Huấn luyện nhân bản trong đời tu, phẩm hay lượng?

[…] linh mục, tu sĩ phải để cho người khác nhận ra khuôn mặt của Đức Kitô hiền lành, khiêm tốn, bao dung, quảng đại, dấn thân cách vô vị lợi cho những giá trị nhân sinh, đồng thời giúp con người thời đại cảm nghiệm tình yêu của Đấng siêu việt mở ra trong cuộc đời mình. (Nữ tu Mary Nguyễn Hòa, Dòng Mến Thánh Giá Quy Nhơn)

Nhân loại đang tiến bước trong kỷ nguyên mới, thời đại toàn cầu hóa và văn minh trí tuệ với đỉnh cao vượt bậc của thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, y khoa và nhiều lĩnh vực khác v.v… đã làm cho cuộc sống con người được nâng cao. Một thế giới đổi thay đa diện, đa chiều, siêu tốc độ hội tụ tất cả như một bức tranh muôn màu sắc và đa dạng. Nhưng đáng tiếc thay, các giá trị đạo đức đang bị xói mòn bởi chủ nghĩa thực dụng, duy vật chất. Chính vì chạy theo lối sống hưởng thụ, cho hợp thời, đúng mode, sành điệu mà bỏ qua giá trị tinh thần, phẩm chất đạo đức vốn là nền tảng cốt yếu cho con người. Những biến động của thời cuộc cùng với nhu cầu cuộc sống đã đẩy con người tìm mục đích và giá trị sống trong số lượng, con số thống kê, tỉ lệ, chỉ tiêu, thành tích. Trong nhịp sống hối hả ấy, đôi khi chúng ta cần dừng lại đôi chút để nhìn lại, ngắm nhìn dòng chảy của cuộc sống, lắng nghe nhịp chảy của con tim mình, dừng lại để không hời hợt, dừng lại để nhận rõ điều gì chỉ là thoáng qua, điều gì mới thực sự là cốt lõi. Đời tu, một đời sống thánh thiêng và Thánh hiến, đời sống chứng nhân trong mọi môi trường và thời đại, hơn bao giờ hết ý thức và tự đào luyện bản thân đặc biệt những giá trị nhân bản, phẩm chất đạo đức là việc làm thiết thực và cấp thiết. Thiết tưởng đây không phải là vấn đề chỉ dành riêng cho các nhà huấn luyện nhưng là thách đố cho mỗi chúng ta, nhất là những người được xã hội xếp vào hạng “ kẻ sĩ” [1]. Chút suy tư cá nhân, giới hạn của người viết chỉ là vài nét chấm phá của tiến trình trưởng thành toàn diện con người.

Phẩm – lượng nhìn từ thực trạng xã hội

Thật không thể phủ nhận rằng từ khi đất nước mở cửa, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế Giới (WTO) đã mở ra nhiều vận hội và cơ may mới. Việc gia nhập sân chơi lớn của thế giới giúp người dân mở rộng tầm nhìn, tầm hiểu biết về thế giới, về chính mình. Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu sang các nước về các mặt hàng như dầu thô, hàng may mặc, giày da, thủy sản, lâm sản, nông sản( gạo, cà phê, cao su, hạt điều…) và nhiều mặt hàng gia công khác đã đưa nền kinh tế Việt Nam đóng góp vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã nói: “Song song với việc mở toang cánh cửa sổ để đón nhận luồng gió mới thì những “bụi bặm” và “cơn gió độc” của trần thế cũng thừa cơ len lỏi vào nhà mình”. Thử nhìn lại thực trạng của xã hội chúng ta, liệu trong khi chăm lo phát triển đời sống “cơm, áo, gạo, tiền”, chúng ta có chú ý để trao dồi và phát huy những phẩm chất đạo đức tốt đẹp và quý báu nữa không? Hãy cùng trở về trong những môi trường cụ thể của xã hội.

