Hướng dẫn cách nghiên cứu thị trường – AMAZON GURU
Nội Dung Chính
Nghiên cứu thị trường cho sản phẩm trên sàn thương mại điện tử Amazon 2022
Hiện nay, để tìm được những sản phẩm có nhu cầu cao nhưng cạnh tranh thấp trên sàn Amazon là rất khó, vậy nên bạn phải tự tạo cơ hội kinh doanh cho mình, biết đối thủ cạnh tranh của mình là ai, họ đang làm gì để nắm bắt các phân khúc thị trường? Và quan trọng nhất là tìm ra được phân khúc thị trường khác biệt, nơi mà các đối thủ chưa quan tâm đến, đây mới chính là đích đến cho sản phẩm của bạn tỏa sáng.
Việc nghiên cứu thị trường cho sản phẩm sẽ giúp bạn đưa ra nhận định rõ ràng trước khi quyết định lựa chọn thị trường kinh doanh trên Amazon. Vậy làm thế nào để nghiên cứu thị trường cho sản phẩm trên sàn thương mại điện tử Amazon? Bài viết hôm nay, Bác Guru sẽ giúp bạn tìm hiểu về vấn đề này.
1. Liệt kê tất cả các sản phẩm có tiềm năng
Nếu bạn đã có sản phẩm đang kinh doanh tốt trên Amazon và đem lại nguồn doanh thu ổn định, thì đây sẽ là lúc bạn nên nhìn vào bức tranh toàn cảnh hơn – ngành hàng của sản phẩm.
Vì sao lại thế? Ví dụ, bạn đang kinh doanh tốt sản phẩm ‘Dao dành cho đầu bếp’ thì phân khúc khách hàng của bạn sẽ là những đầu bếp có nhu cầu mua Dao. Trong trường hợp bạn mở rộng thị trường sản phẩm, Dao cũng là một mặt hàng thuộc ‘dụng cụ nhà bếp’. Vậy, khi bạn đã có một lượng khách hàng thường xuyên mua các mặt hàng cho nhà bếp thì bạn nên cân nhắc mở rộng thêm các sản phẩm liên quan như thớt, kéo, cối xay, chày,…vì chúng có thể là thị trường sản phẩm tiềm năng trong tương lai.
Bước liệt kê sản phẩm sẽ cho thấy được những điểm mạnh nội tại của doanh nghiệp, từ đó làm tiền đề nhìn ra ngoài thị trường và tìm điểm chung giữa sản phẩm của bạn với thị trường
Đánh giá các sản phẩm có tiềm năng trên sàn thương mại điện tử Amazon
2. Xác định đối thủ cạnh tranh
Đối thủ cạnh tranh bao gồm những “ông lớn” trong ngành và những đối thủ ngang tầm với bạn trong cùng ngành hàng kinh doanh trên sàn thương mại điện tử Amazon. Chúng ta sẽ cùng phân tích cả 2 nhóm đối thủ này trước vì bên cạnh 2 nhóm chính này còn có nhóm đối thủ tiềm năng – những đối thủ chưa trực tiếp tham gia vào ngành hàng nhưng có liên quan và sẽ nhảy vào khi có cơ hội.
2.1. Nhóm đối thủ cạnh tranh lớn
Số lượng đối thủ trong nhóm này thường không nhiều, đây sẽ là những doanh nghiệp có thương hiệu, được đánh giá cao bởi khách hàng và có quyền lực lớn nhất trên Amazon Seller Central.
Cách nhận biết nhóm đối thủ này rất đơn giản. Họ luôn nằm trong top kết quả tìm kiếm khi tìm từ khóa liên quan đến sản phẩm. Đương nhiên bạn không thể một sớm một chiều đối đầu trực tiếp với các shop lớn này được, tuy nhiên bạn có thể học được rất nhiều thứ từ họ. Điều bạn có thể học được như là cách trang trí trang của shop, chương trình khuyến mãi, cách đăng ảnh sản phẩm, mô tả sản phẩm,…để từ đó có thể giúp bạn tạo shop chuyên nghiệp hơn.
