Hướng đi nào cho du lịch làng nghề Phú Xuyên (Hà Nội)?
Lãnh đạo TP. Hà Nội và du khách tham quan Lễ hội “Vinh danh làng nghề truyền thống” huyện Phú Xuyên (Ảnh: QĐ).
Nhiều tiềm năng để phát triển du lịch làng nghề
Đó là đánh giá chung của các chuyên gia khi nghiên cứu về du lịch làng nghề ở huyện Phú Xuyên. Có thể nói, Phú Xuyên là cái nôi của rất nhiều làng nghề nổi tiếng như: Giày da Phú Yên; may mặc Vân Từ; khảm trai Chuyên Mỹ; đồ gỗ Tân Dân, Văn Nhân; cơ kim khí Đại Thắng; sản xuất mây giang đan, cỏ tế Phú Túc; làm tò he ở Thôn Xuân La, xã Phượng Dực; các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm… Tính chung trên địa bàn huyện Phú Xuyên hiện có 156/156 làng, cụm dân cư làm nghề (chiếm 100%) với 78 làng nghề được duy trì và phát triển; 39 làng được công nhận làng nghề theo tiêu chí cấp Thành phố; trong đó, có 9 làng khảm trai, 10 làng đan cỏ tế, 10 làng sản xuất đồ mộc, 12 làng may mặc và làm giày… Sản phẩm của các nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống đã có chỗ đứng trên thị trường trong nước và thế giới. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 1 trường trung cấp nghề và 1 trường cao đẳng nghề, hàng năm đào tạo khoảng trên 1.000 học viên với các ngành nghề đa dạng, phong phú.
Tìm về làng Cựu, xã Vân Từ, chúng tôi thực sự ấn tượng trước sự phát triển của nghề may truyền thống. Người dân làng Cựu vẫn gìn giữ, phát triển nghề may com lê, váy đầm hình thành từ thời Pháp thuộc. Đặc biệt, nơi đây còn bảo tồn được gần 40 ngôi biệt thự cổ pha lẫn kiến trúc Pháp và Việt cổ. Khung cảnh đặc biệt được tạo bởi những ngôi biệt thự cổ đầy rêu phủ xen kẽ với những ngôi nhà cấp bốn hay mái bằng đã gợi lên sự pha trộn kiến trúc mang đến cảm giác nửa lạ, nửa quen đầy thú vị. Có lẽ vì thế, gần đây làng Cựu đã dần trở thành điểm đến của nhiều du khách nước ngoài và các bạn trẻ thích khám phá.
Còn tại Chuyên Mỹ, làng nghề khảm trai lớn nhất miền Bắc, nghề truyền thống đã giúp người dân Chuyên Mỹ phát triển cuộc sống song số lượng du khách tìm về với làng nghề chưa nhiều.
Chị Nguyễn Thị Thơm, một người dân làng Chuyên Mỹ cho biết: “Làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ có từ cách đây 1.000 năm; sản phẩm của Chuyên Mỹ đã được xuất sang nhiều nước trên thế giới, thu nhập của người làng cũng ở mức ổn định, đảm bảo cuộc sống. Nhưng đúng là việc làm du lịch gắn với nghề truyền thống thì còn khá xa lạ với chúng tôi”.
Làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ (Phú Xuyên) có lịch sử phát triển gần 1.000 năm (Ảnh: QĐ)
Thực tế cho thấy, các làng nghề ở Phú Xuyên có rất nhiều tiềm năng về du lịch gắn liền với giá trị về cảnh quan, sinh thái, di tích văn hoá đình, chùa, ẩm thực… Việc phát triển du lịch làng nghề sẽ khai thác được giá trị văn hoá của nghề, làng nghề và hỗ trợ phát triển sản xuất, quảng bá thương hiệu, tăng cường khả năng tiêu thụ sản phẩm theo hướng “xuất khẩu tại chỗ” thông qua chào bán sản phẩm cho khách du lịch đến địa phương.