Một người muốn chọn dấn thân trong lĩnh vực y học, dĩ nhiên họ sẽ phải đi học trong trường dạy về y khoa. Trong môi trường đó, sẽ được học hỏi và tìm hiểu bệnh lý, chuẩn đoán và các phương pháp điều trị…Tuy nhiên, ở đó sẽ còn học một vấn đề hết sức quan trọng trở thành căn bản của các lương y, là phẩm chất đạo đức của người thầy thuốc hay còn được gọi là Y đức. Y đức được nhắc ở đây không phải cách học được những phương pháp điều trị, bào chế ra các dược phẩm, hay nghiên cứu phương dược, phẫu thuật bao nhiêu ca thành công. Nếu có học hành tinh thông y thuật hoặc cho dù là nổi tiếng khắp thế giới đi nữa mà nói năng, hành xử với bệnh nhân như những người kém văn minh, vô giáo dục cũng như thái độ phục vụ bệnh nhân tựa như những kẻ ban ơn, lạm dụng nghề nghiệp làm khổ bệnh nhân thì còn nói gì xứng đáng với tư tưởng cao cả “Lương y như từ mẫu”. Cũng vậy , chính sách giáo dục của các quốc gia phần nhiều chú trọng vào việc nâng cao kiến thức khoa học, chủ yếu đào tạo ra những nhân tài về khoa học kỹ thuật, những nhà toán học tài ba, nhà hoạch định kinh tế giỏi cấp vĩ mô, bác sỹ, kỹ sư v.v… điều này rất tốt, chúng ta không phủ nhận những đóng góp tích cực của họ vào việc xây dựng và phát triển nước nhà. Tuy nhiên, điều cần nói ở đây là cái “tài” kia không đi đi kèm với cái “đức” thì là tai họa hoặc chú trọng cái vẻ vang bên ngoài mà không quan tâm đến phẩm chất đạo đức bên trong thì cũng vô nghĩa. Gần đây, những thông tin từ bài báo: “Nền giáo dục thành tích làm vấn đề đạo đức xã hội trầm trọng hơn”[2] đã được dư luận quan tâm. Đó là bài báo ghi lại lời phát biểu của 2 đại biểu quốc hội Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) và Huỳnh Văn Tí (Bình Thuận). Bài báo bày tỏ sự bức xúc về tình trạng giảm sút của Giáo dục và đào tạo nước nhà trong việc chạy theo thành tích để phấn đấu đạt được chỉ tiêu này, chỉ tiêu nọ. Ý kiến của đại biểu Ngô Thị Minh đặt câu hỏi hoài nghi:

“Phải chăng Chính phủ mong muốn ngành giáo dục phấn đấu để đạt 200 sinh viên/ 1 vạn dân vào năm 2010?” Nếu không chạy theo thành tích thì làm sao chỉ trong thời gian 11 năm từ 1998 đến 2009 đã có 304 trường ĐH- CĐ được thành lập và năm học 2008 – 2009 tổng quy mô đào tạo ĐH, CĐ là 1.719.499 sinh viên, tăng gấp 13 lần so với năm 1987? Và nếu không chạy theo thành tích thì làm sao tỉ lệ sinh viên/ số dân (1 vạn dân) năm 1987 mới có 87, năm 2009 đã lên 197, gấp 2,44” (Số liệu lấy theo báo Nhân Dân số ra ngày 13/6/2010).

Quả là những con số đáng kinh ngạc. Nguy hiểm nữa là nạn đào tạo tràn lan, số lượng trường không đi với chất lượng đào tạo. Nhiều cơ sở đào tạo không theo tiêu chuẩn nào, trường không ra trường, lớp không ra lớp…Đáng lưu ý hơn đây là “hình thức kinh doanh siêu lợi nhuận”, giáo dục chạy theo bằng cấp (học giả bằng thật), gian dối trong thi cử, chạy trường, chạy điểm đó đây vẫn nhan nhản diễn ra trong xã hội như những vết thương nhức nhối, đau đớn, đồng tiền như tiêu chuẩn để có thể mua được chất xám. Hình thức giáo dục đặt nặng trên chỉ tiêu, tỉ lệ với lượng kiến thức khổng lồ nhưng bài học về lễ phép, cám ơn, xin lỗi không biết đề cập được bao nhiêu, thiếu sót giáo dục về lòng nhân từ, yêu thương, tha thứ, đặc biệt gần đây bạo lực học đường là vấn nạn lớn gây bức xúc và hoang mang tâm lý cho phụ huynh, thầy cô và học sinh. Đó cũng là một hồi chuông gióng lên cảnh tỉnh về sự suy đồi của một một số người giới trẻ Việt Nam.

