Hướng dẫn nuôi tôm cảnh, tôm kiểng thủy sinh đúng cách

Nuôi tôm cảnh (tôm kiểng thủy sinh) đã và đang là trào lưu trong những năm gần đây. Nuôi tôm cảnh có dễ không? Nên cho tôm cảnh ăn gì? sẽ là những thắc chung của nhiều anh em. Hãy cùng Pets Town tìm hiểu về chủ đề này nhé.

Tôm cảnh là gì?

Tôm cảnh hay còn gọi là tôm kiểng thủy sinh, là một loài giáp xác nước ngọt có đặc điểm tương tự với tôm hùm và môi trường sống với các loài cá cảnh thủy sinh.

Loài tôm cảnh sở hữu màu sắc đa dạng, bắt mắt; chúng có khả năng di chuyển linh hoạt như: bò, trèo cành cây, mỏm đá và đôi lúc chúng lại thể hiện khả năng đào hàng khiến người nuôi thích thú.

Nuôi tôm cảnh đang là sở thích của nhiều người

Giống như các loài thú cưng khác, nuôi tôm cảnh cũng khá đơn giản, bạn chỉ cần nắm vững những kiến thức cơ bản về chúng như: môi trường nuôi, tôm cảnh ăn gì và các giống tôm cảnh phổ biến hiện nay.

Hướng dẫn nuôi tôm cảnh, tôm kiểng từ A-Z

Để nuôi tôm cảnh và chăm sóc tốt cho chúng, bạn nên tham khảo những thông tin dưới đây:

Các giống tôm cảnh được yêu thích nhất hiện nay

  • Dòng Procam (đây là dòng tôm có màu sắc chủ đạo là xanh dương, trắng, cam và đỏ).

  • Tôm kiểng dòng Destructor (đặc điểm của dòng tôm này có màu xanh dương, đen, trắng, Xanh rêu, nâu đất). 

  • Dòng tôm kiểng Pro Ghost cam và thường (đây là loại tôm càng dài với màu sắc bắt mắt như màu xanh cam phối trắng, nâu đỏ phối xanh trắng,…).

Một bé tôm kiểng Pro Ghost full xanh

Cách chọn giống tôm cảnh

Ngày nay, tôm cảnh được bán rất phổ biến trên thị trường, với giá cả dao động từ vài chục nghìn đến vài triệu đồng một con. Tùy vào điều kiện kinh tế mà chúng ta lựa chọn cho mình loại phù hợp. Một số tiêu chí để chọn được tôm cảnh tốt:

  • Màu sắc: Ưu tiên lựa chọn những con tôm có màu sắc đỏ, cam, trắng hoặc màu xanh. Những cá thể tôm kiểng này sẽ giúp hồ nuôi trở nên sinh động hơn, lạ mắt hơn..

  • Đặc điểm: nên lựa chọn những chú tôm thủy sinh năng động, bơi khỏe, khả năng leo trèo nhanh nhẹn, màu sắc đẹp, không bị khuyết tật cơ thể, còn đủ 2 càng và 8 chân.

  • Địa điểm: Nên chọn mua tôm cảnh tại các cơ sở cung cấp tôm kiểng uy tín và tránh nhiễm bệnh tạp, lây truyền cho những cá thể tôm trong bể.

Setup bể nuôi tôm cảnh

Việc setup hồ nuôi tôm cảnh vô cùng đơn giản, chỉ cần đáp ứng các thông số sau đây:

  • Nhiệt độ: nhiệt độ thích hợp để tôm phát triển là từ 20 – 30 độ C.

  • pH nước: 6.5 – 8.2.

  • Bể nuôi nên trang bị máy lọc nước và thiết bị sủi oxy.

  • Thay nước với tần suất từ 1 – 2 lần/ tuần (mỗi lần thay từ 30 – 50%).

  • Nước nuôi tôm cảnh phải đảm bảo sạch, được phơi nắng ít nhất 1 ngày trước khi thay vào bể.

Số lượng tôm cảnh sẽ quyết định diện tích bể và thể tích nước cần thiết. Bể càng rộng rãi sẽ tránh việc tôm tranh giành lãnh thổ và đánh nhau. Thể tích nước cần thiết cho 1 chú tôm kiểng là 5 – 10 lít. 

Ví dụ, bể nuôi tôm nhà bạn có thể tích 64 lít nước thì chỉ nuôi được tối đa 6 chú tôm cảnh.

Bạn nên setup bể nuôi tôm kiểng rộng rãi với thể tích phù hợp

Bạn nên rải ít sỏi, nham thạch phía dưới bể nuôi tôm cảnh cho tôm chơi đùa. Với đặc tính thường lẩn trốn và đào hang bên bạn cần bổ sung vào bể nuôi các đoạn gỗ mục, nhà gốm hoặc đoạn ống nhựa,…để tôm có nơi trú ẩn. Ngoài ra, các mỏm đá, nhánh cây cũng cần thiết cho hoạt động leo trèo của tôm..

