Hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ đầy đủ nhất
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh Trâm – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tối ưu nhất cho tất cả trẻ sơ sinh, thúc đẩy sự phát triển hệ miễn dịch và đáp ứng nhu cầu của trẻ dưới 6 tháng tuổi. Sau đây là hướng dẫn về cách nuôi con bằng sữa mẹ, bao gồm tư thế, ngậm bắt vú, tần suất và thời gian cho bú, cũng như nhu cầu bổ sung vitamin.
Nội Dung Chính
1. Khi nào bắt đầu cho con bú?
Việc cho trẻ bú mẹ nên bắt đầu trong vài giờ đầu tiên sau khi sinh, bằng cách để trẻ nằm nghỉ da kề da trên ngực mẹ. Trong thời gian này, hầu hết trẻ sơ sinh đều tỉnh táo và thích bú mẹ. Tuy nhiên, nếu trẻ không thể bú trong khoảng thời gian này thì cũng không phải là dấu hiệu đáng lo.
Trong một số tình huống, trẻ sơ sinh hoặc mẹ phải tách nhau trong vài giờ hoặc thậm chí vài ngày sau khi sinh. Trong thời gian này, mẹ vẫn nên hút sữa và trữ sữa cho trẻ. Nên bắt đầu càng sớm càng tốt, tối ưu là trong vòng 6 giờ đầu tiên sau khi sinh.
Vài ngày đầu sau khi sinh, mẹ tiết ra một lượng nhỏ sữa đặc, màu vàng nhạt gọi là sữa non. Sữa non rất giàu chất dinh dưỡng và cung cấp tất cả lượng calo cần thiết cho em bé trong những ngày đầu tiên.
Nhiều phụ nữ lo lắng trẻ không bú đủ sữa ngay sau khi sinh vì mẹ chỉ tiết ra một lượng nhỏ sữa non. Thực tế, trẻ mới sinh đã dự trữ sẵn một lượng chất lỏng và đường đủ để sử dụng cho đến khi mẹ có nhiều sữa hơn.
Sau vài ngày, nếu tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ thì một lượng sữa lớn hơn sẽ được sản xuất trong vòng 2 – 3 ngày. Trẻ sơ sinh thường giảm cân trong những ngày đầu đời và dần dần lấy lại trọng lượng trong 2 tuần tiếp theo.
2. Tư thế cho bú khi nuôi con bằng sữa mẹ
Có nhiều tư thế cho bú khi nuôi con bằng sữa mẹ. Tuy nhiên, tư thế tốt nhất là khi mẹ cảm thấy thoải mái và trẻ sơ sinh có thể ngậm, bú, nuốt dễ dàng. Dù là tư thế nào thì cũng cần đảm bảo trẻ không phải quay đầu để bú và mũi phải thẳng hàng với núm vú của mẹ.
Hiện nay, có rất nhiều các loại gối hỗ trợ cho con bú có thể giúp cả mẹ và trẻ sơ sinh đều cảm thấy thoải mái. Ngoài ra, mẹ có thể lựa chọn ngồi trên ghế để vừa giúp nâng đỡ trọng lượng của trẻ, vừa ngăn ngừa mỏi cánh tay, vai và cổ mẹ.
Sau khi bú, trẻ nên được đặt trở lại nôi riêng. Đây là môi trường ngủ an toàn nhất và giảm thiểu nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).
- Bế thuận tay
Mẹ có thể thực hiện tư thế nuôi con bằng sữa mẹ này trong khi ngồi trên ghế. Ví dụ để bú bên ngực trái, cẳng tay trái của mẹ nâng đỡ đầu và cơ thể của trẻ sơ sinh. Tay trái của mẹ thường đỡ mông hoặc đùi của bé. Một số phụ nữ sử dụng thêm gối để hỗ trợ cánh tay này. Bụng của trẻ phải nằm úp vào ngực mẹ và đầu phải thẳng với thân. Bàn tay còn lại của mẹ hỗ trợ và hướng vú đến miệng trẻ đang mở rộng. Ngón tay cái của mẹ đặt lên trên quầng vú và nâng đỡ bầu ngực bằng các ngón tay còn lại. Cần chú ý đặt bàn tay cách xa núm vú để ngón cái và các ngón tay không cản trở bé ngậm vú.
- Bế ngược tay
Tương tự như kiểu trên, nhưng để bú bên ngực trái, bàn tay phải và cẳng tay phải của mẹ cần nâng đỡ đầu và cơ thể của trẻ sơ sinh. Tay trái còn lại hỗ trợ phần ngực như trên.
- Bế ngang nách (bé nằm trên gối)
Tư thế này giúp mẹ dễ dàng nhìn thấy trẻ đang bú, thích hợp với những phụ nữ có vết mổ ở bụng, ngực lớn, sinh con nhỏ hoặc sinh non. Em bé được đỡ bằng gối khi mẹ ngồi, gối được kê để đầu em bé ngang với vú mẹ.
