Hội thảo khoa học: “Dịch vụ thông tin thư viện trong xã hội hiện đại”

Hội thảo khoa học “Dịch vụ thông tin thư viện trong xã hội hiện đại”: Làn gió mới thổi vào ngành Thông tin Thư viện

Hội thảo khoa học “Dịch vụ thông tin thư viện trong xã hội hiện đại”: Làn gió mới thổi vào ngành Thông tin Thư viện

Ngày 08/11/2017 (ĐHVH HN) – “Tập hợp trí tuệ của đội ngũ các nhà khoa học, cán bộ quản lý, cán bộ giảng dạy, các nhà nghiên cứu về lĩnh vực Thông tin Thư viện, tạo diễn đàn trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm, các kết quả nghiên cứu mới về dịch vụ Thông tin – Thư viện, gợi ý, đề xuất các chính sách và giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ Thông tin – Thư viện trong giai đoạn mới, hướng tới cung cấp dịch vụ tốt nhất nhằm thỏa mãn nhu cầu của người sử dụng” là tinh thần của Hội thảo khoa học cấp trường: “Dịch vụ thông tin – thư viện trong xã hội hiện đại” đã diễn ra thành công sáng ngày 07/11/2017 tại hội trường nhà D, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Hội thảo được Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức trong bối cảnh những thành tựu, tiến bộ vượt bậc về khoa học – công nghệ đã tác động và đặt ra vấn đề cần đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống thư viện. Những thay đổi của văn hóa đọc, môi trường đọc cũng như nhu cầu của người sử dụng dịch vụ cũng đòi hỏi sự phát triển mới, năng động của thư viện nói chung, dịch vụ Thông tin – Thư viện (TT – TV) nói riêng nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng và phức tạp của người sử dụng thư viện. Do đó, cần có những nghiên cứu, trao đổi sâu hơn về dịch vụ Thông tin – Thư viện, góp phần phát triển ngành Thông tin – Thư viện tại Việt Nam, hướng tới nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ TT – TV trong xã hội hiện đại.

Toàn thể Ban giám Hiệu trường Đại học Văn hóa Hà Nội: TS. Phạm Thị Thu Hương – Phó Hiệu trưởng phụ trách Nhà trường, PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương – Phó Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Đinh Công Tuấn – Phó Hiệu trưởng Nhà trường cùng các cán bộ, giảng viên Khoa Thông tin – Thư viện và Trung tâm Thông tin – Thư Viện đã tham dự Hội thảo.

Hội thảo cũng thu hút được sự quan tâm, tham dự của nhiều chuyên gia: TS. Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ThS. Nguyễn Hữu Giới – Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam, TS. Nguyễn Huy Chương – Chủ tịch Liên chi hội Thư viện đại học khu vực phía Bắc và đại diện các đơn vị đào tạo ngành Thông tin – Thư viện, Ban Giám đốc các Trung tâm Thông tin, Ban Giám đốc các thư viện tỉnh/thành phố, Ban Giám đốc Trung tâm Thông tin Thư viện các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đoàn Chủ tịch điều hành Hội thảo gồm: PGS.TS. Trần Thị Minh Nguyệt, TS. Nguyễn Văn Thiên và TS. Trương Đại Lượng.

Hội thảo đã nhận được hơn 50 bản tham luận, trong đó có 40 tham luận được in trong kỷ yếu, là tập hợp những đóng góp có giá trị của các nhà khoa học, chuyên gia về lĩnh vực Thông tin – Thư viện.

Nội dung các tham luận đã bám sát thực tiễn, tổng kết lý luận, chỉ ra sự vận động của xu hướng phát triển dịch vụ Thông tin – Thư viện, đáp ứng yêu cầu mà Hội thảo đặt ra. Các tham luận tập trung vào những vấn đề sau:

  1. Tìm hiểu những vấn đề lý luận về dịch vụ Thông tin – Thư viện.
  2. Xác định những tác động của xã hội hiện đại đến dịch vụ Thông tin – Thư viện; những xu hướng phát triển dịch vụ Thông tin – Thư viện trên thế giới.
  3. Đánh giá thực trạng triển khai dịch vụ Thông tin – Thư viện tại Việt Nam.

Ngay trong phần phát biểu khai mạc, TS. Phạm Thị Thu Hương – Phó Hiệu trưởng phụ trách Nhà trường đã khẳng định công nghệ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong phát triển ngành TT – TV. Được ứng dụng từ những năm 60 của thế kỉ XX, ngày nay, công nghệ là một phần không thể thiếu của ngành thư viện. Nhiều thay đổi to lớn đã diễn ra trong ngành, như việc từ lưu trữ trong không gian vật lý, các tài liệu được lưu trữ ở dạng số hóa trên không gian mạng, với khả năng tương tác cao. Các thư viện trên thế giới đã đáp ứng được nhu cầu của người dùng dù họ ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào thông qua mạng internet và các thiết bị như máy tính, điện thoại thông minh.

Trước tác động của nền kinh tế tri thức và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ, Đảng, Nhà nước và Chính phủ cũng đã dành sự quan tâm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện và các cơ quan thu thập, lưu trữ, cung cấp thông tin trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, xây dựng xã hội học tập.

