[Hướng nghiệp] Học ngành Dinh dưỡng ra làm gì?

Sức khỏe đối với con người là vấn đề luôn luôn được ưu tiên lên hàng đầu, vì có sức khỏe con người mới sinh hoạt, làm việc một cách hiệu quả. Ngành dinh dưỡng ngày nay tuy là cái tên mới mẻ với nhiều bạn học nhưng đang được coi trọng vì mức độ quan trọng của ngành mang lại. Vậy ngành Dinh dưỡng được học những gì? Bạn sẽ làm gì sau khi học ngành Dinh dưỡng. Hãy cùng nhau tìm hiểu bạn nhé!

Học ngành Dinh dưỡng ra làm gì?

1. Ngành dinh dưỡng là gì?

Dinh dưỡng là việc cung cấp các chất cần thiết cho các tế bào và sinh vật để hỗ trợ sự sống, bao gồm các hoạt động ăn uống, hấp thu, vận chuyển và sử dụng các chất dinh dưỡng, bài tiết chất thải.

Ngành dinh dưỡng là theo dõi, đánh giá tình trạng dinh dưỡng của người bệnh tại cộng đồng và các bệnh viện để lập kế hoạch can thiệp phù hợp. Ngoài ra, ngành dinh dưỡng còn là truyền thông, giáo dục dinh dưỡng, hướng dẫn cộng đồng lựa chọn thực phẩm tốt, xây dựng chế dộ ăn phù hợp, an toàn để phòng ngừa bệnh tật.

Ngành dinh dưỡng tham gia vào việc xây dựng quy trình chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng và tư vấn sức khỏe dinh dưỡng cho những người bệnh tại bệnh viện. Tham gia tổ chức, thực hiện và giám sát hoạt động dinh dưỡng, tiết chế tại bệnh viện, bếp ăn tập thể. Giám sát quy trình bảo quản, chế biến, lưu mẫu, vận chuyển và phân phối thực phẩm được diễn ra an toàn.

Ngành dinh dưỡng đào tạo làm việc trong hệ thống dinh dưỡng và an toàn thực phẩm. Người học được trang bị kiến thức về dinh dưỡng cơ bản, dinh dưỡng cộng đồng, dinh dưỡng lâm sàng…từ đó lên kế hoạch dinh dưỡng, hiểu được tầm quan trọng của dinh dưỡng với sức khỏe.

2. Ngành dinh dưỡng cần những kỹ năng gì?

Ngành dinh dưỡng cũng như các ngành học khác đòi hỏi người học có những tố chất phù hợp để quá trình học diễn ra hiệu quả hơn.

  • Là ngành học liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người, ngành dinh dưỡng yêu cầu khắt khe việc tiếp nhận kiến thức. Sự chính xác tuyệt đối, cẩn thận trong từng khâu, từng bước luôn được đặt lên hàng đầu.
  • Có trách nhiệm với công việc. Luôn tự giác, tự chủ trong mọi tình huống.
  • Có tính trung thực, đam mê với công việc mình lựa chọn.
  • Khả năng giao tiếp tự tin, khéo léo khi đưa ra lời khuyên, tư vấn cho người bệnh.
  • Khả năng đánh giá, lên kế hoạch điều trị chính xác, hiệu quả.
  • Chăm chỉ tiếp thu, học hỏi kiến thức.
  • Khả năng ngoại ngữ tốt vì tiếp xúc các từ chuyên ngành.
  • Quan tâm, chu đáo không để người bệnh cảm thấy mặc cảm hay tự ti.

3. Ngành dinh dưỡng phải học những gì?

  • Ngành dinh dưỡng đào tạo kiến thức khoa học cơ bản, chuyên ngành và thực hành cơ bản. Cách tư vấn dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế trong chăm sóc và điều trị bệnh nhân.
  • Bạn sẽ được học về cách thu thập thông tin, phân tích, đánh giá tình trạng dinh dưỡng của người bệnh.
  • Học cách xây dựng quy trình chăm sóc, đưa ra tư vấn dinh dưỡng cho bệnh nhân.
  • Cách giám sát quy trình bảo quản, chế biến, vận chuyển và phân phối thực phẩm tại các cơ sở chế biến, bệnh viện, nhà ăn.
  • Được trang bị kiến thức vè dinh dưỡng cơ bản, dinh dưỡng công đồng, dinh dưỡng tế bào, dinh dưỡng lâm sàng, cơ chế hấp thu các chất dinh dưỡng trong cơ thể…Ngành dinh dưỡng phải học những gì?

