Hướng Dẫn Cách Trồng Lan A-Z Cho Người Mới Bắt Đầu
Hoa lan là loài hoa được rất nhiều người yêu thích bởi vẻ đẹp và sự đa dạng về các giống hoa. Tuy nhiên, để trồng và chăm sóc hoa lan thì không hề đơn giản. Hãy cùng lanhodiep.vn tìm hiểu về cách trồng lan thông qua bài viết này nhé!
Nội Dung Chính
Giới thiệu
Hoa lan là một loại hoa nhiệt đới, thường sống bám vào các cây cổ thụ. Có vô vàn các giống lan trên thế giới, mỗi loại đều mang một vẻ đẹp, màu sắc riêng biệt. Chính vì vậy, rất nhiều khách hàng có sở thích sưu tầm và tìm hiểu về cách trồng lan khác nhau.
Để có được một chậu lan xanh tốt, nặng trĩu hoa thì cách trồng và chăm sóc cho hoa lan là điều vô cùng quan trọng. Người trồng cần có những hiểu biết và kiến thức nhất định về hoa, đặc biệt là với người mới bắt đầu.
Hướng dẫn chuẩn bị trồng lan
Để có thể trồng và chăm sóc hoa đúng cách, khâu chuẩn bị là rất quan trọng. Từ việc chọn giống hoa, chọn đất trồng cho đến các loại giá thể, chậu cần đều cần được quan tâm để đảm bảo mang lại kết quả tốt nhất.
Chọn giống
Trong tự nhiên, hoa lan có hơn 30.000 loài khác nhau và cho đến nay có hơn 200.000 giống lai tạo. Điều này khiến hoa lan trở thành một trong những họ thực vật lớn hàng đầu thế giới. Chúng có khả năng phát triển cả ở trong nhà cũng như ngoài trời, tuy nhiên cũng có những loại rất khó để trồng thành công.
Những người trồng lan lâu năm cho biết, người mới bắt đầu trồng lan nên lựa chọn các giống lan như Phalaenopsis, Cattleya, Paphiopedilum, Dendrobium,… Đây là các giống lan được chuyên gia đánh giá là dễ trồng, hoa khỏe, đẹp và năng suất cao.
Mỗi loại lan đều có một yêu cầu môi trường sống khác biệt về nhiệt độ, độ ẩm hay ánh sáng. Việc lựa chọn những giống dễ chăm sóc, nhanh ra hoa sẽ khiến người mới thấy có động lực hơn. Bên cạnh đó, cũng không nên chọn các giống lan quá đắt tiền để tránh không chăm sóc được, cây chết sẽ rất lãng phí.
Để hiểu rõ hơn về các giống lan, bạn nên tìm đến các nhà vườn mua giống và hỏi về các phương pháp trồng lan cụ thể. Ngoài ra, cũng cần lựa chọn giống hoa phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu nơi bạn đang sinh sống để có thể dễ dàng chăm sóc hơn.
Chọn đất phù hợp với giống
Một số người trồng lan lần đầu thường mắc sai lầm là sử dụng đất để trồng lan như những loại hoa bình thường khác. Điều này vô tình làm chết những cây lan một cách nhanh chóng.
Điểm khác biệt của hoa lan so với các loài hoa thông thường là rễ của hoa lan cần nhiều không khí hơn. Do đó cần phải đảm bảo rằng rễ của chúng cần có chỗ để neo và đồng thời có độ ẩm xốp nhất định khi trồng.
Chính vì vậy, để trồng được hoa lan, người ta dùng đến các loại giá thể. Nhiều người làm giá thể bằng cách sử dụng vỏ dừa, vỏ thông, dớn, than,…tùy theo giống hoa họ trồng.
Chuẩn bị giá thể
Một trong những yếu tố hàng đầu quyết định đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lan chính là giá thể. Giá thể trồng lan ngày càng đa dạng về chủng loại cũng như hình thức. Để lan có môi trường phát triển tốt nhất, bạn có thể tham khảo một số giá thể như:
- Than củi:
Than là loại giá thể phổ biến, rẻ tiền nhưng lại rất được yêu thích vì không có mầm bệnh. Tuy nhiên than giữ ẩm không quá tốt nên sẽ phù hợp với các giống lan ít ưa ẩm.
- Xơ dừa:
Đây là loại giá thể thường xuyên được sử dụng vì giá rẻ và dễ tìm. Ưu điểm của chúng là giữ ẩm tốt, phù hợp với các loại lan đa thân nhưng lại dễ mục, dễ mọc rêu. Trước khi dùng nên xử lý qua với nước vôi hoặc NaOH, sau một thời gian trồng thì tiến hành rửa mặn để cây phát triển tốt hơn.
