Hồng hoa: Đặc điểm, tác dụng và cách dùng Hồng hoa trị bệnh

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Hồng hoa, Mạt trích hoa, Cây rum.

  • Tên khoa học: Carthamus tinctorius L.

  • Họ: Asteraceae (Cúc).

  • Công dụng: Dược liệu Hồng hoa có tác dụng tăng co bóp tử cung, tăng trương lực tim, co mạch. tăng huyết áp. Dùng chữa các chứng bệnh: kinh nguyệt không đều bế kinh, ứ huyết, tụ huyết do chấn thương, mụn nhọt.

Mô tả Hồng hoa

Hồng hoa (Flos Carthami tinctorii) là loại cây thảo mọc thẳng, chiều cao từ 0,6m đến hơn 1m. Thân cây nhẵn, không có lông, trên thân có vạch dọc, phía trên có phân cành.

Lá cây nhỏ mọc so le với nhau, hầu như không có cuống, bẹ. Đầu lá có chót nhọn, mép lá có răng cưa. Lá màu xanh sẫm, mặt lá trơn, gân chính giữa lồi cao.

Hoa màu đỏ cam mọc thành cụm. Cụm hoa chứa nhiều hoa nhỏ gộp thành gù hình cầu. Hoa thường mọc ở ngọn và chót cành. Hoa có ống dài hình tên, phần trên của hoa có 5 cánh đỏ, ở giữa là hoa cái có nhụy vàng. Khi mới nở, hoa có màu vàng cam, rồi chuyển dần sang đỏ. 2 sắc tố vàng đỏ quyết định thành phần hóa học để sử dụng làm dược liệu có chứa trong Hồng hoa.

Quả bế, hình trứng và có 4 cạnh lồi. Mùa quả khoảng tháng 5 – 8, mùa quả tháng 7 – 9.

cây hồng hoa

Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Hồng hoa được trồng rộng rãi ở nhiều nơi thuộc Ấn Độ, Ai Cập, Trung Quốc, Italia, Tây Ban Nha, vùng Capcase thuộc Liên Xô cũ. Gần đây, cây được du nhập sang Mỹ, Australia và một số nước châu Á.

Hồng hoa được nhập từ Đông Âu và Liên Xô trước đây vào Việt Nam khoảng cuối những năm 70. Hạt được trồng thử nghiệm ở Trại thuốc Sa Pa (Lào Cai) và Văn Điển (Hà Nội) đều có kết quả tốt. Cây trồng ở Trại thuốc Văn Điển sinh trưởng phát triển khá mạnh; chiều cao cây tới gần 2 m; ra hoa quả nhiều. Hổng hoa là cây ưa sáng và ưa ẩm. Do có nguồn gốc ở vùng ôn đới ấm, nên khi trồng ở Việt Nam cần tránh mùa hè. Gần đây hồng hoa mới được nhập trồng trở lại, tại Sa Pa và Đà Lạt.

Thu hoạch: Khi cánh hoa chuyển từ vàng sang đỏ, lúc này hoạt chất trong hoa đang ở mức độ cao nhất.

Chế biến: Theo Trung y: Hái Hồng hoa về bỏ đài dùng cánh hoa, giã nát vắt thành miếng bánh phơi khô dùng, hoặc chỉ phơi khô dùng gọi là tán Hồng hoa.

Theo Việt Nam: Dùng sống cho vào thuốc thang hoặc tẩm rượu sao lên để dùng.

Bộ phận sử dụng của Hồng hoa

Những cánh hoa phơi khô được dùng để làm thuốc.

tác dụng của hồng hoa

Thành phần hóa học

Theo nghiên cứu, trong Hồng hoa chứa:

Ethyl acetate, Benzene, Pent-1-en-3-ol, 3-Hexanol, 2-Hexanol, 2-Hexenal, 3-Methyl butyric acid, Methylbutyric acid, p-Xylene, O-Xylene, Phenyl acetaldehyde, Nonanal, Terpinen-4-ol, Verbenone, Decanal, Benzothiazole, E, E-2, 4, E, E-2, 4 Decadienal, Methyl cinnamate 1, 2, 3-Trimethoxy-5-Methylbenzene, a-Copaene, 1-Tetradecene, a-Cedrene (Koshi Saito và cộng sự Ca 1991, 115: 5139e).

Galatose (Từ Trung Tự, Trung Dược thông Báo 1982 9 (1): 31).

Nonacosane, b-Sitosterol, Palmitic acid, (Hoàng Giang, Trung Thảo Dược 1984, 15 (5): 123).