Ví dụ để bú từ bên ngực trái, cơ thể và chân của trẻ nằm dưới cánh tay trái của mẹ, đồng thời bàn tay trái của mẹ hỗ trợ đầu của bé. Bàn tay còn lại hỗ trợ và hướng vú đến miệng trẻ đang mở rộng.
- Bế nằm nghiêng
Mẹ có thể thực hiện tư thế này trong khi nằm. Tuy nhiên không nằm giường nước, ghế dài hoặc ghế tựa để tránh gây ngạt thở cho trẻ sơ sinh. Ví dụ khi cho con bú từ bên ngực trái, mẹ nằm nghiêng về bên trái. Đầu và thân của em bé nằm song song với cơ thể của mẹ, miệng bé gần và đối diện với ngực trái của mẹ. Mẹ có thể kê gối dưới đầu, đặt tay trái giữa đầu và gối. Bàn tay còn lại hỗ trợ và hướng vú đến miệng trẻ đang mở rộng. Ngón tay cái đặt lên trên quầng vú và các ngón tay khác nâng đỡ bầu ngực. Cần chú ý đặt bàn tay cách xa núm vú để không cản trở bé ngậm vú.
- Nằm ngửa
Ở tư thế này, mẹ nằm hơi nghiêng và em bé nằm sấp giữa hai bầu ngực của mẹ. Trẻ sơ sinh có thể ngậm vú dễ dàng hơn vì đã nằm an toàn trên cơ thể mẹ, các phản xạ của em bé cũng hỗ trợ việc ngậm ti. Các bà mẹ cũng nhận thấy cách nuôi con bằng sữa mẹ này ít mệt mỏi hơn.
3. Cách trẻ ngậm núm vú
Miệng trẻ sơ sinh cần ngậm kín xung quanh núm vú và hầu hết quầng vú của mẹ. Ngậm đúng cách sẽ giúp trẻ bú đủ lượng sữa, đồng thời ngăn ngừa chấn thương và đau đầu vú.
Ngậm núm vú đúng cách phải đạt các yêu cầu sau:
- Môi trên và dưới phải mở ít nhất 120°;
- Môi dưới phải hướng ra ngoài;
- Cằm chạm vào vú, mũi phải gần vú;
- Hai má phải đầy đặn;
- Lưỡi phải kéo dài qua môi dưới và giữ bên dưới quầng vú trong khi bú (có thể nhìn thấy lưỡi nếu môi dưới bị kéo ra xa).
Khi trẻ sơ sinh ngậm vú đúng cách, mẹ có thể cảm thấy khó chịu trong 30 – 60 giây đầu tiên, sau đó sẽ giảm dần. Cảm giác khó chịu liên tục có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ ngậm ti sai cách. Để tránh làm đau hoặc chấn thương núm vú, mẹ nên đưa ngón tay sạch của mình vào miệng trẻ sơ sinh để tháo gỡ ra. Sau đó, mẹ có thể đặt lại miệng bé sao cho đúng.
Các dấu hiệu cho thấy bé ngậm ti sai cách bao gồm:
- Môi trên và môi dưới chạm nhau ở khóe miệng;
- Hai má hóp;
- Nghe thấy âm thanh như tiếng nhấp chuột (click);
- Không nhìn thấy lưỡi bên dưới núm vú (nếu kéo môi dưới xuống);
- Núm vú bị nhăn sau khi cho con bú.
Ngoài ngậm đúng, trẻ sơ sinh phải có khả năng bú và nuốt đúng để tiêu thụ đủ lượng sữa. Mẹ có thể nghe thấy tiếng trẻ nuốt. Hàm của trẻ sơ sinh phải di chuyển nhanh chóng để bắt đầu nhận dòng sữa, tiếng nuốt xuất hiện sau mỗi 1 – 3 cử động hàm.
4. Tần suất và thời gian cho con bú
Phụ nữ được khuyến khích cố gắng cho con bú ngay khi trẻ bắt đầu có dấu hiệu đói. Các dấu hiệu ban đầu của cơn đói bao gồm: Thức giấc, tìm kiếm vú mẹ hoặc mút tay, môi và lưỡi. Hầu hết trẻ sơ sinh không khóc nếu như chưa thực sự đói, vì vậy mẹ không nên chờ đợi đến khi bé khóc mới cho bú.
Trong 1 – 2 tuần đầu tiên, hầu hết trẻ sơ sinh sẽ bú từ 8 – 12 lần mỗi ngày. Một vài trẻ sẽ đòi bú thường xuyên (khoảng 30 – 60 phút một lần), trong khi số khác phải được mẹ đánh thức và kêu gọi mới chịu bú. Bạn có thể đánh thức bé bằng cách thay tã hoặc chạm nhẹ vào bàn chân. Trong tuần đầu tiên sau sinh, hầu hết các bác sĩ đều khuyến khích cha mẹ đánh thức trẻ đang ngủ để bú cách 4 giờ. Một số trẻ sẽ bú rất thường xuyên trong một buổi và sau đó ngủ trong thời gian dài hơn.
