Hướng đi mới công nghệ hóa bún tươi truyền thống của bà Nguyễn Bính

Người phụ nữ đậm người liên tục gọi điện thoại nhắc nhân viên giao hàng cho khách. Không nhìn vào số, bà đọc chính xác địa chỉ và khối lượng. Cất điện thoại vào túi, xòe hai bàn tay tròn trịa in rõ mấy vết sẹo, dấu ấn của thời làm lụng nặng nhọc, bà Nguyễn Thị Bính, giám đốc công ty Bún tươi Nguyễn Bính khoe: “Tôi giữ móng tay dài được hơn một tháng rồi, từ lúc việc sản xuất được tự động hóa.”

18 năm từ cơ sở sản xuất thủ công truyền thống, với kiến thức về nghề làm bún và hiểu biết về cơ khí, bà Bính đã đầu tư, thuê người gia công máy theo ý tưởng của mình để sản xuất công nghiệp, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chiếm khoảng 1% sản lượng bún tươi sản xuất ở TP.HCM, công ty quy mô gia đình này có doanh thu ước tính hơn hai triệu đô la Mỹ mỗi năm. Trong xu hướng ưu tiên sản xuất sạch, an toàn, cơ sở sản xuất như bà Bính có cơ hội mở rộng, đi cùng với với hệ thống bán lẻ hiện đại, chuỗi cửa hàng thực phẩm.
Trong xưởng sản xuất bún tươi của bà Bính ở quận Tân Bình rộng khoảng 500 m2, có khoảng 10 người thợ đứng máy. Mỗi giờ, hai chiếc máy đóng gói hoạt động liên tục có thể cho ra 1,25 tấn thành phẩm. Sự khác biệt của xưởng sản xuất không phải ở quy trình, khả năng tự động hóa mà là chiếc máy ép bún. Bởi nó do bà Bính thiết kế và thuê người chế tạo.
Năm 1999, ở tuổi 29, bà Bính quyết định nối nghiệp gia đình làm bún sau tám năm làm đủ nghề, từ lao công, giúp việc nhà, trang điểm, thậm chí phụ hồ, rồi bán thịt heo. Sau hai năm làm nghề, ngoài khâu xay bột, cắt sợi có thể làm bằng máy, còn lại hầu hết 15 công đoạn từ ngâm, vo gạo, thấu bột.. đều làm tay, bà Bính nghĩ đến việc cải tiến sản xuất.

Năm 2001, bà sử dụng nồi hơi để luộc bún, vừa ít tốn kém nhiên liệu so với đốt than, lại tận dụng được nhiệt do hệ thống khép kín, đảm bảo vệ sinh, bún chín đều hơn và ít bị gãy khi luộc. Bà ước tính, lò hơi giúp giảm hơn 20% chi phí nhiên liệu so với lò đun bằng than. Cũng trong năm này, kiến thức hai năm học trung cấp Lắp máy Long Thành giúp bà cải tiến máy ép sợi bằng tay thành máy ép. Công suất lò hơi cũng được bà nâng lên mức 700 kg/giờ, tăng hơn ba lần so với lúc đầu, để đồng bộ với công suất máy ép.
Quá trình thay đổi sản xuất theo hướng công nghiệp của bà gặp không ít khó khăn. Năm 2015, sau khi phác thảo thiết kế dây chuyền bơm gạo từ kho vào bồn vo và ngâm, bà tìm các xưởng chế tạo cơ khí thuê gia công nhưng không ai nhận. “Tôi tìm suốt hai năm trời, hơn chục người tới xưởng coi rồi lắc đầu bỏ đi. Họ sợ làm không được như hợp đồng thì lỗ vốn,” bà Bính kể. Cuối cùng, người thợ bảo trì nhà xưởng nghe bà than thở đã quyết định sản xuất thử và thành công.

 

Học trung cấp lắp máy, rồi quản trị kinh doanh của đại học Mở, bà Nguyễn Thị Bính thành công trong sản xuất bún tươi. 

Nhưng số phận máy đóng gói lại không may mắn như vậy. Năm 2013, bà chi 300 triệu đồng thuê công ty chế tạo cơ khí thực hiện máy đóng gói bún do bà thiết kế. Kết quả thất bại hoàn toàn: bao bì bị rách do sử dụng nhiệt quá mức. Không nản chí, bà kiên trì tìm hiểu, điều chỉnh thiết kế, rồi thuê người gia công nhưng không thành công. Mãi tới năm 2016, khi gặp công ty chuyên sản xuất máy đóng gói của một nhóm sinh viên Đại học Bách Khoa mới ra trường, hai bên cùng nghiên cứu, điều chỉnh để sử dụng vật liệu mỏng nhằm giảm chi phí, với nhiệt đóng gói vừa đủ.
Cuối năm 2016, cùng với hai máy đóng gói tự động, các dây chuyền sản xuất ở xưởng của bà đã được tự động hóa hoàn toàn. “Nay máy móc đã làm hết, từ khâu bơm gạo vào bồn ngâm đến sợi bún đóng gói sẵn, tôi có thêm thời gian tìm khách hàng,” bà Bính nói, mắt vẫn dõi theo các gói bún tươi chạy trên dây chuyền đóng gói tự động do chính bà thiết kế.

