Hướng dẫn sử dụng ống nghe đúng cách và những lỗi thường gặp khi không nghe được ống nghe.
Nội Dung Chính
[Hướng dẫn] Cách sử dụng ống nghe y tế (2021)
Ống nghe y tế giúp đỡ chúng ta rất nhiều trong việc khám chữa bệnh nhờ khả năng khuếch đại các âm thanh khó nghe thấy được của cơ thể, từ đó phát hiện ra những dấu hiệu bất thường và những triệu chứng của bệnh tật. Tuy nhiên, để khai thác được hiệu quả công dụng này, bạn cần phải hiểu rõ cách sử dụng ống nghe y tế trước tiên. Đây cũng chính là vấn đề mà chúng tôi muốn chia sẻ với bạn trong bài viết này.
Chuẩn bị ống nghe trước khi thăm khám
Chất lượng của việc thính chẩn không chỉ phụ thuộc vào kỹ năng của người khám bệnh mà còn chịu ảnh hưởng rất nhiều từ quá trình chuẩn bị, bao gồm chuẩn bị ống nghe và chuẩn bị cho người bệnh. Trong đó, chuẩn bị ống nghe sẽ giúp quá trình sử dụng luôn hiệu quả và thoải mái, ngay cả khi phải khám bệnh trong thời gian dài.
1/ Chọn ống nghe phù hợp
Chọn ống nghe là một công việc khá phức tạp, nhưng lại có thể đem lại những hiệu quả rất bất ngờ. Một chiếc ống nghe phù hợp sẽ mang lại cho người dùng cảm giác chắc chắn, tự tin và thoải mái khi sử dụng. Ngoài ra, màu sắc và ngoại hình của ống nghe cũng ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng của bệnh nhân và người khám bệnh, góp phần quyết định hiệu quả của quá trình thính chẩn.
Khi lựa chọn ống nghe, bạn nên chú ý thật kĩ 2 vấn đề quan trọng sau:
- Loại mặt nghe: ống nghe y tế hiện nay có rất nhiều loại mặt nghe khác nhau, bao gồm ống nghe 1 mặt, ống nghe 2 mặt (1 màng nghe + 1 chuông nghe) và ống nghe 2 màng nghe (1 người lớn + 1 trẻ em). Mỗi loại này sẽ có những thế mạnh và ứng dụng khác nhau, đáp ứng nhu cầu của nhân viên y tế trong tất cả mọi lĩnh vực.
- Kích thước mặt nghe: mặt nghe có kích thước lớn thường sẽ sử dụng cho người lớn, mặt nghe kích thước nhỏ hơn thì phù hợp để khám bệnh cho trẻ em. Nếu thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhi, bạn nên lựa chọn những dòng ống nghe có kích thước mặt nghe nhỏ (ống nghe trẻ em) hoặc những dòng ống nghe có cả 2 mặt đều là màng nghe (1 người lớn + 1 trẻ em).
Đây chính là 2 tiêu chí quan trọng nhất khi chọn mua ống nghe y tế. Ngoài ra, bạn cũng nên xem xét những yếu tố khác như thương hiệu, giá thành, màu sắc và chất liệu của ống nghe để lựa chọn được sản phẩm ưng ý nhất. Nếu muốn tìm hiểu thêm về vấn đề này, vui lòng tham khảo bài viết hướng dẫn chọn ống nghe của chúng tôi.
Dùng mặt nghe kích thước phù hợp khi khám bệnh cho trẻ em và người lớn
2/ Điều chỉnh quai nghe
Quai nghe là bộ phận tạo ra lực ép lên ống tai khi sử dụng. Nếu lực ép này quá lớn, tai sẽ dễ bị nhức mỏi khi sử dụng ống nghe trong thời gian dài. Ngược lại, nếu lực ép quá nhỏ, khả năng cách âm của ống nghe sẽ giảm sút đáng kể. Do đó, trước khi bắt đầu thăm khám bệnh nhân, bạn nên điều chỉnh góc độ của quai nghe sao cho phù hợp và thoải mái nhất với cấu tạo tai của mình.
- Nới rộng quai nghe: dùng tay nắm lấy 2 quai nghe sau đó uốn từ từ ra phía ngoài. Thực hiện lại động tác nhiều lần cho đến khi đạt được góc độ phù hợp.
