Học tiếng đồng bào để nói đồng bào hiểu, làm đồng bào tin
Từ chuyện bất đồng ngôn ngữ…
Anh Đặng Phúc Trường vẫn còn nhớ như in ngày đầu mới nhận công tác tại UBND xã Trung Sơn (huyện Yên Sơn), anh được giao nhiệm vụ phụ trách thôn Bản Giáng. Bản có 43 hộ sinh sống biệt lập trên núi cao. Bà con nơi đây chủ yếu giao tiếp với nhau bằng tiếng Nùng. Một số người già không biết nói tiếng Kinh nên việc giao tiếp với bà con còn khó khăn chứ chưa nói đến việc tiếp thu tuyên truyền, vận động. Bây giờ anh Trường đã có thể giao tiếp, trả lời tất cả những ý kiến băn khoăn của bà con liên quan đến bảo vệ rừng bằng tiếng Nùng một cách lưu loát, trôi chảy.
Anh nhớ lại chuyện vui khi có lần lên bản, cụ già người Nùng tỏ ý muốn theo anh đi cùng xuống chợ, nhưng anh không hiểu tiếng nên chỉ cười cười rồi cứ thế đi về. Lúc sau thấy cụ đi bộ theo xuống đến tận dưới chân núi rồi ra hiệu xin ngồi nhờ xe máy. Anh chở cụ đi lòng vòng mà không hiểu cụ muốn đi đâu. Mãi sau nhờ người khác phiên dịch nên anh mới đưa cụ đến đúng chỗ cụ cần.
Rồi có lần ở lại ăn cơm cùng bà con, mấy cô gái trẻ cứ “Khỉn hơi nào!” (uống cạn nhé!), mình không hiểu gì cứ gật, thế là hôm đó say rượu bí tỉ với mấy cô.
Sau mấy lần gặp phải tình huống “dở khóc, dở cười” do không biết tiếng của đồng bào, anh cán bộ trẻ quyết tâm cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” để cùng nói tiếng Nùng với bà con.
Còn anh Phù Đức Lâm, Chủ tịch UBND xã Hồng Quang (Lâm Bình) cũng nhớ mãi về sự cố “lệch sóng”. Anh kể lại, ngày mới đi công tác còn vụng về lắm. Đến nhà người Tày ăn cơm, giữa bữa cơm, chị chủ nhà ngại ngần nói “Khẩu pết nó” (cơm chạm đáy nồi- nghĩa là hết cơm rồi) thế nhưng anh cán bộ trẻ không hiểu cứ ngồi đợi xới cơm…
Rồi có lần đi tuyên truyền vận động bà con người Dao phát triển kinh tế rừng, mấy cụ già cứ thắc mắc về việc giao đất rừng, anh giải thích cặn kẽ bằng tiếng phổ thông nhưng các cụ lại không hiểu. Vậy là đành phải tìm người trong làng phiên dịch hộ! Qua những “sự cố” như vậy, việc học tiếng Dao, tiếng Tày và cả tiếng Mông của anh cán bộ Phù Đức Lâm cứ thôi thúc như một lẽ tự nhiên. Nay, anh đã có thể nghe và nói được 4,5 thứ tiếng dân tộc.
…đến bí quyết học tiếng của đồng bào
Tỉnh Tuyên Quang có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống , mỗi dân tộc đều có tiếng nói riêng. Cán bộ tại thôn bản và xã là những người thường xuyên tiếp xúc với người dân để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động. Do đó, việc cán bộ học tiếng của đồng bào để trở thành người biết tiếng DTTS là cách làm hiệu quả để thực hiện tốt công tác dân vận. Hành trình học tiếng của đồng bào có bao điều thú vị với những bí quyết riêng của mỗi người.
