Hương vị bánh chưng ngày Tết | Cổng thông tin điện tử thành phố Bắc Kạn
Từ xưa cho đến nay, bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ của người Việt. Đó là món ăn mang đậm bản sắc dân tộc, hương vị truyền thống vào mỗi dịp Tết Nguyên đán cổ truyền. Vì vậy, cứ đến cận kề ngày 30 Tết, cùng với việc mua sắm, trang trí, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ…chuẩn bị đón Tết, các gia đình lại cùng nhau gói những chiếc bánh chưng vuông vắn, đẹp mắt mang đậm hương vị tết đầm ấm, sum vầy.
Các bạn nhỏ tại tổ 5, phường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Bắc Kạn hào hứng tham gia gói bánh chưng.
Sự ra đời của bánh chưng gắn liền với truyền thuyết “Bánh chưng, bánh giầy” cùng sự kiện vua Hùng Vương đời thứ sáu chọn người nối ngôi. Lang Liêu người con thứ mười tám đã dâng lên cho vua cha món bánh chưng, bánh giầy ý nghĩa đã làm hài lòng vua cha và đã được truyền ngôi cho. Kể từ đó, mỗi dịp tết Nguyên Đán, dân chúng lại làm món bánh này để dâng cúng tổ tiên, trời đất.
Chiếc bánh chưng hình vuông được bao bọc bằng lớp lá dong xanh, được người ta ví như tình cảm yêu thương đùm bọc của gia đình. Nguyên liệu làm ra chiếc bánh cũng không quá cầu kỳ, gồm gạo nếp ngon, đỗ xanh, thịt lợn. Đây đều là sản phẩm của nền văn minh lúa nước ngày xưa cho tới nền nông nghiệp hiện đại ngày nay. Có lẽ thế, chiếc bánh giống như biểu tượng của đất mẹ thiên nhiên. Trong tâm thức mỗi người Việt, chiếc bánh chưng gói ghém biết bao tình cảm thân thương, sự sum vầy, đoàn tụ của gia đình.
Khi được hỏi về hương vị truyền thống tết cổ truyền, bà Hoàng Thị Hồ, tổ Lâm Trường, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn chia sẻ: Chiếc bánh chưng trong mâm cỗ ngày Tết mang ý nghĩa thể hiện sự biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân. Không chỉ thế, bánh chưng ngày Tết còn được bày lên bàn thờ cúng để thể hiện lòng hiếu kính của con, cháu với tổ tiên và người đã khuất. Trong không khí của năm mới, trên mâm cơm của mỗi gia đình bánh chưng là biểu tượng không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền.
Ngày nay, trong nhịp sống hiện đại có phần gấp gáp, nhiều người đã chọn cách đặt mua bánh chưng khá tiện lợi và nhanh gọn, nhưng phần lớn các gia đình người Việt vẫn duy trì tục lệ gói bánh chưng ngày Tết. Việc làm này vừa để lưu lại những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vừa tạo không khí xum vầy, đầm ấm, tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.
Chiếc bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền. Bánh dùng để cúng gia tiên như lời biết ơn sâu nặng của con cháu nhớ về cội nguồn, là lời cảm tạ đất trời cho một năm mưa thuận, gió hoà. Vì thế, những ngày giáp Tết, không khó để có thể bắt gặp hình ảnh các bà, mẹ, chị, em gái lại hồ hởi đi chợ, mua sắm nguyên liệu nào gạo, nào thịt, nào đỗ xanh và cả những mớ lá dong xanh mướt, óng ả…để ngày tết gia đình có thêm nồi bánh trưng ngon nhất.
Trong những ngày đầu năm mới, gia đình ngồi bên nhau cùng thưởng thức những món ăn ngon, bổ dưỡng, trong đó không thể thiếu đĩa bánh chưng có màu xanh bắt bắt, thơm phức tuyệt vời. Các con, cháu có thời gian ngồi cùng ông, bà, bố mẹ, cùng kể nhau nghe những câu chuyện năm cũ và ước nguyện, dự định trong năm mới.
Bánh chưng vuông tượng trưng cho mặt đất, xanh màu lá dong có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong tâm thức con người Việt Nam. Bánh chưng, hơn cả một món ăn – đó còn là bản sắc dân tộc, là nét đẹp ẩm thực truyền thống ngàn đời nay còn lưu giữ trong mỗi dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Hoàng Thạc