… Đến thực tế trong cộng đoàn tu trì

Xã hội Việt Nam tranh tối tranh sáng vàng thau lẫn lộn như thế, không ít thì nhiều đời tu cũng chịu sự ảnh hưởng bởi thế sự. Trong viễn tượng ấy, nhìn lại đời tu hiện nay ở Việt Nam, chúng ta chân nhận rằng đời tu cũng có những khởi sắc làm người ta phấn khởi sau những năm tháng khó khăn vì thời cuộc. Các cơ sở vật chất dành cho đào tạo ơn gọi: Đại Chủng Viện, các Hội Dòng nam cũng như nữ đã được trùng tu hay mở mang xây cất nhiều, việc được tự do gia nhập chủng viện hay Hội Dòng cũng được thông thoáng, dễ dàng hơn. Nhiều người lạc quan và phấn khởi với số lượng ơn gọi hiện tại phát triển mạnh mẽ và sống động, thậm chí có thể chiêu mộ ơn gọi cho các Dòng ở ngoại quốc. Tóm lại đó là những lý do để chúng ta vui mừng nhưng cũng không ít những băn khoăn, băn khoăn vì lối sống thực dụng, cá nhân chủ nghĩa đang ít nhiều chi phối suy nghĩ, nếp sống, hành động của tu sĩ khiến cho đời tu bị biến chất; băn khoăn vì sau thời gian khó khăn, sự thiếu hụt về ơn gọi trầm trọng, nay chính là cơ hội thu nhận ơn gọi cách ồ ạt. Dường như ở một số nơi khuynh hướng phát triển ơn gọi về số lượng hơn là chất lượng, bao nhiêu cũng nhận. Trong bài viết “Đừng vội vui mừng vì có nhiều ơn gọi” của Lm. Nguyễn Hồng Giáo đã nhận định: “Nghe nói có đơn vị vỏn vẹn chỉ có vài ba người mà nhận vào hàng loạt, thậm chí cá biệt có đơn vị thâu nhận cả trăm ứng viên “người lớn”… Phẩm chất tu sĩ không thể được sản xuất ra theo kế hoạch, hay theo sêri …”[3]. Thật vậy, các linh mục và tu sĩ là những người được mời gọi sống đời tu trì để hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa và phục vụ tha nhân, không phải là những sản phẩm sản xuất hàng loạt nhưng là những người được Thiên Chúa mời gọi trở thành chứng nhân loan truyền Tin Mừng của Đấng Phục Sinh, trở nên “muối cho đời”.

Ngày nay, nhiều người đã cảm thấy thất vọng vì cách sống thiếu trưởng thành nhân bản của một số linh mục, tu sĩ khiến đời tu mất đi tính khả tín đối với con người thời đại và những người đang bắt đầu vào hành trình dâng hiến. Có người nhận xét: “Người trẻ ngày nay có cái đầu to, mà trái tim thì bé”. Người ta phân tích và cho rằng, người trẻ có thể làm việc riêng một mình suốt nhiều giờ trên máy vi tính được nhưng lại không có khả năng lắng nghe tiếng lòng của người khác dù là nửa giờ… người trẻ có khả năng tìm mọi cách chiều theo ý mình nhưng lại rất kém khả năng đồng cảm với suy nghĩ của người khác… Là người trẻ đương thời, chúng ta sẽ không hoàn toàn đồng ý với nhận xét có vẻ “hàm hồ” trên, nhưng thú thật chúng ta cũng không thể không thừa nhận những điểm thật thiếu về nhân bản của người thời đại ta, đó cũng là những vấn đề đáng cho ta quan tâm.

Không thiếu những linh mục, tu sĩ bước vào đời tu đã lâu vẫn ấp ủ những ý tưởng trần tục, nuôi giấc mộng thăng tiến bản thân: được học hành, được vị nể vì chức danh, địa vị, được ăn trên ngồi chốc nên đã cố gắng dồn hết sức lực cho việc học, có những người đã “công thành danh toại”, cảm thấy bằng lòng với những gì mình hiện có thì lại tỏ ra bất kính hay xem thường các thế hệ cha anh đi trước cũng như có những lời nói, thái độ, hành vi vì vô tình hay hữu ý đã làm tổn thương đến những người xung quanh đặc biệt những người nghèo (vật chất, tinh thần, kiến thức…), những người bị xã hội loại bỏ. Rất nhiều lần chúng ta nhân danh lợi ích chung để biện minh cho cách làm không xứng hợp của mình, để có thể cống hiến nhiều nhất cho quê hương, nên cần phải học có kiến thức và bằng cấp cao, bằng mọi giá đạt cho được chỉ tiêu đề ra, bất chấp tất cả.