Đồng chí Cháng A Đềnh, Bí thư Chi bộ thôn Tiên Tốc, xã Bình An (Lâm Bình) hướng dẫn hộ người Dao cách nuôi trâu vỗ béo
Chị Nguyễn Thị Mỵ, Trạm Trưởng Trạm Y tế xã Hùng Lợi (huyện Yên Sơn) là người Kinh nhưng nói thành thạo tiếng của dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng. Chị là cán bộ y tế thường xuyên giao tiếp khám bệnh với bà con, trong đó đa số đồng bào Mông không biết nói tiếng Kinh. Vậy là chị phải tìm mọi cách khai thác hết biểu hiện bệnh tình để chẩn đoán chính xác. Khi được hỏi bí quyết, chị dí dởm kể, ngày đầu công tác khi khám bệnh chị phải dùng động tác, hành động. Ví như muốn người bệnh co chân lên thì chị cũng co chân, bà con hiểu ý rồi phát âm cho chị nghe: “Chỉa à tư” (co đầu gối); khi bảo nằm lên giường để khám là mình cũng phải lên nằm trước, bệnh nhân lại nói “Pư khừ trư” (nằm úp sấp lên giường)… Dần dà như thế chị học theo và buộc phải nhớ vào đầu để thuận lợi cho việc khám người bệnh tiếp theo.
Còn đối với anh cán bộ người Kinh Vũ Văn Nam thì bí quyết nói thành thạo tiếng Mông đó là thực hiện 3 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” để cùng học nói tiếng của bà con. Anh Nam chia sẻ, lợi thế của anh là người địa phương, dù không sống gần đồng bào Mông nhưng trước đây với vai trò là Trưởng Công an xã Yên Lâm, anh luôn tận dụng mọi điều kiện để xuống cơ sở, gần gũi chuyện trò, làm việc, ăn cơm cùng đồng bào.
Anh Nam nói: “Mình phải biết tiếng của đồng bào thì đồng bào mới tin tưởng và chia sẻ với mình được. Chính những người dân cũng là người thầy của mình, họ dạy cho mình tiếng Mông. Điều quan trọng là mình phải chủ động học hỏi, khi mình ăn cơm, uống nước đều hỏi bà con cách nói, phát âm như thế nào. Nói đi nói lại mình sai ở đâu thì bà con sửa ở đó”. “Mưa dầm thấm lâu”, nói đi nói lại là sẽ thạo ngay thôi”.
Câu chuyện về người Kinh, Tày, Dao nói tiếng Mông thì nhiều, nhưng cán bộ người Mông chủ động học tiếng Dao, Tày… để tuyên truyền thì ít lắm. Đồng chí Cháng A Đềnh, Bí thư Chi bộ thôn Tiên Tốc, xã Bình An (Lâm Bình) đã chủ động học tiếng Dao để tuyên truyền cho bà con người Dao phát triển kinh tế.
Thôn Tiên Tốc có 60 hộ người Mông và 15 hộ dân tộc Dao. Bà con người Dao chuyển cư từ thôn Tân Hòa sang nơi ở mới, cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả. Nhiều năm qua, Bí thư Chi bộ luôn quan tâm, tuyên truyền vận động bà con phát triển kinh tế. Ông La Văn Tịnh chia sẻ: “Trước đây, nhà mình chỉ biết trồng sắn, trồng ngô, thả rông trâu, bò nay đã biết trồng mía, chăn nuôi trâu thịt theo phương pháp an toàn sinh học và nuôi vỗ béo. Từ kinh nghiệm chăn nuôi trâu của người Mông, cán bộ A Đềnh đã nhiệt tình hướng dẫn tỉ mỉ quy trình chăm sóc trâu. Anh vừa nói bằng cả tiếng phổ thông và tiếng Dao nên các hộ dân đều nghe theo và thực hiện.
Hiện nay, tổng đàn trâu của cả thôn giờ đã lên tới 167 con, trong đó 15 hộ người Dao có 45 con. Cuộc sống người Dao ngày càng khấm khá, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo từ nuôi trâu như hộ Đặng Phúc Thọ, Bàn Tiến Chu…
Trưởng thôn Bản Giáng Thèn Văn Hiển cho biết, xã Trung Sơn (huyện Yên Sơn) trước đây có nhiều “lâm tặc” lắm, nhưng được các cán bộ tuyên truyền, trong đó có cán bộ Đặng Phúc Trường nhiều năm “cắm bản” nên tình trạng phá rừng nay không còn nữa.
Còn đó rất nhiều câu chuyện gian nan mà thú vị cũng như “quả ngọt” gặt hái được trên hành trình học tiếng đồng bào của cán bộ cơ sở. Với sự linh hoạt, khéo léo nhiều cán bộ miền núi đã tạo được niềm tin, đạt hiệu quả trong công tác tuyên truyền vận động. Điều đặc biệt là họ đã trở thành những người con yêu quý của các bản làng người đồng bào thiểu số nơi đây.