Huyện Phú Xuyên (Hà Nội) giữ gìn, phát huy tốt các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể

Cụ thể, Huyện ủy Phú Xuyên đã xây dựng Chương trình số 07 về “Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng trường chuẩn Quốc gia, xây dựng người Phú Xuyên thanh lịch văn minh” và các kế hoạch thực hiện Chương trình hàng năm; trong đó nội dung phát huy giá trị văn hóa là một trong những mục tiêu quan trọng của Huyện ủy.

UBND huyện Phú Xuyên đã ban hành Kế hoạch 123/KH- UBND về quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện đến năm 2025…

Cùng với đó, ngành VHTT huyện Phú Xuyên đã và đang có nhiều hình thức tuyên truyền, quảng bá về giá trị các di sản trên địa bàn; Làm tốt công tác quản lý, giữ gìn, phát huy các giá trị di sản văn hóa ở địa phương, nhất là việc tổ chức các lớp tập huấn các bộ môn diễn xướng truyền thống trên địa bàn…

Tò he Xuân La Tò he Xuân La

Trên địa bàn huyện Phú Xuyên đang lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể quý báu, tiêu biểu như: Hò Cửa Đình và múa hát Bài Bông ở Thôn Phú Nhiêu (xã Quang Trung), hát Ca Trù ở thôn Chanh Thôn (xã Nam Tiến), hát trống quân ở thôn Phúc Lâm (xã Phúc Tiến), Nghề nặn Tò he ở thôn Xuân La (xã Phượng Dực), tiếng Lóng ở Đa Chất cùng nhiều lễ hội dân gian truyền thống, tiêu biểu như lễ hội Chạy lợn ở làng Diền, lễ hội rước nước ở làng Cát Bi v.v.

Hát Trống quân là hình thức sinh hoạt ca hát giao duyên, tương truyền xuất hiện từ thời nhà Trần ở huyện Phú Xuyên. Hát Trống quân ở thôn Phúc Lâm xưa kia chỉ được cất lên vào những dịp hội làng hay đêm Trung thu. Nay, những ngày lễ, Tết, hội hè hay những dịp gặp gỡ đều được cất lên như một món quà đãi khách quý của người Phúc Lâm.

Hò cửa đình và Hát múa Bài Bông Hò cửa đình và Hát múa Bài Bông

Hò Cửa đình, múa hát Bài bông ở thôn Phú Nhiêu có từ thời Lê – Trịnh và là tài sản vô giá của thôn Phú Nhiêu và huyện Phú Xuyên mà ít nơi nào có được. Hò Cửa đình, múa hát Bài bông được gắn liền với lễ hội làng Phú Nhiêu, với tục bơi chải trên sông Kim Ngưu và thờ cúng thành hoàng làng – vị thần sông nước Trung Thành đại vương Thổ lệnh trưởng.

Nghề nặn Tò he ở thôn Xuân La (xã Phượng Dực) độc đáo có một không hai trên đất nước ta. Giá trị tinh thần của những con tò he không chỉ hấp dẫn các em nhỏ mà cả người lớn vì sự tinh tế và ý nghĩa nhân văn của sản phẩm. Những nghệ nhân Xuân La đã đem tò he đi khắp cả nước và đi nhiều nước trên thế giới, ở đâu cũng nhận được sự yêu thích, khâm phục của mọi người…

Tiếng lóng ở thôn Đa Chất, xã Đại Xuyên hiện còn lưu giữ được hàng trăm từ vựng, là vốn từ cổ của người Việt, là ngôn ngữ giao tiếp riêng của những người thợ đi làm nghề với nhau và giữa những người dân đang sinh sống tại địa phương thông tin cho nhau khi có người lạ… Tiếng lóng ở thôn Đa Chất những năm qua được coi là di sản điển hình, hiện đang được các cơ quan chức năng lập hồ sơ đề nghị Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Rước kiệu trong Lễ hội vinh danh làng nghề ở Phú Xuyên Rước kiệu trong Lễ hội vinh danh làng nghề ở Phú Xuyên

Các di sản văn hóa trên địa bàn huyện Phú Xuyên là nơi kết tinh các giá trị cộng đồng, đã tồn tài và phát triển qua bao thế hệ. Chúng không chỉ là tài sản tinh thần vô giá của cộng động mà còn là điểm tựa tinh thần vững chắc cho cộng đồng, là niềm tự hào của địa phương.

Hai trong số các di sản văn hóa phi vật thể của huyện Phú Xuyên đã được Hội văn nghệ dân gian công nhận là địa chỉ đỏ văn hóa dân gian, gồm: Ca trù Chanh Thôn và Hò cửa đình, múa hát Bài bông. Đây là niềm tự hào của huyện Phú Xuyên, đồng thời cũng là cơ hội để huyện Phú Xuyên phát triển du lịch từ những di sản văn hóa phi vật thể này.

Bên cạnh đó, huyện Phú Xuyên đã huy động được toàn hệ thống chính trị chung tay bảo vệ các di sản mà nòng cốt là các tổ chức chính trị – xã hội ở địa phương, nhất là đoàn thanh niên và đông đảo Nhân dân, nên các di sản luôn được quan tâm.

Đặc biệt, ít có nơi nào như huyện Phú Xuyên đã nhiều lần tổ chức thành công Lễ hội vinh danh các làng nghề truyền thống, bên cạnh việc tổ chức các lễ hội cổ truyền ở các địa phương. Qua đó thể hiện sự quan tâm, chú trọng của các cấp chính quyền trong huyện với các di sản văn hóa, tạo động lực để các tầng lớp Nhân dân tiếp tục lưu giữ, trao truyền cho muôn đời sau.