Hơn 90 dự án đoạt giải Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh
Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học do Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) phối hợp UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức trong hai ngày 26 và 27-3 tại TP Huế.
Đây là năm thứ chín Bộ GD-ĐT tổ chức trên phạm vi toàn quốc. Cuộc thi năm nay thu hút 141 dự án từ 69 đơn vị với 262 học sinh tham dự; trong đó, cấp THPT có 113 dự án với 210 học sinh; cấp THCS có 28 dự án với 52 học sinh.
Đáng chú ý, có hai dự án thuộc học sinh ở tỉnh Hải Dương dự thi trực tuyến vì lý do phòng chống dịch bệnh Covid -19.
Năm nay, các dự án của học sinh tham gia trên 11 lĩnh vực/nhóm lĩnh vực, bao gồm: y sinh và khoa học sức khỏe, khoa học động vật, y học chuyển dịch; kỹ thuật y sinh, khoa học thực vật, vi sinh; năng lượng vật lí, khoa học vật liệu, vật lí và thiên văn; khoa học trái đất và môi trường, kĩ thuật môi trường; robot và máy thông minh, toán học; phần mềm hệ thống, sinh học trên máy tính và sinh – tin…
Phó Giáo sự tiến sĩ, Đặng Ngọc Quang, Trưởng Ban Giám khảm Cuộc thi đánh giá: các lĩnh vực nghiên cứu dự thi năm nay khá phong phú, nhiều đề tài có nội dung và phương pháp nghiên cứu phù hợp, một số đề tài tiếp cận những vấn đề mới, có tính khái quát. Có rất nhiều dự án liên quan đến các vấn đề xã hội quan tâm, nghiên cứu vật liệu mới, chăm sóc sức khỏe con người, bảo vệ thực vật, các vấn đề về môi trường,
Nhìn chung các báo cáo của học sinh trình bày đẹp, khoa học tuy nhiên; trong quá trình trả lời phỏng vấn thể hiện sự tự tin, chủ động hiểu sâu của học sinh về vấn đề hiểu biết của mình. Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế ở phần tổng quan, một số dự án trình bày quá dài, post quá nhiều hình ảnh dày chữ…
Cuộc thi KHKT cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2020-2021 thu hút được đông đảo đội ngũ giáo viên, học sinh các trường phổ thông trên khắp cả nước tham gia. Đặc biệt, cuộc thi thu hút được nhiều nhà khoa học đến từ các trường đại học, cao đẳng, học viện tham gia hướng dẫn, góp ý, chấm, chọn các dự án. Nhiều trường đại học, các tổ chức khoa học và các doanh nghiệp cũng dành những phần thưởng, ưu tiên tuyển thẳng vào bậc đại học đối với các thí sinh đạt giải.
Cuộc thi là cơ hội để học sinh trung học giới thiệu kết quả nghiên cứu KHKT của mình; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hoá, giáo dục giữa các địa phương và hội nhập quốc tế. Tiến tới chuẩn bị cho học sinh trung học tác phong khoa học, năng lực nghề nghiệp và tiềm năng khởi nghiệp sau khi học xong các trường trung học, góp phần thực hiện giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.
Theo Thứ trưởng GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, sự bùng nổ tri thức, công nghệ sản xuất mới và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang làm thay đổi các nội dung trong GD-ĐT. Điều này yêu cầu người học và người dạy đều phải thay đổi cách học, cách dạy; nhà trường phải thay đổi cách đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh. Cuộc thi nhằm đổi mới cách dạy, cách học theo hướng phát triển phẩm chất năng lực, khuyến khích sự hỗ trợ của các giảng viên ở các trường đại học hỗ trợ các em trong các kỳ thi KHKT cấp quốc gia, quốc tế.
“Nghiên cứu KHKT khuyến khích học sinh quan tâm đến các vấn đề của cuộc sống, liên hệ kiến thức học được ở trường phổ thông với thực tế sinh động của thế giới tự nhiên và xã hội. Hoạt động này cũng rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức tổng hợp đã học để giải quyết các vấn đề thực tiễn; góp phần giáo dục STEM và tạo nền tảng cho các hoạt động khởi nghiệp trong tương lai”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.
Kết thúc cuộc thi năm nay, Ban Tổ chức lựa chọn đã chọn 12 đề tài đoạt giải nhất tham gia Hội thi Intel ISEF tổ chức tại Mỹ vào tháng 5 tới. Ngoài các Bằng khen và giải thưởng cho các học sinh/nhóm học sinh đoạt giải do Bộ GD&ĐT trao, các giáo viên hướng dẫn có học sinh đạt từ giải Ba trở lên sẽ được Công đoàn Giáo dục Việt Nam tặng Bằng khen.
Tại lễ bế mạc, Bộ Giáo GD-ĐT cũng đã phát động Cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2021-2022.