Hợp tác “Công nghệ vũ trụ và ứng dụng Việt Nam- Italia

Hợp tác “Công nghệ vũ trụ và ứng dụng Việt Nam- Italia

02/03/2023

Một trong những hoạt động hướng đến kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Italia (23/3/1973-23/3/2023) là triển lãm  mang tên “Công nghệ vũ trụ và ứng dụng Việt Nam- Italia. Nhìn xa hơn.” Đây cũng là chương trình hợp tác do  Đại sứ quán Italia,  Trung tâm Vũ Trụ Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức.

 

Những năm gần đây Italia là quốc gia đã hỗ trợ Việt Nam rất nhiều dự án về công nghệ vũ trụ trong đó nổi bật là Hệ thống vệ tinh COSMO- SkyMed. Hệ thống này của Italia đã cung cấp nhiều hình ảnh vệ tinh trong viễn thám và phòng chống thiên tai ở Việt Nam. Công nghệ vệ tinh có nhiều ứng dụng quan trọng đối với sức khỏe và sự an toàn của con người, cung cấp thông tin quan trọng về biến đổi khí hậu và động lực Trái Đất, giúp ngăn ngừa thiên tai và bảo vệ môi trường tốt hơn. Hệ thống COSMO-SkyMed là một chòm sao gồm 5 vệ tinh radar thuộc sở hữu của Cơ quan Vũ trụ Italy và Bộ Quốc phòng Italy, hệ thống này đi đầu trong công nghệ radar, cung cấp các tính năng chính xác và chất lượng cao nhất cần thiết để quan sát Trái Đất bất kể điều kiện thời tiết.

Triển lãm trưng bày 23 hình ảnh độ phân giải cao về trái đất do hệ thống vệ tinh COSMO-SkyMed của Italia chụp và xử lý bởi công ty Telespazio/e-GEOS.  Những hình ảnh trưng bày tại triển lãm cho thấy nhiều hình ảnh thú vị về Trái Đất khi nhìn từ bầu trời, giống như một tác phẩm nghệ thuật đương đại tuyệt đẹp nhưng lại có tính tiện ích rất cao. Bên cạnh đó hệ thống vệ tinh COSMO-SkyMed ứng dụng dữ liệu viễn thám Radar trong theo dõi lúa cho các vùng nông nghiệp Việt Nam hay như là bản đồ giám sát nhanh hiện trạng ngập lụt ở các tỉnh miền Trung, Việt Nam như khu vực Hà Tĩnh. Tiếp đến là ứng dụng dữ liệu viễn thám Radar trong phát hiện lở đất ứng dụng tại Mù Căng Chải, Yên Bái, nơi có khí hậu khắc nghiệt, sườn núi cao, độ dốc lớn và kết cấu núi được xem là nhiều hiểm họa nhất là mùa mưa lũ. Những phát hiện về lở đất hay sự biến đổi của khí hậu, thiên tai mà công nghệ vệ tinh mang lại đã giúp cho Việt Nam có những dự báo về ảnh hưởng của thiên tai đối với đời sống công đồng từ đó có những cảnh báo cho người dân.

Ông Antonio Alessandro, Đại sứ Italy tại Việt Nam cho biết: Với hơn 200 công ty, hơn 7.000 nhân viên và 10 khu công nghệ quốc gia, Italy là một trong số ít quốc gia có chuỗi cung ứng hoàn chỉnh trong lĩnh vực công nghiệp vũ trụ. Ngành công nghiệp vũ trụ Italy có truyền thống hợp tác quốc tế lâu đời (các chương trình nghiên cứu chung, hoạt động khoa học, đào tạo và nâng cao năng lực) với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Vào thời điểm Việt Nam, đang thực hiện Chiến lược Vũ trụ Quốc gia, Cơ quan Vũ trụ Italy (ASI) và các công ty công nghệ vũ trụ hàng đầu như Telespazio/e-Geos, Thales Alenia và Leonardo có thể đóng góp cụ thể vào việc phát triển chuyên môn của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Những bản đồ trưng bày tại triển lãm: Bản đồ giám sát chuyển dịch bề mặt Thủ Đức, TP.HCM, Bản đồ lũ từ ảnh ASNARO-2 cho khu vực tỉnh Quảng Nam hay của bản đồ hiển thị sự kết hợp của ba hình ảnh thu được ở Trung tâm thành phố Hà Nội vào năm 2018, những dấu hiệu mà dữ liệu cho thấy ở Sông Hồng có hiệu ứng thủy triều…bản đồ hình ảnh thu được trên Sông Cửu Long, tỉnh Đồng Tháp cho thấy chu kỳ nươc lũ lên xuống…đều được đánh giá là những dữ liệu rất cần thiết cho Việt Nam ứng phó tốt với biến đổi khí hậu.

Đại sứ Italia, ông Antonio Alessandro nhận xét các bức ảnh trưng bày tại triển lãm kết quả công việc của ngành công nghệ cao nhưng lại giống như tác phẩm nghệ thuật đương đại thể hiện vẻ đẹp tuyệt vời của Trái đất. Chúng ta cần cùng nhau phát triển công nghệ vũ trụ bởi các ứng dụng của ngành rất quan trọng đối với sức khỏe và sự an toàn của con người, cung cấp thông tin quan trọng về biến đổi khí hậu giúp ngăn ngừa thiên tai và bảo vệ môi trường của chúng ta tốt hơn.

GS.TS. Lê Trường Giang -Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết “Khoa học vũ trụ là lĩnh vực khoa học và công nghệ tiên tiến bậc nhất và cũng là lĩnh vực đòi hỏi sự hợp tác cao và chặt chẽ giữa các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu và các quốc gia hiện nay. Tôi hy vọng rằng thông qua Triển lãm này, các nhà khoa học Viện Hàn lâm nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ thiết lập thêm nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ với các đối tác Italia để với việc hợp tác cùng nhau,“đi cùng nhau” chúng ta sẽ cùng “nhìn xa hơn” và“đi xa hơn” để khám phá và ứng dụng những thành quả của công nghệ vũ trụ trong công cuộc phát triển tại mỗi quốc gia.

Bài: Bích Vân, ảnh: Thanh Giang / Báo ảnh Việt Nam