Hướng dẫn cách làm bánh trung thu tại nhà đơn giản hiệu quả | Cleanipedia
Nội Dung Chính
Giới thiệu về trung thu và bánh trung thu
Ý nghĩa của ngày Tết Trung thu
Tết Trung thu là một dịp lễ lớn của các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á nhằm ngày 15 tháng Tám âm lịch, đánh dấu thời điểm trăng tròn và sáng nhất trong năm. Tết Trung thu còn được gọi với nhiều tên gọi khác nhau như: Tết thiếu nhi, Tết trông trăng, Tết hoa đăng, Tết đoàn viên…
Theo phong tục Việt Nam, vào mỗi dịp trăng rằm, các gia đình thường chuẩn bị một mâm cỗ dâng lên bàn thờ để bày tỏ lòng thành kính và biết ơn đối với ông bà tổ tiên. Mâm cúng có thể là cỗ mặn, cỗ chay, hoặc chỉ cúng hoa quả, bánh trung thu.
Bên cạnh đó, vào dịp này bố mẹ sẽ chuẩn bị mâm cỗ trông trăng dành cho các em thiếu nhi, cùng các hoạt động truyền thống không thể thiếu như: văn nghệ, rước đèn, xem múa lân.
Không chỉ có ý nghĩa đối với các em nhỏ, trung thu còn là dịp đặc biệt để gia đình sum họp, gắn kết các thành viên gần gũi, tăng tình đoàn kết và yêu thương. Cả nhà cùng nhau ăn bánh uống trà, trò chuyện dưới ánh trăng sáng ngời.
Ý nghĩa đặc biệt của bánh trung thu
Không đơn thuần là một loại bánh mang hương vị ngọt ngào, bánh trung thu được biết đến với ý nghĩa tốt đẹp về sự sung túc, viên mãn, một món quà gửi gắm những tình cảm biết ơn, đẹp nhất đến những người thân, gia đình, bạn bè.
Ở Việt Nam, loại bánh trung thu truyền thống gồm có 2 loại:
Bánh nướng: có màu vàng nâu đẹp mắt. Bánh nướng có nhiều loại nhân như thập cẩm, trứng muối, đậu xanh hạt sen… Vị đậm đà của bánh nướng tượng trưng cho sự sum họp, đủ đầy ấm áp của gia đình.
Bánh dẻo: có vỏ ngoài dẻo, màu trắng và thơm hương hoa bưởi. Nhân bánh có vị ngọt thanh, gồm có đậu xanh và hạt sen tượng trưng cho sự ngọt ngào, thanh khiết.
Tại sao nên làm bánh trung thu tại nhà?
Lợi ích đầu tiên của việc tự tay làm bánh Trung thu là chị em biết chắc chắn được nguồn nguyên liệu mình chọn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Khi tự làm bánh, bạn có thể căn chỉnh được vị ngọt mặn tùy ý. Ít ngọt, ít dầu mỡ và có thể bỏ bớt những nguyên liệu không hợp khẩu vị gia đình. Đảm bảo một mẻ bánh vừa ngon bổ rẻ lại tốt cho sức khỏe vì không sử dụng chất bảo quản, chất phụ gia thực phẩm.
Khi làm bánh trung thu tại nhà, bạn có thể thỏa thích sáng tạo, biến tấu bánh theo hương vị và màu sắc yêu thích, cũng như điều chỉnh sao cho phù hợp với sở thích từng thành viên trong gia đình.
Giữa vô vàn hộp bánh trung thu được đóng gói hiện đại bắt mắt, một chiếc bánh mộc mạc mang màu sắc riêng do bạn kỳ công chuẩn bị từ nguyên liệu đến lúc mẻ bánh ra lò sẽ là món quà chứa đựng rất nhiều tâm huyết, công sức, tình cảm chân thành.
Đây sẽ là một chiếc bánh tuyệt vời thể hiện tình yêu thương dành cho người thân, bạn bè trong dịp đặc biệt này.
