Hợp đồng dịch vụ nấu ăn giảm áp lực cho nhà trường, chất lượng bữa ăn ra sao?
GDVN- Việc các DN tổ chức nấu ăn tại trường học ở Hải Phòng đã giúp các nhà trường giảm được áp lực chăm sóc bán trú, song chất lượng bữa ăn mới là vấn đề đáng lo ngại.
Giảm áp lực cho Ban giám hiệu
Trước khi chuyển đổi mô hình bếp ăn bán trú, các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hải Phòng đều ký kết hợp đồng mua bán thực phẩm, trang thiết bị phục vụ nhà bếp với các đơn vị cung cấp; ký hợp đồng thuê nhân viên nấu ăn.
Khi đơn vị cung cấp giao thực phẩm được nhân viên nấu ăn tiếp nhận, chế biến thành món ăn theo thực đơn từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.
Để thực hiện việc tổ chức bếp ăn bán trú, các nhà trường đã phân công thành viên Ban giám hiệu trực theo ca cùng một vài nhân viên trong trường quản lý, giám sát từ khâu nhập thực phẩm, lên thực đơn bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng cho tới sơ chế, chế biến thức ăn đến khi thức ăn được học sinh sử dụng.
Với cách làm này, Ban giám hiệu các nhà trường sẽ chịu mọi trách nhiệm về chất lượng an toàn bữa ăn cho học sinh của mình.
Trong khi đó, theo quan điểm của một số hiệu trưởng đang ký hợp đồng với doanh nghiệp tổ chức nấu ăn tại trường, các cán bộ quản lý, giáo viên được đào tạo chỉ thuần tuý về chuyên môn dạy và học, không có nghiệp vụ về dinh dưỡng hay an toàn thực phẩm.
Do đó, họ cần hợp tác với những đơn vị chuyên về lĩnh vực nấu ăn để tổ chức nấu ăn trong trường, qua đó giúp Ban giám hiệu nhà trường bớt được phần nào áp lực khi vừa phải quản lý, hoạt động chuyên môn về giáo dục, vừa phải lo lắng tất cả các quy trình của bếp ăn để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo dinh dưỡng…
Theo cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Mai – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hùng Vương (quận Hồng Bàng), khi nhà trường tự tổ chức nấu ăn bán trú thì gặp nhiều khó khăn khi quản lý, vận hành bếp ăn và gặp khó trong việc tuyển dụng nhân viên nhà bếp.
Ban giám hiệu nhà trường phải phân công một người phụ trách bếp ăn bán trú và mỗi tuần, Ban giám hiệu phải tự nghĩ thực đơn (căn cứ theo hướng dẫn dinh dưỡng của Bộ Y tế, hướng dẫn tổ chức bữa ăn bán trú của Bộ Giáo dục và Đào tạo), lên kế hoạch nhập thực phẩm và giám sát toàn bộ quy trình nấu ăn.
Tuy nhiên, từ khi Công ty H.M vào tiếp quản bếp ăn, nhà trường đã bàn giao cơ sở vật chất, hiện trạng bếp cho công ty sử dụng. Đồng thời mời phụ huynh đến giám sát cùng trong suốt quá trình công ty nhập thực phẩm, tổ chức nấu ăn và đưa thức ăn tới bàn ăn.
“Khi tự tổ chức nấu ăn bán trú cho học sinh, Ban giám hiệu nhà trường rất lo lắng về chất lượng bữa ăn có bảo đảm hay không.
Như việc giám sát đường đi của thực phẩm, nhà trường sao làm được. Mua thực phẩm của một hay nhiều nhà cung ứng rồi chuyển cho tổ bếp của trường nấu nhưng nếu xảy ra ngộ độc thì biết đổ lỗi cho ai? Nhà cung ứng hay nhà bếp?
Vì thế, việc nhà trường ký hợp đồng với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nấu ăn tại trường sẽ rõ trách nhiệm hơn. Ban giám hiệu cùng phụ huynh sẽ đóng vai trò giám sát”, một hiệu trưởng tại quận Hồng Bàng chia sẻ.
