Hướng dẫn tổ chức bếp ăn hợp lý, đảm bảo an toàn thực phẩm – Dịch vụ công trực tuyến – Quận Liên Chiểu
Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở bán trú là một trong những tiêu chí rất quan trọng phục vụ cho hoạt động của nhà trường cũng như công tác thanh tra, kiểm tra hàng năm của đoàn kiểm tra liên ngành giáo dục – y tế và đoàn kiểm tra chuyên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm của ngành y tế các cấp.
Nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nắm rõ cách thức tổ chức bếp ăn bán trú đảm bảo theo quy định, Phòng Y tế quận Liên Chiểu cung cấp những thông tin cơ bản như sau:
PHẦN 1
QUY TRÌNH CẤP MỚI, CẤP LẠI GIẤY CHỨNG NHẬN CƠ SỞ ĐỦ ĐIỀU KIỆN VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM
1. Căn cứ pháp lý
Theo quy định của Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12, cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi có đủ các điều kiện sau đây:
-
– Có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
-
– Có đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm phù hợp với từng loại hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định.
Như vậy, đối với những Bếp ăn tập thể trong các cơ sở giáo dục không có ngành nghề đăng ký kinh doanh thực phẩm thì không thuộc diện cấp GCN cơ sở đủ điều kiện ATTP.
2. Thành phần hồ sơ
– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận (theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định 155/2018/NĐ-CP);
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có đăng ký ngành nghề kinh doanh dịch vụ ăn uống (có xác nhận của cơ sở). Trường hợp bản sao không có công chứng thì phải cung cấp bản chính để công chức Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả đối chiếu và xác nhận vào bản sao.
– Bản mô tả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm (có xác nhận của cơ sở), bao gồm:
-
+ Bản thuyết minh về cơ sở vật chất; mô tả sản phẩm (nếu có);
-
+ Bản kê trang thiết bị, dụng cụ của cơ sở;
-
+ Bản vẽ sơ đồ mặt bằng (sơ đồ thiết kế của cơ sở);
– Danh sách người sản xuất thực phẩm đã được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm có xác nhận của chủ cơ sở.
– Giấy xác nhận đủ sức khỏe chủ cơ sở và của người trực tiếp chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống; Đối với cơ sở dưới 30 người: Nộp bản sao giấy xác nhận (Có xác nhận của cơ sở); Đối với cơ sở từ 30 người trở lên: Nộp danh sách kết quả khám sức khỏe của chủ cơ sở và của người tham gia trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm (Có xác nhận của cơ sở).
– Phí thẩm định: 700.000 đồng/lần/cơ sở;
– Các đơn vị có thể liên hệ trực tiếp Phòng Y tế (địa chỉ 28 Lạc Long Quân, phường Hòa Khánh Bắc, Điện thoại: 02363.841.672) để được hướng dẫn thủ tục.
PHẦN 2
ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM
Điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm cần có của một bếp ăn tập thể gồm điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện về thiết bị dụng cụ và điều kiện về con người.
1. Điều kiện về cơ sở vật chất
– Diện tích nhà bếp: Đảm bảo 0,3 – 0,35m2 cho một trẻ.
– Có đủ nước đạt quy chuẩn phục vụ chế biến. Nguồn nước đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn nước dùng cho ăn uống phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) số 01:2009/BYT (được thể hiện qua hợp đồng cung cấp nước thủy cục hoặc hóa đơn thanh toán tiền nước; trường hợp sử dụng nước giếng khoan thì phải có phiếu xét nghiệm vi sinh, hóa lý).
– Dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải phải có nắp dậy đảm bảo vệ sinh.
– Cống rãnh trong nhà bếp phải thông thoáng, không ứ đọng. Phải có lưới chắn rác ở hệ thống thoát nước để tránh tắc cống.
– Các khu vực của bếp cần có biển để tên rõ ràng. Các bảng nội quy nhà bếp, phân công làm việc, thực đơn, tài chính công khai, có bảng biểu tuyên truyền… được sắp xếp hợp lý, dễ quan sát.
– Có nhà vệ sinh và thiết bị rửa tay cho nhân viên nhà bếp. Nhà vệ sinh phải tách biệt với khu chế biến thực phẩm.
– Thiết kế, bố trí bếp ăn: Bếp ăn được bố trí đảm bảo không nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến.
Nên thiết kế bà bố trí bếp ăn theo nguyên tắc một chiều để các hoạt động trong bếp được diễn ra thuận lợi, đảm bảo thực phẩm sống không để lẫn với thực phẩm chín, nguyên tắc này giảm thiểu sự nhiễm bẩn thực phẩm và giúp đảm bảo vệ sinh.
2. Điều kiện về thiết bị, dụng cụ nhà bếp
– Có dụng cụ, đồ chứa riêng cho thực phẩm sống và thực phẩm chín.
– Dụng cụ nấu nướng, chế biến phải làm bằng vật liệu an toàn, rửa sạch, giữ khô, đảm bảo vệ sinh.
– Có thiết bị bảo quản thực phẩm.
* Yêu cầu vệ sinh trong chế biến, bảo quản
-
– Sử dụng thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn (Hợp đồng mua bán thực phẩm với những đơn vị đã có chứng nhận về an toàn thực phẩm của cơ quan có thẩm quyền cấp).
-
– Thực phẩm phải được chế biến đảm bảo an toàn, hợp vệ sinh.
-
– Thực hiện ăn chín, ăn ngay sau khi thức ăn được chế biến. Thức ăn đã chế biến nên được dùng trong vòng 2 giờ.
-
– Thực hiện kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo hướng dẫn của Bộ Y tế quy định tại Quyết định 1246/QĐ-BYT ngày 31/3/2017.
-
– Nhà kho đảm bảo lưu thông không khí, đủ ánh sáng, cửa sổ có lưới chống ruồi, nhặng, gián và các côn trùng có hại khác.
3. Điều kiện về con người
– Đào tạo kiến thức và thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm
-
+ Về kiến thức an toàn thực phẩm: Theo quy định tại khoản 2 điều 5 thuộc khoản 2 điều 2 chương I Nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ quy định người trực tiếp sản xuất thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống phải được chủ cơ sở xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm thay thế cho Giấy chứng nhận kiến thức an toàn thực phẩm. Do đó việc tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm do cá nhân tự học, do cơ sở tổ chức (mời chuyên gia giảng) và có thể tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả. Chủ cơ sở căn cứ vào kết quả đánh giá để lập danh sách xác nhận và chịu trách nhiệm đối với kết quả tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm do mình xác nhận.
-
+ Về nghiệp vụ nấu ăn: Nhân viên nhà bếp phải được bồi dưỡng nghiệp vụ về nấu ăn.
– Sức khỏe của người nấu nướng, chế biến, phục vụ: Theo quy định tại khoản 2 điều 5 thuộc khoản 2 điều 2 chương I Nghị định 155/2018/NĐ-CP người trực tiếp chế biến thức ăn không bị mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp khi đang sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm 1 lần.
– Nhân viên nhà bếp phải được trang bị và sử dụng đầy đủ bảo hộ lao động trong quá trình chế biến. Đồng thời, phải thực hiện vệ sinh cá nhân trước khi bảo quản, chế biến thực phẩm.
– Người đứng đầu đơn vị có bếp ăn tập thể có trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm.
Phòng Y tế.