Hơn 200 nhân viên, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai xin nghỉ việc: Nguyên nhân vì đâu?
Những ngày qua, dư luận đang xôn xao trước sự việc hơn 200 cán bộ y tế Bạch Mai đồng loạt xin thôi việc, chuyển công tác sang cơ quan khác. Đây được cho là bất thường tại bệnh viện được xếp vào loại lớn nhất cả nước. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
Ông Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết từ 1/2/2020 đến cuối tháng 3/2021, số cán bộ, người lao động tại đây thôi việc và chuyển công tác là 221 người. Trong số này có 28 bác sĩ, bao gồm 1 phó giáo sư, 10 tiến sĩ.
Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho rằng có 4 lý do chính khiến nhân viên thôi việc đó là việc tinh giản một số bộ phận, thu nhập giảm vì Covid-19, tâm lý căng thẳng sau các vụ lãnh đạo bệnh viện lâm vào vòng lao lý và áp lực đổi mới bệnh viện.
Trao đổi với truyền thông, một bác sĩ từng làm việc tại bệnh viện Bạch Mai cho rằng lãnh đạo bệnh viện việc lấy lý do là dịch Covid-19, bệnh viện khó khăn về tài chính nên đã tinh giản hàng trăm lao động, nhưng tại sao trong thời gian này, bệnh viện vẫn tuyển dụng hơn 500 lao động. Ngoài ra, bệnh viện cũng tiến hành xây dựng bản đồ quy hoạch không gian kiến trúc mới, thay đổi hạ tầng, nâng cấp và sửa sang rất nhiều khu vực. Rõ ràng giải thích của lãnh đạo bệnh viện về vấn đề này là không thỏa đáng và chưa hợp lí.
Khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai
Theo một số bác sĩ, với mô hình quản lý mới, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai yêu cầu từng khoa phòng phải báo cáo kiểm điểm, đánh giá nhận xét, chấm điểm thi đua từng cá nhân. Bệnh viện học theo mô hình tư nhân, quản lý nhân sự của tư nhân là tốt, là đổi mới nhưng việc đãi ngộ với anh em lại không hợp lý. “Thời gian qua, nguồn thu, mà cụ thể là lương, giảm kinh khủng, tới 50-60%. Các quy trình, cơ chế đánh giá cũng không rõ ràng, dẫn đến câu chuyện soi mói, thù hằn cá nhân trong việc đánh giá. Cuối cùng, mọi người đều trong tâm thế đề phòng, rất mệt mỏi”, một bác sĩ cho biết.
Một bác sĩ có hàng chục năm công tác tại bệnh viện Bạch Mai đã nộp đơn xin nghỉ việc vào cuối năm 2020. Ông cho biết việc thu nhập giảm do Covid-19 không phải là lí do ông xin nghỉ việc mà là vì môi trường không còn phù hợp. Tuy chỉ còn vài năm nữa là đến tuổi nghỉ hưu nhưng ông lại bị điều chuyển sang một bộ phận khác không phù hợp với chuyên môn. “Bệnh viện Bạch Mai là thương hiệu lớn, ai cũng muốn gắn bó nhưng khi bệnh viện thay đổi mô hình, việc sử dụng người không hợp lý, còn bản thân mình thấy không được làm nghề đúng nghĩa, thấy không phù hợp nên tôi và nhiều y bác sĩ khác chọn cách ra đi”, ông chia sẻ.
Theo cán bộ y tế, Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện hạng đặc biệt, dù tự chủ nhưng không thể biến thành doanh nghiệp tư nhân, quản lý theo mô hình tư nhân. “Nhiều người thấy tiếc cho thương hiệu Bệnh viện Bạch Mai khi để xảy ra những lùm xùm về chuyện nhân sự, quản lý bệnh viện thời gian qua, cá nhân tôi cũng vậy. Việc thay đổi là tốt nhưng phải phù hợp, phải lấy con người làm trung tâm. Với cách quản trị như hiện nay, sẽ còn nhiều nhân lực chất lượng cao rời bỏ Bệnh viện Bạch Mai, rời bỏ môi trường làm việc mà họ từng muốn cống hiến trọn đời”, cán bộ này nói.