Khoảng thời gian mỗi cữ cho con bú trong bao lâu là khác nhau, đặc biệt là trong vài tuần đầu tiên sau sinh. Một số trẻ sơ sinh chỉ cần 5 phút, trong khi những bé khác cần 20 phút hoặc hơn. Hầu hết các chuyên gia đều khuyến cáo mẹ nên cho con bú trong bao lâu tùy thích theo sự chủ động của trẻ.
Không nhất thiết phải đổi bên giữa buổi bú. Nếu vắt cạn sữa một bên ngực, trẻ sẽ tiêu thụ được sữa có hàm lượng chất béo cao hơn.
Khi đã bú xong, hầu hết trẻ sơ sinh nhả núm vú ra, thả lỏng cơ mặt và bàn tay. Trẻ sơ sinh dưới 2 – 3 tháng thường ngủ gật trong khi bú, thậm chí ngủ khi chưa bú xong. Trong trường hợp này, mẹ nên đánh thức trẻ và động viên trẻ bú xong. Sau khi bú xong một bên vú, hãy đưa ra bên còn lại mặc dù trẻ có thể không còn thích thú.
Mỗi trẻ sơ sinh đều khác nhau, thậm chí con bạn cũng thay đổi cảm giác thèm bú vào những thời điểm khác nhau. Cha mẹ nên cho trẻ bú thường xuyên hơn khi trẻ tỏ ra thích thú.
5. Trẻ bú bao nhiêu thì đủ?
Nhiều bậc phụ huynh lo lắng con mình không bú đủ sữa vì không thể biết được lượng sữa mẹ mà trẻ đã tiêu thụ. Sau đây là một vài cách cha mẹ có thể sử dụng để ước tính xem trẻ có bú đủ sữa mẹ hay không:
- Theo dõi tã
Ghi chép số lượng tã ướt và bẩn mỗi ngày, nhất là trong 1 – 2 tuần đầu tiên. Thông thường, vào ngày thứ 4 – 5 sau khi sinh, trẻ sơ sinh phải có ít nhất 6 tã ướt/ ngày với nước tiểu trong hoặc vàng nhạt. Ít hơn 6 tã ướt, hoặc nước tiểu màu vàng sẫm hoặc màu da cam là dấu hiệu cho thấy trẻ bú không đủ, cần báo cho bác sĩ biết.
Phân su là loại phân dính màu sẫm mà trẻ sản xuất trong vài ngày đầu sau sinh. Phân của trẻ sơ sinh sẽ có màu vàng mù tạt đến nâu nhạt, thường là sữa đông có thể nhìn thấy vào ngày thứ 4 -5. Hầu hết trẻ sơ sinh đi ngoài 4 lần phân mỗi ngày vào ngày thứ 4.
- Theo dõi cân nặng
Trẻ sơ sinh giảm cân sau khi sinh là điều bình thường, trung bình giảm 4 – 5 ounce (113 – 140 gram) trong vài ngày đầu sau sinh. Thông thường, trẻ sơ sinh ngừng giảm cân sau 5 ngày tuổi và thường lấy lại cân nặng lúc mới sinh khi được 2 tuần tuổi.
Trẻ sơ sinh giảm cân nhiều hơn số trên có nguy cơ bị mất nước và/ hoặc phát triển bệnh vàng da. Bác sĩ sẽ cố gắng xác định nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị sụt cân và liệu có cần bổ sung sữa mẹ hoặc sữa bột dành cho trẻ sơ sinh hay không.
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo rằng, tất cả trẻ sơ sinh bú sữa mẹ nên cân và kiểm tra sức khỏe từ 3 – 5 ngày sau sinh và một lần nữa từ 2 – 3 tuần sau sinh. Nhờ đó bác sĩ sẽ theo dõi các dấu hiệu vàng da, mất nước, sụt cân hoặc các biến chứng khác, cũng như trả lời các câu hỏi của phụ huynh, ví dụ như khi nào nên cai sữa mẹ.
- Duy trì nguồn cung cấp sữa
Sữa mẹ sẽ tiếp tục sản xuất trong vú dựa trên lượng sữa được hút ra. Nói cách khác, thường xuyên cho trẻ bú sẽ kích hoạt giải phóng hai hormone là: prolactin và oxytocin. Sản xuất sữa sẽ bị giảm nếu sữa không được hút ra thường xuyên hoặc nếu vú không được vắt hết sữa. Ngoài ra, vú cũng dễ bị căng tức khó chịu và tiết sữa nếu bạn trì hoãn hoặc bỏ qua cho con bú.
