Hướng dẫn việc sử dụng hóa đơn điện tử an toàn – Tin tức – Sự kiện – UBND Quận Cầu Giấy

Ngày 13/6/2019, Quốc hội khoá XIV đã thông qua Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2020; Ngày 19/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ.

Trong thời gian qua, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách để buôn bán, sử dụng hóa đơn chứng từ không hợp pháp, trục lợi tiền thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước, vi phạm các quy định về quản lý thuế. Do vậy, người nộp Thuế (NNT) những lưu ý khi sử dụng hóa đơn điện tử như sau:

1. Các quy định về hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ:

Khoản 7 Điều 6 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế như sau: “Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn ”

Khoản 9, Điều 3 Nghị Định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn chứng từ; Điều 4, Nghị định 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn quy định:

 “Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp là việc sử dụng hóa đơn, chứng từ giả; sử dụng hóa đơn, chứng từ chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng; sử dụng hóa đơn bị ngừng sử dụng trong thời gian bị cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn, trừ trường hợp được phép sử dụng theo thông báo của cơ quan thuế; sử dụng hóa đơn điện tử không đăng ký sử dụng với cơ quan thuế; sử dụng hóa đơn điện tử chưa có mã của cơ quan thuế đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế; sử dụng hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn từ ngày cơ quan thuế xác định bên bán không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; sử dụng hóa đơn, chứng từ mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn, chứng từ trước ngày xác định bên lập hóa đơn, chứng từ không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chưa có thông báo của cơ quan thuế về việc bên lập hóa đơn, chứng từ không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền nhưng cơ quan thuế hoặc cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác đã có kết luận đó là hóa đơn, chứng từ không hợp pháp.

Sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ là việc sử dụng: Hóa đơn, chứng từ không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định; hóa đơn tẩy xóa, sửa chữa không đúng quy định; sử dụng hóa đơn, chứng từ khống (hóa đơn, chứng từ đã ghi các chỉ tiêu, nội dung nghiệp vụ kinh tế nhưng việc mua bán hàng hóa, dịch vụ không có thật một phần hoặc toàn bộ); sử dụng hóa đơn phản ánh không đúng giá trị thực tế phát sinh hoặc lập hóa đơn khống, lập hóa đơn giả; sử dụng hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn; sử dụng hóa đơn để quay vòng khi vận chuyển hàng hóa trong khâu lưu thông hoặc dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác; sử dụng hóa đơn, chứng từ của tổ chức, cá nhân khác (trừ hóa đơn của cơ quan thuế và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn) để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc hàng hóa, dịch vụ bán ra; sử dụng hóa đơn, chứng từ mà cơ quan thuế hoặc cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác đã kết luận là sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ.”

2. Các quy định xử phạt đối với hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn chứng từ:

Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà NNT vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Luật xử phạt vi phạm hành chính; Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn. Nếu hành vi vi phạm về hóa đơn bị truy cứu trách nhiệm hình sự, NNT có thể nhận hình phạt là lĩnh án tù đến 5 năm, bị phạt tiền đến 1 tỷ đồng và bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 5 năm theo Điều 203 của Bộ luật Hình sự năm 2015 với tội danh: “Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”.

3. Một số hướng dẫn tránh rủi ro liên quan đến sử dụng hóa đơn:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 thì “Định dạng hóa đơn điện tử sử dụng ngôn ngữ định dạng văn bản XML (XML là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “eXtensible Markup Language” được tạo ra với mục đích chia sẻ dữ liệu điện tử giữa các hệ thống công nghệ thông tin)”

Để tránh rủi ro liên quan đến sử dụng hóa đơn và trở thành nạn nhân, NNT (đặc biệt là các doanh nghiệp thi công xây dựng, vận tải, sản xuất chế biến và xuất khẩu lâm sản, nông sản, kinh doanh vật liệu xây dựng…) nên thường xuyên cập nhật website Cục Thuế Thành phố Hà Nội tại địa chỉ https://hanoi.gdt.gov.vnđể tra cứu thông tin công khai: các doanh nghiệp bỏ trốn, bị cưỡng chế sử dụng hóa đơn, doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế và hóa đơn.

Đồng thời, người mua hàng hóa, dịch vụ truy cập vào website  http://tracuuhoadon.gdt.gov.vn  và  https://hoadondientu.gdt.gov.vn  để tự kiểm tra hóa đơn đầu vào xem có hợp pháp hay không, tránh trường hợp sử dụng hóa đơn không hợp pháp.

Khi nhận hóa đơn phải kiểm tra về nội dung kinh tế, ngày lập hóa đơn, đối chiếu tên doanh nghiệp, cửa hàng, cửa hiệu, địa chỉ kinh doanh, hàng hóa ghi trên hóa đơn có đúng thực tế với giao dịch phát sinh không?… Khi phát hiện người bán hàng có hành vi vi phạm về sử dụng hóa đơn, gặp rủi ro trong kê khai thuế, NNT từ chối nhận hóa đơn và liên hệ ngay với cơ quan Thuế quản lý của người bán hàng để được tư vấn hướng dẫn xử lý, kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm (tra cứu cơ quan Thuế quản lý trên website Tổng cục Thuế tại địa chỉ: https://gdt.gov.vn/wps/portal).

Chi cục Thuế quận Cầu Giấy trân trọng khuyến nghị đến NNT biết và thực hiện đảm bảo quyền lợi của mình./.

CHI CỤC THUẾ