Hướng dẫn phân tích kỹ thuật Trade Coin toàn tập A-Z | Coinvn
Phân tích kỹ thuật trade coin là một trong ba trường phái phân tích kinh điển được các nhà đầu tư sử dụng thường xuyên trong giao dịch tiền mã hoá. Bài viết này sẽ giúp các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về khái niệm, nguyên lý cơ bản và các công cụ chủ yếu trong phân tích kỹ thuật trade coin.
Nội Dung Chính
Phân tích kỹ thuật trade coin là gì?
Phân tích kỹ thuật (Technical Analysis) là phương pháp phân tích các dữ liệu về giá cả trong quá khứ, chủ yếu thông qua việc sử dụng các đồ thị, nhằm mục đích dự báo các xu hướng giá trong tương lai. Trên cơ sở phân tích kỹ thuật, các nhà giao dịch sẽ tìm kiếm được các thời điểm thích hợp để mua vào và bán ra nhằm tìm kiếm lợi nhuận khi trade coin.
Nguyên lý cơ bản của phân tích kỹ thuật
Phân tích kỹ thuật dựa trên cơ sở 2 nguyên lý cơ bản: Giá phản ánh tất cả các thông tin của thị trường; Biến động giá của thị trường có xu hướng lặp lại theo thời gian.
Giá của thị trường phản ánh tất cả các thông tin của thị trường
Dựa trên phân tích về giá của đồng tiền mã hoá, chúng ta có thể biết được xu hướng tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường.
Ví dụ: Giá BTC trong tuần tăng từ 53.000 đô la Mỹ lên 67.000 đô la Mỹ, dựa vào biến động giá của BTC thì chúng ta có thể thấy rằng BTC đang được các nhà đầu tư mua vào với lực rất lớn, vì vậy đẩy giá của BTC tăng rất nhanh.
Biến động giá của thị trường có xu hướng lặp lại theo thời gian
Các nhà giao dịch tin rằng biến động giá của thị trường trong quá khứ là chỉ báo đáng tin cậy ảnh hưởng đến biến động giá trong tương lai. Vì vậy họ thường có xu hướng lặp lại các hành vi đã từng xảy ra trong quá khứ. Công cụ quan trọng trong phân tích kỹ thuật trade coin chính là sử dụng biểu đồ vì chúng là cách trực quan nhất để theo dõi và phân tích giá trong quá khứ.
Ví dụ: Khi giá của đồng tiền mã hoá giảm đến các vùng hỗ trợ thì giá sẽ có xu hướng tăng trở lại. Nguyên nhân là vì các nhà giao dịch thường có xu hướng mua vào đồng loạt khi giá giảm đến vùng hỗ trợ. Xu hướng này lặp đi lặp lại nhiều lần trước khi giá của tiền mã hoá phá vỡ các vùng hỗ trợ.
Một số thuật ngữ cần biết trước khi trade coin
Trong tất cả các lĩnh vực, lĩnh vực nào cũng có những thuật ngữ chuyên dụng của riêng nó và thị trường tiền mã hoá cũng vậy. Nếu bạn đã xác định tham gia vào thị trường này thì bạn cần nắm rõ các thuật ngữ chuyên dụng để hiểu thị trường và người dùng khác đang nói gì. Dưới đây là một số thuật ngữ cơ bản trong thị trường này:
- Cryptocurrency là tiền mã hoá. Một loại tiền kỹ thuật số phi tập trung có thể được sử dụng cho giao dịch hàng hóa, dịch vụ và chuyển giao tài sản, hoạt động độc lập mà không chịu sự quản lý của bất kỳ bên thứ ba nào
- ICO là tên viết tắt của “Initial Coin Offering” (Dịch vụ cung cấp tiền xu ban đầu). Nó tương tự như một hình thức kêu gọi vốn cho dự án bằng cách bán ra một lượng Token tương ứng
- Token là đồng tiền mã hóa phải dựa trên nền tảng của một loại tiền mã hóa khác để hoạt động. Ví dụ: Augur (REP), Basic Attention Token (BAT),… được xây dựng trên nền tảng Ethereum