Vì lý do này, phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ được khuyến khích cho trẻ bú thường xuyên khi trẻ có dấu hiệu đói. Hầu hết các chuyên gia khuyên bạn nên cho trẻ bú hết sạch một bên ngực, sau đó chuyển sang bên còn lại.
6. Sữa mẹ có đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ không?
Có nhiều lý do khiến phụ nữ chọn không nuôi con bằng sữa mẹ, bao gồm cả sự xấu hổ, thiếu hiểu biết về lợi ích của sữa mẹ, niềm tin rằng sữa công thức ngang bằng với sữa mẹ và lầm tưởng về sự “dễ dàng” của việc cho con bú sữa công thức hơn so với việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Chăm sóc trẻ sơ sinh có thể khiến bạn mệt mỏi. Tuy nhiên, sự thật là nuôi con bằng sữa mẹ không tốn nhiều thời gian như bú sữa công thức. Bạn không cần phải mua, pha sữa công thức cũng như rửa và tiệt trùng bình sữa.
Trẻ sơ sinh đủ tháng, tăng cân bình và có đủ số tã sẽ không cần dùng thêm sữa công thức hay nước lọc. Cung cấp sữa công thức có thể làm giảm nguồn cung cấp sữa mẹ, đặc biệt nếu sữa công thức trước khi đi ngủ hoặc trong giữa đêm thay vì cho con bú.
Ngay cả trong điều kiện khí hậu nóng, cha mẹ không cần cho trẻ bú sữa mẹ dưới 6 tháng tuổi uống thêm nước lọc hoặc nước hoa quả.
- Bổ sung dinh dưỡng
Một số trẻ bú mẹ đủ tháng có thể được đề nghị bổ sung vitamin hoặc khoáng chất dưới dạng chất lỏng với ống nhỏ giọt hoặc trộn vào sữa mẹ.
- Vitamin D
Tất cả trẻ sơ sinh bú sữa mẹ nên được bổ sung 400 đơn vị quốc tế (10 microgam) vitamin D mỗi ngày, bắt đầu từ những ngày sau sinh. Sữa mẹ có chứa vitamin D nhưng thường không đủ lượng để đáp ứng nhu cầu của trẻ sơ sinh. Nguồn cung cấp vitamin D duy nhất cho trẻ bú mẹ hoàn toàn là ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có nguy cơ gây cháy nắng.
Cơ thể cần vitamin D để hấp thụ canxi và phốt pho, những chất cần thiết trong quá trình hình thành xương. Lượng vitamin D không đủ ở trẻ em có thể dẫn đến bệnh còi xương, khiến xương mỏng manh và dễ gãy.
- Vitamin B12
Nếu người mẹ theo chế độ ăn chay và không bổ sung vitamin B12 thì trẻ sơ sinh nên được bổ sung vitamin tổng hợp bao gồm vitamin B12. Hầu hết các loại thuốc vitamin cho trẻ sơ sinh đều có đầy đủ vitamin B12.
Cơ thể cần một nguồn vitamin B12 để duy trì các tế bào máu. Hàm lượng vitamin B12 thấp có thể dẫn đến thiếu máu, chậm phát triển và các vấn đề khác.
- Sắt
Sữa mẹ chứa chất sắt dễ hấp thu và thường cung cấp đủ chất sắt cho trẻ sơ sinh khỏe mạnh đến 6 tháng tuổi. Trẻ sinh non hoặc nhẹ cân được bú sữa mẹ hoàn toàn có thể cần bổ sung vitamin tổng hợp chứa sắt. Nên thảo luận cụ thể với bác sĩ về nhu cầu sắt của trẻ sơ sinh.
Sắt là một chất dinh dưỡng thiết yếu mà cơ thể cần để sản xuất và duy trì các tế bào hồng cầu. Trẻ sơ sinh có lượng sắt thấp có nguy cơ mắc một số vấn đề, bao gồm cả số lượng hồng cầu thấp (thiếu máu). Thiếu sắt cũng liên quan đến suy giảm hệ miễn dịch và chậm phát triển.
Liên quan đến núm vú giả, phụ huynh có thể sử dụng để xoa dịu trẻ sơ sinh đang quấy khóc. Tuy nhiên, không nên sử dụng núm vú giả để trì hoãn việc cho trẻ bú. Nếu trẻ sơ sinh có biểu hiện đói thì nên cho trẻ bú.
Để bảo vệ sức khỏe của trẻ, cha mẹ nên thực hiện tốt việc cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu (nếu được) và tiêm vắc-xin đúng lịch. Ngay khi thấy trẻ có các triệu chứng như biếng ăn, mệt mỏi, quấy khóc thì cần đưa trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn theo dõi và điều trị.
Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,… Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: uptodate.com