4. Tổ hợp môn xét tuyển vào ngành Dinh dưỡng

  • B00 (toán, hóa học, sinh học)
  • A00 (toán, vật lý, hóa học)
  • A01 (toán, vật lý, tiếng anh)
  • D01 (toán, ngữ văn, tiếng anh)
  • D07 (toán, tiếng anh, hóa học)
  • D08 (toán, sinh học, tiếng anh)

5. Trường đào tạo ngành Dinh dưỡng

  • Đại học Y Hà Nội
  • Đại học Y tế Công cộng
  • Đại học Y dược TP.HCM
  • Đại học Thăng Long
  • Học viện Y dược Cổ truyền VN
  • Đại học Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia HN
  • Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương

6. Ngành dinh dưỡng ra làm gì?

Đảm nhiệm là người hướng dẫn, giải thích hoặc đưa ra lời khuyên về các vấn đề dinh dưỡng trên các phương tiện truyền thông giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề dinh dưỡng, sức khỏe.

Làm giảng viên tại các cơ sở đào tạo y tế.

Chủ trì việc xây dựng, tổ chức thực hiện các quy định, quy trình, phác đồ dinh dưỡng, giám sát truyền thông.

Thực hiện đánh giá về nhu cầu sử dụng, chế dộ ăn uống của bệnh nhân hoặc khách hàng. Giải đáp các thắc mắc về sức khỏe cho bệnh nhân.

Đưa ra phác đồ điều trị và lên danh sách các bữa ăn phù hợp với tình trạng sức khỏe của từng người.

Ngành dinh dưỡng ra làm gì?

7. Học ngành dinh dưỡng ra làm ở đâu?

Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành dinh dưỡng có thể công tác tại các cơ quan sau:

Trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài nước.

Công tác tại bệnh viện, trung tâm nghiên cứu dinh dưỡng, thực phẩm, các cơ sở giảng dạy, đào tạo về y tế ( trường cao đẳng, trung cấp, đại học).

Làm chuyên gia đinh dưỡng tại các phòng khám tư nhân hoặc nhà nước.

Làm việc tại các cơ sở giáo dục, các trường tiểu học, trung học…

Làm việc tại các nhà máy, cơ sở chế biến thức ăn, phân phối thực phẩm đến các cơ sở nhà hàng, khách sạn.

Làm việc tại các trung tâm chăm sóc sức khỏe ở quân dội, quốc phòng, các tổ chức xã hội như viện dưỡng lão, người khuyết tật, trẻ em mồ côi…

8. Thu nhập trong ngành Dinh dưỡng

Vì là ngành học đang được xã hội coi trọng, tùy theo từng năng lực và trình độ, bằng cấp khác nhau mà mỗi người có mức thu nhập riêng.

Đối với sinh viên mới tốt nghiệp, mới chỉ là thực tập sinh nên thu nhập trong khoảng từ 4-6 triệu/tháng.

Đối với cử nhân bác sĩ làm việc lâu năm, mức lương sẽ từ 8 triệu trở lên.

Đối với cử nhân có trình độ cao học tập và làm việc ở nước ngoài, mức thu nhập nhận được sẽ là từ 2.000 USD trở lên.

Như vậy, với những thông tin về ngành Dinh dưỡng sẽ giúp bạn có những cái nhìn tổng quan hơn ngành, để đưa ra những lựa chọn đúng đắn cho bản thân đặc biệt trong thời buổi kinh tế phát triển, mức sống con người ngày càng cao thì sức khỏe luôn là vấn đề được coi trọng hơn bao giờ hết. Chúc bạn thành công với dự định trong tương lai.