- Token Airdrop nghĩa là một loại token sẽ được phát miễn phí vào ví của người dùng. Token Airdrop thường được dùng cho ICO, với mục đích quảng bá thương hiệu cũng như khuấy động sự hứng khởi đối với dự án
- KYC là từ viết tắt của Know Your Customer. Nó giúp cho dự án xác minh được danh tính người đầu tư nhằm đảm bảo dự án không bị kiểm soát bởi một nhóm nào đó
- Altcoin là một thuật ngữ mô tả các loại tiền điện tử khác Bitcoin. Mặc dù Bitcoin là loại tiền điện tử đầu tiên, nhưng nó chắc chắn không phải là loại crypto duy nhất. Tuy nhiên, vì Bitcoin chiếm ưu thế trên thị trường tiền mã hoá, nên khi các loại tiền mã hoá khác bắt đầu xuất hiện, chúng được coi là sự lựa chọn thay thế cho Bitcoin. Altcoin chính là tên viết tắt của “alternative coin” (đồng xu thay thế)
- DeFi là viết tắt của Decentralized Finance hay tài chính phi tập trung. DeFi là nền tài chính phi tập trung. Trong đó, các tổ chức, thị trường hay các công cụ tài chính được quản lý phi tập trung
- Trade coin là hình thức giao dịch mà người dùng sử dụng các đồng Bitcoin, ETH… như một đồng tiền trung gian để thực hiện giao dịch dựa trên sự lên hoặc xuống của các loại coin khác trên sàn. Nói cách khác, họ mua vào các loại coin có khi giá thấp và bán đi khi giá giá tăng, từ đó kiếm lợi nhuận trên sự chênh lệch
- Hold coin là việc người dùng lựa chọn một đồng coin mà theo như nhìn nhận của họ nó có tiềm năng cũng như cơ hội để phát triển trong tương lai. Thời gian các nhà đầu tư giữ đồng coin này sẽ kéo dài từ từ 5, 6 tháng thậm chí đến vài năm
- Entry là điểm vào lệnh, điểm bắt đầu một lệnh nào đó trong giao dịch tiền mã hoá
- Stop loss là lệnh cắt lỗ được nhà đầu tư sử dụng để bán một đồng tiền mã hoá tại mức giá đã định trước trên các sàn giao dịch. Lệnh stop loss giúp các nhà đầu tư hạn chế mức thua lỗ của một vị thế giao dịch
- Take profit là lệnh chốt lời sẽ được đặt tại một mức giá cho lợi nhuận mà nhà đầu tư kỳ vọng. Khi giá thị trường đạt đến mức này lệnh sẽ tự động cắt, giúp nhà đầu tư biến lợi nhuận danh nghĩa thành lợi nhuận thật.
Các công cụ phổ biến trong phân tích kỹ thuật
Để phân tích kỹ thuật khi giao dịch đồng tiền mã hoá thì các nhà đầu tư cần rất nhiều công cụ. Bốn công cụ chủ yếu trong phương pháp phân tích kỹ thuật này đó là: Lý thuyết Dow, lý thuyết sóng Elliott, vùng hỗ trợ – kháng cự và các chỉ báo phân tích kỹ thuật.
Lý thuyết Dow
Lý thuyết Dow được các nhà phân tích tài chính phố Wall xem như một lý thuyết nền tảng để xây dựng lên mọi phân tích kỹ thuật về sau. Theo lý thuyết Dow, thị trường bao gồm 2 xu thế: xu thế chính (xu thế cấp 1) và xu thế thứ cấp (xu thế cấp 2).
Xu thế chính có thể là xu hướng tăng (Bullish) hoặc xu hướng giảm (Bearish). Một khi xu thế chính được thiết lập, nó sẽ tồn tại cho đến khi có sự đảo ngược xu thế xảy ra. Xu thế thứ cấp ngăn cản sự tăng hoặc giảm giá của xu thế cấp 1. Nó làm cho xu thế chính bị gián đoạn. Độ dài đường giá của xu thế thứ cấp thường đạt 1/3, 2/3, hoặc 1/2 so với độ dài đường giá của xu thế chuyển động trước đó.