Tại Hội thảo, có 7 tham luận được trình bày. Nội dung các tham luận đã chỉ ra những hạn chế còn tồn đọng như: thực trạng hoạt động kém hiệu quả của nhiều thư viện các cấp; vấn đề thu hút bạn đọc; ngân sách dành cho thư viện eo hẹp; sự tương tác giữa người sử dụng dịch vụ và cán bộ thư viện còn nhiều vấn đề bất cập, nhiều thư viện chưa làm tốt việc khảo sát nhu cầu bạn đọc…

Từ đó, vấn đề cấp thiết được đặt ra hiện nay là cần phải thay đổi và phải nắm bắt được các cơ hội để thay đổi. Có thể điểm qua các cơ hội của ngành TT – TV trong bối cảnh khoa học – công nghệ có những tiến bộ vượt bậc, đó là:

+ Sự phát triển của kinh tế tri thức và khoa học công nghệ trong kỉ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo điều kiện nâng cao khả năng thu thập, lưu trữ, quản lý nguồn thông tin phong phú; tăng khả năng phổ biến và phát triển các loại hình dịch vụ TT – TV; nâng cao khả năng quản lý nghiệp vụ TT – TV.

+ Tạo cơ hội hội nhập ngành TT – TV với quốc tế, kết nối, chia sẻ dữ liệu hiệu quả thông qua công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ.

+ Đảng, Nhà nước và Chính phủ dành sự quan tâm cho sự phát triển của ngành TT – TV.

Vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước Sự chuyển biến của xã hội đòi hỏi sự vận động, chuyển mình của mọi lĩnh vực, không chỉ riêng ngành TT – TV. Cơ hội đã có nhưng đối với ngành TT – TV nói chung và dịch vụ TT – TV nói riêng vẫn còn những thử thách không nhỏ. Trước hết, đó là yêu cầu phải mở rộng loại hình, phát triển dịch vụ như thế nào để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng trong bối cảnh nhiều nơi lượng người tới thư viện giảm; khảo sát nhu cầu, xây dựng chiến lược Marketing, hướng tới “bán” dịch vụ như thế nào; cơ sở hạ tầng thư viện để đáp ứng dịch vụ còn nghèo nàn; nguồn kinh phí cho hoạt động thư viện còn hạn hẹp; nguồn nhân lực chưa đủ và còn thiếu chuyên nghiệp; nhận thức và hiểu biết của người dân về thư viện và dịch vụ TT – TV còn hạn chế.

Trong phần thảo luận, các ý kiến đóng góp của PGS.TS. Nguyễn Hữu Hùng và PGS.TS.NGƯT. Đoàn Phan Tân đã bổ sung các vấn đề về việc cần phải đi sâu vào khía cạnh quy trình, công nghệ của các dịch vụ TT – TV dưới tác động của công nghệ thông tin; khía cạnh kinh tế của dịch vụ TT – TV phải được nhìn nhận ra sao; tác động của dịch vụ TT – TV tới xã hội như thế nào và cần phải thay đổi chương trình đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu mới trong bối cảnh xã hội hiện đại.

Sau phiên trao đổi, thay mặt Ban tổ chức, PGS.TS. Trần Thị Minh Nguyệt đã tổng kết, đánh giá chung và khẳng định sự thành công của Hội thảo “Dịch vụ thông tin – thư viện trong xã hội hiện đại”.

Hội thảo là một tiếng chuông thức tỉnh, thổi một làn gió mới đối với nhận thức của ngành TT – TV trong quá trình tự thay đổi và hoàn thiện mình nhằm phát triển bền vững và hướng tới đáp ứng hiệu quả nhu cầu của người sử dụng dịch vụ.

Danh sách tham luận được trình bày tại Hội thảo:

  1. Phát triển dịch vụ TT -TV đáp ứng yêu cầu của người sử dụng trong xã hội hiện đại ở Việt Nam của TS. Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
  2. Vai trò của ứng dụng CNTT và tác động của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư tới sự phát triển của ngành TT – TV của ThS. Hoàng Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sinh viên Quốc tế, Đại học FPT.
  3. Đổi mới dịch vụ thư viện đại học phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao của TS. Nguyễn Huy Chương, Chủ tịch Liên chi hội Thư viện các trường Đại học phía Bắc.
  4. OCLC – Kết nối mạng thư viện toàn cầu – Hợp tác chia sẻ tài nguyên và các dịch vụ thư viện của ông Dương Đình Hòa, Giám đốc công ty IDT.
  5. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tác động của nó tới hoạt động TT – TV của ThS. Nguyễn Thị Minh Trung, Trưởng phòng Nghiệp vụ Thư viện, Viện Thông tin KHXH.
  6. Xu hướng phát triển dịch vụ TT – TV trong xã hội hiện đại của PGS. TS Trần Thị Minh Nguyệt, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
  7. Đánh giá dịch vụ TT – TV của TS. Trương Đại Lượng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Bài và ảnh: Văn phòng Tạp chí NCVH

Nguồn: https://huc.edu.vn/