Chứa từ 0,3% đến 0,6% chất Glucid được gọi là Cartamin không tan trong nước và sắc tố vàng tan trong nước. Dung dịch nước cất dễ bị phân giải.

Tác dụng của Hồng hoa

Theo y học cổ truyền

Theo Đông y, hồng hoa vị cay, tính ôn; vào Tâm và Can. Công dụng hoạt huyết khứ ứ, thông kinh chỉ thống. Trị ứ huyết, tích huyết gây đau như đau quặn bụng, đau tức ngực, thống kinh, bế kinh, kinh huyết rỉ rả dài ngày không cầm. Ngoài ra còn là thuốc trị chấn thương đụng dập, sưng nề, bầm huyết (tụ máu) xuất huyết. 

Theo y học hiện đại

Kích thích trong thời gian dài tử cung cô lập và tử cung nguyên vẹn của các loài động vật như chuột nhắt, chuột lang, thỏ, mèo và chó. Kích thích co bóp cả tử cung bình thường và tử cung có chửa. Tác dụng kích thích trong thời gian ngắn hơn ruột của những loài động vật đó.

Gây hạ huyết áp trong thời gian dài ở mèo và chó, làm tăng co bóp tim và gây co mạch thận.

Gây co cơ trơn phế quản chuột lang.

Thuốc mỡ pha chế vối cao hồng hoa thẩm thấu qua da vào mạch máu và có tác dụng chống viêm.

Ức chế sự phát triển các nguyên bào. Một chế phẩm thuốc gồm 3 vị hồng hoa (40%), qua lâu nhân (40%) và cam thảo (20%) đã được áp dụng trên thỏ đã gây thoái hóa cơ tim thực nghiệm do tiêm adrenalin theophylin. Ở những thỏ được điều trị, thuốc đã có tác dụng cải thiện rõ rệt hình ảnh điện tâm đồ, mức độ thoái hóa cơ tim giảm rõ rệt trong xét nghiệm đại thể và vi thể.

Thuốc có tác dụng chống viêm trên mô hình gây viêm cấp tính với dextran và histamin, và không có tác dụng rõ rệt trên mô hình gây viêm mạn tính. Kết quả định lượng acid ascorbic ở thượng thận chuột cho thấy thuốc không có tác dụng trên sự tổng hợp nội tiết tố steroid vỏ thượng thận.

Liều lượng và cách dùng Hồng hoa

Dùng 4 – 12g/ngày để trị bệnh.

Bài thuốc chữa bệnh từ Hồng hoa

Trục thai chết trong bụng ra: 

Hồng hoa đun với rượu mà uống.

Hồng hoa, rễ gấc, gỗ vang, cỏ nụ áo, vỏ cây vông đồng, lá đào, cỏ xước, sắc rồi chế thêm đồng tiện vào mà uống.

Chữa huyết vận lên tim, khí muốn tuyệt: Hồng hoa 40g, sắc với rượu và đồng tiện mà uống.

Chữa đại tiểu tiện không thông ở phụ nữ đẻ: Hồng hoa, hạt hướng dương, hoạt thạch, hạt cau, đều bằng nhau, tán nhỏ, uống lúc đói với rượu.

Dưỡng huyết: Hồng hoa 2g, sắc uống.

Tan máu ứ, thông kinh bể: Hồng hoa 6 – 8g, sắc hoặc ngâm rượu uống.

Chữa phụ nữ sau khi đẻ máu xấu không ra, đau bụng, ngất mê man, hoặc phụ nữ kinh bế lâu ngày: Hồng hoa, tô mộc, nghệ đen, đều 8g. sắc, rồi chế thêm một chén rượu mà uống.

Phòng và chống ban sởi: Hồng hoa 3-5 hạt. Nhai nuốt, chiêu với nước.

Chữa đơn sưng, chạy chỗ này sang chỗ khác: Mầm cây hồng hoa, giã vắt lấy nước cốt uống, bã đắp.

Chữa xuất huyết não do xơ cứng mạch máu não (kèm theo liệt nửa người và mất tiếng hoàn toàn hoặc không hoàn toàn): Hồng hoa 3g, hoàng kỳ 15g, sinh địa 15g, long đởm thảo l0g, hạt mơ l0g, đương quy 6g, bạch thược 6g, cát cánh 3g, cam thảo 3g, phòng phong 3g. sắc và chia 3 lần uống trong ngày. Uống trong 2-3 tháng.

Chữa bệnh cứng bì: Hồng hoa, đương quy, dây đau xương, hoàng kỳ, tần cửu, đào nhân, bạch truật, đều 3g. sắc với 400 ml nước trong 30 phút, chia 3 lần uống trong ngày.

