Hội Sinh học – Công nghệ Sinh học TP. Hồ Chí Minh – Chặng đường 35 năm (11/1987 – 11/2022) – LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(LHH-TPHCM) Ngày 29/11/2022 tại Hội trường Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh (Liên hiệp Hội), Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Hội Sinh học – Công nghệ Sinh học TP.HCM (11/1987-11/2022) đã diễn ra với hơn 120 đại biểu tham dự.
Tham dự Lễ kỷ niệm có đại diện Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Về phía lãnh đạo Liên hiệp Hội có PGS.TS Nguyễn Thế Nghĩa, Phó Bí thư Đảng Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp Hội; ông Dương Nam, Tổng thư ký Liên hiệp Hội. Về phía Hội Sinh học – Công nghệ Sinh học có PGS. TS. Dương Hoa Xô, Chủ tịch Hội; Ban chấp hành và thành viên của Hội Sinh học – Công nghệ sinh học các nhiệm kỳ.
Hội Sinh học Thành phố Hồ Chí Minh (Nay là Hội Sinh học và Công nghệ Sinh học) được thành lập theo Quyết định số 236/QĐ-UBND ngày 24/11/1987 của Uỷ Ban Nhân dân Thành phố. Về hoạt động khoa học: Hội phát huy tiềm năng chất xám của hội viên để tham gia một số hoạt động nghiên cứu như các đề tài khoa học về Sinh học – công nghệ sinh học. Gắn bó chặt chẽ với hoạt động của các đơn vị như Trung tâm Công nghệ Sinh học TP. Hồ Chí Minh, Khu công nghệ cao, Khu nông nghiệp công nghệ cao Thành phố cũng như các Viện nghiên cứu, trường đại học liên quan đến lĩnh vực Sinh học – công nghệ sinh học. Khuyến khích và tạo điều kiện đưa các kết quả nghiên cứu của hội viên vào ứng dụng trong sản xuất và đời sống.
Hội mở rộng các hoạt động giao lưu hợp tác trong nước và quốc tế trong lĩnh vực Sinh học và công nghệ sinh học. Các nhà khoa học như PGS. TSKH Ngô Kế Sương, cố GS. TS. Phạm Văn Biên, GS. TS. Trần Linh Thước, cố PGS. TS. Phạm Thành Hổ là những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực sinh học ở Thành phố, là hạt nhân gắn kết và thúc đẩy các hoạt động của Hội ngày càng hiệu quả.
Tại Đại hội nhiệm kỳ VI (2015 -2020) vào ngày 21/11/2015, theo sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của ngành công nghệ sinh học của Việt Nam nói chung và Thành phố nói riêng, Đại hội đã thông qua Nghị quyết đổi tên thành Hội Sinh học và Công nghệ Sinh học Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện nay mục tiêu hoạt động của Hội, thứ nhất là tập hợp rộng rãi những cá nhân và tổ chức đang hoạt động trong lĩnh vực sinh học, công nghệ sinh học ở các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ… trên địa bàn thành phố nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phát huy năng lực, sáng tạo và cống hiến của đội ngũ các nhà khoa học cho thành phố và đất nước. Thứ hai là tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, kỹ thuật thực hành, công nghệ, sản phẩm, tham gia nghiên cứu triển khai, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội các vấn đề thuộc lĩnh vực sinh học và công nghệ sinh học.
Hội có nhiều hoạt động gắn với các cơ quan Hội thành viên, từ việc tham gia vào Ban tổ chức các Hội thảo khoa học, tham gia vào các hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố, mở rộng mối quan hệ hợp tác tư vấn cho các doanh nghiệp, kêu gọi các đơn vị sự nghiệp chưa có Hội viên trong Hội tham gia.
Nhiều thành viên BCH thường xuyên tham gia vào các Hội đồng Khoa học xét duyệt đề tài, các Hội đồng chấm luận án, thạc sĩ, tiến sĩ cũng như Giải thưởng Eureka cho sinh viên Đại học. Tham gia vào Ban chủ nhiệm các chương trình trọng điểm của Sở Khoa học Công nghệ Thành phố, của Bộ Nông nghiệp – PTNT và Bộ KHCN. Hội tổ chức định kỳ các báo cáo chuyên đề về khoa học như “Để Thành phố trở thành Trung tâm giống cây trồng của khu vực” được thực hiện bởi PGS.TS. Dương Hoa Xô – Chủ tịch Hội và chuyên đề “Phân biệt các loại nấm trùng thảo và một số kết quả nghiên cứu về nhóm nấm này” được thực hiện bởi TS. Đinh Minh Hiệp – Phó Chủ tịch Hội.
Ban Chấp hành nhiệm kỳ VII (2020 – 2025) của Hội gồm 41 thành viên, trong đó: PGS. TS. Dương Hoa Xô – Chủ tịch Hội, 3 Phó chủ tịch là: TS. Đinh Minh Hiệp, PGS.TS. Trần Bảo Hà, TS. Nguyễn Đăng Quân, Tổng thư ký Hội là Ths. Lâm Vỹ Nguyên . Đặc biệt Ban Chấp Hành Hội nhiệm kỳ mới 2020-2025 đã có nhiều thành viên mới trải khắp các Viện Trường, trình độ của thành viên BCH hầu hết là có học hàm, học vị GS, PGS và TS. Trụ sở của Hội được đăng ký tại Toà nhà Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tại số 224, Điện Biên Phủ, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
Với đặc điểm của Hội là nơi tập hợp các nhà khoa học, các nhà quản lý, các nhà doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sinh học và công nghệ sinh học, hoạt động của Hội gắn liền với hoạt động của một số thành viên là các cơ quan nghiên cứu, các trường Đại học trên địa bàn Thành phố. Tiêu biểu như Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, trường Đại học quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Tp.HCM Viện Sinh học Nhiệt đới, Trung tâm Công nghệ Sinh học, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao và nhiều đơn vị khác.
Cho đến tháng 11/2022 tổng số Hội viên của Hội là 393 Hội viên. Chỉ riêng trong năm 2022 đã kết nạp 137 hội viên với dối tượng mở rộng là các doanh nghiệp, các nhân tham gia hoạt động ttng lĩnh vực ứng dụng thành tựu công nghệ sinh học để chăm sóc sức khoẻ và làm đẹp. Hội có kênh thông tin trên mạng xã hội Facebook nhằm truyền tải thông tin chuyên môn và lịch sinh hoạt chuyên đề đến các đồng nghiệp trong lĩnh vực sinh học và công nghệ Sinh học. Tính tới tháng 11/2022, trang thông tin của Hội đã có hơn 2.300 người theo dõi.
Trải qua chặng đường 35 năm hình thành và phát triển Hội Sinh học và Công nghệ Sinh học Thành phố Hồ Chí Minh đã có sự phát triển ổn định và kết nối, tập hợp những cá nhân và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực sinh học – công nghệ sinh học từ đó có những đóng góp cụ thể thúc đẩy sự phát triển của ngành sinh học và công nghệ sinh học tại Tp. Hồ Chí Minh.
(Nguồn: Hội Sinh học và Công nghệ Sinh học Thành phố Hồ Chí Minh; Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức – Liên hiệp Hội).