Các loại bánh trung thu hiện nay
Ngoài 2 loại đặc trưng là bánh nướng và bánh dẻo, hiện nay bánh trung thu được biến hoá thành rất nhiều phiên bản mang hương vị khác nhau, đáp ứng được nhu cầu và sở thích muốn thử những món ăn độc đáo, sự kết hợp mới lạ. Trên thị trường hiện đang rất ưa chuộng các loại bánh trung thu hiện đại như: bánh trung thu lava trứng chảy, bánh trung thu rau câu, bánh trung thu tiramisu, bánh trung thu chay (gồm các loại nhân được làm từ đậu xanh, hạt sen, khoai môn, sữa dừa, trà xanh, dứa), bánh trung thu gà quay jambon, bánh trung thu xá xíu…
Đặc biệt, loại bánh hot nhất trong mỗi dịp trung thu phải kể đến đó là bánh trung thu ngàn lớp.
Loại bánh trung thu này có nguồn gốc từ Nhật Bản và một số tỉnh Trung Quốc.
Vỏ bánh cầu kỳ có nhiều lớp vỏ mỏng xếp chồng lên nhau, được nướng chín trong lò với nhiệt độ vừa đủ cho ra độ giòn xốp thơm ngon lạ miệng.
Loại nhân đắt khách và luôn trong tình trạng cháy hàng là nhân trứng muối béo ngậy. Ngoài ra, bánh ngàn lớp còn có các vị như socola, matcha, caramel.
Hướng dẫn chi tiết cách làm bánh trung thu thơm ngon
Cách làm bánh trung thu nhân đậu xanh
Hướng dẫn làm nước đường đúng cách
Bạn có thể áp dụng cách nấu nước đường này cho nhiều loại bánh trung thu có nhân khác nhau:
Cho 1kg đường vàng vào 600ml nước lọc và khuấy đều đến khi đường tan hết rồi cho lên bếp đun sôi. Khi nước đường sôi, vớt hết bọt trên bề mặt hỗn hợp. Tiếp tục đổ nước cốt chanh (1 quả) vào đun thêm khoảng 30 phút.
Tiếp theo, cho thêm 30gr mạch nha và 1 muỗng cà phê nước tro tàu để tạo độ sánh và màu cho hỗn hợp nước đường.
Đun tiếp trong 20 phút, và hãy vớt bọt liên tục. Tắt bếp, để nguội rồi đổ vào 1 hũ thủy tinh, sau 3 ngày có thể dùng hỗn hợp nước đường để làm bánh.
Cách làm nhân bánh trung thu đậu xanh thơm ngon
Ngâm 300gr đậu xanh trong vòng 4 tiếng để đậu mềm, khi ngâm cho thêm 1/2 thìa cà phê muối.
Sau khi ngâm xong hãy chắt bỏ nước ngâm, cho đậu vào nồi với 1.3 lít nước, đun sôi từ 5-7 phút. Cho hỗn hợp đậu xanh vào máy xay sinh tố và tiến hành xay nhuyễn.
Cho hỗn hợp đã xay vào chảo, thêm khoảng 140gr đường, 100ml dầu dừa và sên với lửa nhỏ. Chú ý đảo đều tay đến khi nhân đậu xanh bánh trung thu sánh lại, cho thêm 1 thìa canh mạch nha rồi tiếp tục trộn đều.
Cho thêm 45gr bột nếp bánh dẻo, trộn đều để nhân bánh được mềm, không dính nhão. Cho nhân bánh ra tô lớn, bọc kín và để nhân bánh nghỉ trong thời gian làm vỏ bánh.
Làm vỏ bánh nướng nhân đậu xanh đơn giản
Cho 1 lòng đỏ trứng, 30ml dầu ăn, 160ml nước đường vào tô lớn.
Sau khi khuấy đều hỗn hợp, cho thêm 240gr bột mì và tiếp tục trộn đều.
Dùng tay nhào thật nhanh đến khi bột mịn, dẻo thì để bột nghỉ 30-45 phút trước khi bắt đầu làm bánh.
Tạo hình cho bánh trung thu nhân đậu xanh
Chia bột và nhân thành những viên nhỏ có đường kính khoảng 2-3cm theo tỷ lệ bột và nhân là 2:1.
Lấy 1 viên vỏ bánh cán mỏng rồi đặt viên nhân đậu vào giữa, vo tròn và gói kín lại.
Lăn qua một lớp bột để tránh bánh bị dính khi tạo hình. Cho bánh vào khuôn và ép chặt để đường nét hoa văn hiện rõ ràng, đẹp mắt.
Sau đó, đem đi nướng là bạn đã có một mẻ bánh trung thu nhân đậu xanh ngon bất bại.