Hầu hết các nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ thường tập trung giao dịch theo xu thế chính vì xu thế thứ cấp thường không rõ ràng. Nếu quá tập trung vào xu thế thứ cấp, các nhà giao dịch sẽ dễ bị phân tâm bởi biến động ngắn hạn và mất tầm nhìn tổng quát cho toàn bộ bức tranh thị trường tiền mã hóa.
Lý thuyết sóng Elliott
Lý thuyết sóng Elliott là một hình thức phân tích kỹ thuật trade coin dựa trên nền tảng lý thuyết Dow đã được nhắc đến ở trên. Các nhà đầu tư sử dụng lý thuyết sóng Elliott để phân tích chu kỳ thị trường và dự báo các xu hướng thị trường.
Theo lý thuyết sóng Elliott, một xu thế tăng hoặc giảm được chia làm hai pha: pha dịch chuyển theo xu thế chính (hay chính là xu thế chính trong lý thuyết Dow) và pha điều chỉnh ngược với xu thế chính (hay chính là xu thế thứ cấp trong lý thuyết Dow). Trong đó, pha dịch chuyển theo xu thế chính gồm năm sóng và pha điều chỉnh ngược xu thế chính gồm ba sóng.
Mô hình sóng Elliott dưới đây cho thấy một xu thế tăng đầy đủ hai pha:
- Pha dịch chuyển theo xu thế chính (ở đây là xu thế tăng): bao gồm năm sóng đầu tiên được gọi là năm sóng đẩy (impulse waves). Trong đó, sóng 1, 3, 5 là những sóng tăng và sóng 2, 4 là những sóng điều chỉnh
- Pha điều chỉnh ngược với xu thế chính: bao gồm 3 sóng A, B, C. Trong đó, sóng A, C là sóng giảm và sóng B là sóng điều chỉnh
Theo lý thuyết sóng Elliott, trong mỗi sóng lớn sẽ có các cấp độ sóng khác nhỏ hơn với mô hình sóng Elliott tương tự. Với các khung thời gian khác nhau sẽ có các cấp độ sóng khác nhau.
Một quy tắc mà các nhà đầu tư cần nhớ là pha dịch chuyển theo xu thế chính không bao giờ xảy ra quá năm sóng và pha điều chỉnh ngược xu thế chính không bao giờ xảy ra quá ba sóng. Hiểu kỹ lý thuyết sóng Elliot sẽ giúp các nhà giao dịch dễ dàng xác định xu hướng giá của đồng tiền mã hoá và đưa ra các quyết định đúng đắn.
Vùng hỗ trợ và kháng cự
Vùng hỗ trợ và kháng cự là những vùng giá trong quá khứ mà giá đồng tiền mã hoá đã từng đảo chiều vì gặp khó khăn khi cố gắng phá vỡ và trong tương lai nó có thể lặp lại hành động này. Hai vùng này chính là vùng giao tranh lợi ích giữa phe bán và phe mua. Đây là những khu vực cho thấy rõ nhất tâm lý của những nhà giao dịch tham gia vào thị trường.
Vùng hỗ trợ (support) là vùng giá trong quá khứ mà khi giá giảm đến vùng đó sẽ có xu hướng đảo chiều và tăng trở lại. Tại đây, sự phản ứng của bên mua trên thị trường cao hơn bên bán và khiến cho giá đồng tiền mã hoá tăng trở lại. Vùng kháng cự (resistance) là vùng giá trong quá khứ mà khi giá tăng đến vùng đó sẽ có xu hướng đảo chiều và giảm trở lại. Tại đây, sự phản ứng của bên bán trên thị trường cao hơn bên mua và khiến cho giá đồng tiền mã hoá giảm trở lại.
Ngoài ra, khi vùng hỗ trợ bị phá vỡ, bản thân nó sẽ trở thành một vùng kháng cự. Và ngược lại khi vùng kháng cự bị phá vỡ, bản thân nó sẽ biến thành vùng hỗ trợ. Nếu giá muốn thoát khỏi vùng hỗ trợ hoặc kháng cự, nó sẽ cần đến một lực đẩy cực mạnh từ bên mua hoặc bên bán. Các nhà đầu tư thường kết hợp các vùng kháng cự và hỗ trợ với các tín hiệu đảo chiều để tìm điểm vào lệnh, dừng lỗ và chốt lời.
