Hội thảo khoa học: “Nâng cao chất lượng sản phẩm từ thiên nhiên”
Sự phát triển mạnh mẽ của các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp từ thiên nhiên trong những năm qua đã đáp ứng phần nào nhu cầu của người tiêu dùng tại Việt Nam; tuy nhiên thực trạng các sản phẩm từ thiên nhiên kém chất lượng vẫn được lưu hành trên thị trường ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, người tiêu dùng, việc kiểm nghiệm và xác nhận sản phẩm thiên nhiên vẫn còn nhiều bất cập. Đi đôi với tác dụng hữu hiệu của các sản phẩm này, là cảnh báo với nhiều bức xúc trong xã hội về tính không an toàn và không đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Một trong các công cụ quản lý hữu hiệu, có tính chất toàn cầu là hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Tuy nhiên hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành, vẫn còn những hạn chế so với tốc độ phát triển nhanh chóng của đời sống kinh tế, kỹ thuật.
Hội thảo với sự có mặt của lãnh đạo Bộ y tế, Bộ Khoa học và công nghệ, Cục trưởng cục quản lý Y dược học cổ truyền, Chủ tịch hội nữ trí thức Việt Nam, Chủ tịch hội đông y Việt Nam, Chủ tịch hội đồng trường Đại học Dược Hà Nội, Viện trưởng viện khoa học kỹ thuật Chăn nuôi Việt Nam, Viện trưởng viện Y dược cổ truyền, Hội Quân dân y Việt Nam, Viện trưởng Viện Đo lường chất lượng Việt Nam, Trung tâm kiểm nghiệm, các Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các sản phẩm từ thiên nhiên.
Sự phát triển nhanh chóng số lượng các sản phẩm thiên nhiên là cơ hội, nhưng cũng tạo nên áp lực lớn cho các cơ quan quản lý, trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách; là thách thức cho các tổ chức khoa học, trong việc xây dựng các công cụ tiêu chuẩn, quy chuẩn để kiểm nghiệm và đánh giá chất lượng các sản phẩm từ thiên nhiên, cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp trong việc tạo nên các sản phẩm với sự khác biệt nổi trội, cho tính cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
PGS. TS. Trần Thị Oanh, Chủ tịch hội đồng Viện nghiên cứu và phát triển sản phẩm thiên nhiên (IRDOP)
PGS. TS. Trần Thị Oanh, Chủ tịch hội đồng Viện nghiên cứu và phát triển sản phẩm thiên nhiên (IRDOP) cho biết: “Chất lượng đối với các sản phẩm từ thiên nhiên, tác động trực tiếp đến sức khỏe con người. Trong quá trình tham gia hoạt động đánh giá chất lượng sản phẩm, có thể nói Thử nghiệm/kiểm nghiệm là một công cụ vô cùng hữu hiệu bởi tính độc lập, khách quan, chính xác thông qua phương tiên khoa học với quy trình thao tác chuẩn trên hệ thống thiết bị tiên tiến”.
TS. Ngô Thị Ngọc Hà – Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam cũng nhấn mạnh “Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa là trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh nhằm bảo đảm an toàn cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường, nâng cao sản xuất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa Việt Nam. Doanh nghiệp cần phải quản lý chất lượng sản phẩm vì Chất lượng sản phẩm quyết định sự sống còn của doanh nghiệp, quyết định sự trung thành của khách hàng, giúp các doanh nghiệp loại bỏ các rủi ro ngay từ đầu, tạo ra các sản phẩm tốt, khắc phục được các tình trạng sửa chữa hoặc loại bỏ được sản phẩm hỏng.
Lợi ích của việc công bố và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn mang lại những lợi ích cho Nhà nước, ưu thế cạnh tranh doanh nghiệp, duy trì ổn định chất lượng cho nhà sản xuất, lợi ích cho người tiêu dùng có thể lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu và yên tâm sử dụng”.
PGS. TS. Nguyễn Thế Thịnh – Cục trưởng cục Quản lý y dược học cổ truyển cho biết: “Hiện nay, Đảng, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, các chương trình nhằm hỗ trợ và phát triển sản xuất các loại dược liệu và sản phẩm từ dược liệu nhắm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe từ thiên nhiên. Ngoài ra, các văn bản pháp luật, nghị định, thông tư từ Trung ương, các bộ ngành và địa phương đã ban hành hướng dẫn các quy trình, theo sát các hoạt động nuôi trồng, sản xuất, xây dựng tiêu chuẩn để đảm bảo và quản lý chất lượng các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ nguồn tài nguyên thiên nhiên”.
Các tham luận tại Hội thảo cùng nêu lên tầm quan trọng của thử nghệm/kiểm nghiệm, trong đánh giá chất lượng sản phẩm, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Tham luận cũng mô tả thực trạng, một số yếu tố ảnh hưởng tới hoạt động thử nghiệm/kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng hàng hóa nói chung và chất lượng sản phẩm từ thiên nhiên nói riêng. Trong các yếu tố được đề cập: chính sách, con người, thiết bị và trình độ khoa học, thì yếu tố chính sách được nhấn mạnh với nội dung về hệ thống văn bản và đầu tư.
https://kenh14.vn/hoi-thao-khoa-hoc-nang-cao-chat-luong-san-pham-tu-thien-nhien-20220715215818198.chn