- Dớn:
Dớn là dạng sợi của thân, rễ cây dương xỉ, mọc nhiều ở các vùng đồi núi. Ngoài ra, dớn còn có khả năng hút ẩm, giữ ẩm, song lại không dễ mọc rêu như xơ dừa. Nhược điểm của chúng là độ thông thoáng kém, dễ ngập úng và mục nát.
- Vỏ thông:
Giá thể được làm từ vỏ thông thường có tính thẩm mỹ rất cao, giữ nước và độ ẩm cực tốt. Tuy nhiên, chúng lại khó có thể hấp thụ được dưỡng chất trong phân bón như các giá thể khác.
- Gỗ:
Với các loại lan có rễ đẹp và ưa thoáng thì rất phù hợp để ghép gỗ. Gỗ lâu mục, khá bền và tránh làm cây bị nhiễm nấm.
-
Mỗi loại giá thể đều có ưu nhược điểm khác nhau. Bạn có thể sử dụng riêng hoặc kết hợp với nhau để tạo ra giá thể phù hợp cho cây lan của mình. Một cách được nhiều người sử dụng và hợp với phần lớn các loại lan đó là dùng 4 phần vỏ dừa (dạng hạt), 1 phần than và một phần đá trân châu kết hợp với nhau.
Chọn chậu
Chậu trồng lan thường là loại chậu đất nung có nhiều lỗ thoát nước. Bạn nên lưu ý khi chọn chậu bởi nhiều loại lan ưa bó rễ sẽ thích hợp trồng trong chậu nhỏ. Một số loại có rễ dài thì cần chọn chậu dài hơn.
Hiện nay, các loại chậu trồng lan cũng đa dạng hơn như chậu lưới có lưới thép tạo nên môi trường thoáng khí. Chậu nhựa giúp đón ánh nắng vào rễ tốt hơn. Bên cạnh đó các loại chậu làm bằng gỗ chống mục sẽ giúp thời gian sử dụng được lâu hơn.
-
Chậu lưới có phần lưới bằng thép giúp tạo môi trường thoáng khí cho lan. Bạn có thể treo ở các vị trí thuận lợi để đón ánh sáng mặt trời tốt hơn.
-
Chậu nhựa thông thoáng, đón nắng vào rễ tốt và giúp người trồng kiểm tra hệ thống rễ mà không làm ảnh hưởng đến cây lan.
-
Chậu gỗ được làm bằng gỗ chống mục nát cũng là sự lựa chọn tốt để trồng lan. Hiện nay có rất nhiều loại chậu gỗ có kiểu dáng đẹp, thông thoáng giúp tăng hiệu quả trồng lan và tăng tính thẩm mỹ.
Chuyển chậu
Nếu bạn dùng lan cấy mô thì khi cây mô được khoảng 4cm sẽ cần chuyển cây ra ngoài. Sau khi trồng trên giàn được 6 – 7 tháng thì tiến hành chuyển sang chậu nhỏ.
Việc thay chậu cho lan không quá khó khăn nhưng đòi hỏi kỹ thuật nhất định và thực hiện theo các bước:
-
Chuẩn bị dụng cụ cắt tỉa như dao, kéo, đảm bảo khử trùng đầy đủ.
-
Kéo lan ra khỏi chậu một cách nhẹ nhàng, tránh làm gãy lá. Loại bỏ hết các giá thể cũ còn vướng trong rễ.
-
Dùng dao, kéo cắt bỏ các phần rễ chết, phần sậm màu, úng nước, giữ lại phần khỏe mạnh là phần có màu trắng hoặc nâu nhạt.
-
Cho lan sang chậu mới, chia rễ thành nhiều phần, phần phát triển nhất để về phía đáy chậu, phần rễ con để ở cạnh chậu sau đó thêm vừa đủ giá thể che đi bộ rễ.
Khi nào nên thay chậu?
Việc thay chậu được thực hiện khi lan đã lớn hơn và không còn đủ chỗ cho nhánh lan mới phát triển. Ngoài ra, khi giá thể bên trong không còn cấp đủ dưỡng chất cho cây hoặc khi rễ bị ẩm ướt lâu ngày, úng thối thì cũng là lúc cần tiến hành thay chậu.
Thông thường, đối với cây lan phát triển tốt, ra hoa đều đặn, bạn có thể thay chậu từ 1 – 2 năm 1 lần vào chậu lớn hơn để lan có thêm không gian sống. Thời điểm thay chậu phù hợp nhất là sau khi kết thúc đợt nở hoa.
