phải chỉ là dự án mang tính chất thương mại mà còn nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa UBND TP Hà nội, Việt Nam và TP Mátxcơva, LB Nga. Việc xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng Dự án này sẽ thống nhất những thành phần kinh doanh khác nhau vào một môi trường hiện đại, đảm bảo các điều kiện cho công việc kinh doanh, khác hẳn với môi trường sống và kinh doanh hiện nay của phần lớn người Việt Nam đang buôn bán tại các chợ và sống trong các khu ký túc xá. Cũng theo ông Meshkov Anatoly Ivanovich, chính phủ Thành phố Mátxcơva đặc biệt quan tâm đến bộ mặt của Thành phố với ngày càng nhiều khu nhà cao tầng với điều kiện làm việc và sinh sống hiện đại, và chính sách nhất quán của Thành phố là sẽ loại bỏ các khu chợ, các loại hình kinh doanh ngoài phố trong những kiốt kém chất lượng và kém văn minh.
Đại diện Chính quyền Nga trong các cuộc làm việc với UBND Thành phố Hà Nội và khi trả lời báo chí đều nhất quán khẳng định rằng đối với người Nga thì hàng Việt Nam đang rất được quan tâm. Bằng chứng cụ thể cho thấy vào năm 2009, bất chấp khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng kim ngạch thương mại giữa hai nước vẫn đạt hơn 1,7 tỷ USD, tăng khoảng 700 triệu USD so với năm trước và hai nước đang hướng tới đạt mức 3 tỷ USD vào năm 2013. Do đó, khi dự án “Trung tâm văn hóa, thương mại và khách sạn Hà Nội – Mátxcơva” đi vào hoạt động sẽ là động lực thúc đẩy kim ngạch thương mại hai chiều, trong đó có việc đưa hàng Việt Nam, nhất là hàng chất lượng cao vào thị trường Nga.
Việc xây dựng Trung tâm Văn hóa, Thương mại (đa chức năng) và Khách sạn Hà Nội – Mátxcơva hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của phía Chính phủ thành phố Mátxcơva về chính sách phát triển các trung tâm thương mại, đồng thời đáp ứng được nhu cầu của đông đảo các doanh nghiệp trong nước đang muốn mở văn phòng đại diện, mở gian hàng trưng bày, quảng bá sản phẩm để thâm nhập thị trường Nga.
Từ những yếu tố trên đây, có thể thấy việc xây dựng dự án Trung tâm Văn hóa, Thương mại (đa chức năng) và Khách sạn Hà Nội – Mátxcơva là cần thiết bởi vì:
Thứ nhất, trong hơn 6 thập niên qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Liên Xô trước đây cũng như Liên bang Nga ngày nay luôn nồng ấm, tin cậy, không ngừng được củng cố, phát triển, vượt qua mọi thử thách của thời gian và sự biến động của lịch sử. Trong các cuộc gặp gỡ cấp cao giữa chính phủ hai nước gần đây, hai bên đã thống nhất các biện pháp thúc đẩy hơn nữa các mối quan hệ hợp tác và luôn khẳng định “Mối quan hệ Nga-Việt là mối quan hệ hợp tác chiến lược lâu dài”. Mối quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển thì việc trao đổi thông thương giữa 2 nước Nga – Việt cũng được thúc đẩy tạo cầu nối bền chặt cho tình hữu nghị giữa hai quốc gia và nhân dân hai nước. Tiến triển trong mối quan hệ giữa hai nước được cụ thể hóa thành những dự án là biểu tượng của sự hợp tác hữu nghị, góp phần thúc đẩy trao đổi văn hóa, thương mại giữa hai Thủ đô Hà Nội và Mátxcơva, trong đó có: Trung tâm Văn hóa, Thương mại Hà Nội – Mátxcơva tại Mátxcơva và “Nhà Mátxcơva” tại Hà Nội. Các dự án đã được lãnh đạo hai nước, đặc biệt là lãnh đạo hai thành phố Hà Nội và Mátxcơva đặc biệt quan tâm, ủng hộ. Do đó, những dự án này không chỉ mang tính chất của một trung tâm văn hóa – thương mại mà còn mang ý nghĩa chính trị sâu sắc.
Thứ hai, mô hình “kinh tế chợ” đã tồn tại và đóng vai trò không nhỏ trong nền kinh tế nước Nga trong vài thập kỷ qua. Với chủ trương đóng cửa các khu chợ lẻ của Chính quyền Thành phố Mátxcơva để thống nhất những thành phần kinh doanh khác vào một môi trường hiện đại, phần lớn các loại mặt hàng lâu nay được bán ở các khu chợ sẽ được đưa vào kinh doanh tại trung tâm thương mại. Như vậy, dự án đi vào khai thác sẽ là nơi quy tụ nhưng người đang kinh doanh dịch vụ, buôn bán dưới nhiều hình thức khác nhau trong môi trường kinh doanh văn minh, hiện đại, đảm bảo an ninh và hợp pháp cho cộng đồng.
Thứ ba, do nhu cầu nhập khẩu các loại hàng hóa như: quần áo, giày dép, hàng may mặc, hàng nông, thủy sản… để phục vụ tiêu dùng của bộ phận người dân Nga là rất lớn và thường xuyên, trong khi khả năng xuất khẩu những mặt hàng này của Việt Nam khá ổn định. Cùng với đó, kim ngạch thương mại của hai nước có xu hướng ngày càng cao, cho nên, số lượng bà con cộng đồng buôn bán những mặt hàng này tại Nga cũng ngày càng gia tăng. Do đó, việc tạo cho cộng đồng một nơi sinh sống ổn định là cần thiết. Dự án tuy mới đáp ứng một phần nhu cầu về nhà ở và kinh doanh của cộng đồng người Việt tại Mátxcova, nhưng mô hình tổ hợp đa chức năng nằm trên cùng một khuôn viên của dự án đã tạo ra môi trường khép kín, đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Thứ tư, Trung tâm Văn hóa Thương mại và Khách sạn Hà Nôi – Mátxcơva sẽ là nơi đáp ứng được nhu cầu của đông đảo các doanh nghiệp trong nước đang muốn mở văn phòng đại diện, mở gian hàng trưng bày, quảng bá sản phẩm để thâm nhập thị trường Nga. Đồng thời góp phần xây dựng một cộng đồng người Việt Nam vững mạnh, luôn hướng về tổ quốc.