Cách làm bánh trung thu thập cẩm
Cách tạo hình và làm vỏ bánh trung thu thập cẩm cũng sẽ giống của bánh trung thu đậu xanh, chỉ khác về phần nhân bánh. Bạn thực hiện sơ chế nhân bánh như sau:
Chuẩn bị phần nhân thập cẩm gồm các nguyên liệu: 50g hạt sen, 50g mứt bí, 50g hạt dưa 50g hạt điều, 50g vừng trắng rang, 40g lạp xưởng, 8-10 lá chanh, 100g bột bánh dẻo, 100ml nước đường.
Thái nhỏ các nguyên liệu nhân bánh, cho hạt sen, mứt bí, hạt dưa, hạt điều, lạp xưởng vào cối xay trước để các nguyên liệu kết dính vào nhau. Sau đó, bỏ các nguyên liệu còn lại ở phần nhân bánh (trừ lá chanh, bột bánh dẻo) vào tô rồi trộn đều. Để hỗn hợp nghỉ khoảng 1 tiếng trước khi làm bánh.
Về phần nước sốt của nhân gồm có: 50g mật ngô, 5ml hắc xì dầu, 20ml rượu mai quế lộ, 10ml dầu mè, 100ml nước đường, 1 thìa cà phê tinh dầu hoa bưởi cùng 50g nước lọc. Trộn hỗn hợp cho đến khi tan đều.
Cuối cùng, thái sợi lá chanh rồi cho vào phần nhân bánh đã trộn, từ từ thêm nước sốt vào. Sau đó, cho từng thìa bột bánh dẻo vào, vừa cho vừa trộn đều tay cho đến khi các nguyên liệu có thể vo thành viên tròn là được.
Cách làm bánh trung thu dẻo
Để tạo được một chiếc bánh trung thu dẻo mềm mịn đúng chuẩn, bạn cần chuẩn bị nguyên liệu vỏ bánh gồm: 80g nước đường bánh dẻo, 40g bột bánh dẻo, ¼ thìa dầu ăn, vài giọt tinh dầu hoa bưởi.
Các bước thực hiện:
Tiến hành cho lần lượt nước đường, dầu ăn, cùng tinh dầu hoa bưởi vào tô, khuấy đều hỗn hợp.
Tiếp tục đổ bột bánh dẻo vào và trộn đến khi thấy bột sệt lại.
Để bột ra mặt phẳng rộng, nhào khối bột đến khi cảm thấy bột đạt đến độ mịn dẻo, không còn lợn cợn là hoàn thành phần vỏ bánh dẻo.
Về phần nhân bánh và tạo hình cho bánh bạn có thể thực hiện tương tự như cách làm bánh trung thu đậu xanh.
Cách làm bánh trung thu nướng
Bánh trung thu nướng nhân sữa dừa là một trong những loại nhân bánh rất được lòng các tín đồ hảo ngọt. Bạn có thể thử cách làm phần nhân mới lạ này với công thức sau:
Chuẩn bị nguyên liệu nhân bánh gồm: 200gr dừa tươi nạo sợi, 100gr nước cốt dừa, 30gr bột bánh dẻo, 30gr vừng trắng rang, 90gr sữa đặc, 5ml vani.
Các bước thực hiện:
Đầu tiên, trộn dừa tươi nạo sợi với sữa đặc và điều chỉnh theo khẩu vị. Để hỗn hợp nghỉ khoảng 30 phút cho ngấm đều.
Sau đó, cho nước cốt dừa vào chảo đun đến khi thấy có hơi nước bốc lên thì đổ hỗn hợp vào, đảo đều tay và lưu ý vặn lửa vừa. Sên đến khi có độ sánh, sợi dừa se lại vừa đủ thì tắt bếp.
Cuối cùng, cho vừng và vani vào trộn đều là bạn đã hoàn thành xong phần nhân sữa dừa béo ngậy.
Phần vỏ bánh nướng nhân sữa dừa thực hiện tương tự như các loại bánh trên.
Cách làm bánh trung thu không cần lò nướng
Nếu như bạn quá quen thuộc với vị bánh dẻo truyền thống và không có nhiều thời gian để thực hiện món bánh nướng, hãy thử ngay cách làm bánh trung thu khoai lang tím không cần lò nướng nhanh gọn này nhé.