2.2. Nhóm đối thủ ngang tầm
Xác định nhóm đối thủ này để bạn biết được ai thành công nhờ trở thành ‘bản sao của ông lớn’ hoặc ai thành công dựa vào công thức riêng với sản phẩm nổi bật. Đây sẽ là những bài học kinh nghiệm khó có thể tìm kiếm được và bạn cần biết để vạch ra con đường đi đúng đắn cho doanh nghiệp mình. Mặc dù những đối thủ này không lớn nhưng đây là những đối thủ nguy hiểm nhất vì họ vẫn đang dồi dào tinh thần chiến đấu và đều có cùng mục tiêu trở thành “ông lớn” trong ngành hàng.
Nhóm đối thủ ngang tầm sẽ có những đặc điểm sau:
-
Shop hoạt động trong khoảng từ dưới 1 – 2 năm. Bạn có thể tìm ngày thành lập shop bằng cách đến trang ‘Sản phẩm’ của shop, vào phần ‘Mô tả sản phẩm’ và đọc mục ‘Ngày có mặt đầu tiên trên Amazon’.
-
Mục đánh giá shop dưới 100 đánh giá (xem ở phần đánh giá từ khách hàng).
3. Xác định thị trường ngách phù hợp cho sản phẩm
Khi đã có một cái nhìn tổng quan về thị trường xung quanh, giờ là lúc nghiên cứu kỹ về thị trường ngách của bạn để tạo cơ hội kinh doanh ít cạnh tranh nhất.
Quá trình xác định thị trường ngách:
-
Tìm hiểu điểm yếu đối thủ cạnh tranh bằng cách đọc đánh giá của khách hàng, đặc biệt là của nhóm đối thủ ngang tầm: khách hàng hay lặp đi lặp lại điều gì nhiều nhất về sản phẩm của đối thủ? Sản phẩm của đối thủ còn thiếu sót gì? Làm thế nào để cải thiện thiếu sót trong sản phẩm?…
Đánh giá của khách hàng trên trang bán sản phẩm sẽ luôn được công khai
Đánh giá của khách hàng trên trang bán sản phẩm sẽ luôn được công khai
-
Nghiên cứu phân khúc khách hàng của đối thủ cạnh tranh, trả lời các câu hỏi: Khách hàng của đối thủ là ai? Họ thường mua những loại sản phẩm nào? Họ đã từng mua sản phẩm của bạn chưa?…
-
Xem xét nhu cầu mua sắm ở thị trường ngách của đối thủ có còn rộng lớn không? Bạn có thể chen chân vào không?
Sau khi tổng hợp những gì bạn đã tìm hiểu được về nghiên cứu thị trường và sản phẩm dựa trên đối thủ, điều tiếp theo bạn cần làm là chọn một thị trường ngách cho doanh nghiệp và trả lời các câu hỏi:
-
Sản phẩm nào hợp lý để bán tiếp theo trên thị trường?
-
Các sản phẩm này xếp hạng ở đâu trên Amazon về cung – cầu trên thị trường?
-
Liệu những sản phẩm bổ sung này có giúp bạn đến gần hơn với mục tiêu trở thành “ông lớn” trong thị trường chính thống không?
Cuối cùng, trong quá trình thực hiện kế hoạch kinh doanh mới tại thị trường ngách thì việc kiểm tra là điều cần thiết và nên làm thường xuyên. Vì nó sẽ giúp bạn kết luận được mức độ thành công của thị trường ngách và cân nhắc những hướng kinh doanh tiếp theo trên sàn thương mại điện tử.
Mọi hoạt động nghiên cứu thị trường cho sản phẩm đều để phục vụ một mục đích chính là giúp tăng mức độ phủ sóng của doanh nghiệp trên thị trường. Trên đây là bài viết với nội dung hướng dẫn cách nghiên cứu thị trường cho sản phẩm trên Amazon. Hy vọng Bác Guru đã đem đến cho bạn những thông tin bổ ích.