Cùng với việc thay đổi cách thức sản xuất, bà Bính phát triển sản phẩm bún đóng gói mang thương hiệu Nguyễn Bính. Năm 2005, bà lập công ty Nguyễn Bính. Sản phẩm mới, giá cũng cao hơn loại thông thường nên bà chọn cách “cho trước lấy sau.” Cứ có khách mua lẻ, bà tặng một ít về ăn thử. Các đơn hàng vài chục ký của chủ sạp ở các chợ, bà kèm thêm vài gói bún loại 500 gam, như kiểu công ty không đủ hàng rời nên bù thêm hàng đóng gói. Bà cũng chấp nhận cho tiểu thương trả lại nếu bán không hết vào cuối ngày.

Thực hiện gần 5 năm, thương hiệu bún sạch Nguyễn Bính len lỏi vào được nhiều chợ và chuỗi nhà hàng ăn uống. Bún đóng gói là sản phẩm chính chiếm 80% cơ cấu sản phẩm, trong khi sợi phở tươi chiếm 10% và bánh canh 8%, còn lại là mì Quảng. Bà Bính ước tính, năm 2016, dù giá tăng gần 10% do khấu hao đầu tư dây chuyền tự động, nhưng lượng hàng bán vẫn tăng trên 30% so với năm 2015.

Dù bà Bính không tiết lộ doanh thu cụ thể, chỉ cho biết mỗi ngày khách đặt khoảng 10 tấn bún. Với giá sỉ bình quân khoảng 10 ngàn đồng/kg, doanh thu hằng năm cỡ 36 – 40 tỉ đồng. Ông Phạm Ngọc Hưng, phó chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho biết, bún Nguyễn Bính và bún của công ty Thực phẩm Bình Đông là số ít đơn vị uy tín trong nhiều cơ sở sản xuất bún tươi ở TP.HCM.

Từ năm 2013 đến nay, sở Công Thương TP.HCM chỉ cấp phép cho khoảng 400 cơ sở làm bún, mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 1.200 tấn. Theo bà Bính, tính luôn các cơ sở bún không đăng ký thì số cơ sở sản xuất có thể đến 600. Bún sạch có màu ngà của gạo, có độ dính và không có mùi chua như sản phẩm không thương hiệu. “Bà Bính là người làm ăn thật thà, nói là làm”, ông Hưng nhận xét.

Giữa buổi nói chuyện, điện thoại bà Bính lại rung lên. Sau khi cúp máy, bà cho biết khách hàng mới là chuỗi siêu thị tiện ích thuộc sở hữu nước ngoài tại Việt Nam. “Đây là khách hàng mới thứ ba trong ngày hôm nay”, bà cười tít mắt và đặt điện thoại lên bàn như chờ một cuộc gọi khác sắp đến. Bà Bính đang muốn tăng thị phần lên gấp 20 lần trong thời gian tới, từ mức khiêm tốn 1% như hiện nay.
“Thời gian qua chúng tôi chưa dám mở phòng kinh doanh, đẩy mạnh tiếp thị. Vì chỉ với khách hàng mới tự tìm đến, nhà xưởng đã hoạt động hết công suất,” bà chậm rãi giải thích cho kế hoạch táo bạo sắp triển khai. Nhóm khách hàng chính hiện nay của Nguyễn Bính bên cách các siêu thị như Vinmart, Citimart, còn có nhà hàng thuộc khách sạn năm sao (Park Hyatt, Caravelle), chuỗi nhà hàng ăn uống có thương hiệu (Wrap & Roll) và nhiều trường học quốc tế… Bà tin rằng, nhu cầu sử dụng bún đóng gói sẽ tăng lên trong tương lai. “Chúng tôi ưu tiên đẩy hàng vào các chuỗi nhà hàng lớn trước, nhằm thay đổi thói quen dùng bún sạch của người tiêu dùng,” bà nói thêm.
Để nâng công suất, bà dự định đầu tư hơn 50 tỉ đồng, xây nhà xưởng rộng 10.000 m2 ở Củ Chi. Vốn đầu tư một phần từ nguồn vốn tự có, còn lại sẽ vay ngân hàng hoặc tìm đối tác bán bớt cổ phần. Năm 2016, theo lời bà Bính, công ty Thai Wah (Thái Lan) định giá công ty 100 tỉ đồng và muốn mua 60% để kiểm soát, nhưng bà lưỡng lự.
Bên cạnh mặt hàng bún tươi, bà dự định đầu tư dây chuyền sản xuất bún khô đóng gói. Làm thế nào bà có thể đầu tư tiếp tục? Người phụ nữ quê ở Hà Tây cho biết, bà chọn cách lấy ngắn nuôi dài, tích lũy để phát triển.