Hương vị Tết miền Bắc

(Cinet)- Mặc dù cùng sinh sống trên một lãnh thổ nhưng phong tục tết 3 miền Bắc, Trung, Nam đều có sự khác biệt không thể trộn lẫn. Nếu Tết Nam cầu kì và sặc sỡ, Tết Trung giản dị nhưng đầm ấm thì Tết Bắc lại độc đáo và có những hương vị rất riêng với những phong tục, tập quán mang đậm nét truyền thống dân tộc.

Từ bao đời nay, Tết Nguyên đán đã trở thành ngày lễ lớn nhất trong năm của người Việt. Đây không chỉ là khoảng khắc đánh dấu sự khởi đầu năm mới mà còn là thời gian để mọi người cùng hướng về tổ tiên, gia đình với những tình cảm trân trọng và thiêng liêng nhất.

Ở miền Bắc, khi tiết trời se se lạnh, những cánh đào bắt đầu bung nở cũng là lúc bắt đầu một mùa xuân mới, mùa của lễ hội và tết truyền thống dân tộc.

Không khí tết bắt đầu rộn ràng từ những ngày đầu tháng chạp. Người dân khắp nơi tất bật đi sắm sửa cho một mùa tết đủ đầy và sung túc

Từ bao đời nay, Tết Nguyên đán đã trở thành ngày lễ lớn nhất trong năm của người Việt. Đây không chỉ là khoảng khắc đánh dấu sự khởi đầu năm mới mà còn là thời gian để mọi người cùng hướng về tổ tiên, gia đình với những tình cảm trân trọng và thiêng liêng nhất.Ở miền Bắc, khi tiết trời se se lạnh, những cánh đào bắt đầu bung nở cũng là lúc bắt đầu một mùa xuân mới, mùa của lễ hội và tết truyền thống dân tộc.

Không khí tết bắt đầu rộn ràng từ những ngày đầu tháng chạp. Người dân khắp nơi tất bật đi sắm sửa cho một mùa tết đủ đầy và sung túc, từ những nguyên liệu để chuẩn bị cho mâm cỗ tết đến những vật dụng để sửa soạn khang trang cho ngôi nhà trong thời khắc thiêng liêng đón năm mới đầy tài lộc.

Tết Bắc với những đặc trưng truyền thống

Nói đến tết không thể thiếu sự tươi tắn và rực rỡ của những loài hoa. Ở miền Bắc, từng loại hoa, cây cảnh được chọn để chơi và trưng vào Tết cho đến những món ăn truyền thống có sự khác biệt rất rõ nét với miền Nam quanh năm ấm áp.

Nếu loài hoa đặc trưng của miền Nam là mai vàng thì hoa đào lại là biểu tượng trong những ngày tết của người dân Bắc. Thông thường trong nhà mỗi người đều sắm sửa cho mình một cây đào hoặc cành đào chơi tết. Vẻ đẹp tươi thắm của hoa không chỉ mang lại sự ấm cúng cho mỗi nhà mà còn gieo vào lòng mỗi người niềm vui, niềm tin yêu, hy vọng vào năm mới an khang thịnh vượng và tràn đầy may mắn.

Hoa đào – Loài hoa không thể thiếu trong những ngày tết của người dân Bắc.

Ngoài loài hoa này, người dân miền Bắc còn có thú chơi hoa ngày Tết với những loài hoa quen thuộc và đặc trưng như: Cúc, Ly, Thược dược, Violet,….điểm tô thêm những mảng màu rực rỡ cho bức tranh tết trong gia đình.

Cùng với hoa, mâm ngũ quả cũng là một phần không thể thiếu trên bàn thờ bất kỳ gia đình nào trong dịp tết. Mâm ngũ quả được bày gồm 5 loại khác nhau tượng trưng cho những nguyện ước của gia chủ. Cách bài trí, sắp xếp màu sắc từng loại quả phải được thực hiện vô cùng tinh tế và cẩn thận bởi mâm ngũ quả không chỉ để thờ cúng mà còn tăng thêm vẻ đẹp cho gia đình trong dịp tết, làm cho không khí ngày Tết thêm phần ấm áp, rực rỡ.

Mâm ngũ quả đặc trưng của người miền Bắc (nguồn: khoahoc.tv)

Bên cạnh việc chuẩn bị và trang trí ngày tết, người Bắc thường có những phong tục độc đáo, thể hiện đặc trưng riêng của vùng miền. Không khí Tết bắt đầu rộn ràng nhất kể từ ngày 23 tháng chạp – Ngày tiễn ông Táo về Trời. Ngoài lễ vật người Bắc còn cúng một con cá chép thả trong chậu nước, ngụ ý cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về trời.

Khoảng khắc thiêng liêng nhất chính là đêm giao thừa, nơi giao thoa giữa năm cũ và năm mới. Đây chính là thời điểm mọi người trong gia đình quây quần bên nhau, cùng nhau trò chuyện và đón chào năm mới.