Về phần nhân bánh, có thể chọn đậu xanh hoặc sữa dừa như các công thức bên trên, tùy vào sở thích của bạn. Phần vỏ bánh cần chuẩn bị như sau:
Chọn 500g khoai tím, gọt vỏ, rửa sạch và để ráo nước. Cắt thành từng khoanh nhỏ để khi hấp nhanh chín hơn. Tiếp theo, cho phần khoai lang đã cắt nhỏ vào ngâm với nước muối khoảng 10 phút để khoai ra hết mủ.
Các bước thực hiện:
Cho 300ml nước vào nồi cơm điện rồi để khoai lang vào rây hấp khoảng 10 phút cho chín mềm. Khi khoai đã chín, vớt ra tô và thêm vào 40g đường rồi nghiền cho khoai nhuyễn mịn.
Cho khoai vào chảo sên với lửa nhỏ trong khoảng 5 phút để khoai khô lại, giúp vỏ bánh được ngon hơn. Khoai sau khi sên xong để nguội, rây nghiền thêm lần nữa để khoai được mịn hơn.
Phần vỏ bánh đã xong, chỉ cần thực hiện tạo hình cùng phần nhân là bạn có ngay thành phẩm bánh trung thu khoai lang tím bắt mắt.
Cách làm bánh trung thu bằng nồi chiên không dầu
Đối với cách làm bánh trung thu bằng nồi chiên không dầu, bạn cần làm nóng nồi ở nhiệt độ 150°C trong khoảng 10 phút. Sau đó, xếp bánh vào nồi và phun sương một lớp nước mỏng lên bề mặt để giữ ẩm cho bánh. Thực hiện nướng trong 5 phút ở mức nhiệt 150°C. Khi nồi báo hoàn thành, để ra ngoài cho bánh nguội hẳn.
Tiếp theo, chuẩn bị hỗn hợp sữa và lòng đỏ trứng để quét lên bánh (gồm 4 muỗng cà phê sữa và 1 lòng đỏ trứng). Quét một lớp mỏng hỗn hợp này lên khắp bề mặt bánh và nướng lần 2, giữ nguyên mức nhiệt và thời gian như lần 1. Sau khi hoàn thành nướng bánh lần 2, để bánh nguội, lật mặt bánh và nướng lần 3 với nhiệt độ 150°C trong 5 phút.
Vậy là bạn cũng có thể tự tay làm những chiếc bánh trung thu siêu ngon chỉ với một chiếc nồi chiên không dầu tiện lợi, nhanh gọn.
Lưu ý khi làm bánh trung thu
Thông thường, bánh trung thu tự làm tại nhà chỉ để được từ 5 đến 7 ngày. Vì thế, bạn nên căn chỉnh số lượng vừa đủ, không bị dư hỏng tránh lãng phí. Tuy có hạn sử dụng ngắn nhưng khi tự làm ra một mẻ bánh thơm ngon, bạn sẽ cảm thấy yên tâm hơn vì không chứa chất bảo quản.
Nhiệt độ và thời gian nướng bánh chuẩn nhất: trước khi nướng bánh, hãy làm nóng lò ở nhiệt độ từ 165-175°C trong 15 phút. Đối với hỗn hợp phết bề mặt bánh nên pha 1 ít nước cùng lòng đỏ trứng gà và dầu ăn. Sau mỗi lần nướng, đem bánh ra khỏi lò, xịt nước thật mỏng để làm ẩm mặt bánh, để nguội rồi mới thực hiện phết trứng từ 2-3 lần. Bạn nên thao tác nhẹ nhàng và phết mỏng để bánh không bị nứt. Thời gian thích hợp để phết trứng là:
Lần 1: Nướng từ 5-8 phút với nhiệt độ 180-190°C.
Lần 2: Tiếp tục nướng từ 5-7 phút với 190-200°C.
Lần 3: Nướng bánh ở khoảng 160-180°C đến khi bánh chín.
Để bánh không bị dính vào khuôn, hãy quét 1 lớp dầu ăn quanh thành khuôn trước khi tạo hình bánh có độ chống dính tốt.
Với những cách làm bánh trung thu từ truyền thống đến hiện đại, Cleanipedia hy vọng đã mang lại những công thức tuyệt vời nhất để bạn có thể tự tay tạo nên những chiếc bánh thơm ngon, ngập tràn tình yêu thương dành cho người thân vào dịp trung thu này. Chúc bạn và gia đình có một Tết đoàn viên ấm áp.
Tác giả: Team Cleanipedia
Bản quyền thuộc về: Unilever Vietnam. Ghi rõ nguồn khi tham khảo.