- Thu hẹp quai nghe: bắt chéo 2 quai nghe và dùng tay bóp sát phần chạc chữ Y. Thực hiện lại động tác nhiều lần cho đến khi đạt được góc độ phù hợp.
Điều chỉnh góc độ quai nghe
3/ Thay nút tai phù hợp
Hầu hết các ống nghe hiện nay đều đi kèm một bộ nút tai với nhiều kích thước và độ cứng khác nhau. Điều này là do nút tai cũng ảnh hưởng rất lớn lên trải nghiệm của người sử dụng và chất lượng âm thanh của ống nghe. Để bảo đảm hiệu quả khi thính chẩn, bạn nên lựa chọn loại nút tai sao cho phù hợp và thoải mái nhất đối với bản thân mình.
Cách thay thế nút tai: nếu ống nghe của bạn cho phép thay đổi nút tai, bạn có thể rút (hoặc vặn) nút tai cũ ra khỏi quai nghe, sau đó đút (hoặc vặn) nút tai phù hợp vào lại đúng vị trí. Đừng quên cất kĩ những nút tai vừa được thay thế để tránh tình trạng thất lạc khi cần sử dụng lại trong tương lai.
Gắn nút tai vào quai nghe
4/ Đeo ống nghe đúng cách
Trước khi đeo ống nghe, hãy chắc chắn rằng quai nghe và nút tai đang hướng về phía trước, sau đó mới cho nút tai vào trong tai. Tư thế này không chỉ mang lại sự thoải mái tối đa cho người sử dụng mà còn đảm bảo ống tai được bịt kín, ngăn chặn những tạp âm lẫn vào từ bên ngoài.
Lưu ý: 1 số lỗi thường gặp: quý khách khi nghe báo không nghe được => thường là do quai đeo ngược chiều đeo vào tai, để nghe rõ quý khách đảo chiều nghe tại quai ( không phải đổi núm ống nghe)
5/ Điều chỉnh mặt nghe
Khi sử dụng ống nghe 2 mặt, bạn sẽ phải lựa chọn mặt nghe phù hợp trước khi bắt đầu thăm khám cho bệnh nhân. Việc này sẽ phụ thuộc vào đối tượng bệnh nhân đang tiếp xúc (người lớn hay trẻ em) và âm thanh mà bạn đang cần thính chẩn (tần số cao hay tần số thấp).
Đối với những dòng ống nghe có 2 màng nghe, màng nghe lớn sẽ dùng để khám bệnh cho người lớn và màng nghe nhỏ dùng để khám bệnh cho trẻ em. Những ống nghe này thường sẽ đi kèm với màng nghe đa tần số nên bạn không cần phải lo lắng về việc thiếu đi chức năng của chuông nghe.
Ống nghe 2 màng nghe
Đối với những dòng ống nghe có 1 màng nghe và 1 chuông nghe, màng nghe thường sẽ được dùng để nghe âm thanh tần số cao và chuông nghe để nghe âm thanh tần số thấp.
Ống nghe 1 màng nghe 1 chuông nghe
Cách đổi mặt nghe: xoay mặt nghe cho đến khi nghe tiếng “cạch” báo hiệu đường dẫn âm đã được kết nối, sau đó gõ nhẹ lên mặt nghe đã lựa chọn để kiểm tra xem có âm thanh hay chưa. Xoay 180 độ để chuyển đổi giữa 2 mặt nghe.
Cách đổi mặt nghe trên ống nghe 2 mặt
Cách cầm mặt nghe: kẹp mặt nghe giữa ngón trỏ và ngón giữa của bàn tay. Cách cầm này sẽ giúp bạn tránh dùng áp lực quá mức lên mặt nghe hoặc chà sát vào và vùng màng nghe, những lỗi thường tạo ra các tạp âm không cần thiết.
Hướng dẫn cách thính chẩn bằng ống nghe
1/ Quy tắc thính chẩn cơ bản
Để bảo đảm chất lượng của quá trình thính chẩn, trước tiên bạn cần phải nắm rõ những nguyên tắc cơ bản khi sử dụng ống nghe. Sau đây, mời bạn tham khảo 3 giai đoạn quan trọng nhất khi tiến hành thính chẩn cho một bệnh nhân bất kỳ.