Không nên thay chậu quá thường xuyên để tránh làm ảnh hưởng đến chu kỳ sinh trưởng của cây. Đối với trường hợp lan có dấu hiệu bất thường thì cần kiểm tra và tiến hành thay chậu kịp thời để tránh các loại bệnh hay tình trạng lan bị thối rễ và lan ra thân.
Chăm sóc hoa lan
Để chăm sóc hoa lan được hiệu quả nhất, cần đảm bảo được các điều kiện thuận lợi để cây có thể sinh trưởng và phát triển. Một số điều kiện mà người trồng cần lưu ý có thể kể đến như:
Nhiệt độ
Hoa lan được chia thành nhiều loại đa dạng tùy thuộc vào từng khu vực địa lý. Ngoài ra mỗi loại đều sẽ có đặc điểm sinh trưởng khác nhau.
Nhiệt độ ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như khả năng ra hoa của lan. Nhiệt độ thấp sẽ làm nước kết tinh thành đá, phá vỡ cấu trúc tế bào của cây. Ngược lại, nhiệt độ cao thì cây dễ mất nước, sự quang hợp ngừng lại và khiến cây chết đi.
Nếu môi trường sống có nhiệt độ dưới 5 độ C hoặc trên 35 độ, lan sẽ chậm phát triển hoặc không phát triển. Nhiệt độ tốt nhất để chăm sóc hoa lan vào ban ngày dao động trong khoảng từ 18 – 24 độ C. Ban đêm, nhiệt độ giảm sẽ thúc đẩy việc tạo ra các chồi mới, đặc biệt là trong mùa thu và mùa đông.
Ánh sáng
Ánh sáng có vai trò rất quan trọng trong việc chăm sóc hoa. Nếu lan nhận được lượng ánh sáng không phù hợp, chúng sẽ có những biểu hiện cụ thể. Để biết chi tiết, bạn cần kiểm tra cây của mình:
-
Nếu lá dài, có màu xanh đậm, thì có nghĩa lan không được nhận đủ ánh sáng.
-
Nếu lá có màu vàng, nâu và dễ rụng tức là chúng đang nhận nhiều ánh sáng hơn so với nhu cầu.
Với những loài lan ưa sáng như Cattleya, Dendrobium hay Vanda, người trồng nên bố trí đặt chậu cây theo hướng Tây – Nam. Những loài như Paphiopedilum, Phalaenopsis và Oncidium thì nên để theo hướng Đông – Bắc. Còn một số loại thích ánh sáng gián tiếp thì cần đặt sau rèm cửa sổ để chúng được đón nhận ánh sáng tốt nhất.
Tưới nước
Nước tưới cho hoa lan có pH dao động từ 5 – 6 là phù hợp. Việc tưới nước nên vừa phải, không nên tưới quá nhiều gây thừa nước và sẽ dẫn đến tình trạng thối đọt. Ngược lại tưới ít nước cây sẽ bị héo, rụng lá, không thể phát triển.
Thời điểm thích hợp để tưới nước cho lan là vào sáng sớm hoặc chiều mát. Tuyệt đối không tưới nước vào buổi trưa và khi trời đang nắng gắt.
Cần lưu ý sau những trận mưa bất thường, đặc biệt là mưa đầu mùa, cần tiến hành tưới lại ngay để rửa bớt các chất cặn đọng trên thân và lá.
Phân bón
Hoa lan cần nhiều chất dinh dưỡng để cây tươi tốt và ra nhiều hoa. Do đó việc bón phân là rất cần thiết. Hoa lan cần 13 chất dinh dưỡng thuộc các nhóm đa lượng, trung lượng và vi lượng:
-
Nhóm dinh dưỡng đa lượng gồm: đạm (N), lân (P) và kali (K)
-
Nhóm dinh dưỡng trung lượng gồm: lưu huỳnh (S), magie (Mg), canxi (Ca)
-
Nhóm dinh dưỡng vi lượng gồm: sắt (Fe), kẽm (Zn), đồng (Cu), mangan (Mn), bo (B), molyden (Mo), clo (Cl)
Mặc dù hoa lan rất cần các chất dinh dưỡng để nở hoa tuy nhiên không nên sử dụng phân bón có nồng độ cao mà cần pha loãng. Bạn nên bón phân cho hoa lan mỗi tuần một lần với hỗn hợp phân bón 20 – 10 – 20. Ngoài ra mỗi tháng cũng nên tưới nước lại để rửa sạch lượng phân tích tụ.
