Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống Nhân dân – VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Thứ sáu – 07/08/2020 16:23

Hồ Chí Minh quan niệm về Nhân dân là phạm trù cao quý nhất, một phạm trù chính trị chủ đạo trong học thuyết cách mạng của Người. “Trong bầu trời không có gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”. Đó là một minh chứng điển hình về niềm tin vào sức mạnh của Nhân dân. Dân khí mạnh thì binh lính nào, súng ống nào cũng không địch nổi. Người từng nói với cán bộ: “Nếu lãnh đạo khéo thì việc gì khó khăn mấy và to lớn mấy, Nhân dân cũng làm được”.
Phải không ngừng học dân: “Nhân dân ta rất cần cù, thông minh và khéo léo. Trong sản xuất và sinh hoạt, họ có rất nhiều kinh nghiệm quý báu”, do vậy cán bộ ta “ cần tham gia tổng kết những kinh nghiệm quý báu ấy”.

          Hồ Chí Minh đã không chỉ cống hiến trọn cuộc đời mình cho độc lập dân tộc và tự do, ấm no và hạnh phúc của Nhân dân Việt Nam mà còn góp sức mình vào sự nghiệp giải phóng nhân loại bị áp bức, bất công trên toàn thế giới. Người từng nói rằng: “Ở đời và làm người phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức”.

 

        I. TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH VỀ CHĂM LO ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN:

  1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống Nhân dân

Tư tưởng Hồ Chí Minh là vì con người, do con người, trước hết là vì dân và do dân. Người nói rằng “tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Từ lúc còn là người thiếu niên mười lăm tuổi, Hồ Chí Minh đã sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào. Người quyết tâm đi ra nước ngoài tìm đường cứu nước, cứu dân.

Cách mạng Tháng Tám thành công, một ngày sau Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách giải quyết những vấn đề về đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Người nhấn mạnh “muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó khăn đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ đến đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mù chữ cho dân. Nói tóm lại hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý”.

Sau khi đã giành được độc lập rồi thì vấn đề kiến quốc là hết sức quan trọng. Bởi vì, “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Với nhận thức đó, cùng với chỉ đạo kháng chiến, Hồ Chí Minh tập trung vào nhiệm vụ kiến quốc. Kháng chiến và kiến quốc gắn bó chặt chẽ với nhau. Muốn kháng chiến thành công thì phải có sức dân, lòng dân. Muốn có sức dân, lòng dân thì phải chăm lo đời sống của dân. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Chúng ta phải thực hiện ngay: 1. Làm cho dân có ăn; 2. Làm cho dân có mặc; 3. Làm cho dân có chỗ ở; 4. Làm cho dân có học hành. Cái mục đích chúng ta đi đến là bốn điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập”.

Trước lúc đi xa, Hồ Chí Minh vẫn quan tâm “đầu tiên là công việc đối với con người”. Người dặn trong Di chúc “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

       2. Đạo đức Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống Nhân dân

Đạo đức Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống Nhân dân: Hồ Chí Minh quan tâm hàng đầu, một cách rất nhất quán về đạo đức. Người để lại cho chúng ta nhiều phẩm chất đạo đức quý báu, cao nhất, cốt lõi là chí công vô tư, tức là nêu cao chủ nghĩa tập thể, trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân. Điểm xuất phát tiến đến chí công vô tư là “lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào”, làm cán bộ, đảng viên là phải “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”.

Đạo đức Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống Nhân dân thể hiện rất rõ ở quan điểm khi Người nói về một trong những điều tóm tắt, thì đạo đức cách mạng là: “Đặt lợi ích của Đảng và của Nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân. Hồ Chí Minh quan niệm phẩm chất cao đẹp nhất của người cách mạng là “yêu nước, thương dân”, thương nhân loại bị áp bức, bóc lột, lấy điều đó là động cơ để làm cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”. Theo Hồ Chí Minh, người cách mạng phải đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, để hết lòng hết sức đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội, Ngoài lợi ích của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động, Đảng ta không có lợi ích gì khác. Theo Hồ Chí Minh, phận sự của đảng viên và cán bộ là phải tổ chức Nhân dân, lãnh đạo Nhân dân để giải phóng Nhân dân và nâng cao sinh hoạt, đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa cho Nhân dân. Chăm lo đời sống nhân dân là sứ mệnh của Đảng ngay từ khi ra đời. “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”.

