Hỏi đáp
Khoản 2 Điều 21 Luật BHXH năm 2014 quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHXH theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH. Nếu người sử dụng lao động có các hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN, chậm đóng tiền BHXH, BHTN, cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, thì người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2010 do Chính phủ ban hành.
Khoản 1 Điều 118 Luật BHXH 2014 quy định, người lao động có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Mặt khác, khoản 3 Điều 18 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc quy định: Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt HĐLĐ, HĐLV để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động.
Chính vì vậy, khi phát hiện công ty không đóng BHXH cho mình, Bạn có thể khiếu nại tới Ban Giám đốc Công ty, tổ chức công đoàn Công ty, trường hợp Công ty cố tình chây ỳ không nộp tiền Bạn có thể kiến nghị đến cơ quan BHXH nơi đơn vị Bạn tham gia đóng; Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trên địa bàn hoặc khởi kiện Công ty ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi Công ty có trụ sở để yêu cầu giải quyết.