Một điều cũng có thể nhận thấy, thế hệ trẻ ngày nay được học hỏi nhiều, cầu tiến, tiếp thu và thích ứng nhanh với biến đổi của thời đại nhưng chậm tiếp thu những giá trị đạo đức cổ truyền, những đức tính cần thiết của con người chân chính. Một thế giới ảo mà như thật, thật giả bất phân đang cất đi khỏi tâm thức người tu sĩ khả năng tin nhận cái “có thật” của siêu hình. Cũng không loại trừ sự ảnh hưởng bởi xã hội hưởng thụ, theo thời, đua đòi với người trẻ bên ngoài, tu sĩ cũng chưa nhận ra mình là ai khi đòi hỏi các quyền lợi, những phương tiện thật ra không quá cần thiết. Lắm lúc e ngại vì cảm thấy “hai lúa” quá so với đời. Một điều dễ thấy trong đời sống chung, theo mẫu khung tập thể, vì sống chung bên cạnh nhau quen rồi hóa ra tầm thường “gần chùa kêu bụt bằng anh” mà, chúng ta xâm phạm thế giới riêng tư của người khác, sự tôn trọng khác biệt của mỗi người dường như ít được quan tâm. Đòi hỏi quá đáng sự công bằng, được nhìn nhận, được khẳng định đến độ đánh mất ý nghĩa đáng có của lòng hy sinh, nhân ái, quảng đại. Năng động, đầy nhiệt huyết, thích dấn thân và hăng say phục vụ đến quên mình trong nhiều công tác, tổ chức tiếng tăm nhưng lại rơi vào sai lầm là quá chú trọng đến những công tác bên ngoài lắm khi quy về mình mà quên đi chiều sâu nội tâm cũng như những giá trị nền tảng của con người, lơ là trong việc tuân thủ kỷ luật. Vì quan tâm nhiều đến hiệu quả công việc nên ít nhiều trong chọn lựa, chúng ta đã chọn được việc hơn được người. Con người lại chợt thấy hụt hẫng vì “luân thường đạo lý” đang trên đà khủng hoảng. Lượng và phẩm đi mãi cũng chẳng gặp nhau. Những cung cách sống hình thành như thế phần nào cho thấy đây không phải là lối sống đẹp của đời tu bởi người tu sĩ được gọi và được chọn sống đời sống của Chúa để nên giống Chúa.

Huấn luyện nhân bản để đời tu không bị biến chất

Nhân bản là gốc của con người, thái độ sống, thái độ nhìn đời, thái độ cư xử hợp qui tắc “Tiên học lễ, hậu học văn”. Nhân bản hiểu theo đúng tinh thần Đông Phương là lấy “thành nhân” làm cứu cánh, lấy chữ “nhân” làm phương châm. Mặt khác, Kitô giáo hướng con người đến đời sống nhân bản, tức hoàn thành con người theo khuôn mẫu là chính Chúa Kitô, là sống trọn tình bác ái yêu thương như Đức Giêsu đã sống. Ngài đã yêu cho đến hy sinh cả mạng sống mình vì những kẻ mình yêu. (x. Ga 15, 12-13). Huấn luyện trưởng thành nhân bản được nói đến từ nhiều quan điểm, trường phái, lập trường khác nhau. Là người trẻ đương thời, trong việc nhìn lại trưởng thành nhân bản trong đời tu, người viết không có tham vọng nêu ra những đường hướng gì, chỉ là những cảm nghiệm, suy tư cá nhân rút ra, ước mong chính mình và mọi tu sĩ tự trao dồi và huấn luyện để đạt nhân cách trưởng thành hơn vì trước khi trở thành linh mục, tu sĩ thực thụ phải là một con người có nhân cách.