Trong đó, cúng giao thừa là một nghi lễ thiêng liêng trong phong tục đón Tết cổ truyền của người Việt. Tục lệ cúng giao thừa vào đêm 30 Tết gắn liền với lịch sử hơn ngàn năm của dân tộc và là một nét văn hóa đẹp của mỗi gia đình.

Sang 3 ngày tết chính, mùng 1 Tết, người miền Bắc thường đi lễ chùa, hái lộc cầu may, xin chữ ông đồ, lì xì đầu năm cho người già, trẻ nhỏ để mong sức khỏe và may mắn. Gia chủ sẽ nhờ người hợp tuổi, “nhẹ vía” trước đó để đến sáng Mùng 1 đến xông đất cho gia đình, hy vọng một năm mới an lành.

“Xin chữ đầu năm” để thể hiện ước vọng trong năm mới. (nguồn: phunutoday.vn)

Ngoài ra, người miền Bắc có khá nhiều tục kiêng trong ngày Tết như: Kiêng đổ rác, kiêng quét nhà, kiêng cho lửa, kiêng cho nước, tránh nói giông,…

Nghi thức chúc Tết và ăn Tết ngày đầu xuân bao giờ cũng để lại ấn tượng sâu đậm cho mọi người, đặc biệt là trẻ thơ về tình thân đầm ấm trong mỗi gia đình. Sau đó, cả gia đình sẽ cùng nhau đi chúc Tết anh em họ hàng thân thiết, cùng trò chuyện và chúc nhau sức khỏe, năm mới an lành, hạnh phúc.

Đặc sắc ẩm thực ngày tết

Cùng với những phong tục truyền thống, ẩm thực tết luôn là một trong những đặc trưng trong ngày tết. Ẩm thực tết của người dân miền Bắc in đậm nét dấu ấn riêng, mang âm hưởng rõ nét của vùng quê giàu bản sắc.

Trong cuộc sống bộn bề với những lo toan của cuộc sống hiện đại, người miền Bắc vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống trong bản sắc, phong tục ngày tết với “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo bánh chưng xanh”.

Ẩm thực miền Bắc được sáng tạo, hình thành trong suốt một hành trình dài của lịch sử và được lưu truyền trên khắp mọi miền đất nước. Mâm cỗ ngày tết, đặc biệt là mâm cỗ Tết của người Hà Nội cũng vô cùng đa dạng, phong phú, thể hiện mong muốn cho một năm mới no ấm, sung túc với nhiều món ăn truyền thống đậm đà hương vị.

Mâm cỗ Tết cổ truyền miền Bắc. (nguồn: vietnamnet.vn)

Riêng về cách chế biến, các món ăn được nấu rất khéo léo và tỉ mỉ. Từng món ăn được chia ra thành từng phần nhỏ, bày biện trên chiếc mâm tròn, như một cách thể hiện sự đủ đầy, vừa đa dạng, hài hòa, lại đẹp mắt. Những món cơ bản thường thấy như gà luộc, nem rán, chân giò nấu măng, giò xào, thịt đông, dưa hành, canh bóng, thịt lợn, xôi gấc,… Món tráng miệng có mứt sen, mứt quất, mứt gừng, chè kho… và đặc biệt không thể thiếu món bánh chưng truyền thống – 1 loại bánh có lịch sử lâu đời trong nền văn hóa ẩm thực của người Việt thể hiện sự kết tinh của đất trời.

Bánh chưng là loại bánh không thế thiếu trong Tết truyền thống của người Việt Nam nói chung và miền Bắc nói riêng. (nguồn: congly.vn)

Không chỉ chú trọng hương vị, người miền Bắc còn đặc biệt chú ý tới việc bày biện và hình thức món ăn. Trong mâm cỗ, người Bắc thường bày 4 bát, 4 đĩa tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa và bốn phương. Cỗ lớn thì 6 bát 6 đĩa hoặc 8 bát 8 đĩa tượng trưng cho phát lộc, phát tài. Các món ăn sẽ được trang trí với màu sắc hài hòa, bắt mắt nhằm thể hiện ước vọng về một năm mới sung túc và gặp nhiều may mắn.

Giữa tiết trời se lạnh, được cùng nhau quây quần, thưởng thức những món ăn truyền thống và gửi cho nhau những lời chúc tốt lành đầu năm mới là khoảng khắc vô cùng đặc biệt và ý nghĩa đối với mỗi người.

Tết miền Bắc là thế, không quá cầu kì nhưng lại rất tinh tế và bài bản. Tết Bắc vẫn giữ nguyên ý nghĩa thiêng liêng và tròn đầy. Tất cả đã tạo nên một bức tranh đầy màu sắc, một nét đẹp văn hóa đặc trưng nơi vùng đất ngàn năm văn hiến.

D.H