Hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ với Nhật Bản: Lợi ích đôi bên

Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần những cơ hội kết nối để tăng xuất khẩu ra thị trường quốc tế. 	Ảnh: N.V Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần những cơ hội kết nối để tăng xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Ảnh: N.V

Động lực cho những hợp tác

Những năm qua, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, cải thiện năng lực sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Doanh thu sản xuất, kinh doanh đạt hơn 900.000 tỷ đồng, đóng góp gần 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo.

Mặc dù, nhiều linh kiện sản phẩm, thành phẩm và bán thành phẩm của Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Nhật Bản, nhưng số lượng doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp Nhật Bản vẫn hạn chế.

Trong khi đó, Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn của Việt Nam với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 đạt khoảng 43 tỷ USD. Nhật Bản cũng là nhà đầu tư thứ 2 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 4.300 dự án có tổng số vốn đăng ký gần 60 tỷ USD.

Đặc biệt, để phát triển quan hệ hợp tác giữa 2 nước trong lĩnh vực công nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược được xây dựng và thực hiện với sự hỗ trợ tích cực của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và nhiều cơ quan Nhật Bản khác trên cơ sở tham vấn doanh nghiệp và các nhà khoa học. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động, tạo dựng năng lực cạnh tranh quốc tế, có những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, đạt tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến trên thị trường cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Chủ động nắm bắt cơ hội

Cộng đồng doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước đã chủ động tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản.

Điển hình là ngay sau khi Việt Nam mở cửa lại nền kinh tế sau khi đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát vào đầu năm 2022, Công ty Onaga của Nhật Bản đã thực hiện đầu tư xây dựng chuỗi nhà xưởng sản xuất linh kiện máy bay, hàng không, tàu shinkansen, ô tô, tàu biển, nông ngư nghiệp, robot tự động hoá… tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP). Đây là doanh nghiệp có tuổi đời trên 50 năm tại Nhật Bản, là nhà sản xuất cung ứng sản phẩm, linh kiện cho các tập đoàn như Boeing, AirBus… Dự án đang được gấp rút xây dựng và đưa vào hoạt động theo kế hoạch trong quý 2/2023.

Việc Công ty Onaga chính thức triển khai đầu tư tại Khu công nghiệp HANSSIP đã cụ thể hoá thỏa thuận hợp tác ký ngày 25/11/2021 tại Tokyo giữa Tập đoàn N&G – Việt Nam và Công ty Onaga – Nhật Bản (đại diện nhóm doanh nghiệp vùng Kobe) trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và quan chức Nhật Bản. Theo nội dung hợp tác đã ký kết, Tập đoàn N&G sẽ hỗ trợ toàn bộ các thủ tục liên quan tới giấy phép đầu tư, xây dựng; nhập khẩu máy móc thiết bị đã, đang sử dụng tại Nhật Bản để dịch chuyển sang Việt Nam; hỗ trợ tuyển dụng và đào tạo lao động theo tiêu chuẩn của Nhật Bản ngay tại Học viện hướng nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VSI) theo hình thức “phi lợi nhuận”.

Ngoài ra, Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) cùng Tập đoàn N&G và Hiệp hội các nhà sản xuất Kobe Nhật Bản cũng đã thành lập Công ty Tư vấn – Đầu tư – Phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản (VI-JA CID). Công ty này bước đầu sẽ thực hiện hợp tác chuyển giao, tư vấn công nghệ và quản trị, cung ứng linh kiện xuất khẩu cho hàng chục doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội.

Từ thành công của một doanh nghiệp Nhật Bản đi trước, mới đây, đoàn doanh nghiệp Kobe Nhật Bản cũng đã đến khảo sát, lên kế hoạch cùng với các doanh nghiệp thành viên HANSIBA triển khai đầu tư và cùng nhau gấp rút hoàn thành chuỗi nhà máy đầu tiên vào quý 2/2023, kịp thời tham gia chuỗi sản xuất của Nhật Bản và toàn cầu.

Có thể thấy, việc kết nối hợp tác giao thương giữa các doanh nghiệp với nhau sẽ là những cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm khách hàng tiềm năng, đẩy mạnh xuất khẩu hàng công nghiệp hỗ trợ; đồng thời giúp doanh nghiệp Nhật Bản có “đất lành” để mở rộng đầu tư, hợp tác, liên kết quốc tế. Điều này sẽ góp phần nâng cao vai trò, vị thế của ngành công nghiệp hỗ trợ theo tinh thần của Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.