Thật vậy, nhân bản là một trong những khía cạnh huấn luyện của tiến trình huấn luyện toàn diện con người. Việc đào luyện trưởng thành nhân bản trong đời tu không phải chỉ nhờ vào việc huấn luyện dựa trên chiều kích thể lý, tri thức, luân lý, tâm linh cách lý thuyết, máy móc nhưng là sự tự thân tập luyện cách trách nhiệm của từng tu sĩ, là sự tự do đáp lại lời mời gọi của lương tâm bước theo Chúa cũng như đặt giá trị đời tu trong mối tương quan hiệp thông với Thiên Chúa. Người tu sĩ trưởng thành không phải chỉ vun đắp những kiến thức lý thuyết về triết học, thần học, khoa học, ngành nghề chuyên môn mà còn thực hành theo lời mời gọi của Giáo Hội: “Phân định khả năng chấp nhận một đời sống có thể giúp trưởng thành nhờ di sản thiêng liêng và nhờ những quy tắc của một Hội Dòng nhất định, và đồng hành với đời sống đó trong quá trình tiến triển cá nhân mỗi thành viên trong cộng đoàn”.[4] Một nền huấn luyện không gượng ép hay áp đặt nhưng mở ra cho người tu sĩ một sự dấn thân tự nguyện: tự nguyện cam kết sống trung thành đặc sủng Hội Dòng, tự nguyện tuân giữ những bổn phận phải nghiêm chỉnh thực thi hằng ngày, tự nguyện tuân thủ kỷ luật, đồng thời cần mở rộng lòng để nhạy cảm và lắng nghe những lời giáo huấn: “Những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý.”[5] Bên cạnh đó, mỗi tu sĩ ý thức rèn luyện nhằm biến đổi con người ở chiều sâu, để được Phúc Âm hóa và thấm nhuần các giá trị tinh thần thay vì giá trị giả tạo. Mặt khác, linh mục, tu sĩ phải để cho người khác nhận ra khuôn mặt của Đức Kitô hiền lành, khiêm tốn, bao dung, quảng đại, dấn thân cách vô vị lợi cho những giá trị nhân sinh, đồng thời giúp con người thời đại cảm nghiệm tình yêu của Đấng siêu việt mở ra trong cuộc đời mình. Tình yêu này vẫn luôn phải được đặt lên hàng đầu cần thiết như hơi thở cho sự sống của người môn đệ, thiếu tình yêu này, người tu sĩ dễ chao đảo, mất phương hướng bởi không biết xây dựng cuộc đời mình trên một nền tảng vững chắc nơi Chúa. Đời tu nếu chỉ được đặt dựa trên những công tác trổi trang bên ngoài, tri thức, địa vị không chừng đánh mất căn tính và bị biến chất đồng thời trở nên tầm thường vô nghĩa. Một đời tu hòa hợp giữa những công tác, công việc bên ngoài với nét tinh túy mang đậm giá trị tinh thần, hòa hợp giá trị nhân bản và giá trị tâm linh sẽ đưa con người đến tương lai hạnh phúc và chứng tá làm dậy men Tin Mừng giữa thời đại đầy thách đố này.

(trích Tập san Chia sẻ số 62)

————————————
[1] X. Hà Thúc Minh, Văn hóa đạo đức – NXB Tp. HCM (Kẻ sĩ theo phân chia giai cấp xã hội ngày xưa là: sĩ, nông, công, thương. Ngày nay, tức là “ trí thức”, chỉ chung những người chủ yếu lao động trí óc bao gồm: nhân viên kỹ thuật, thầy thuốc, giáo viên, cán bộ nghiên cứu khoa học, diễn viên, luật sư. Trong xã hội chúng ta ngày nay, những người mang danh “sĩ “ dường như cũng được xã hội trọng vọng hơn: bác sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, văn sĩ, ca sĩ … Tóm lại những người này được gọi là “phần tử trí thức”).

[2] X. Báo Nông Nghiệp Việt Nam, ngày 7.6.2010

[3] Nguyễn Hồng Giáo, OFM, “Đừng vội hài lòng với nhiều ơn gọi”, Công giáo và Dân tộc, số 1260, tr.11.

[4] X. Huấn thị yếu tố cốt yếu, 44

[5] X. Pl 4,8