Hỏi – đáp về một số điểm mới của Luật Doanh nghiệp năm 2020

 

Công ty TNHH Thương mại Mạnh Đức (Thành phố) cung cấp các mặt hàng cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Ảnh: Trần Hiền

 

Hỏi: Những điểm mới đáng chú ý của Luật Doanh nghiệp năm 2020?

Trả lời:

1.1 Bỏ quy định về thông báo mẫu dấu doanh nghiệp trước khi sử dụng

Luật Doanh nghiệp 2020 dành một điều luật riêng để quy định về con dấu của doanh nghiệp. Theo quy định mới, ngoài con dấu khắc thì bổ sung thêm hình thức con dấu bằng chữ ký số. Cụ thể khoản 1, Điều 43 quy định: “Dấu bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử”. Quy định mới này giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc thực hiện các giao dịch điện tử. Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp 2020 đã bãi bỏ quy định phải thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh trước khi sử dụng.

1.2 Về quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp

Khoản 2, Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm đối tượng công nhân, công an và pháp nhân thương mại đang bị cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực vào nhóm đối tượng không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp. Khoản 3, Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm nhóm đối tượng không được góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp là các đối tượng bị cấm theo Luật Phòng chống tham nhũng.

1.3. Rút ngắn thời gian báo trước khi tạm ngừng kinh doanh từ 2021

Khoản 1, Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 3 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo”. Như vậy, Luật đã rút ngắn thời hạn thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh từ 15 ngày xuống còn 3 ngày, trước ngày tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh.

1.4. Bổ sung hồ sơ đăng ký công ty TNHH, công ty CP

So với Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2020 yêu cầu hồ sơ đăng ký công ty TNHH (Điều 21), công ty CP (Điều 22) phải có bản sao giấy tờ pháp lý của người đại diện theo pháp luật, tương tự như thành viên công ty TNHH và cổ đông sáng lập công ty CP.

1.5. Quy định loại trừ trường hợp giải thể do bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Điểm d, khoản 1, Điều 207, Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Doanh nghiệp bị giải thể trong trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.”

Quy định này bảo đảm tính đồng bộ với quy định của Luật Quản lý thuế.

1.6. Thay đổi khái niệm doanh nghiệp Nhà nước

Khoản 11, Điều 4, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định lại doanh nghiệp Nhà nước là doanh nghiệp mà Nhà nước chiếm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Trong khi đó quy định cũ của Luật Doanh nghiệp 2014 quy định doanh nghiệp Nhà nước là doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Như vậy khái niệm doanh nghiệp Nhà nước đã được mở rộng hơn so với trước đây và có thể bao gồm cả các Công ty cổ phần.

Ngoài ra còn có một số nội dung khác như: Sửa đổi quy định xử lý phần vốn góp trong một số trường hợp đặc biệt (Điều 53); sửa quy định về quyền của cổ đông phổ thông (Điều 115); Doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh (Điều 205); bỏ quy định “Báo cáo thay đổi thông tin của người quản lý doanh nghiệp”; bổ sung thêm nghĩa vụ của cổ đông, trách nhiệm của người quản lý công ty cổ phần; thêm trường hợp chấm dứt tư cách thành viên hợp danh; bổ sung quy định “thực hiện quyền của chủ doanh nghiệp tư nhân trong một số trường hợp đặc biệt”…

Hỏi: Luật Doanh nghiệp năm 2020 nghiêm cấm những hành vi nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 16 Luật Doanh nghiệp năm 2020, các hành vi bị cấm bao gồm:

1. Cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, yêu cầu người thành lập doanh nghiệp nộp thêm giấy tờ khác trái với quy định của Luật này; gây chậm trễ, phiền hà, cản trở, sách nhiễu người thành lập doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

2. Ngăn cản chủ sở hữu, thành viên, cổ đông của doanh nghiệp thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

3. Hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký hoặc tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp đang bị tạm dừng hoạt động kinh doanh.

4. Kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và nội dung hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.

5. Kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị.

6. Kinh doanh các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; kinh doanh ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật hoặc không bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh trong quá trình hoạt động.

7. Lừa đảo, rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Hùng Cường (Sở Tư pháp)