Lo ngại về chất lượng suất ăn
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, căn cứ Nghị quyết 02 ngày 20/7/2022 của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng, các trường tiểu học trên địa bàn quận Hồng Bàng đều thu tiền ăn với mức 30.000 đồng/học sinh/ngày.
Trong bản hợp đồng với các doanh nghiệp tổ chức nấu ăn trong trường, giá thành suất ăn được tính 30.000 đồng/suất (bao gồm bữa trưa và bữa chiều).
Với số tiền này, Công ty H.M đã tính toán các chi phí gồm: mua thực phẩm ăn trưa và bữa ăn chiều; chi phí gia vị (hạt nêm, bột ngọt, đường, mắm, muối…); cùng với đó là chi phí chất đốt (giao động khoảng 2.000 đồng/học sinh).
Điều đáng nói là, trong số tiền ăn 30.000 đồng phụ huynh học sinh đóng góp, công ty phải đóng thuế VAT ở mức 10% (tương ứng với 3.000 đồng).
Chưa kể, là đơn vị sản xuất kinh doanh, công ty phải tính lãi. Tính toán một cách đơn giản, với số tiền 30.000 đồng/ngày mà phụ huynh đóng tiền ăn cho con em mình, sau khi trừ đi một số chi phí kể trên, trừ đi chi phí bữa chiều (thường học sinh được uống sữa với giá sữa dao động khoảng 5.000 đồng/hộp) thì thực chất số tiền còn lại trong bữa ăn chính sẽ chỉ còn khoảng 15.000-20.000 đồng/học sinh.
Đối với việc trả lương cho nhân viên nấu ăn, ở quận Hồng Bàng, các nhà trường đã thu khoản hỗ trợ người nấu ăn; người chăm ăn, trông buổi trưa; công tác quản lý với mức 150.000 đồng/học sinh/tháng. Sau đó, nhà trường trích 40% số tiền này chuyển cho công ty trả lương cho nhân viên nấu ăn.
Tại quận Kiến An, qua tìm hiểu, các trường tiểu học đang thu tiền ăn bán trú ở mức 28.000 đồng/ngày/học sinh.
Theo chia sẻ của các doanh nghiệp đang tổ chức nấu ăn tại trường học, với số tiền thu được, họ cũng đã hoạch toán chi phí tương tự như các doanh nghiệp thực hiện ở quận Hồng Bàng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phải tự cân đối chi phí, tính toán cẩn thận để với số tiền thu 28.000 đồng/học sinh/ngày, học sinh phải được ăn uống bảo đảm chất lượng mà công ty vẫn có lãi và có tiền trả lương nhân viên nấu ăn.
Đối với các huyện ngoại thành, đặc biệt là huyện Tiên Lãng, năm học 2022-2023, các trường tiểu học cùng thu tiền ăn với mức thu cụ thể: khối lớp 1,2 thu 24.000 đồng/học sinh/ngày; khối 3,4,5 thu 25.000 đồng/học sinh/ngày.
Với số tiền thu được thấp hơn so với khu vực nội thành, các doanh nghiệp tổ chức nấu ăn trong trường học cũng phải “đau đầu” cân đối chi phí, quản lý chặt chẽ mọi khâu nấu ăn để phải bảo đảm cho học sinh ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, vừa phải hoạt động kinh doanh có lãi.
Như vậy, nếu nhìn về cách quản lý, vận hành bếp ăn bán trú thì các doanh nghiệp sẽ chiếm ưu thế hơn so với việc các nhà trường tự tổ chức bữa ăn bán trú.
Tuy nhiên, nếu tính toán cụ thể như trên, các doanh nghiệp tổ chức nấu ăn sẽ phải chịu khá nhiều chi phí, mà những chi phí đó được tính tất cả vào giá thành của mỗi suất ăn.
Trong khi đó, nếu các trường tự tổ chức bữa ăn thì không phải đóng thuế VAT, không phải cân đối để có lãi, chất lượng bữa ăn đang là câu hỏi mà các bậc phụ huynh có thể nhìn nhận được rõ nếu dựa vào tính toán chi phí trên một suất ăn.
DIỆU ANH