Chữa lao phổi lâu ngày với sốt hoặc sốt nhẹ và ho ra máu: Hồng hoa 3g, bạch cập 15g, vỏ rễ dâu 9g, tri mẫu 9g, sinh địa 9g, hạt mơ 9g, bạch thược 9g, a giao 9g, bối mẫu 6g, cam thảo 3g, lòng trắng trứng gà 2 cái. Sắc với 800 ml nước, còn 200 ml, uống làm một lần. Dùng trong 10 ngày, sau đó nghỉ 7 ngàv, rồi lại uống tiếp đợt khác. Dùng 3-4 đợt như trên.

Chữa suy tim (Bát trăn thang gia vị): Hồng hoa 12g; đảng sâm, bạch truật, mỗi vị 20g; thục địa, phục linh, đan sâm, ý dĩ, mỗi vị 16g; xuyên khung, đương quy, bạch thược, ngưu tất, mỗi vị 12g; cam thảo 4g. sắc uống ngày một thang.

Chữa viêm gan mạn tính (Tứ vật đào hồng thang gia giảm): Hồng hoa 8g; bạch thược, xuyên khung, đan sâm, mỗi vị 12g; đương quy, đào nhân, diên hổ sách, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa viêm khớp dạng thấp kéo dài có biến dạng teo cơ, dính cứng khớp: Hồng hoa 8g, cương tàm 12g; nam tinh chế, bạch giới tử sao, xuyên sơn giáp, đào nhân, mỗi vị 8g. sắc uống ngày một thang. Phối hợp vói các bài thuốc chữa thấp khớp khu phong, thanh nhiệt, trừ thấp và châm cứu.

Chữa sỏi đường tiết niệu (Tứ vật đào hồng thang gia giảm): Hồng hoa 8g, sinh địa 16g; bạch thược, xuyên khung, đương quy, đại phúc bì, liên kiều, mỗi vị 12g; đào nhân, chỉ thực, uất kim, kê nội kim, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa kinh nguyệt không đều huyết ứ (Tứ vật đào hồng thang): Hồng hoa 6g; sinh địa, bạch thược, mỗi vị 12g; xuyên quy, xuyên khung, đào nhân, mỗi vị 8g. sắc uống ngày một thang.

Chữa đau bụng khi hành kinh do khí trệ huyết ứ (Huyết phụ trục ứ thang): Hồng hoa 8g; ngưu tất 12g; xuyên khung, dương quy, xích thược, đào nhân, huyền hồ, hương phụ, thanh bì, chỉ xác, mỗi vị 8g; mộc hương 6g, cam thào 4g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa đau bụng trước khi hành kinh, hoặc lúc mới hành kinh (Sinh huyết thanh nhiệt thang): Hồng hoa, đan bì, đào nhân, huyền hồ sách, hương phụ, mỗi vị 8g; mộc hương 6g, cam thảo 4g. sắc uống ngày một thang.

Chữa viêm mạn tính, u xơ tử cung, buồng trứng: Hồng hoa 8g; hạt quất, hạt vải, thiên tiên đằng, hương phụ, đan sâm, xích thược, xuyên luyện tử, huyền hồ, đào nhân, tam lăng, nga truật, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.

Chữa chàm (Thuốc mỡ bôi): Hồng hoa, xuyên hoàng liên, hồng đơn, chu sa, mỗi vị 4g. Tán bột hòa với mỡ trăn bôi vào chỗ chàm.

Lưu ý khi sử dụng Hồng hoa

Phụ nữ mang thai hay có kinh nguyệt ra nhiều thì tuyệt đối không được sử dụng dược liệu hồng hoa.

Chỉ nên sử dụng với liều lượng nhỏ, nếu dùng nhiều có thể gây phá huyết rất nguy hiểm.

Hồng hoa kỵ với trầm hương và xạ hương nên cần lưu ý khi kết hợp.

Để giải độc, tiêu tan sưng tấy hay trị ứ huyết đau bụng nên pha thêm với 1 chút đồng tiện.

Bảo quản Hồng hoa

Đối với dược liệu hồng hoa, cần bảo quản ở những nơi khô ráo, thông thoáng. Đồng thời, sử dụng gói hút ẩm để giúp cho cánh hoa không bị mềm, mốc hoặc bị vụn.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ Hồng hoa cũng như một số lưu ý cần quan tâm. Tuy nhiên, để bài thuốc mang lại tác dụng điều trị cao và hạn chế tác dụng phụ, người bệnh vẫn nên tham khảo chuyên gia về cách dùng và liều lượng. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp ích cho việc tham khảo của bạn đọc.