Đạo đức là một nét đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, thể hiện rõ nhất về đạo đức chăm lo đời sống Nhân dân là trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho Nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc. Mục tiêu của chủ nghĩa xã hội là giải phóng Nhân dân lao động khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Nêu câu hỏi mục đích của chủ nghĩa xã hội là gì?, Hồ Chí Minh trả lời: “Nói một cách giản đơn và dễ hiểu là: Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, trước hết là Nhân dân lao động”. Từ mục tiêu tổng quát, Hồ Chí Minh diễn đạt thành những tiêu chí cụ thể: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho Nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ. Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”.

Cả cuộc đời mình, Hồ Chí Minh không chỉ ra vào chốn tù tội, xông pha hiểm nghèo, ẩn nấp nơi núi non vì mục đích phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của Nhân dân, mà Người còn lo toan đến tương, cà, mắm, muối cho dân. Hồ Chí Minh dạy cán bộ, đảng viên tu dưỡng đạo đức không chỉ ở những việc lớn, mà phải quan tâm đến cuộc sống hằng ngày của Nhân dân, từ cái ăn, cái mặc, đi lại, học hành, chữa bệnh. Phải biết tiết kiệm từng đồng tiền, hạt gạo của dân. Người cho rằng khi đất nước còn khó khăn, nhân dân còn thiếu thốn thì Chủ tịch nước mặc áo vá là có phúc cho dân tộc. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đất nước phải trải qua nạn đói khủng khiếp, Hồ Chí Minh chủ trương tăng gia sản xuất, mỗi người mười ngày nhịn ăn một bữa để góp gạo cứu đói và Người cũng đổ lon gạo của mình vào hũ tiết kiệm như mọi người dân.

Trăn trở về đời sống Nhân dân, trong Di chúc, Người không quên nhắc nhở Đảng, Nhà nước “chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của Nhân dân”.

      3. Phong cách Hồ Chí Minh chăm lo đời sng cho Nhân dân

Theo Người, Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải gần gũi Nhân dân, quan tâm đến những việc nhỏ cho đời sống hằng ngày của Nhân dân. “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của Nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi. Vì vậy, cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân. Phải lãnh đạo, tổ chức, giáo dục nhân dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Dân đủ ăn đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được”.

Hồ Chí Minh luôn luôn gương mẫu, thực hiện nói đi đôi với làm, “gần dân” thì phải tăng cường tiếp xúc với dân. Khi đi thăm dân, Người không muốn tiệc tùng tốn kém theo kiểu “khách ba, chủ nhà bảy” để mang tiếng với dân, Người cũng phê bình việc liên hoan chè chén, lu bù còn phổ biến ở nhiều địa phương, như bắt đầu cấy cũng liên hoan, cấy xong cũng liên hoan, rồi huyện về điều tra cũng liên hoan, tiễn cán bộ huyện đi cũng liên hoan, cải tiến cũng liên hoan, nghe nói họp bàn về tiết kiệm cũng liên hoan mấy con lợn… Bác thường kể câu chuyện “có nơi Bác về thăm, cán bộ làm thịt cả một con bò và bảo rằng “để chiêu đãi Hồ Chủ tịch”; thế là họ “ăn” cả Hồ Chủ tịch. Phải tích cực sửa chữa”.

Sau hơn 30 năm đổi mới, nhiều vấn đề nhức nhối như “ăn không thiếu một cái gì của dân” chúng ta đang chứng kiến hiện nay, đã được Hồ Chí Minh chỉ ra một cách cụ thể từ những năm năm mươi của thế kỷ trước. Nói chuyện tại hội nghị sản xuất cứu đói, Người chỉ rõ: “Khi thiếu gạo, cán bộ không biết tổ chức sản xuất tự cứu, không biết tổ chức nhân dân giúp đỡ nhau. Không biết tổ chức trưng vay. Khi nhận được gạo, lại còn cấp phát tràn lan, chậm chạp, gạo đến người đói chậm, người không đói cũng nhận được gạo. Quá tệ hơn nữa là gạo của Chính phủ giúp dân, chừng một nửa đến tay dân đói, còn một nửa bị tham ô, lãng phí”. Theo Hồ Chí Minh, tham nhũng là tội ác với dân, cần nghiêm trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể chúng là ai, ở cương vị nào.

