Học trường nào để khi tốt nghiệp dễ xin việc, lương cao?
Thêm nhiều trường công bố phương án tuyển sinh
Trong phương án tuyển sinh của các trường năm nay, các ngành mới cùng với phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT đang thu hút sự quan tâm của thí sinh.
Theo đề án tuyển sinh của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, năm 2022, trường tuyển 1.550 chỉ tiêu và dành 70% cho phương thức xét tuyển thẳng, xét kết quả thi tốt nghiệp (tăng 25% so với năm 2021).
Trường áp dụng 4 phương thức tuyển sinh, gồm: xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GDĐT, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả học tập, xét tuyển kết hợp điểm thi năng khiếu và học bạ.
Thí sính nghe tư vấn hướng nghiệp tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2022.
Tại Trường Đại học Luật Hà Nội, ông Nguyễn Triều Dương, Phó trưởng phòng Đào tạo đại học, Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, năm nay, trường dự kiến tuyển 2.265 chỉ tiêu tăng 265 chỉ tiêu so với năm ngoái. Trong đó 100 chỉ tiêu dành cho hệ đào tạo liên kết với Đại học Arizona, Hoa Kỳ và 165 chỉ tiêu cho phân hiệu tại Đắk Lắk.
Theo ông Dương, với 2.000 chỉ tiêu tại cơ sở chính, trường dành 49% cho xét kết quả thi THPT, 49% cho xét kết quả học bạ và 2% dùng để xét tuyển học sinh giỏi, xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GDĐT.
Với thí sinh mắc Covid-19 không thể tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT, được đặc cách xét tốt nghiệp, ông Dương cho biết, các em vẫn có cơ hội để trúng tuyển vào trường nếu có nguyện vọng.
Bên cạnh những chuyên ngành truyền thống, năm 2022 là năm đầu tiên Trường Đại học Luật Hà Nội mở thêm 3 chuyên ngành: Luật Kinh tế chất lượng cao, Sở hữu trí tuệ và Pháp luật thi hành án. Trường dự kiến dành 50 chỉ tiêu cho mỗi chuyên ngành mới và tuyển sinh theo hai phương thức chính: tuyển thẳng và xét tuyển theo đề án riêng.
Năm nay, Trường Đại học Hòa Bình xét tuyển theo 5 phương thức tuyển sinh: Sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT; sử dụng kết quả học bạ THPT; sử dụng kết quả học bạ THPT kết hợp kiểm tra đánh giá năng lực do trường tổ chức cho các ngành thuộc khối ngành sức khỏe; sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của các trường đại học; tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GDĐT.
Ông Dương Văn Bá, Trưởng phòng Quản lý sinh viên, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, Trường Đại học Hòa Bình cho biết: “Mùa tuyển sinh năm 2022, trường dự kiến tuyển hơn 1.200 chỉ tiêu cho 18 ngành đào tạo. Năm nay, trường không mở ngành đào tạo mới. Để tạo cơ hội cho thí sinh, nhà trường dành phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh bằng phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT và kết quả học bạ”.
Thí sinh nên lượng sức
Trước phương án tuyển sinh của hàng trăm trường đại học cùng với 20 phương thức xét tuyển, thí sinh, phụ huynh đang loay hoay không biết lựa chọn thế nào cho phù hợp năng lực.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) cho biết, theo quy định, Bộ GDĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo và thí sinh phải nhập dữ liệu lên hệ thống chung để chạy “lọc ảo”. Quá trình chạy “lọc ảo” sẽ chỉ cho phép mỗi thí sinh (theo mã định danh cá nhân) chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng được xếp ưu tiên cao nhất.
Vì thế dù thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển 5 – 10 ngành/trường thì cũng sẽ chỉ được trúng tuyển vào 1 nơi. Bà Thủy cho hay, để đảm bảo thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng mình yêu thích nhất, phù hợp nhất thì các em cần cân nhắc đặt lên trước các nguyện vọng đó theo thứ tự từ 1 đến hết.
Theo chuyên gia, dù học ngành nào, trường nào, quan trọng nhất là các em làm được việc thì sẽ không lo thất nghiệp. Ảnh chụp sinh viên Trường Đại học Hòa Bình.
Tương tự như các mùa tuyển sinh trước, nhiều thí sinh đang có tâm lý lựa chọn ngành hot, trường hot để ra trường dễ xin việc, lương cao. Để tránh tình trạng thí sinh 30 điểm vẫn trượt đại học, ông Dương Văn Bá khuyến cáo, thí sinh nên lựa sức mình, ưu tiên lựa chọn ngành học mà mình yêu thích thay vì chạy theo ngành hot, trường hot.
Thời gian 10 năm công tác ở Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ GDĐT), nay về đảm nhiệm công tác hướng nghiệp của Trường Đại học Hòa Bình, ông Bá cho hay, ông luôn khuyên thí sinh rằng, dù học ngành nào, trường nào, quan trọng nhất là các em học để biết và làm được việc thì sẽ không lo thất nghiệp khi ra trường.
Hiện nay, các doanh nghiệp tuyển sinh luôn ưu tiên ứng viên có kinh nghiệm làm việc. Nắm bắt yêu cầu này, ông Bá cho biết, trường xây dựng chương trình đào tạo 60% lý thuyết và 40% thực thành tại doanh nghiệp để sinh viên đủ thời gian tiếp cận công việc.
Trong bối cảnh các trường đại học “trăm hoa đua nở” như hiện nay, ông Bá đưa ra lời khuyên với các thí sinh: “Sinh viên không chỉ học mà cần 3 điều phải đạt được là vừa học, vừa tham gia rèn luyện, vừa phải đi làm. Đi làm ở đây không phải là kiếm ra tiền mà là đi học từ thực tế. Vì thế, tôi mong thí sinh lựa chọn các trường đào tạo các em làm được việc. Tức là chương trình đào tạo đó phải gắn với kỹ năng nghề chứ chỉ đào tạo lý thuyết thì sẽ khó khăn tìm việc khi các em ra trường”.