Lưu ý, không nên lót nền bằng sỏi xây dựng bởi chúng có thể làm tôm bị gãy càng, kẹt vỏ dẫn đến tử vong.

Tôm cảnh ăn gì?

Với đặc tính là loài ăn tạp nên tôm kiểng có thể ăn nhiều loại thức ăn khác nhau. Thức ăn của tôm cảnh có thể kể đến như: trùng chỉ, các loại rong rêu, bắp cải luộc, hạt khô hay các loại cá nhỏ,…

Tôm kiểng ăn tạp với nguồn thức ăn đa dạng

Đa phần tôm cảnh sống ở tầng đáy nên khi cho tôm kiểng ăn chúng ta nên chọn thức ăn dạng chìm. Hoặc bạn có thể thiết kế cho thức ăn vào một cái que như đinh hay chùm thả xung quanh chúng. Sau khi tôm kiểng ăn xong, bạn cần lưu ý loại bỏ hết phần thức ăn thừa ra khỏi bể nuôi.

Khẩu phần ăn của tôm cảnh nên được chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày. Nếu nuôi tôm cảnh chung với các loại cá cảnh thì phải chú ý quan sát để tránh cá cảnh tranh ăn hết thức ăn của tôm.

Có nên lắp đèn cho bể nuôi tôm cảnh?

Với tôm cảnh, việc lắp đèn cho bể nuôi là lựa chọn không bắt buộc. Bạn có thể lắp đặt đèn trang trí trong bể nuôi tôm cảnh hoặc không cần lắp đặt. Bởi khác tép cảnh: màu sắc của tôm cảnh không phụ thuộc vào ánh sáng đèn mà chỉ môi trường thích hợp chúng sẽ thể hiện màu đẹp, rực rỡ.

Chăm sóc tôm cảnh lột vỏ

Giai đoạn tôm cảnh lột vỏ nên được chú ý chăm sóc kỹ hơn

Dấu hiệu nhận biết tôm cảnh đến giai đoạn lột vỏ là sự thay đổi về kích thước của tôm. Giai đoạn này, tôm bắt đầu bỏ ăn khoảng một ngày. Trên vỏ tôm chỗ gần mắt (phần tiếp giáp giữa đầu và cổ tôm) sẽ xuất hiện hai đốm trắng. Giai đoạn này, bạn nên tách tôm ra một chiếc hộp nuôi riêng biệt để thuận tiện cho việc theo dõi và chăm sóc. Hoặc đảm bảo rằng trong bể không có bất cứ vật sắc nhọn nào có thể làm tổn thương đến tôm lột. Tôm cảnh sẽ lột vỏ khoảng 11 lần trong suốt vòng đời của mình.

Chăm sóc tôm cảnh sinh sản

Những cá thể tôm cảnh khi nuôi được 6 tháng chúng sẽ đến thời kỳ sinh sản. Thời gian giao phối của tôm cảnh từ 1 – 2 tuần. Nếu trong hồ nuôi mà có nhiều tôm cảnh đực cùng giao phối với một con cái thì con đực giao phối cuối cùng là cha.

Nuôi tôm cảnh sinh sản không mất nhiều công chăm sóc

Sau khi giao phối khoảng 1 tháng, tôm cái bắt đầu đẻ trứng, trong thời gian này cần bố trí hang để tôm thoải mái khi đẻ trứng. Tôm cái sẽ đẻ và ấp trứng trong khoảng 2 tuần.

Thức ăn cho tôm cảnh mẹ và tôm con cũng giống bình thường nhưng cần nghiền nhỏ để giúp tôm con làm quen dần trong thời gian đầu.

Có thể nuôi tôm cảnh với cá cảnh không?

Tôm cảnh hoàn toàn có thể nuôi chung với một số loại cá cảnh bạn nhé. Dưới đây là một số loại cá cảnh có thể nuôi chung với tôm kiểng:

  • Cá trâm.

  • Cá chuột Pygmy

  • Cá bống vàng

  • Các dòng cá Pleco.

  • Cá chuột Otto.

Tôm cảnh cũng có thể nuôi kết hợp với các loại cá cảnh khác

Giá tôm cảnh bao nhiêu? Mua tôm cảnh ở đâu?

Hiện nay, tại Việt Nam có rất nhiều loại tôm cảnh với các mức giá bán khác nhau. Tuy nhiên, giá bán tôm kiểng thủy sinh trung bình dao động trong khoảng 60,000 – 150,000 VNĐ/con size trung bình và hơn 600,000 VNĐ với tôm cảnh nhập khẩu.

Bạn có thể dễ dàng tìm mua tôm cảnh ở các cửa hàng cá cảnh, tôm cảnh thủy sinh. Tùy vào sở thích và điều kiện kinh tế cá nhân mà bạn có thể lựa chọn cho mình những bé tôm phù hợp nhất.

Có thể thấy nuôi tôm cảnh không phải là việc quá khó đúng không? Hãy cùng chia sẻ những kinh nghiệm nuôi thú cưng với Pets Town ở phần comment để mọi người cùng tham khảo nhé!