Cần những giải pháp đồng bộ
Được biết, với quan điểm đẩy mạnh phát triển du lịch, thời gian qua, UBND huyện Phú Xuyên đã triển khai chủ trương gắn du lịch làng nghề vào các lễ hội tôn vinh làng nghề; đồng thời nghiên cứu xây dựng một tuyến du lịch gắn kết các làng nghề theo trục giao thông dài 20km. Tuy vậy, đây mới chỉ là chủ trương do cơ sở hạ tầng, nhân lực và các thiết chế văn hóa chưa đáp ứng. Một khó khăn nữa trong xây dựng một tuyến du lịch gắn kết các làng nghề, đó là kinh phí đầu tư để thực hiện các bước này quá lớn, huyện Phú Xuyên chỉ trông chờ vào sự đầu tư của thành phố và sự ủng hộ của các cá nhân. Điều này phần nào cũng lý giải những con số “khiêm tốn” của du lịch làng nghề huyện Phú Xuyên trong những năm qua. Những giá trị du lịch làng nghề Phú Xuyên cơ bản vẫn đang ở dạng tiềm năng. Bởi, lượng khách đến các làng nghề còn khá ít và hầu như chưa có du khách nào lưu trú tại địa phương. Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã thu hút trên 300 đoàn khách trong và ngoài nước với gần 6.000 lượt người đến tham quan, mua sắm các sản phẩm làng nghề.
Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, phát triển du lịch làng nghề sẽ khai thác được giá trị văn hoá của nghề, làng nghề và hỗ trợ phát triển sản xuất, quảng bá thương hiệu; giúp phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống, góp phần làm thay đổi đời sống xã hội ở các vùng có làng nghề. Do vậy, để phát triển du lịch một cách bền vững tại các làng nghề truyền thống ở Hà Nội nói chung và làng nghề ở huyện Phú Xuyên nói riêng thì cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Theo đó, Phú Xuyên cần tăng cường các hình thức tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về du lịch làng nghề của địa phương. Từ năm 2011, huyện Phú xuyên đã lấy ngày 26/10 là ngày vinh danh làng nghề. Ngày 26/10 hàng năm cũng được chọn để tổ chức Lễ hội “Vinh danh làng nghề truyền thống”. Cùng với việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các làng nghề truyền thống, lễ hội còn có các hoạt động như: Biểu diễn tay nghề của các nghệ nhân, giao lưu văn hóa văn nghệ, tổ chức các trò chơi dân gian… qua đó, tăng sức thu hút của du lịch làng nghề.
Sản xuất giày da ở làng nghề truyền thống Phú Yên, huyện Phú Xuyên (Ảnh: QĐ).
Cùng với đó, cần có quy hoạch phát triển du lịch làng nghề, tránh hiện tượng phát triển tự phát, manh mún… Đa dạng các hình thức hoạt động để khi đến với các làng nghề, du khách không chỉ tham quan, khám phá khung cảnh làng quê yên bình mà còn được trải nghiệm quy trình sản xuất, có thể cùng tham gia làm sản phẩm thủ công với người dân địa phương và mua quà lưu niệm cho bản thân và người thân… Đồng thời, cần quan tâm làm tốt công tác bảo vệ môi trường làng nghề, nhất là những làng nghề chế biến nông sản, sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp…
Đặc biệt, để bắt kịp với xu thế phát triển của hoạt động du lịch hiện nay, huyện Phú Xuyên cũng cần nghiên cứu tăng cường hơn nữa các hình thức kết nối tour, tuyến du lịch; chủ động đề xuất, phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội xây dựng hệ thống biển, bảng chỉ dẫn; chuẩn hóa các bài thuyết minh; hỗ trợ huyện đào tạo cho đội ngũ cán bộ, người làm du lịch trên địa bàn huyện…; qua đó, từng bước “đánh thức” tiềm năng du lịch làng nghề Phú Xuyên.
Phú Xuyên là một địa bàn quan trọng của vùng Thủ đô Hà Nội. Thiết nghĩ, thực hiện đồng bộ những giải pháp nói trên sẽ là cơ sở để du lịch làng nghề Phú Xuyên phát triển hiệu quả, bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển đi lên./.