Bước 1: Chuẩn bị môi trường khám
Thực hiện thăm khám trong môi trường yên tĩnh, đầy đủ ánh sáng và nhiệt độ ấm áp. Điều này sẽ khuếch đại chất lượng âm thanh của ống nghe và giúp bạn nghe được cả những âm thanh nhỏ nhất.
Môi trường phù hợp cho việc thính chẩn
Bước 2: Chuẩn bị bệnh nhân
Hướng dẫn bệnh nhân duy trì tư thế tối ưu tùy vào mục đích và vị trí khám. Bộc lộ da trần ở vùng cần thính chẩn, không sử dụng ống nghe trên bề mặt quần áo để hạn chế tạp âm.
Sử dụng ống nghe trực tiếp trên da trần
Bước 3: Tiến hành thính chẩn
Lần lượt áp ống nghe lên những vị trí thính chẩn quan trọng và tập trung nghe âm thanh của cơ thể. Thăm khám bệnh nhân ở tất cả các tư thế nằm ngửa, ngồi và nằm nghiêng trái để nghe được tất cả những âm thanh cần thiết. Nghe lại tất cả các vị trí một lần nữa bằng chuông nghe nếu sử dụng ống nghe 2 mặt.
Tiến hành thính chẩn ở nhiều tư thế khác nhau
Nếu tuân thủ đầy đủ những bước cơ bản này, bạn sẽ có được những kết quả thính chẩn chính xác nhất để đưa ra chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Tuy nhiên, cách sử dụng ống nghe còn tùy thuộc vào từng vùng cơ thể khác nhau và đặc thù riêng của các cơ quan. Chính vì vậy, chúng tôi sẽ tóm tắt những kỹ thuật thính chẩn phổ biến nhất trong những phần tiếp theo của bài viết này.
2/ Cách sử dụng ống nghe để đo huyết áp
Hiện nay, hầu hết mọi người đều chọn mua máy đo huyết áp điện tử để phục vụ nhu cầu theo dõi huyết áp tại nhà. Tuy nhiên, máy đo huyết áp điện tử lại có nhược điểm là độ chính xác không cao và cần phải được điều chỉnh định kỳ. Do đó, đối với nhân viên y tế, phương pháp đo huyết áp cổ điển với máy đo huyết áp cơ và ống nghe vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu. Sau đây, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu cách sử dụng ống nghe y tế để đo huyết áp chính xác nhất cho bệnh nhân.
- Bước 1: Dán vòng bịt vòng quanh cánh tay của bệnh nhân, ở phần phía trên khuỷu tay. Vòng bịt cần phải vừa khít, không quá chặt hay quá lỏng.
- Bước 2: Đặt màng nghe luồn phía dưới vòng bịt, đè lên trên động mạch cánh tay.
- Bước 3: Bơm vòng bịt cho đến khi bạn không còn nghe được tiếng mạch đập, sau đó bơm thêm khoảng 20 – 30 mmHg.
- Bước 4: Xả hơi từ từ khỏi vòng bịt đồng thời lắng nghe và tập trung quan sát đồng hồ đo áp suất. Nhịp đập rõ ràng đầu tiên mà bạn nghe thấy sẽ báo hiệu huyết áp tâm thu của bệnh nhân và số đo trên đồng hồ khi nhịp đập dừng lại sẽ tương ứng với huyết áp tâm trương.
Cách sử dụng ống nghe để đo huyết áp
3/ Cách sử dụng ống nghe để nghe tim
Khi nói về kĩ năng sử dụng ống nghe, bác sĩ tim mạch có lẽ chính là những người thuần thục nhất. Do đó, phần này chỉ nhằm mục đích hướng dẫn các bạn sinh viên mới bắt đầu sử dụng ống nghe và nhắc lại một số điều cơ bản về nghe tim trong khám bệnh tổng quát.
Khi thính chẩn ở tim, tối thiểu bạn phải nghe được âm thanh ở 4 vị trí cơ bản nhất, sử dụng cả màng nghe và chuông nghe hoặc màng nghe đa tần số để theo dõi được tất cả các khoảng âm thanh khác nhau:
- Bờ phải tim (khu vực động mạch chủ): khoang liên sườn thứ hai nằm bên phải xương ức. Bạn có thể nghe rõ nhất âm thanh từ van động mạch chủ tại vị trí này.