Độ ẩm
Lan rất ưa độ ẩm tự nhiên, vì vậy nên duy trì độ ẩm ở mức 50 – 75%. Để đảm bảo độ ẩm, cần lưu ý 3 vấn đề:
- Độ ẩm của vùng
: Đây là độ ẩm do điều kiện địa lý quyết định. Ví dụ, vùng có nhiều sông suối sẽ có độ ẩm cao hơn các vùng đồi trọc
- Độ ẩm của vườn
: Là độ ẩm của vườn trồng lan, có thể tăng cường độ ẩm theo ý muốn như xây bể, trồng thêm cây, làm giàn che,…
- Độ ẩm trong chậu lan
: Độ ẩm của chậu trồng do kỹ thuật của người trồng lan quyết định bao gồm cấu tạo giá thể, chế độ tưới nước.
Nếu độ ẩm của vùng cao thì độ ẩm của vườn và của chậu lan cũng sẽ cao. Điều này giúp căn chỉnh độ ẩm sao cho phù hợp với quá trình phát triển của cây. Đối với vùng có độ ẩm thấp, có thể sử dụng giá thể bằng xơ dừa hoặc tưới thêm nước để tăng độ ẩm cho chậu. Tuy nhiên cần lưu ý nếu chậu giữ quá nhiều nước sẽ gây úng, hỏng rễ của lan.
Xem thêm >>> Hướng Dẫn 7 Cách Chăm Sóc Lan Hồ Điệp Phát Triển Tốt, Ra Hoa Đẹp
Cách nhân giống hoa lan
Có nhiều cách khác nhau để có thể nhân giống hoa lan, bạn có thể tham khảo một số phương pháp sau:
Phân chia
Phương pháp này thường áp dụng cho các giống lan đa thân. Sau một thời gian dài chăm sóc, lan phát triển thành nhiều cành, thân và rễ mọc đan xen nhau. Tiếp đó bạn tiến hành phân chia, tách cành sang chậu mới để nhân giống và để lan có đủ không gian phát triển.
Để phân chia, bạn lấy lan ra khỏi chậu, loại bỏ hết giá thể và các phần rễ bị khô hoặc chết, giữ lại rễ tốt. Mỗi phần tách để khoảng 2 – 3 thân, vệ sinh sạch sẽ, bôi vôi để hạn chế nấm, vi khuẩn, sau đó trồng trong giá thể và chậu mới là được.
Tách cây con
Một số giống hoa nếu muốn nhân giống có thể tách những cây con mọc ở quanh gốc. Để tiến hành tách cây, bạn lấy lan ra khỏi chậu, dùng dao hoặc kéo đã khử trùng tách những cây con ở gốc ra rồi chuyển sang chậu mới. Giá thể nên dùng là than củi, xơ dừa, mủi gỗ,…
Cây non vừa tách nên đặt ở nơi có độ ẩm cao, râm mát. Bên cạnh đó bạn cũng nên tưới nước và bón phân để cây nhanh mọc rễ và cây phát triển tốt hơn.
Giâm cành
Đối với các giống hoa ít mọc cây con ở gốc, phương pháp giâm cành sẽ giúp nhân giống hoa hiệu quả hơn. Thời điểm thích hợp để thực hiện là vào mùa hè hoặc khi hoa đã tàn.
Để việc giâm cành được tốt nhất, người trồng nên chọn những phần thân lan khỏe mạnh, sau đó cắt 2 – 3 mầm ngủ đặt trong bổi rêu và khay nhựa dưới ánh đèn trồng cây với nhiệt độ từ 23 – 26 độ. Giữ ẩm cho các mầm non đến khi ra lá và rễ thì đặt trong giá thể để tiếp tục nuôi dưỡng.
Trồng củ
Các giống hoa như Cymbidium, Oncidium, Encyclia thường có củ già mọc thành cây. Sau một thời gian chăm sóc chúng sẽ phát triển thành nhiều cành, chồi non khiến diện tích trong chậu không còn đủ. Khi tách củ khỏi chậu, không nên bỏ đi mà cần giữ lại để nhân giống bởi củ già sẽ phát triển thành cây non.
Cách thực hiện tương tự như tách cây con, loại bỏ hết các phần rễ chết, lá già. Sau đó lấy phần củ ra khỏi chậu để vào nơi râm mát hoặc đặt vào rêu rừng được ngâm nước. Sau vài tháng, củ mọc chồi non và rễ dài 4 – 5cm thì chuẩn bị giá thể mới để trồng. Di chuyển chậu ra chỗ có ánh sáng, tưới nước đủ và chăm sóc cẩn thận.
Gieo hạt
Hạt của hoa lan có kích thước nhỏ, kỹ thuật gieo hạt, ươm giống cũng rất phức tạp. Phương pháp này thường chỉ được thực hiện trong các phòng thí nghiệm để theo dõi, chăm sóc cẩn thận nhất.