Các mô hình nến Nhật
Mô hình nến Nhật là công cụ phân tích kỹ thuật trade coin vô cùng đắc lực cho các nhà đầu tư khi cần phân tích diễn biến giá cả. Đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp, họ chỉ cần nhìn vào sự thay đổi trong mô hình nến là có thể đoán trước thị trường sẽ diễn biến ra sao. Từ đó hoạch định chiến lược đầu tư phù hợp theo đúng xu hướng và tối ưu hóa lợi nhuận.
Dựa vào mô hình nến Nhật, các nhà giao dịch dễ dàng nhận biết các thông tin cơ bản của thị trường như: Giá mở phiên, giá chốt phiên, giá cao nhất trong phiên giao dịch và giá thấp nhất trong phiên giao dịch.
Mỗi mô hình nến Nhật thường cấu thành từ 3 thành phần cơ bản. Bao gồm bóng nến trên, bóng nến dưới và thân nến.
- Bóng nến trên: Là đường thẳng nằm giữa mức giá cao nhất trong phiên giao dịch với mức giá đóng hoặc mở chốt phiên
- Thân nến: Phần khoảng cách giữa giá mở và giá chốt phiên
- Bóng nến dưới: Là đường thẳng nằm giữa lúc giá thấp nhất trong phiên và mức giá mở hoặc chốt phiên
Ngoài ra, mô hình nến Nhật phân loại thành 2 nhóm chính theo bối cảnh thị trường: mô hình nến đảo chiều tăng giá và mô hình nến đảo chiều giảm.
Mô hình nến đảo chiều tăng bao gồm các mô hình nến Cây Búa (Hammer), Búa Ngược (Inverted Hammer), Nhấn Chìm Tăng (Bullish Engulfing), Đường Xuyên Tăng (Piercing Line), Sao Mai (Morning Star), Ba Chàng Lính Trắng (Three White Soldiers).
Mô hình nến đảo chiều giảm bao gồm các mô hình nến Người Treo Cổ (Hanging man), Sao Băng (Shooting Star), Nhấn Chìm Giảm (Bearish Engulfing), Sao Hôm (Evening Star), Ba Con Quạ Đen (Three Black Crows), Mây Đen Che Phủ (Dark Cloud Cover).
Mô hình nến Nhật chỉ thế hiện các mức giá trong khoảng thời gian nhất định và chỉ áp dụng để dự đoán các xu hướng nhanh, ngắn hạn. Để tránh các rủi ro, các đầu tư nên kết hợp với các công cụ phân tích kỹ thuật trade coin khác để có thể xác định được xu hướng lớn trong các quyết định đặt lệnh giao dịch.
Chỉ báo kỹ thuật
Chỉ báo kỹ thuật (Indicators) là các công cụ phân tích biểu đồ giúp các nhà giao dịch hiểu rõ hơn về thị trường để đưa ra quyết định làm gia tăng lợi nhuận. Có rất nhiều công cụ phân tích kỹ thuật trade coin có sẵn để phân tích xu hướng, đo lường sự biến động giá cả của thị trường… Nhưng khi quyết định các chỉ báo kỹ thuật để đưa vào biểu đồ, các nhà đầu tư được khuyến khích lựa chọn trong số 3 nhóm chỉ báo: Nhóm chỉ báo Xu hướng, nhóm chỉ báo Động lượng, nhóm chỉ báo Biến động.
Nhóm chỉ báo xu hướng
Các chỉ báo xu hướng (Trending indicator) được tạo ra để giúp các nhà đầu tư xác định xu hướng giá của đồng tiền mã hoá. Chúng cho phép các nhà đầu tư xác định xem một cặp tiền mã hoá hiện đang bị quá mua hoặc quá bán và dễ dàng dự đoán hướng đi trong tương lai của hành động giá.