- Bờ trái tim (khu vực phổi): khoang liên sườn thứ hai bên trái xương ức. Bạn có thể nghe rõ nhất âm thanh từ van phổi trong khu vực này.
- Bờ xương ức dưới bên trái (LLSB) (khu vực van ba lá): khoang liên sườn thứ tư bên trái xương ức. Bạn có thể nghe rõ nhất âm thanh từ van ba lá và tiếng tim phải trong khu vực này.
- Mỏm tim (Khu vực van hai lá): khoang liên sườn thứ năm trên đường trung đòn. Nghe âm thanh từ van hai lá và tiếng tim trái trong khu vực này là dễ nhất.
4 vị trí cơ bản để nghe tiếng tim
Khi thính chẩn ở tim, bạn cần phải chú ý nghe số lượng nhịp tim, loại nhịp tim, nhịp điệu của tiếng tim cũng như những âm thanh đáng lẽ không nên có, ví dụ như tiếng gallop, tiếng thổi, tiếng click giữa tâm thu, tiếng snap mở van. Ban đầu, những âm thanh này sẽ có vẻ như hoàn toàn giống nhau. Tuy nhiên, khi đã nghe tim thành thạo, bạn sẽ dễ dàng phân biệt được chúng khi thăm khám cho bệnh nhân.
Để đạt được hiệu quả tối ưu khi nghe tim, bạn nên chọn mua những dòng ống nghe tim mạch chuyên dụng. Những dòng ống nghe này sẽ được trang bị những công nghệ phù hợp để nghe tiếng tim và có âm thanh tốt hơn rất nhiều so với ống nghe dùng cho khám bệnh tổng quát.
4/ Cách sử dụng ống nghe để nghe tiếng phổi
Nghe âm thanh của phổi sẽ giúp bạn xác định được nhịp, nhịp điệu và chất lượng của hơi thở, phát hiện vật cản trong đường thở cũng như những tiếng cọ báo hiệu viêm màng phổi.
Điều quan trọng nhất trong thính chẩn phổi là phải nhất quán trong quá trình chuẩn bị và thính chẩn bệnh nhân. Việc này sẽ cho phép đánh giá tình trạng phổi chính xác hơn và tăng khả năng phát hiện được những thay đổi khó nghe trong tiếng thở.
- Bắt đầu nghe từ phía trên xương đòn do nhu mô phổi thường kéo dài đến vị trí này.
- Luôn luôn lắng nghe bên trái và bên phải ở cùng một mức trước khi chuyển xuống mức thấp hơn. Bằng cách này, bạn sẽ so sánh được giữa 2 bên phổi, và các bất thường sẽ trở nên rõ ràng hơn.
- Khi nghe ở sau lưng, bạn nên hướng dẫn bệnh nhân hơi cuối người về phía trước để bộc lộ rõ vùng tam giác thính chẩn.
Biết rõ về cấu tạo phổi cũng rất quan trọng để giúp bạn thính chẩn đúng vị trí. Dưới đây là những vị trí nghe âm thanh phổi phổ biến nhất. (Nguồn: 3M Littmann)
Những vị trí nghe âm phổi phổ biến
4/ Cách sử dụng ống nghe để nghe âm bụng
Nghe âm bụng là một trong những giai đoạn quan trọng trong quy trình khám bụng cơ bản, bao gồm nhìn, nghe, gõ, sờ. Âm thanh ở bụng sẽ giúp chúng ta đánh giá được tình trạng nhu động ruột và một số bệnh về mạch máu ở vùng này.
Để thính chẩn vùng bụng, bạn sử dụng màng nghe đặt trực tiếp lên da bụng của bệnh nhân. Khu vực nghe là xung quanh rốn. Âm thanh của nhu động ruột thường sẽ giống với tiếng gầm gừ hoặc tiếng càu nhàu, là dấu hiệu cho thấy hệ tiêu hóa của bệnh nhân vẫn còn khỏe mạnh và đang hoạt động bình thường.
Giảm nhu động ruột thường là dấu hiệu của tắc nghẽn hoặc táo bón. Ngược lại, tăng nhu động ruột thường là dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa hoặc dị ứng thức ăn.