Hạt được lấy từ các quả xanh hoặc quả chín tùy vào từng giống lan, được gieo và đặt vào bình cấy trong môi trường thông thoáng, có ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm thích hợp nhất. Hạt nảy mầm, xuất hiện lá sẽ được cấy chuyển sang giai đoạn 2, sau 6 – 8 tháng phát triển thành cây con sẽ được mang ra ngoài trồng.
Phòng trị bệnh cho hoa lan
Khi lan xuất hiện đốm nâu, đen, lá vàng và dễ rụng thì đây là dấu hiệu của lan bị bệnh. Một số bệnh thường gặp trên hoa lan và cách chữa trị:
Bệnh đốm lá
Bệnh đốm lá xuất hiện do nấm Colletrotrichum gloesporiodes gây ra. Khi gặp tình trạng này, trên lá sẽ xuất hiện các đốm vàng sau đó chuyển sang màu nâu rồi lan rộng ra.
Do đó bạn cần phát hiện kịp thời và cắt bỏ phần bị bệnh để tránh lây rộng ra. Sau đó dùng thuốc Topsin, Kitazin, Thiram để xịt hoặc dùng 15 – 20g zineb hòa trong 10l nước phun mỗi tuần 1 lần.
Bệnh thối đọt
Nguyên nhân gây bệnh thối đọt là do nấm Phytophtora palmivora gây ra. Ban đầu ở gốc và lá sẽ có màu nâu sau đó chuyển thành đen khiến cho lá dễ bị rụng và chết cả cây. Để phòng bệnh, cần chú ý để nước mưa không đọng ở các nõn lá, giữ cho vườn luôn thông thoáng nhất là vào mùa mưa.
Đặc biệt, cần quan sát và theo dõi kịp thời để phun thuốc phòng trị bệnh. Khi có dấu hiệu, có thể sử dụng thuốc như Daconil, Sosim, Kasumin,…để ngăn ngừa bệnh lây lan.
Bệnh thán thư
Bệnh này thường xuất hiện các vết tròn màu nâu vàng hơi lõm xuống do nấm Colletotrichicm gloeosrioides gây ra. Bệnh làm cho lá khô từ chóp cho đến cuống và từ từ rụng đi.
Nguồn bệnh có thể tồn tại trong đất, trong nguyên liệu trồng lan, xâm nhập vào cây qua vết thương cơ giới hoặc trực tiếp qua biểu bì. Bệnh thường phát sinh từ tháng 3 đến tháng 10 và nhiều nhất vào khoảng tháng 4 đến tháng 6
Khi phát hiện, cần tách riêng chậu bị bệnh ra, treo ở nơi thoáng mát, tránh mưa. Dùng các loại thuốc trị nấm để phòng trị bệnh như: Polioxin, sosim, anvil,…
Bệnh thối rễ và gốc
Bệnh thối rễ thường phát triển khi gặp điều kiện nhiệt độ và độ ẩm cao, đặc biệt là khi thời tiết mưa nhiều. Hoặc có thể gặp khi cây bị dập trong quá trình vận chuyển, vết dập nát chưa lành lại bị dính nước khiến bệnh phát triển nhanh.
Bệnh bắt đầu lan từ đỉnh rễ rồi vào đến thân khiến rễ mềm nhũn, lá vàng. Do lan trồng trong chậu, rễ bị che lấp nên bệnh thường khó phát hiện. Nếu thấy cây chậm phát triển, lá úa vàng thì cần nhấc cây ra để kiểm tra ngay.
Kinh nghiệm chơi lan cho bạn
Nếu là người mới bắt đầu chơi lan, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Không nên mua lan quá đắt tiền để tránh việc không chăm sóc được, cây chết gây lãng phí
- Chỉ mua lan khi đã thấy hoa, không nên quá tin vào những lời quảng cáo của người bán
- Không nên lạm dụng việc tưới nước cũng như bón phân quá nhiều
- Nên tìm hiểu kỹ về các bệnh lý thường gặp, nguyên nhân và cách xử lý kịp thời
- Không nên nóng vội, cần thật sự kiên nhẫn mới có thể đạt thành quả tốt nhất
Kết luận
Trồng lan đòi hỏi sự chăm sóc kỹ càng cũng những hiểu biết nhất định. Hy vọng những thông tin trên của lanhodiep.vn sẽ phần nào giúp cho bạn nắm bắt được rõ cách trồng lan cũng như chăm sóc lan thuận lợi và suôn sẻ hơn.
5/5 – (1 bình chọn)