Các chỉ báo xu hướng là chỉ báo đường trung bình động đơn giản (SMA), chỉ báo đường trung bình lũy thừa (EMA), chỉ báo Ichimoku, chỉ báo trung bình định hướng (ADX);…
Nhóm chỉ báo động lượng
Các chỉ báo động lượng (Oscillators) là công cụ phân tích kỹ thuật cho thấy sự chuyển động của đường giá theo thời gian và mức độ mạnh mẽ của những chuyển động đó, bất kể giá đồng tiền mã hoá tăng hay giảm. Bất cứ khi nào các chỉ báo này đạt đến mức quá mua hoặc quá bán thì có thể đường giá sẽ đảo chiều và quay lại mức trung bình. Nhờ các chỉ báo động lượng, các nhà đầu tư dễ dàng phát hiện ra các điểm mà thị trường có thể sẽ đảo chiều. Các điểm được xác định thông qua sự phân kỳ giữa biến động đường giá và động lượng. Tuy nhiên các nhà đầu tư nên kết hợp chỉ báo động lượng với các chỉ báo kỹ thuật khác như như đường xu hướng và đường trung bình động (thể hiện xu hướng và hướng giá) để xác định chính xác hơn xu hướng của đường giá.
Các chỉ báo động lượng là chỉ báo sức mạnh tương đối RSI, chỉ báo CCI, chỉ báo MACD, chỉ báo Stochastics…
Nhóm chỉ báo biến động
Các chỉ báo biến động (Volatility) là các công cụ phân tích kỹ thuật nhằm xem xét sự thay đổi giá của thị trường trong một khoảng thời gian nhất định. Giá cả thay đổi càng nhanh, biến động càng cao. Giá cả thay đổi càng chậm, biến động càng thấp. Chỉ báo biến động cũng thể hiện trạng thái thị trường khi ở mức quá mua hoặc quá bán, giúp nhà đầu tư xác định xu hướng có thể đi ngang hoặc đảo chiều. Tuy nhiên, để gia tăng lợi nhuận, các nhà giao dịch nên kết hợp chỉ báo biến động với các chỉ báo khác để xác định xu hướng thị trường chính xác hơn.
Các chỉ báo biến động mà các nhà đầu tư nên tham khảo là chỉ báo phạm vi trung bình giá thực (ATR), chỉ báo Bollinger Band (BB), chỉ báo kênh Donchian và Kênh dải Keltner (KC)…
Nguyên tắc để xây dựng phương pháp phân tích kỹ thuật trade coin
Mỗi nhà đầu tư nên xây dựng cho mình những phương pháp phân tích kỹ thuật riêng bằng việc kết hợp một số công cụ trên để dễ dàng xác định xu hướng giá của thị trường. Giữa rất nhiều các công cụ chỉ báo và mô hình giá, những nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm chắc hẳn sẽ gặp không ít khó khăn khi lựa chọn để sử dụng. Vậy nên, Coinvn đã tổng hợp 3 nguyên tắc cơ bản giúp các nhà đầu tư dễ dàng hơn khi xây dựng phương pháp phân tích kỹ thuật trade coin cho riêng mình.
Nguyên tắc số 1: Phương pháp giao dịch cần gắn với khung thời gian giao dịch cụ thể. Phương pháp không cần quá phức tạp mà quan trọng phải dễ quan sát, nắm bắt điều kiện cơ bản của thị trường.
Nguyên tắc số 2: Nhà đầu tư không nên thay đổi phương pháp giao dịch liên tục. Mà thay vào đó hãy gắn bó với một phương pháp giao dịch và tập trung nâng cao kỹ năng phân tích.
Nguyên tắc số 3: Trong một thị trường tiền mã hoá luôn có nhiều biến động khó đoán, các nhà đầu tư nên tuân thủ đúng theo kế hoạch chốt lời hoặc cắt lỗ đã định ra.
Kết luận
Phân tích kỹ thuật trade coin là một phương pháp thiết yếu trong quá trình giao dịch giúp nhà đầu tư xác định chính xác xu hướng giá và đưa ra các quyết định đúng đắn. Coinvn hy vọng bài viết này có thể giúp các nhà đầu tư mới xây dựng được cho mình chiến lược đầu tư đúng đắn và mang lại lợi nhuận cao.