Hội thảo khoa học “Cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế trang trại, gia trại”

Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Đào Hồng Lan, Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; TS Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam; lãnh đạo một số Sở, ngành của tỉnh; đại diện Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố cùng các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.
 
Những năm qua, mô hình kinh tế trang trại, gia trại trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ. Tính đến cuối năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 3.192 trang trại, gia trại. Nhiều trang trại, gia trại đã áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất như: chăn nuôi an toàn sinh học, trồng rau, hoa cao cấp trong nhà lưới; trồng trọt, chăn nuôi theo hướng VietGap… tạo việc làm cho 3.600 lao động, thu nhập bình quân đạt trên 3 triệu đồng/người/tháng; thu nhập bình quân của một trang trại đạt hơn 1,8 tỷ đồng/năm. Có thể nói, kinh tế trang trại, gia trại đã từng bước phát huy được lợi thế, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại vẫn còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, chưa phát huy được tiềm năng và thế mạnh như: Đất của các trang trại chủ yếu là đất thuê và nhận khoán nhưng vẫn chưa được thuê lâu dài nên các chủ trang trại chưa yên tâm đầu tư vốn và khó khăn trong vay vốn ngân hàng để phát triển; các trang trại còn thiếu vốn để đầu tư mua sắm máy móc, vật tư, con giống; một số chủ trang trại còn hạn chế về năng lực quản lý và trang thiết bị phục vụ sản xuất; việc bảo quản và chế biến sản phẩm sau thu hoạch còn lạc hậu, vì vậy, nhiều sản phẩm năng suất thấp, giá thành bấp bênh, chất lượng không ổn định, khả năng cạnh tranh yếu. Ngoài ra, hầu hết các gia trại đều có quy mô nhỏ, sản xuất manh mún, chưa có sự bao tiêu sản phẩm giữa các trang trại, gia trại, chưa tạo được những đầu mối lớn và tập trung trong tiêu thụ sản phẩm…
 
Tại Hội thảo, hầu hết các ý kiến tham luận đã tập trung đánh giá những cơ hội phát triển và đưa ra những đề xuất, giải pháp kinh tế trang trại, gia trại trong tình hình hiện nay. Trong đó, tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền cho nông dân về các thủ tục để được hưởng nguồn hỗ trợ của tỉnh, tăng mức hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp (vay vốn, mua máy móc, nhà xưởng, kho lạnh…); tập huấn chuyên sâu cho các chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân để nâng cao trình độ quản lý, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, truy xuất nguồn gốc; thành lập các câu lạc bộ trang trại, gia trại để hỗ trợ sản xuất, giải quyết đầu ra cho sản phẩm của các trang trại, hợp tác xã; tổ chức các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại tạo điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu…
 
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đào Hồng Lan đánh giá cao ý nghĩa của Hội thảo cũng như các tham luận, ý kiến tâm huyết của các đại biểu trong việc đánh giá thực chất sự phát triển kinh tế trang trại, gia trại hiện nay.
 
Nhấn mạnh việc phát triển kinh tế trang trại, gia trại là hướng đi đúng đắn, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống vật chất cho nông dân, Phó Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, sau hội thảo, Hội Nông dân và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp các ý kiến tham luận của đại biểu theo nhóm vấn đề, kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh có giải pháp đồng bộ để phát triển kinh tế trang trại, gia trại hiệu quả trong thời gian tới. Qua đó, từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các chủ trang trại, góp phần đưa nông nghiệp Bắc Ninh phát triển bền vững.