Y bác sĩ chăm sóc người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh chụp trước thời điểm xảy ra dịch bệnh COVID-19)
Gia đình chị N.T.T. hiện sống ở phố Phương Mai, Hà Nội, chồng chị là nhân viên của đơn vị dịch vụ Bệnh viện Bạch Mai và đã làm việc tại đây từ năm 2004, đến lúc bị nghỉ việc năm 2020 là có 16 năm làm việc tại bệnh viện. “Chồng tôi phải nghỉ việc từ tháng 5/2020, khi nghỉ được hỗ trợ 3 tháng lương và chỉ được thông báo trước khi nghỉ mấy ngày. Đúng lúc dịch bệnh như thế, thu nhập đã kém, xin việc cũng không có, đang làm hàng chục năm tự nhiên mất việc nên có người trầm cảm. Hôm thông báo nghỉ, bệnh viện bảo mặc đồng phục sang, ban đầu háo hức lắm vì nghĩ làm lâu năm nên yên tâm, nhưng chồng tôi về nằm vật ra giường nói “nghỉ hết rồi”, 40 tuổi rồi”, chị T. kể.
Có hơn 100 người trong số 221 người nghỉ việc tại Bạch Mai thời gian qua là nhân viên đơn vị dịch vụ, nhà thuốc bệnh viện, đây là những người khó khăn, nhiều người sau khi nghỉ việc vẫn chưa tìm được công việc mới, đang đi giao hàng, chạy xe ôm kiếm sống, việc phải nghỉ việc đã thay đổi cuộc sống của họ.
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng những nhận xét về việc bệnh viện có nhiều điểm bất hợp lý trong mô hình quản trị là không có cơ sở. Theo ông Thành, việc thay đổi nếp nghĩ, nếp làm hàng chục năm không dễ dàng, thay đổi theo hướng chặt chẽ hơn rất khó khăn, nhất là khi tâm lý mọi người luôn muốn hướng tới những điều dễ dàng, thuận lợi.
Ông Thành cũng cho biết Giám đốc Bệnh viện có đưa ra một số quy định chặt chẽ hơn về giao tiếp, ứng xử, lề lối làm việc. Hiện nay, ngoài mức phạt rất nặng đối với những người vi phạm kỷ luật, bệnh viện còn phạt luôn cả đơn vị mà người đó làm việc. Mức phạt đối với tập thể cũng rất nặng: cắt toàn bộ danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cả năm. “Các trường hợp bị kỷ luật đều theo khung và đều được cân nhắc rất kỹ, việc kỷ luật cả tập thể xuất phát từ yếu tố phòng hơn là chữa, một người làm sai cả đơn vị bị ảnh hưởng, từ đó thay đổi hẳn tinh thần thái độ phục vụ, phòng ngừa sai sót rất tốt”.
Ông Thành thừa nhận việc “quyết liệt để thay đổi cũng tạo ra áp lực cho người lao động”, tuy nhiên những thay đổi này theo ông là đã dẫn đến kết quả, “như khoa khám bệnh trước bị ca thán nhiều, nay có nhiều thư khen”.Bệnh viện Bạch Mai hiện là bệnh viện tự chủ hoàn toàn, nhưng viện phí mới thu 4/7 yếu tố, chưa tính khấu hao máy móc, chi phí quản lý, chi phí đào tạo. Trong khi năm 2020 vừa qua do rắc rối xung quanh dịch vụ xã hội hóa và liên doanh liên kết, bệnh viện đã đưa giá thiết bị liên kết, xã hội hóa về bằng giá bảo hiểm y tế, nguồn thu giảm. Đây là một trong những yếu tố làm thu nhập cán bộ bệnh viện giảm.