Những vị trí có thể sử dụng ống nghe để nghe âm bụng (ruột)
5/ Cách sử dụng ống nghe để phát hiện âm thổi
Âm thổi là âm thanh bất thường của mạch máu, thường là dấu hiệu cho thấy động mạch đã bị thu hẹp (do xơ vữa hoặc huyết khối), tạo ra một dòng chảy hỗn loạn. Đây là một âm thanh bất thường, nếu bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, bạn sẽ không thể nghe được bất kỳ âm thổi nào.
Âm thổi có thể được phát hiện bằng cách đặt ống nghe ở cổ (âm thổi động mạch cảnh), rốn (âm thổi động mạch chủ bụng), thận (âm thổi thận), xương đùi, xương chậu và động mạch thái dương.
Cách sử dụng ống nghe để phát hiện âm thổi (ĐM cảnh)
Vệ sinh và bảo quản ống nghe
Để tránh tình trạng lây truyền chéo giữa các bệnh nhân, bạn cần phải vệ sinh ống nghe của mình trước/sau mỗi lần thăm khám. Tuy nhiên, nếu vệ sinh không đúng cách, bạn sẽ vô tình khiến cho chất lượng và độ bền của chiếc ống nghe yêu quí giảm sút đáng kể chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng.
Sai lầm thường gặp nhất của nhân viên y tế hiện nay chính là sử dụng luôn dung dịch rửa tay sát khuẩn trong bệnh viện để vệ sinh ống nghe. Phương pháp này mặc dù khá tiện lợi nhưng lại rất dễ làm làm hư hỏng các phụ kiện và mặt nghe của ống nghe do tác dụng của các phụ chất có trong dung dịch.
Do đó, đối với những dòng ống nghe hiện nay, bạn nên sử dụng một trong những dung dịch vệ sinh sau để sát khuẩn:
- Nước và xà phòng trung tính
- Cồn 70 độ (alcol)
- Dung dịch tẩy trắng 2% (có thể làm phai màu dây nghe)
Tuyệt đối không rửa hoặc ngâm ống nghe trong bất kỳ loại dung dịch nào. Thay vào đó, hãy vệ sinh ống nghe bằng giẻ lau tẩm cồn, hoặc giẻ lau nhúng trong dung dịch vệ sinh thích hợp.
-
Vệ sinh mặt nghe -
Vệ sinh dây nghe
Sau khi sử dụng, bạn cũng cần phải bảo quản và cất giữ ống nghe đúng cách để kéo dài tuổi thọ của ống nghe cũng như ngăn ngừa những tốn hại đến chức năng và tính thẩm mỹ. Thông thường, bạn có thể để lại ống nghe vào trong hộp đựng ban đầu hoặc cất vào trong ngăn tủ, ngăn kéo, quan trọng nhất là phải bảo đảm những nguyên tắc sau:
- Không để ống nghe ở nơi nóng quá hoặc lạnh quá.
- Không để ống nghe dưới ánh nắng mặt trời trực tiếp vì phơi nắng liên tục sẽ làm dây nghe bị cứng.
- Không để/giữ ống nghe gần dung môi hoặc dầu.
- Không đặt vật nặng lên ống nghe vì có thể làm ống nghe cong vênh.
- Không bảo quản ống nghe bằng cách gập lại rồi để trong túi.
Tổng kết
Qua bài viết này, chúng tôi hy vọng bạn đã hiểu rõ hơn về cách sử dụng ống nghe y tế và những kỹ thuật thính chẩn hiệu quả khi khám bệnh.
Nếu bạn có nhu cầu mua ống nghe y tế, hãy tham khảo ngay cửa hàng của chúng tôi. VY THIẾT BỊ Y TẾ – SÁCH Y HỌC (VLA Medical) là một trong những nhà phân phối ống nghe uy tín và chất lượng nhất trên thị trường hiện nay.
Cuối cùng, nếu bạn muốn đóng góp ý kiến về bài viết này, xin đừng ngại để lại bình luận của mình phía bên dưới. Chúng tôi luôn mong muốn nhận được những phản hồi từ bạn đọc để cải thiện bài viết của mình ngày một tốt hơn.