  1. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP XÂY DỰNG Ý THỨC CHĂM LO ĐỜI SỐNG CÁN BỘ TRONG ĐƠN VỊ:

Buổi sinh hoạt Chuyên đề của Chi bộ 5- Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân TP. Cần Thơ

  • Xây dựng đội ngũ đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm cao trong công việc, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật và năng lực hoàn thành nhiệm vụ, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng.

  • Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân; có kế hoạch thường xuyên tìm hiểu tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên để có chủ trương, biện pháp xử lý đúng đắn, kịp thời.

  • Củng cố vững chắc niềm tin của cán bộ, đảng viên, tăng cường đoàn kết nội bộ; tập hợp, vận động cán bộ, đảng viên thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

  • Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân. Giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, những kiến nghị chính đáng của Nhân dân và khiếu nại, tố cáo của công dân.

  • Thực thiện chính sách an sinh xã hội chăm lo đời sống, và chăm sóc sức khoẻ của cán bộ, đảng viên.

  • Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng là cán bộ, đảng viên tại đơn vị và trong chi bộ có hoàn cảnh khó khăn.

       Một số nhiệm vụ, giải pháp của Chi bộ:
       1. Nhiệm vụ:

  •  Quán triệt đầy đủ tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước, về “lấy dân làm gốc”; xây dựng chương trình, kế hoạch,  xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ của Nhân dân, chăm lo đời sống cán bộ, đảng viên trong chi bộ, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

  • Tập trung chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho đảng viên thực hiện tốt Quy chế.

         a. Đối với cấp ủy chi bộ:

  • Nói đi đôi với làm, tạo uy tín tốt nhất, làm gương để cán bộ, đảng viên noi theo; tiền phong, gương mẫu, có trách nhiệm và chịu trách nhiệm cao nhất.

  • Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, của quốc gia – dân tộc và mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng. Không làm bất cứ việc gì có hại cho Đảng, cho đất nước và nhân dân. Lấy ấm no, hạnh phúc và sự hài lòng của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

  • Tích cực tham mưu cho Đảng ủy giải quyết dứt điểm các vấn đề phức tạp, bức xúc, tồn đọng kéo dài.

  • Nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của Nhân dân.

       b. Đối với đảng viên trong Chi bộ:

  • Đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm cao trong công việc, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật và năng lực hoàn thành nhiệm vụ, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng.

  • Tăng cường đoàn kết nội bộ; tập hợp, vận động cán bộ, đảng viên thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

  • Nêu cao tinh thần phê và tự phê của đảng viên trong chi bộ nhằm mục đích xây dựng Chi bộ.

       2. Giải pháp cụ thể:

Một là, nâng cao nhận thức; đồng thời, cụ thể hóa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung, về chăm lo đời sống Nhân dân nói riêng với nhiệm vụ chính trị của Chi bộ. Đưa nội dung này vào chương trình, kế hoạch cụ thể của chi bộ và cá nhân hằng năm, hằng quý, nhất là gắn với nhiệm vụ chuyên môn, đảm bảo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của cấp ủy Chi bộ và mỗi đảng viên trong Chi bộ.

Hai là, gắn thực hiện nội dung chăm lo đời sống Nhân dân với việc tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, cấp bách tại cơ quan, đơn vị; với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng và các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước nhằm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2020, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

 Ba là, quan tâm đến đời sống và  nắm bắt được yêu cầu của đảng viên trong Chi bộ. Để từ đó có kế hoạch về chính sách an sinh xã hội cho đảng viên tại Chi bộ được chăm lo tốt hơn.

 Bốn là, đi đôi với việc lựa chọn, xây dựng những cá nhân, tập thể điển hình, những cách làm hay trong học tập và làm theo Bác về sự tận tâm, tận lực phục vụ Nhân dân, chăm lo đời sống Nhân dân; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và có hình thức kỷ luật nghiêm những cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ, gây bức xúc, phiền hà, nhũng nhiễu,v.v.. cho Nhân dân, làm xói mòn lòng tin của Nhân dân đối với Đảng./.